Kỷ Niệm Học Trò
Sử cùng các bạn NTH Nhatrang
đốt nén tâm hương vô cùng thương tiếc
Nguyễn thi Hữu Lễ đã nghìn Thu vĩnh biệt
Mỗi lần vào “ www.nhatrangvienxu.com” cái click đầu tiên là tôi ghé thăm “ Tin Tức”. Trước đây vào để xem có ai tìm mình hay có ai tìm ai, nhưng mấy tháng nay tôi vào để đọc giòng phân ưu “ Vô cùng thương xót cựu nữ sinh Nguyễn thị Hữu Lễ (12A/ NTH72) đã tạ thế ngày 27/5/2008 tại VN". Mẫu tin này tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng mỗi lần đọc là tôi thấy bồi hồi, hình ảnh người bạn xưa hiện về, kỷ niện xưa kéo tới.
Nhatrang ban đầu chỉ có mỗi trường Võ Tánh là trường công, nam-nữ học chung, về sau vì số nữ sinh thi vào Đệ Thất (lớp 6) càng đông nên Nữ Trung Học Nhatrang được ra đời. Có lúc chúng tôi thầm trách Ban Giám Hiệu sao không xin cho chúng tôi một cái tên trường để được gọi cho có khí thế một chút, cho các nhà văn, nhà thơ dể đề thơ làm nhạc. Người ta có Trương Vương, Gia Long, Đồng Khánh, Bùi thị Xuân, còn trường chúng tôi là “ NỮ TRUNG HỌC NHATRANG ”.Dĩ nhiên trường toàn nữ sinh là trường Nữ, có gì là đặc biệt? giống như sanh con gái làm khai sanh tên Gái, đó đâu phải là tên? Sau này đàng em được có tên trường là Huyền Trân, nghe dịu dàng làm sao. Nhưng rồi cả một đời học trò cùng Thầy Cô, bạn bè dưới mái trường thân yêu ấy, chúng tôi lớn lên với bao kỷ niệm đong đầy theo năm tháng, do đó mỗi khi nghe “ NỮ TRUNG HỌC NHATRANG ”là chúng tôi đã thấy thân thương, trìu mến, đã thấy hãnh diện có bà Hiệu Trưởng dáng mãnh mai nhưng mang một nét đẹp sang trọng qúy phái, hãnh diện có Thầy Cô giỏi và hãnh diện mình là học sinh trường NỮ TRUNG HỌC NHATRANG.
Cái tuổi lớp Đệ Nhi, Đệ Nhất (lớp 11, lớp 12) là tuổi mơ mộng nhưng đầy cao ngạo. Mơ mộng về một tương lai huy hoàng, cao ngạo vì cứ nghĩ sau khi đậu được Tú Tài là với tay cầm chắc cái huy hoàng ấy. Đúng là “ngựa con háo thắng”.
Lên Đệ Tam (lớp 10) chúng tôi bắt đầu chọn Ban. Có 3 Ban, A, B, C.
Ban A thì Vạn Vật, Lý, Hóa là chính, tập trung toàn dân gạo bài, rất thực tế và giản dị. Dĩ nhiên rồi trời sinh con người có 2 lá phổi, thì đúng là 2 lá, trái tim nằm bên trái, tim đập là sống, tim ngừng đập là mình chết, thực tế là vậy.
Ban B thì Toán là chính, dân ban B thì dứt khoát, cẩn thận, lý luận sắc bén. Không dứt khoát sao được vì đường thẳng song-song dứt khoát là không đồng quy. Và phải cẩn thận vì lỡ trật một dấu là trật đường rầy ngay. Ông bà xưa có câu “sai một con Tán (con Toán) bán một con trâu hay sao? Ngoài ra dân ban B có một chút ta đây vì con gái ban B toàn là con gái thông minh, ha, ha, thiên hạ nể mặt lắm. Cũng vì muốn các đấng nam nhi nhà tôi nể mặt nên Đệ Tam, Đệ Nhị ( 10,11) tôi chọn ban B, đậu được Tú Tài Bán hay còn gọi là Tú Tài phần I tôi vội nhảy qua ban A cho thoải mái cái đầu. Ai có hỏi “bộ sợ Toán lớp 12 rồi hả” thì mạnh dạn nói “sợ gì mà sợ, tại tôi yêu Vạn Vật”, nhưng thật ra….nói nhỏ các bạn nghe tôi sợ Toán lớp 12 thiệt.
