Nha Trang ơi, chào mi!
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

set 6.1.jpg

Views: 2877

0658.lt12.1.jpg

Views: 3012

a. tns 00151.jpg

Views: 3211

0766.lt45.jpg

Views: 3277

a. tns 00278.jpg

Views: 2873

0764.lt44.jpg

Views: 3624
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


Nha Trang ơi, chào mi!
20-12-2006

Hồ Thanh Bách                                    

 

Nhung ơi,

Có lẽ Nhung ngạc nhiên nhiều khi nhận được thư anh viết từ Nha Trang. Lý do dễ hiểu thôi vì anh không điện thoại cho Nhung được trước khi đi và mặt khác sợ rằng khi về đến Đức vì lý do này lý do kia khiến anh cứ hẹn nay hẹn mai, hẹn đến lúc những xúc cảm về chuyến đi nhạt dần không còn hứng thú để viết nữa.

 

Anh chị đã “ an toàn ” trở lại Nha Trang vào một buổi sáng mùa xuân năm nay, 2006 Anh không nói ngoa đâu khi viết hai chữ an toàn. Sự thật là tất cả hành khách trên chuyến bay đó, có thể nói, nên tổ chức ăn mừng vì đã được sống lần thứ hai. Chiếc máy bay ATR hai động cơ của Hãng Hàng Không VN chở đầy người đang nhấn hết ga chuẩn bị cất cánh, bỗng dưng cánh quạt bên tay trái ngưng quay, tiếp đến là cánh quạt bên tay phải. Hành khách nín thở chờ đợi. Tiếp viên im lặng không lên tiếng. Phi hành đoàn hình như đã học được câu :“ Im lặng là vàng ” làm cho không khí càng thêm căng thẳng, ngột ngạt. Cứ  như  thế  trong 10 phút. Một  hành khách  ngoại  quốc hỏi anh :“ What happened ? ”. Anh khôi hài trả lời : “ No star where ”. Không sao đâu thật, vì sau đó 2 tiếng máy bay cũng đáp được xuống phi trường Cam Ranh kia mà.

 

Chiếc xe chở hành khách - khi tạm ngừng ở một khách sạn gần sân bay NT - vô tình đậu đúng vào chỗ 33 năm về trước, nơi đoàn xe đón dâu của gia đình anh từ phi trường ra, đã dừng lại  cho Thu mặc áo cưới, trước khi tụi anh tay trong tay đi bộ xuống biển, vứt vào sóng nước những đồng bạc kim khí và hát thầm ước nguyện “Dans l´onde qui jase, tu jettes deux sous d´argent, en disant cette phrase, je l´aime et qu´elle ( il ) m´aime aussi ”. Cảnh vật đã thay đổi nhiều sau một phần ba thế kỷ. Tuy vậy những cây thông già kia vẫn còn đó giúp cho con người có được một cái mốc về không gian lẫn thời gian để nhớ lại quá khứ yêu dấu, mơ mộng cho tương lai.

 

Anh nhớ Nhung vẫn nói : “ Nha Trang bây giờ thay đổi nhiều quá. Nhung không thích những thay đổi hiện nay và vẫn còn thích Nha Trang của ngày xa xưa ”. Mỗi lần như vậy anh đều an ủi Nhung “Cuộc sống tự nó là phải thay đổi”. Vấn đề là thay đổi để được tốt hơn hay bị xấu đi. Cái mấu chốt đáng suy nghĩ là để đạt được cái tốt - nếu có - người ta có phí phạm thời gian, tiền của hay không? Người dân đã phải trả cái giá nào ? Con người không thể sống mãi với Nha Trang của thời hoang sơ khi toàn thành phố chỉ có khoảng 20 - 30 ngàn dân, vài ngàn xe đạp, vài trăm xe gắn máy, vài chục chiếc xe hơi… Cái thời dọc theo bờ biển có những cây bàng, những cây dương liễu, những cây dừa... được người ta trồng lên nhưng rồi thiếu người săn sóc, thiếu người giữ vệ sinh. Cái thời có những kiosques với những mái tôn cũ kỹ, những chiếc xe bán dạo bánh mì thịt, gỏi cuốn, bò khô..mà những chủ xe co ro trong những chiếc áo tơi lá .. mỗi khi mưa gió mùa đông giận dữ thổi về.”

