Sau cơn bão lửa, những cánh chim còn lại
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

0664.lt15.1.jpg

Views: 3014

a. tns 00278.jpg

Views: 2873

18lt.0715.lt31.jpg

Views: 2982

0658.lt12.1.jpg

Views: 3012

picnic hn 2010 sj.jpg

Views: 2772

0750.lt43.jpg

Views: 2995
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


Sau cơn bão lửa, những cánh chim còn lại
20-12-2006


          Thân tặng các cựu học sinh Võ Tánh
          và Nữ Trung Học NhaTrang.           

                                                                      Nguyễn Thị Thể-Lý

 

     Ngày NhaTrang mất về tay Cộng sản, gia đình tôi ở lại với thành phố này không di tản vào Saigòn vì lúc đó tôi đang mang thai gần đến ngày sanh. NhaTrang lúc đó như một thiếu nữ xuân sắc hiền lành rơi vào tay tướng cướp. Chúng tôi đang ở cư xá Hải quân Lê văn Duyệt Nhatrang, bộ đội Cộng sản đuổi gia đình chúng tôi ra khỏi cư xá vì chúng cần chỗ đóng quân. Theo lệnh Ban Quân quản thành phố, phu quân tôi đi trình diện học tập tại Lam sơn nên mấy mẹ con tôi dọn vào Cam Ranh sinh sống.


 Trước 75 tôi có một tiệm sách kiêm đại lý độc quyền phân phối báo chí và sách giáo khoa toàn CamRanh. Nam Cường, tên nhà sách, tôi hùn vốn với người em gái từ mấy năm về trước. Môn bài nhà sách tôi đứng tên,  nên bây giờ tôi có phương tiện buôn bán nuôi con. Toàn thể sách báo trong tiệm thì bị liệt vào "sách báo đồi trụy Mỹ ngụy" nên theo lệnh, tôi phải giao nạp cho phòng Thông tin Văn hóa Cam Ranh. Tiệm sách báo không có sách báo bán, bán gì bây giờ? Tôi mua dụng cụ học sinh và các thứ linh tinh bày bán thay cho báo chí sách vở. Tôi biến Nam Cường thành tiệm tạp hóa. Tôi không muốn trữ hàng nên hàng hóa tôi mua đi bán lại hàng tuần. Sáng chủ nhật tôi ra Nhatrang mua sỉ về bán lẻ. Tuần nào cũng phải đi thì mới có đủ hàng bán.
CamRanh trước 75 có 5 tiệm sách : Trung Việt, Văn Hóa, Đức Trí, Nam Phương và Nam Cường. Sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm, 3 tiệm kia tự họ đóng cửa giải nghệ. Chỉ còn lại Nam Phương và Nam Cường. Nam Phương sau đó bị CS đánh siêu ngạch vì Nam Phương có nhà in. Nam Cường thì thoát, hú vía! Nhờ Nam Cường biết tự hủy "dung nhan" cho tồi tàn xấu xí. Chú Ty đã gỡ lấy hết kính trong những tủ sách xuống chỉ còn trơ khung gỗ. Giống như trường hợp người đàn bà trong "Mẹ Mốc" của Nguyễn Khuyến tự hủy dung nhan để được sống yên thân với người đời:
 Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa
 Làm thế để cho qua mắt tục.
Sáng chủ nhật nào tôi cũng ra Nhatrang mua hàng vô bán, nhờ vậy tôi gặp lại một số bạn bè cùng học tại Võ Tánh và Nữ Trung Học ngày xa xưa cũ. Những cánh chim còn lại với Nhatrang sau cơn bão lửa tháng-4/75.
 Một buổi sáng, sau ngày mất nước độ vài năm, tôi không nhớ rõ là năm nào, sau khi ghé tiệm sách Ngọc Hân đường Độc Lập đưa toa đặt hàng, tôi thả bộ dọc xuống chợ Đầm. Đang đi, bỗng một người đàn bà trẻ đẹp từ trong tiệm bán đồ điện lạnh chạy ra nắm tay tôi, nói một hơi:

- Lý đó hả? Sao lại còn đây? Tưởng bồ đi Mỹ rồi chớ! Dở qúa! Hải quân tàu bè trong tay mà ở lại!

Nhận ra Đồng Minh, tôi vừa mừng vừa ngạc-nhiên:

- Ủa, Minh còn ở lại sao? Máy bay nhanh hơn tàu thủy, sao còn kẹt lại ! Ai dở hơn ai?
- Cái số "con rệp" vậy đó Lý ơi ! Anh Thể học tập ở đâu vậy?

- A-30,Tuy Hòa. Còn anh Định?