Còn ban C là ban Văn Chương do đó tập trung toàn dân mơ mộng, giỏi Văn, giỏi Thi-Phú, “ghét” Toán, Lý, Hóa, ghét gạo bài Vạn Vật. Tôi nói các bạn “ghét” chứ không phải nói “thiếu một chút năng khiếu” đâu nhé do đó vô ban này cho thảnh thơi đời học trò. Mà hình như cá tính chúng tôi cũng phù hợp với Ban mình chọn, tôi nói như vậy là muốn đề cặp đến một người bạn là Nguyễn thị Hữu Lễ. Tôi cùng học với Hữu Lễ năm lớp 12A, chúng tôi có chiều cao hơi khiêm nhường một chút nên Hữu Lễ được ngồi bàn đầu với Khánh, Thu Ba cùng một số bạn khác. Còn tôi không cao hơn bao nhiêu nhưng nhờ có đôi guốc nên ngồi bàn thứ hai. Thời đó bắt đầu thịnh hành hàng tơ-lụa, hầu hết chúng tôi đứa nào cũng có vài chiếc áo dài tơ mềm mại với những bông hoa ẩn, sáng lên trong nắng, thì Hữu Lễ rất đơn giản, thích mặc hàng “NinFang” cái mặt hàng hơi dầy đó các bạn nhớ ra chưa?. Chúng tôi đa số mang những đôi guốc hơi cao-cao cho dáng đi nhẹ nhàng một chút thì Hữu Lễ thích mang sandal. Tôi nhớ nhứt là lúc đi xe đạp, mỗi lần muốn đạp nhanh Hữu Lễ nghiêng người về bên phải để tăng sức lực cho chân bên phải, rồi nghiêng về bên trái để tăng sức lực cho chân bên trái trong giống một thằng con trai đang đi xe đạp nước rút. Đa số chúng tôi dùng nón lá để che đầu, để nghiêng-nghiêng vành nón cho có vẽ “ thùy mị, nết na”, và để che mặt mỗi khi đi ăn quà vặt chợt thấy người quen. Còn Hữu Lễ đội mũ vải, có hôm gặp trời nóng quá đang đứng chuyện trò chúng tôi không biết làm sao cho đở nóng thì Hữu Lễ rút ngay trong cặp- táp ra cái mũ quạt phe phẩy vài cái rồi cất lại dể dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Nước da Hữu Lễ ngâm-ngâm bánh mật, nhìn biết ngay là con gái xứ biển Nhatrang, Hữu Lễ có cái cuời rất sảng khoái, không điệu đà, nhìn rất vô tư hiền hậu, hình như bạn ấy không biết giận ai bao giờ. Đó là hình ảnh người bạn chúng tôi Nguyễn thị Hữu Lễ.
Ban đầu trường chúng tôi nằm ở đầu đường Lê văn Duyệt, đó là một dẫy nhà tôn, vài năm sau mới cất các dẫy lầu trên đường Đinh Tiên Hoàng, hai trường không cách xa nhau mấy. Chắc vì biết tuổi lớp 11, lớp 12 thường quậy phá, sợ làm hư đàng em nên có năm nhà trường tập trung chúng tôi học ở trường cũ. Trường này không có tường cao cổng kín mà chỉ có hàng rào kẻm gai, do đó ngồi trong lớp buồn tình có thể nhìn ra ngoài coi xe chạy lên chạy xuống. Có một lần trong giờ ra chơi chúng tôi thấy có một anh chàng SVSQ Không Quân, chắc được ra phép đặc biệt và đang trên đường về trại. Quân trường Không Quân nằm ở cuối đường Lê văn Duyệt, chỉ cần đi dài dài dọc theo trường tôi, theo lề bên phải độ non 2 cây số là tới quân trường. Anh chàng SVSQ này ban đầu đi đúng luật giao thông là đi trên lề phải, đi qua vài lớp học của chúng tôi, bổng nhiên anh ta sang trái, bên ấy không có lề đường vì hàng rào của một đơn vị quân đội nằm sát đường rồi, nguy hiểm lắm, nhưng anh ta vẫn đi. Thật ra chúng tôi đâu có chọc gì anh ta đâu, chỉ là anh ta đi qua lớp nào thì bên trong rào lớp đó đếm to 1,2…1,2 để anh ta đi mà thôi. Các anh của tôi cũng như mấy ông bạn có cùng nhận xét: nếu có một cô nữ sinh trường Nữ đi một mình thì rất dể thương, nhìn rất thùy mị, duyên dáng. Đi sau nàng nếu có một chút máu văn nghệ, can đảm, mạnh dạn một chút khe khẽ hát vài câu “xưa tan trường về anh theo Ngọ về…” đủ để nàng nghe, lúc đó nàng sẽ bẻn-lẻn, thẹn thùng, nghiêng-nghiêng vành nón, hai tay ôm tập sách trước ngực e-ấp. Hình ảnh đó về nhà là đêm nhớ ngày mong gặp lại nàng. Nhưng nếu ngược lại anh ta đi một mình mà gặp một đám nữ sinh Nữ Trung Hoc Nhatrang dù trong đám đó có “nàng” đi nữa thì khôn nhất là tránh đi, hay bỏ chạy, kẻo không các nàng chọc cho mà tréo cả chân, bước thắp bước cao đi không được, lỡ mà vấp một cái có nước bỏ xứ mà đi
Trường cũ cũng mát mẽ nhờ sân trước có hàng Phi Lao, sân sau có hàng Hoàng Hoa. Thích nhất là vào mùa mưa sân trước, sân sau đều ngập nước, đôi khi nhìn ra cứ ngỡ trường nằm trên sông, tha hồ mà ngắm ánh nắng chiếu xuyên qua cành lá nhảy múa trên mặt nước. Đặc biệt cửa sổ rất thắp chỉ cần vén tà áo là có thể ngồi trên thành cửa được. Tuy cửa sổ thắp nhưng bọn nữ sinh chúng tôi rất kỹ luật không bao giờ dám leo cửa sổ trốn học đi ăn hàng, chỉ có nhờ các bạn ở lớp khác nếu được nghỉ giữa 2 tiết có kéo nhau ra chợ Xóm Mới ăn quà thì mua giùm cho chúng tôi, chỉ cần ngồi hụp bên ngoài cửa sổ, đợi Thầy Cô quay lưng lại là chúng tôi có ngay đại diện chạy đến nhận quà vào. Thầy Cô bận viết bài lên bảng đâu biết quà được chia ra chuyền từ bàn dưới lên các dẫy bàn trên, đứa nào cũng có, che miệng mà nhai, rất là “ tập trung, chăm chỉ”.
Có năm nhà trường sợ chúng tôi xa “Mặt Trời” không ai chăm sóc lại là năm thi cử nên lại dồn chúng tôi về trường mới với tường cao cổng kín. Bên kia đường có ngôi giáo đường, chiều chiều nghe tiếng chuông Nhà Thờ đổ thấy nhớ…nhớ… nhớ Má kinh khủng, đừng cười tôi tại lúc đó tôi chưa có người yêu để nhớ. Có một buổi chiều tiếng chuông Nhà Thờ rời rạc đổ, đang trong giờ Toán thầy Khế bảo chúng tôi bỏ bút viết xuống, yên lặng để tiễn biệt một người bạn trong trường đã ra đi vì tai nạn, tiếng chuông ấy là tiếng chuông tiễn biệt bạn chúng tôi.
Chắc các bạn không ai là không nhớ ngày trường mình làm lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường. Chúng tôi cấm trại ngay tại sân trường, mỗi lớp dựng một trại. Hôm đó có rất nhiều sinh hoạt và thi đua, hấp dẫn nhất là đêm Văn nghệ. Trời chưa tối mà đeo quanh tường đã quá đông nam khán gỉa, hò hét, hối thúc văn nghệ mở màn. Tôi biết chắc chắn trong đám khám giả kia thế nào cũng có hai ông em VT của tôi. Triễn vọng văn nghệ của chúng tôi mà mở màn thế nào số khán gỉa này vì quá hâm mộ sẽ trèo tường nhảy vô. Sợ không quản lý được vì lều trại chúng tôi cắm khắp sân trường, an ninh không thể bảo đảm được nên nhà trường tuyên bố bãi bỏ Văn Nghệ. Chúng tôi kéo nhau về trại ăn chè đã được chấm điểm lúc chiều. Qua một ngày với bao sinh hoạt tuy rất mệt nhưng tôi không thể ngủ được vì lấy đất làm giường, lấy hơi nóng trong trại làm chăn không thú vị chút nào. Nhưng đến nữa khuya bỗng nghe tiếng phóng thanh báo cho biết Văn Nghệ bắt đầu. Tất cả vùng dạy rủ nhau đi xí chổ, xí chổ chứ không phải xí ghế vì ngoài Cô Thầy tất cả học sinh đều đồng hạng ngồi trên những băng ghế dài của lớp học, thường thì một băng 5 đứa ngồi, bây giờ đem ra sân để coi Văn Nghệ thì ém-ém, xích dzô một chút 8,9 đứa ngồi cũng được. Văn Nghệ rất hay, mỗi lớp đều có vài tiết mục đã được thi chọn trước nên rất xuất sắc, không chê vào đâu được.