 

Lẽ dĩ nhiên thay đổi nhiều không có nghĩa là mọi việc đều khá hơn trước. Sự thật là còn nhiều việc đáng buồn. Một trong những điều đáng buồn đó là phần lớn các khách sạn dọc theo bờ biển chỉ là những nhà hộp cao tầng mà chúng ta có thể thấy ở bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới. Không có một khách sạn nào có sắc thái riêng, hoặc ít ra là vài nét phù hợp xa gần với nền kiến trúc Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Những người có trách nhiệm lập kế hoạch phát triển, canh tân thành phố dường như quên, hoặc cố ý quên, một điều: một thành phố không chỉ đẹp về những nét tân thời mà còn đẹp nhờ vào những gì là cổ kính. Viện Pasteur Nha Trang vẫn còn đó nhưng bị biến dạng khá nhiều. Lầu Ông Tư, nhà ở của Bác Sĩ Yersin không còn nữa. Hàng cây xa cừ cao to, đầy bóng mát , rễ cây ngoằn ngoèo bò lên cả lề đường, làm cho con đường Bá Đa Lộc trước trường Võ Tánh nhấp nhô một cách lãng mạn ngày nào nay cũng đã biến mất. Chúng ta đã đi bộ ở khu Cambridge, Boston. Nơi ấy không những chỉ nổi tiếng nhờ trường đại học Harvard mà còn nhờ  những cây  to và những  con đường thơ mộng “ lồi lõm ” như thế.

 

Nhung ơi, mùa xuân năm nay anh và Thu lại có dịp đi qua ngôi trường Võ Tánh với biết bao kỷ niệm này. Trường Võ Tánh năm xưa vẫn còn đó và có điều kỳ lạ là dù giòng đời đã qua bao thăng trầm, cổng trường vẫn còn như trước với hai chữ VT ngày nào. Qua cổng chính ấy anh nhìn thấy dãy nhà phía sau nơi xưa kia có 6 phòng học . Có một điều khá thú vị nữa là năm đầu tiên cũng như năm cuối cùng của thời trung học anh đều học ở dãy nhà phía sau ấy. Đệ thất niên khóa 57–58, phòng học số 5 từ trái sang phải. Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng anh vẫn còn nhớ tên một vài thầy cô. Cô Hường dạy Pháp Văn. Cô Lai Hồng dạy Sử Địa với những bài giảng về các nền văn minh cổ của Hy Lạp, La Mã, Ai Cập …rất hấp dẫn. Và chính cô Lai Hồng đã cho tuổi học trò có những mơ mộng đầu tiên về một thế giới đẹp đẽ, bao la huyền bí. Thầy Phi Hùng khi vào lớp vẫn hô to: “Học Trò ”. Học trò liền đồng thanh đáp : “Đứng Dậy ” cùng lúc với động tác tôn trọng chào thầy bằng cách đứng lên. Cô Thư dạy Anh Văn, cô đã dạy cho anh tĩnh từ Happy và danh từ Happiness có cùng chung một gốc. Sau năm ấy cô Thư đổi vào dạy ở Sài Gòn. Bảy năm sau, khi anh thi vào một trường Đại Học ở SG, bất ngờ lại thấy cô Thư  xuất hiện với tư cách Giám Thị. Không hiểu sao thầy trò lại có thể nhận ra nhau và cô Thư đã hỏi “Are you happy now ?”. Anh đã trả lời “ Dạ, con rất happy được gặp lại Cô ”. Có lẽ cũng nhờ niềm vui gặp lại thầy cũ mà kỳ thi vào kỹ sư năm ấy anh đã đậu khá cao. Dạy lớp đệ thất hồi ấy có thêm một thầy đẹp trai và vui tính. Thầy TN “ dường như ” đôi khi có để lại một tờ giấy nho nhỏ vào sổ điểm nếu giờ sau đó là do một cô giáo phụ trách. Kính thầy, con có gặp lại Thầy trong cửa hàng do Thầy làm chủ trên lề đường Pasteur SG cách đây khoảng 10 năm. Thầy mãi vẫn trẻ và vui tính nên con  mạo  muội  viết những  giòng  này, lại  thêm chỉ là “dường như ”, hơn nữa hồi ấy Thầy vẫn còn độc thân và con thiển nghĩ, một chút lãng mạn bao giờ cũng tô điểm thêm hương hoa và làm cho cuộc đời dễ thương hơn.