-Ngoài Bắc. Ôi số tụi mình "con rệp" cả Lý ơi!

Nhìn vẻ chán chường đau khổ  trên mặt Đồng Minh, tôi thương bạn  quá. Tôi an ủi Minh:
Số mạng cả Minh ơi ! Cựu tư lệnh Hải quân, cựu Đề đốc Trần văn Chơn, còn kẹt lại cả gia đình với đầy đủ các con. Hai mươi mấy ông tướng miền Nam bị tụi nó "gom bi" ngoài Bắc. Sá gì mấy ông cấp tá nhỏ lon như ông xã của bọn mình! Thôi ráng khổ cực nuốt nhục sống nuôi con chờ chồng về rồi sẽ tính!

Trở lại gần mười năm về trước. Sau kỳ thi tốt nghiệp tú tài II (niên khóa 64-65), lớp Đệ nhất ban C chúng tôi tỉ số thí sinh đậu quáù thấp. Nhưng trong số thí sinh trúng tuyển có tên tôi. Số tôi may mắn chứ tôi chẳng học giỏi, học chăm, học "gạo" gì cả. Hồi đó tôi đang có "chàng", tôi thường hay mơ mộng nên việc học hành có phần xao lãng. "Chàng" là một Sinh viên Sĩ quan Hải quân khóa 12, Đệ nhất Song Ngư.
 Đám thi đậu chúng tôi như đàn chim đủ lông đủ cánh, tung bay khắp nơi tìm một hướng đi cho cuộc đời mình. Các bạn cùng lớp tại Võ Tánh niên khóa đó tứ tán mỗi người một phương. Các bạn nam sinh thì đa số thi vào các trường đào tạo sĩ quan các ngành Hải, Lục, Không quân. Có nhiều bạn vào Sàigòn, lên Đàlạt thi vào các trường Quốc gia Hành chánh, Y khoa, Chính trị Kinh doanh, Đại học Sư phạm. Có một số các bạn nữ thi vào lớp đào tạo Flight Attendant. Trong số này có ba cô được tuyển dụng làm  Nữ Tiếp Viên Hàng Không là Kim Anh, Trung Thu và Đồng Minh. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe từ bạn bè, Đồng Minh lấy chồng là một sĩ quan trong binh chủng Không quân. Sau khi sanh con, Minh không muốn làm việc cho Hàng Không Việt Nam nữa nên xin nghỉ việc. Minh về Nha Trang, ghi danh học tại Đại học Duyên Hải.

Năm 74, phu quân tôi được thuyên chuyển về dạy tại Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Nhatrang. Chúng tôi được cấp nhà trong Cư xá Hải quân đường Lê văn Duyệt. Mỗi buổi sáng tôi thường thấy Minh đi học bằng xe gắn máy ngang qua nhà tôi. Tôi mừng quá, định bụng ra đón xe Minh lại thăm hỏi chuyện trò. Nhưng tôi sợ trễ giờ vào lớp của cô ấy, nên thôi. Tôi dự định hôm nào rỗi rảnh tôi sẽ tới nhà Minh hàn huyên một buổi. Nhưng dự tính tôi chưa kịp thi hành thì cơn bão lửa tháng 4-75 ập đến.  Giờ đây tôi gặp lại Đồng Minh trong hoàn cảnh này. Hai đứa tôi than thở, an ủi nhau một hồi rồi chia tay.
 Sau đó vì bận bịu sanh kế chúng tôi không gặp lại nhau. Một thời gian sau, khoảng đâu một năm, tôi tới thăm Minh thì được biết Minh đã dẫn các con đi vượt biên.  Minh đang định cư tại Úc. Tôi mừng cho mẹ con Minh sớm thoát được ngục tù CS để các con Minh có được một tương lai tươi sáng huy hoàng. Trong đời sống, theo tôi, con người phải biết "quyền biến" khi gặp nghịch cảnh. Tôi thông cảm những người đàn bà dẫn con đi vượt biên trong khi chồng vẫn còn trong trại tù CS.
 Bước ra khỏi tổ hợp điện lạnh, phía bên kia đường, tôi thấy An, vợ   Trương Hồng Sơn đang bày bán guốc dép ở vỉa hè. Tôi tới thăm hỏi chuyện trò. Anh Trương Hồng Sơn, giáo sư dạy Đại học Duyên Hải, là người đầu tiên dùng ghe vượt biển trốn đi từ chế độ CS tại Nhatrang. Anh Sơn phải tìm sự sống trong cái chết vì anh nghe được mật tin từ CS. Chúng sẽ "tóm" anh nay mai. Trên chiếc ghe anh trốn đi vỏn vẹn có 6 người. Anh Sơn đã nói cho chúng tôi nghe điều này khi vợ chồng anh đến San Jose, và chúng tôi mời anh đi ăn bánh xèo ở nhà hàng 909.