Là nữ sinh Nữ Trung Học Nhatrang nếu có tâm hồn ăn uống thì không ai là không biết quán chè cạnh trường Lê Quý Đôn, ngon lắm nhất là chè đậu xanh hột, hột nào cũng mềm, nước trong đậu không nát, múc một muỗng bỏ vào miệng, nhai nhẹ-nhẹ là đậu tan ra. Giờ ra chơi chúng tôi thường kéo nhau đi ăn có khi hơn nữa lớp. Quán chè ấy là của gia đình anh Thanh dân VT. Hơn ba mươi năm sau, có một dịp chúng tôi gặp nhau ở nhà Minh Phương trong lúc vui đùa ôn những kỷ niệm thời học trò thì anh Thanh bỗng hỏi chúng tôi “ bà nào từng ăn chè nhà tôi?” đa số công nhận, anh hỏi tiếp “ tui hỏi thiệt mấy bà có bà nào ăn quỵt chè nhà tui?”, “dỉ nhiên là không bao giờ, chỉ có trường hợp đi đông quá gom tiền bị sót vài ly mà thôi”….
Ở bên này có một loại cây hoa màu tím nở vào mùa Hè, nhiều người thi vị hóa gọi là Hoa Phương tím, nếu so sánh thì Hoa Phương đỏ ở quê nhà vẫn đẹp hơn, có thể gọi Phương đỏ là Hoa Học Trò. Các bạn hãy cùng tôi quên đi những bận biụ, phiền muộn hiện có, chúng ta cùng nhau rong chơi, mình về Nhatrang thăm lại quê hương nhé. Nhatrang trong ký ức vẫn êm đềm hiền hòa như ngày xưa hai buổi cắp sách đến trường, chúng ta may mắn hơn các bạn ở Thành, chiều chiều tan học là mình về nhà ngay hay cùng rong chơi một vòng trên đường biển để nghe tiếng sóng vổ vào bờ bỏ đi những căng thẳng sau giờ học, trong lúc đó các bạn ấy còn phải đón xe Lam để về nhà kẻo tối. Các bạn thấy không? đâu đâu cũng thấy hoa Phượng nở, trên mọi nẽo đường, trên đường đi học. Mình về trường thôi, lên lầu nhé, đứng ở lan can nhìn xuống sân trường, nhìn xa qua sân bịnh viện quân y Nguyễn Huệ, màu Phương đỏ thắm báo hiệu Hè về, chúng ta sắp chia tay, xa trường, xa bạn chỉ 3 tháng thôi nhưng sao cũng thấy bồi hồi quá.Viết trao cho nhau những tập lưu bút, lời lẽ ngây thơ chan chứa tình cảm học trò. Nếu bây giờ đọc lại chắn buồn cười lắm vì ta đã thấy ta một thời niên thiếu. Tôi nhớ lúc tôi học lớp 5, năm đó phải chụp hình kiểu căn cước để dán vào đơn xin thi vào Đệ Thất (lớp 6), đó là tấm hình đầu tiên ra tiệm chụp một mình. Nên khi viết lưu bút cho bạn, tôi dán ngay vào trang lưu bút tặng bạn tôi một tấm và nắn nót viết luôn một câu “Tặng bạn chiếc ảnh ngày thơ để làm kỷ niệm những ngày xa nhau, xa nhau ảnh có phai màu xin đừng xé bỏ mà đau lòng này”, ghê chưa? Đã hơn 40 năm bạn tôi còn nhớ câu tôi viết, trời ơi! còn nhỏ xiú mà dám copy văn người khác, không chọn câu nào cho có gía trị văn chương một chút, chọn ngay cái câu nồng nặc cải lương. Mỗi lần nhắc lại những kỷ niệm xưa là chúng tôi cười đến chảy nước mắt. Nếu bây giờ mà nhìn lại nét chữ của mình thời Tiểu học chắn nó to lắm và thế nào chúng ta cũng sẽ thấy bùi ngùi vì mình không thể quay ngược thời gian, có chăng là trong ký ức.
Xa Nhatrang đã mười mấy năm nhưng lúc nào tôi cũng nhớ, nhớ đến thổn thức, nhớ đến bật khóc, những kỷ niệm học trò chắc không bao giờ xoá nhòa trong trí tôi. Ngày xưa có những lúc thấy bạn bè đùa giởn tôi thường ngâm nga
“ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc vui ”.
Ngày nay đám xuân xanh ấy, có người không những bỏ cuộc vui mà trong đám xuân xanh ấy có bạn đã bỏ cả cuộc đời ra đi vĩnh viễn như Nguyễn thị Hữu Lễ 12A2 Nữ Trung Học Nhatrang.
Xin một phút lắng lòng để hoài niệm ngưòi bạn thân thuơng thời trung học.
Nam Cali Hè 2008
Đỗ Thị Sử NTH12A2 71-72
|