 

Nhung ơi, anh nhớ Nhung có hỏi, hồi đi học có thầy cô nào làm thơ, viết sách không? Có chứ. Ngoài những thầy viết sách giáo khoa như thầy Lê Nguyên Diệm, thầy Bùi Ngoạn Lạc, thầy Bùi Trọng Bạch … còn có những thầy viết về văn thơ: thầy Cung Giũ Nguyên, thầy Nguyễn Xuân Vinh, thầy Bùi Ngoạn Lạc, thầy  Y… Hồi ấy thầy Y thường gọi anh và một hai bạn nữa về nhà cộng điểm hàng tháng. Đó là một vinh dự cho tụi anh. Một lần giúp thầy dọn nhà, thầy Y có cho anh xem một quyển sách do Thầy đóng lấy bằng giấy pelure nhiều màu. Trên đó Thầy chép tay những bài thơ do Thầy sáng tác. Tựa của tập thơ, anh vẫn còn nhớ: “Hoa Mùa Thu”. Nghe nói lúc này Thầy Y vẫn còn làm thơ, tuy chưa được đọc nhưng anh – và nhiều học trò của Thầy – hy vọng là Thầy vẫn còn lãng mạn như hoa mùa thu ngày nào.

Tuy thật dở về văn chương chữ nghĩa, nhưng hồi đó anh lại có cái may mắn là có biết (biết, chứ không dám dùng chữ quen biết) một số nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ xuất thân từ trường Võ Tánh : Trịnh Cung, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Sao Trên Rừng, Hồ Thanh Tiềm… Ngày ấy mỗi lần họ đến bàn chuyện thơ văn ở nhà của Hồ Thanh Tiềm, vẫn cho anh – lúc ấy mới chỉ học đệ thất, đệ lục – khi cái bánh, khi cái kẹo. Sau này, sau năm 75, một quyển Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng không hiểu bằng cách nào lại lọt được vào trại tù, nơi anh “được cải tạo ”. Những “cải tạo viên” bí mật truyền tay nhau đọc trong sung sướng, hồi hộp lẫn lo sợ. Như một chiến binh nằm dưới chiến hào trong “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” lúc ấy anh cũng đọc lại cuốn Vòng Tay Học Trò trong thú đau thương, trong vòng vây của lửa đạn. Bên ngoài cửa sổ, các người anh em bên kia tuần canh liên tục. Bên trong, “antennes” đầy rẫy. Tuy khó khăn như vậy, nhưng chị Hoàng ơi, Bách vẫn đọc lại sách của Chị. Và qua đó để ôn lại một vài quãng đời, trong đó có loáng thoáng một vài bóng hình trên những con đường tình Nha Trang. Nhất là một “vầng mây ấm” thật đẹp của Đà Lạt. Ai đó có nói rằng chị Nguyễn Thị Hoàng hiện nay là chủ một tiệm café khá lớn ở Saigon. Bách chúc chị thật thành công trong việc buôn bán.

Sau khi đảo chính 1-11-63 diễn ra, phong trào sinh viên học sinh hoạt động tích cực hơn. Cũng vì vậy mà giữa thầy và trò đôi khi xảy ra những đụng chạm, hiểu lầm. Những cuộc họp hành, tranh luận thường diễn ra trong nhà chơi nối liền dãy nhà chính phiá trước và dãy nhà phụ phía sau. Giữa nhà chơi có một cái bảng thật lớn được trang trọng treo trên cao, cái bảng mà tụi anh vẫn vui đùa đặt tên là bảng vàng. Trên đó hàng tháng ghi tên 2 học sinh giỏi nhất của từng lớp của trường VT. Trong một cuộc tranh luận, thầy Bùi Ngọan Lạc đã giữ tay thầy Bùi Trọng Bạch lại và khuyên thầy Bạch không nên trả lời trực diện khi mà số đông học sinh đang quá hăng say… Nhưng cũng nhờ không khí mới mà thầy trò lại có được dịp gần gũi nhau hơn. Lớp 1B1 lúc ấy được thầy chỉ đạo Bùi Ngoạn Lạc tổ chức một cuộc cắm trại 2 ngày ở Suối Dầu. Trưởng ban văn nghệ học sinh VT, Mai Tiến Thành ( Vòng Tay Học Trò ) tổ chức Đại Hội Văn Nghệ Học Sinh ở rạp Minh Châu. Hôm đó Huỳnh Thị Chúng, một cánh hoa Vinca xinh tươi của Nữ Trung Học, trình diễn bản Lòng Mẹ rất ư là xuất sắc. Những ai đã nghe rồi, không làm sao quên được. Anh em nhà Trần Quang Vinh, Trần Việt Tân (hiện làm báo ở vùng Washington DC) đã lên Let´s Twist Again rất sống động…

Nhung ơi, thế rồi mùa thi Tú Tài 2 năm ấy cũng đến. Đến sau biết bao biến cố ngoài đời lẫn dưới mái trường Võ Tánh. Kỳ thi Tú Tài 2 kết thúc. Bạn bè, thầy trò chia tay nhau.

Nói về mùa hè, kỳ thi năm ấy, anh có hai kỷ niệm. Ngược giòng thời gian, cuối năm đệ nhị 62-63, thi Tú Tài 1, theo thứ tự ABC anh được xếp ngồi gần bên hai anh Â. và Â. Một phần nào anh đã giúp cho hai bạn ấy đậu Tú Tài 1 bằng cách chuyền giấy nháp cho họ. Năm sau, cuối 63-64, thi Tú Tài 2, cũng theo “kế hoạch” ấy anh và bạn  (anh bạn  kia chuyển đi thành phố khác) hy vọng là họ sẽ xếp chỗ ngồi gần nhau lần nữa. Hai ngày trước khi kỳ thi bắt đầu, tụi anh kéo nhau đến trường thi xem chỗ ngồi. Lần này số ký danh vẫn sát nhau nhưng người ngồi đầu dãy bàn bên này, người ngồi đầu dãy bàn bên kia ! Đã từng học chung 3 năm đệ nhị cấp, đã từng chia nhau từng ly chè, đã từng đi cua gái với nhau … Anh nghĩ ngay là phải giúp bạn và không thể dễ dàng đầu hàng trước “nghịch cảnh”. Lúc bấy giờ mới thấy cái lợi của mấy bài toán chạy mà các thầy Lê Trọng Ngưng, thầy Trần Thanh Lý , thầy Trần Đức Long, thầy Bùi Ngoạn Lạc thường cho lúc cuối giờ. Chỉ trong tích tắc anh đã nghĩ ra phương pháp “giải toán”. Cũng may giấy ghi số ký danh vừa được họ dán xong, chưa dính chặt vào mặt bàn. Tụi anh bóc ra thật nhanh và dán lại cũng nhanh không kém. Giấy ghi số ký danh cho toàn phòng thi vẫn theo thứ tự 1,2,3… từ bàn A qua bàn B rồi bàn C, D, E... Vấn đề là bàn C nằm ở đâu. Trước đó bàn C nằm sau bàn A (bàn D sau bàn B) nên số 6 (cuối bàn B) và số 7 (đầu bàn C) cách nhau đầu sông cuối sông. Tụi anh xếp  bàn C nằm  sau  bàn B (bàn D sau bàn A…) thì số 7 nằm sau số 6. Thế là anh, số 7 ngồi ngay đàng sau, sẵn sàng yểm trợ anh Â, số 6 phía trước. Xui thật là xui, cái ma mãnh của học trò không qua mặt được Hội Đồng Chấm Thi nhiều kinh nghiệm. Họ thấy được điều đó và đã cho dán lại chỗ ngồi như trước đây. Vào thi, hai đứa phải ngồi xa nhau. Anh  không may mắn, rớt Tú Tài 2. Ngày anh rời Nha Trang vào Sài Gòn học, anh  đã tiễn anh với một cuộn giấy. Trên máy bay mở ra mới biết đó là bản nhạc “ Những bước chân âm thầm..”. Anh rất ân hận đã không thể giúp được một người bạn thân. Với anh Â, anh còn nhớ thêm một kỷ niệm là anh phải làm thông ngôn cho anh ấy. Vốn người Quảng Trị, khi anh  nói chuyện với các bạn Nha Trang, không ai hiểu được ai.