Tôi gặp Quít ở chợ Đầm, hình như đầu thập niên 80. Tôi không nhớ rõ năm nào. Sau khi tôi đưa toa đặt hàng cho Minh Thu, một người chuyên bán sỉ văn phòng phẩm và dụng cụ học sinh. Tôi đang dặn thêm cô ấy vài điều thì tôi thấy một người đàn bà trẻ, dáng vẻ thùy mị dịu dàng, nét đẹp thanh tú đang bưng mẹt bánh bông lan dạo bán trong chợ. Mặt cô bán bánh tôi thấy quen quen, nhưng tôi không nhận ra cô là ai. Tôi  nhìn cô một lúc rồi nói:
Xin lỗi, tôi thấy chị quen quen, nhưng không nhớ chị là ai.
Cô cũng đăm đăm nhìn tôi rồi ngập ngừng hỏi: 

-  Lý... Lý, phải không?

Nhận ra giọng nói thân quen ngày nào, tôi buộc miệng:

- Quít  hả? Trời ! Sao đến nỗi này!

Quít cười, nụ cười thay cho tiếng khóc:

- Quít cũng phải "lao động" để kiếm sống như mọi người chứ!

Tôi nắm tay Quít siết nhẹ:

- Mình nghe nói Quít  vẫn còn được dạy học tại Võ Tánh sau 75 mà!

Quít cười buồn:

- "Mất dạy" rồi, từ ngày ông xã vượt biên. Bây giờ Quít phải buôn bán nuôi con chờ ngày ông xã bảo lãnh.

Nghe vậy tôi thở phào, mừng cho bạn. Tôi nắm tay ấn Quít ngồi xuống. Quít và tôi lót đôi dép, ngồi nép bên lối đi trong chợ. Hai đứa tôi thăm hỏi và kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện, về bạn bè và các thầy cô ngày cũ. Quít bây giờ và Quít của năm học lớp đệ nhất C với tôi ở Võ Tánh khác xa nhau lắm. Các cô nữ sinh trong lớp tôi, nói chung, cô nào cũng xinh xắn duyên dáng. Nhưng trội hơn có Quỳnh Như Ý, Trung Thu và Quít. Quít là dân trường Tây, từ Lycée Yersin chuyển sang trường Việt niên khóa 64-65, cùng với Đoàn Trinh Thục và Kim Anh. Đồng Minh cũng chuyển từ trường Tây, nhưng sớm hơn. Đồng Minh và tôi học cùng lớp từ năm Đệ tam C. Đoàn Trinh Thục sau này kết hôn với giáo sư Nguyễn bá Tiết là thầy dạy Anh văn của chúng tôi tại Võ Tánh.
 Trong lớp, Quít hiền lành ít nói. Ai nói gì Quít cũng cười. Có lần trong giờ toán, thầy H., giáo sư trẻ, chưa vợ, vào lớp. Thầy nhìn sổ điểm rồi lần lượt gọi Quỳnh Như Ý và Quít lên hỏi bài. Thầy chỉ hỏi sơ vài câu rồi cho về chỗ ngồi. Thấy vậy Hương Diễm, cô bạn ngồi bên cạnh, hích nhẹ vào tay tôi:

- Lý xem, thầy H. vào lớp chỉ gọi hai người đẹp lên hỏi bài để có cớ ngắm

dung-nhan!

Tôi cười nhẹ:

- Chắc chỉ tình cờ thôi, thầy không cố ý đâu!

Diễm lắc đầu cười nhạt nói:

- Diễm thì không nghĩ vậy!


Sau khi từ giã Quít, theo lời chỉ dẫn của Quít, tôi ra trụ điện đầu chợ tìm gặp Vân Anh. Nhưng tìm hoài không gặp, tôi vô lại chợ tìm Quít hỏi lại cho rõ ràng. Tôi lại ra tìm. Vẫn không thấy Vân Anh bán hàng ngay trụ điện như lời chỉ dẫn. Tôi lại vào hỏi Quít thêm lần nữa. Lần thứ ba, tôi mới thấy Vân Anh đang cúi đầu che nón để tôi khỏi thấy mặt. Vân Anh mắc cỡ không muốn bạn thấy mình đang mua thúng bán mẹt trong hoàn cảnh này, tôi đoán như vậy. Vân Anh cùng chồng là giáo sư trung học, đi vượt biên, bị bắt lại nên mất sạch. Vì vậy Vân Anh phải lây lất ra chợ trời buôn bán kiếm sống. