Tâm Tình Với Tác Giả:
" Ở CUỐI HAI CON ĐƯỜNG"
Tác giả Phạm Tín An Ninh
|
Chỉ mới hơn 2 giờ mà bên trong Hội Trường của nhật báo Viễn Đông đã gần hết chỗ ngồi, chưa kể còn một số người còn đang đứng bên ngoài. So với số người tham dự, và thành phần tham dự có thể nói là anh đã thành công.
Tôi đang lóng ngóng thì Minh Phương và Tuyết Chinh gọi giựt tôi, thì ra họ đã để dành dùm tôi một ghế. Cái cô Minh Phương này lo xa quá, mặc dù tin tức buổi ra mắt sách đã được đăng trên website “ vtnthntvienxu.com” từ lâu vậy mà MP nhắc đi nhắc lại tôi từ tuần trước. Hôm nay thứ bảy dù bận buôn bán vậy mà dám giao cửa hàng cho cô con gái nhỏ, cùng ông xã Minh đến đây. Còn Tuyết Chinh cũng vậy phải sắp xếp thì giờ để đến tham dự nếu không làm sao “báo cáo” với bạn bè. Chúng tôi đến để đón chào một Sư Huynh Võ tánh ghé thăm Nam Cali và ủng hộ việc làm của anh là “ cứu trợ Thương Phế Binh / Quả Phụ Tử Sĩ VNCH”.
Trong hội trường bây giờ đã hết chỗ ngồi, một số khách phải đứng, tôi thấy có Cô Thầy Võ Tánh và các Sư Huynh, Sư Tỷ VT/NTH.NT, chỉ có ba đứa tôi là đàn em. Chắc anh An Ninh mệt lắm và bận rộn lắm vì phải ký tặng sách cho những người ái mộ, ủng hộ anh, rồi tiếp khách. Tuy vậy anh vẫn dành thời gian để chụp hình với chúng tôi và chân tình nhất là những giòng chử ký tặng sách “Bản dành riêng cho đồng môn …..”
Những buổi ra mắt sách như thế này là 1 trong những sinh hoạt của Cộng Đồng chúng ta ở đây. Nhưng tôi mưốn chia sẻ tin tức này với các anh chị ở xa trong đó có chị tôi là chị Lịch NTH 67 đang ở Đức, 2 em trai tôi là Nam VT 73 ở Pháp và Việt VT75 ở Việt Nam. Được biết là buổi ra mắt sách hôm nay đặc biệt hơn vì tác giã là Sư Huynh VT từ Na Uy xa xôi qua đây để ra mắt tập truyện ngắn “Ở Cuối Hai Con Đường”. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe được truyện ngắn của anh viết “ Người bán sách trên bãi biển Nhatrang” do Giáo sư Lưu Trung Khảo chọn đọc trong chương trình phát thanh Phật Giáo Hải Triều Âm. Lúc đó tôi chưa biết anh là ai nhưng tôi đã cảm thấy giữa tôi và tác giã đã có một sự thân quen. Anh đã đưa tôi về lại Nhatrang nơi có những tên như Đồng Đế, Xóm Bóng, Xóm Mới, tên chỉ nơi chốn thật giản dị, mộc mạc, nhưng những nơi đó là quê hương tôi, đã từng in dấu chân tôi ngày trước. Và qua chuyện ngắn của anh chỉ có những người Nhatrang mới thật sự cảm nhận được sự rung động khi hồi tưởng tiếng chuông Nhà Thờ Đá, cái nhà Thờ ở Ngã Sáu mà anh đã “thẫn thờ bước lên những bậc “ tam cấp”….”.
Nhatrang bây gìờ thay đổi nhiều lắm anh, những tên Xóm Mới, Xóm Bóng, Đồng Đế ngày nào không còn nữa mà là Vĩnh Hải, Vĩnh Thọ…hay Phước Tiến, Phước Hòa. Cơn đường Duy Tân nay là Trần Phú, con đường trước mặt Võ Tánh với 2 hàng cây cao bóng mát nay là đường Lý Tự Trọng. Cái thay đổi hôm nay là phồn vinh giã tạo, đi đâu cũng thấy những khánh sạn mà dân trong nước miả mai dùng danh từ là “hoành tráng” mọc lên như nấm trong lúc đó không thấy Nhà Nước xây cho dân một trường Đại Học nào. Gia cấp nghèo-giàu qúa rõ rệt, đã phát sinh ra những lãnh chúa, tư sản đỏ núp sau lưng một tên hợp tác lao động tiểu tốt vô danh, giữa chế độ gọi là ‘Xã Hội Chủ Nghĩa’ đã chiếm cứ nguyên một hòn đảo đẹp, chiếm luôn một vung biển quan trọng làm hại biết bao Hải Sinh Vật Học. Chế độ Việt Nam hôm nay không phải là chế độ Tư sản nhưng sao lại có những tên Việt Kiều,Việt Gian trùm đất đai lấy ẩn danh Bà Tư Hường chiếm cứ cả một vùng đất đặt tên là Diamond Bay. Anh nói thật đúng. Không những riêng anh mà cả tội cũng rât“…bơ vơ lạc lõng trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.
Từ sau khi nghe “ Người Bán Sách Trên Bãi biển NhaTrang” tôi lần tìm những truyện anh viết, thì ra anh là Sư Huynh học ở Võ Tánh ngày xưa và nhân dip Hội Ngộ VT/NTH 2006 tổ chức tại Nam Cali. anh đã tặng truyện ngắn “Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang” cho Đặc San của VT/NTH Hội Ngộ 2006 và sau này truyện ngắn này cũng đã được post trên website www.vtnthntvienxu.com như là 1 món quà tặng tất cả những đồng môn VõTánh - Nữ Trung Học thân thương. Và thỉnh thỏang cứ mỗi lần mở trang “Võ Tánh Nữ Trung Học Nhatrang Viễn Xứ”, tôi và chị tôi vẫn còn muốn tìm “Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nhatrang” như tìm chị Mai bạn của chị tôi, Như Nguyện bạn của tôi cũng đã chết trong tuổi còn mộng mơ như chị An Bình là nhân vật nữ chính trong tập truyện ngắn này.
Tôi nhìn anh trên sân khấu, anh nay đã qua tuổi trung niên, năm tháng trôi qua, nhưng tôi vẫn còn thấy đưọc nơi anh cái phong trần thời lính tráng, cái chán chường của người lính không thua trận nhưng phải đầu hàng, cái khắc khoải của người mất quê hương và cái chân chất của người trai tĩnh lẽ ngày nào. Anh cảm tạ ân nhân, gia đình, bạn bè, đồng đội, đồng quân ngũ và anh không quên cảm tạ những người mẹ, những người vợ lính. Nghe anh nói đến sự hy sinh của những người lính, lòng tôi se thắt lại vì chợt nghĩ đến một thằng bạn thân học ở Võ Tánh vừa đậu Tú Tài là đầu quân ngay, có một lần nó ghé thăm nhà, tụi tôi gọi nó là “lính sữa”. Nghe đâu trước tháng 4/75 nó còn ở vùng I chiến thuật, chắc là nó đã chết, nó đã chết khi chưa có người yêu, chưa có vợ con, nó đã chết cho tôi hôm nay được ngồi ở đây. Tôi ngữa mặt nhìn lên trần hội trường để cố ngăn xúc động, nhưng giòng nước mắt đã theo đuôi mắt chảy dài.
Sau buổi ra mắt sách tài chánh được công khai, số tiền bán sách được giao ngay cho người phụ trách để giúp đỡ Thương Phế Binh hay Quả Phụ Tử Sĩ trong nước. Hình như vào chủ nhật ngày 03 tháng 8 này cũng sẽ có buổi Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh-Người Thương Binh VNCH” kỳ ÌI. Tôi nghĩ những người lính VNCH trong đó có bạn tôi đã nằm xuống ở một nơi nào đó trên đường rút quân dù không có nghĩa trang nhưng ở thế giới vô hình cũng sẽ cười khi thấy đồng hương,bà con, bạn bè, đồng đội dù đang tha hương nhưng vẫn còn luôn nhớ đến ơn họ.
Nam Cali. Jul. 26,2008
Đỗ Thị Sử NTH 12 A.1 71-72
Sử cùng các cựu học sinh VT/NTH hân hoan chào đón Anh và Gia Đình đến Nam Cali.
|