Cũng vào mùa thi năm đó, nói đúng hơn là sau kỳ thi Tú Tài 2, anh đã có dịp giúp cho một anh bạn Võ Tánh khác, anh N. Lại cũng bằng cách ném giấy nháp qua cửa sổ trong một kỳ thi tuyển vào một trường Kỹ Sư ở Saigon. Anh N. sau đó đã được trúng tuyển và trở thành Kỹ Sư.

Nghĩ lại, tình cảm học trò đôi khi thật là cao đẹp! Vì bạn bè mình đã không nghĩ đến những hiểm nguy có thể xảy ra. Nếu những tờ giấy nháp đó bị Giám Khảo bắt được thì sự việc sẽ ra sao!

Mùa xuân năm nay, 2006, anh có dịp trở về Nha Trang, đã lại đi ngang ngôi trường này, trong anh bỗng vang lên hai câu hát:

 

Bao năm anh trở lại Nha Trang,

Võ Tánh năm nào vẫn còn nguyên mộng ước.

(Nguyên văn :Bao năm anh trở lại Sài Gòn / Căn gác năm nào vẫn còn nguyên mộng ước: Sài Gòn Ơi Mãi Nhớ. Tác Giả :..?)

Cùng một lúc những lời nhạc khác lại văng vẳng đâu đây.

 

“Từ ngàn phương trời về đây đoàn học sinh trường Võ Tánh. Gắng lên trong học tập, nguyện xây đắp đất nước ta. Đón chào bình minh. Khắp nơi nơi đời thắm xinh. Ôi hân hoan ta vui sống. Đây bao la ta chào đón ánh nắng mai bừng lên sáng ngời..”

 

Thầy Lê Gia Thầm ơi, không những thầy đã dạy cho chúng con những bài nhạc lý đầu đời, trong một căn phòng tương đối nhỏ, nằm ở một vị trí khiêm nhượng trong một góc phía sau trường. Thầy đã dạy cho chúng con biết thế nào là nhạc mới, thế nào là nhạc cổ điển. Thầy đã cho chúng con nghe Les Quatre Saisons, Le Cygne, Tristesse, Serenata, Rêverie…Thầy còn khuyên chúng con cố gắng học tập để sau này góp phần xây dựng đất nước. Thầy đâu có ngờ rằng ngày hôm nay, gần một nửa thế kỷ sau khi bài Võ Tánh Đoàn Ca ra đời (do thầy Lê Gia Thầm và thầy..? cùng biên soạn . Bạn nào còn nhớ tên Thầy...cũng như những lời ca, nhờ bổ túc cho đầy đủ và hoàn chỉnh. Âu đó cũng là di sản Võ Tánh. Xin cám ơn. ), các học trò của Thầy nay lưu lạc khắp nơi trên khắp thế giới, xây dựng trực tiếp cho đất nước người và, buồn thay chỉ là, gián tiếp cho quê hương (quà cáp, tiền bạc gởi về cho người thân).

 

Nhung còn nhớ phải không, từ Võ Tánh ra biển chúng ta phải đi qua Ty Ngân Khố Nha Trang, nơi Mai Ngân khố xưa kia đã ở. Mai Ngân Khố, người đẹp nổi tiếng của Trường Nữ Trung Học Nha Trang ngày nào. Mỗi khi đi học ngang trường Võ Tánh thường bị bọn con trai đếm nhịp “ Một, hai , ba…. ta đi lính Cộng Hòa ”. Nhiều lúc ngượng quá Mai NK đã khóc, chân ngà quấn quíu… Thế là có một bạn học cùng lớp, cũng là một người đẹp – dám ăn nói với bọn con trai - , nữ văn sĩ của Tuổi Hoa, Hoà Diên đứng ra bảo vệ: “Mấy em muốn đi lính lắm à. Cứ về đăng lính. Nay mai lên tướng rồi, các em về đây đứng xếp hàng một hai ba cũng không muộn.”

 

Ty Ngân Khố NT giờ đây không còn nữa nhưng Collège Français de Nha Trang bên cạnh vẫn còn đó. Nơi đây Thu đã học hai năm đầu của trung học trước khi về Sài Gòn vào Marie Curie. Ngày ấy anh có học một vài lớp tiếng Pháp ban đêm ở đó. Không ngờ ngày nay được cầm lấy đôi bàn tay người học trò năm xưa của ngôi trường này.

                       

Từ trên lầu cao của Sunrise - khách sạn theo ý anh, đẹp nhất Nha Trang - tụi anh ngắm nhìn hoàng hôn về trên biển khơi. Những tia nắng vàng cuối cùng của một ngày đang phai dần. Biển và trời như thể pha màu cho nhau. Màu xanh thẳm huyền bí của biển và màu hoàng hôn rực rỡ của trời. Cuối cùng là bóng tối êm ái với từng cánh sao lung linh trên cao, từng ánh đèn nhấp nhô trên sóng nước mênh mông. Đường Duy Tân bên dưới giờ đây đã lên đèn. Nhiều bóng đèn được giăng mắc khắp nơi, huyền ảo trên các cây cao, trên các cây dương được trồng và cắt xén tử tế phía bên biển, trên các cây dương, cây hoa trồng trên giải đất phía giữa phân chia hai chiều xe chạy. Ngày ấy, đường Duy Tân - vào mùa thi Tú Tài 1 cũng như Tú Tài 2 – lúc 11-12 giờ đêm, đã vắng lắm rồi nhưng bọn nam sinh như tụi anh vẫn còn đạp xe đạp cọc cạch dọc biển để dò bài cho nhau, để chuyện trò sau một ngày mải mê chuyện học hành. Bọn anh còn nghịch ngợm, thường nằm dài trên tán những cây dương, đã được cắt bằng trên mặt, để lặng nghe tiếng sóng thì thầm nói chuyện với trăng sao.

 

Tiếng kéo ghế từ bàn bên cạnh đưa anh ra khỏi quá khứ mộng mơ. Hai người khách vừa bước vào. Một phụ nữ khoảng 25 tuổi, một phụ nữ khác lớn tuổi hơn, khoảng 55. Câu chuyện diễn ra thật nhanh và bỗng chốc anh nghe tiếng khóc của người phụ nữ trẻ tuổi và loáng thoáng hai chữ Đài Loan. Anh quay lại nhìn. Giang! Vâng, cô Giang mà cách đây mấy hôm anh và Thu đã gặp trên chuyến máy bay từ Taipei về Sài Gòn.

Cách đây 2 tuần, trên đường từ Đức về Việt Nam tụi anh đã ghé Taipei, Đài Loan vài ngày. Taipei với những xa lộ rộng thênh thang chạy - trên những chiếc cầu cao - xuyên qua thành phố. Hệ thống métro chằng chịt, tối tân, sạch sẽ, đúng giờ. Phố xá tấp nập với những siêu thị to lớn. Toà nhà Taipei 101, khánh thành vào năm 2004, được xây dựng theo kiến trúc đặc thù của Trung Hoa, hiện là toà nhà cao nhất thế giới với hơn 500 mét. Hệ thống lưu thông đường bộ trong thành phố được tổ chức hợp lý, chu đáo, đèn xanh đèn đỏ được tôn trọng tuyệt đối. Các con đường trong thành phố được quét dọn và được dân chúng giữ gìn vô cùng sạch sẽ. Sạch đến mức khó có thể tìm thấy một cọng rác. Xe gắn máy được các chủ nhân - là những người biết tự trọng và có kỷ luật cao độ - dựng ngay ngắn dọc theo đường. Đặc biệt một điều là tuy các xe ấy đậu ngoài đường suốt ngày đêm và không có người trông nom vẫn không hề bị mất cắp. Ngạc nhiên về điều ấy, anh đã hỏi nhân viên khách sạn. Chưa mấy tin những gì họ trả lời, anh lại hỏi các sinh viên Taipei gặp ngoài đường. Họ đều trả lời như vậy:“ Ở đây không bao giờ có nạn mất xe ”!

 

Tưởng Giới Thạch đã dẫn tàn quân Quốc Dân Đảng ra đảo Đài Loan vào năm 1949. Từ một hòn đảo với núi non hiểm trở, không tài nguyên thiên nhiên, không đất đai màu mỡ, Đài Loan đã vươn lên thành một con rồng của châu Á. Việt Nam, với rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, thống nhất năm 1975, 26 năm sau khi Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan. Nhìn người lại nghĩ đến ta, anh đâm ra thơ với thẩn:

 

Bất tri tam thập dư niên hậu

Sài Gòn có được như Đài Bắc của ngày hôm nay ?

 

Tại phi trường Tưởng Giới Thạch, Chiang Kai Shek International Airport Taipei, ngày tụi anh đáp máy bay về Sài Gòn, xuất hiện trên dưới 20 phụ nữ khá đẹp, tuổi từ 20-30. Ăn mặc có người tương đối bình thường có người khá hở hang. Ban đầu họ nói chuyện với chồng bằng tiếng Tàu. Một lúc nào đó có người nói tiếng Việt Nam thế là họ nói tiếng Việt. Họ là những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan về Việt Nam ăn Tết. Trên máy bay, một cô trong số đó, cô Giang, có số ghế ngồi bên cạnh vợ chồng anh. Sau một hồi tiếp tục nói chuyện với các bạn, cô Giang đã quay qua bắt chuyện với tụi anh. Cô cho biết : “Cháu là người Nha Trang, được người ta giới thiệu vào một tổ chức ở SàiGòn chuyên tuyển lựa phụ nữ muốn lấy chồng Đài Loan / Đại Hàn. Bọn cháu có người phải trả tiền để rồi họ tuyển lựa bọn cháu như thi hoa hậu vậy đó cô chú ạ. Mười người bớt bảy còn ba, bớt hai còn một mới đi Đại Hàn (Đài Loan). Kỳ ấy cháu thuộc nhóm người đẹp nhất. Một bọn Đài Loan vào coi mắt chấm vợ. Cháu thuộc lòng bài Con Gái (nói có là không) và khoái nhất câu : “Hãy nhìn vào đôi mắt em đây, anh sẽ hiểu được trái tim em” . Thế là cháu nhìn thẳng vào mắt anh ấy (hồi đó cháu gọi là thằng ấy) và nháy nháy. Vậy là OK. Cháu chẳng biết gì anh ấy. Anh ấy cũng chẳng biết gì về cháu. Nói chung lấy chồng Đài Loan như thể đánh bài cào : nhất chín, nhì bù. Ngoài một số, rất ít, được chồng thương yêu, được gia đình chồng quý mến, có đủ hoặc dư tiền bạc để xài… còn đại đa số không có được cái may mắn đó. Có nhiều chị theo chồng vào ở trong chốn rừng núi xa xôi, nhà người ta có nhiều đàn ông chưa hoặc không vợ (đôi khi lại có thêm đàn ông lối xóm nữa) thế là họ phải làm “ vợ tập thể ”, nói đúng hơn là nô lệ tình dục cho tập thể. Không có tiền, không biết tiếng làm sao thoát thân. Có chị may mắn cũng thoát được vào thành phố. Ai giúp? Tòa Đại Sứ Việt Nam thì ở xa quá. Nếu may thì họ sẽ gặp được những người Việt ở thành phố giúp đở cho bước ban đầu. Lại có chị bị chồng đánh đập, bị gia đình chồng chối bỏ. Có bao nhiêu người Việt ở thành phố Taichung, nơi cháu ở ? Theo cháu biết, khoảng 900 người. Tất cả đều là phụ nữ lấy chồng Đài Loan? Không, ngoài ra còn có những người Việt qua đây để lao động. Gặp mặt, họp bạn? Dạ có chứ, khi ở nhà người này, khi ở nhà người kia, khi kể chuyện tâm tình, khi hát Karaoke, nhưng khoái nhất vẫn là đánh tứ sắc, “Món vui chơi quốc hồn quốc túy”. Thua hết tiền thì sao? Hết tiền thì đi làm nghề chị em ta. Nghề chị em ta ?. Cô chú không ngờ lại có nghề chị em ta ở đây phải không ? Lòng vòng một hồi là có hết. Không sợ cảnh sát Đài Loan hay sao ? Tụi nó ghê lắm nhưng người Việt Nam mình còn ghê hơn cô chú ạ ”.

 

Sau một hồi nghỉ ngơi, có lẽ để suy nghĩ, đánh giá xem vợ chồng cô chú này có gian tham hay không, cô  Giang lại lên tiếng:

“ Cháu có việc này nhờ cô chú. Mẹ cháu đang cần tiền để sửa lại căn nhà. Cháu thương Mẹ cháu lắm. Người Việt Nam ai mà không thương Mẹ phải không cô chú. Mấy đứa bạn cháu ai ra đi cũng đều là vì Mẹ của họ. Cháu có đem về cho Mẹ cháu 17.000 đô. Trên 7000 là phải khai. Cháu ngại khai báo lắm. Vậy cô chú, có lẽ xài thẻ tín dụng nhiều, có thể giúp cháu mỗi người cầm dùm cháu 5000 đô qua cửa hải quan được không ạ”. Nhung ơi, qua một chút do dự, vợ chồng anh đã đồng ý giúp cho cô ấy mà không nhận bất cứ một chút lợi lộc nào. Nhung vẫn biết đó, anh thường giải quyết vấn đề theo cảm quan, linh tính (instinct). Hai tiếng Nha Trang gợi cho anh một cảm giác đó là một chuyện tốt, nên làm.

 

Khi tụi anh trả tiền và chuẩn bị ra về cũng là lúc cô Giang nhận ra “cô chú” cách đây mấy hôm. Cô ấy chạy lại chào tụi anh và nhất định xin được giới thiệu với Mẹ của cô ấy. Mẹ cô ấy trước đây là người không những có học mà còn có nhan sắc. Cha cô ấy, dân Võ Bị Đà Lạt, sau 75 lãnh 12 năm tù. Khi được thả về thuộc loại công dân hạng bét trong xã hội, đi đến cửa quyền nào cũng bị xem là ngụy. Lại thêm bệnh hoạn mang từ trại tù ra, sinh ra rượu chè. Số tiền 17.000 đô cô Giang mới đem về, chỉ sau mấy ngày, đã bị người cha xài gần hết. Nghe được tin này cô Giang đã bật lên khóc.

 Đố ai biết được có điều gì mới: Mẹ cô Giang là H., bạn tiểu học của Thu và ba cô Giang lại là T., bạn trung học của Bách này.

 




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.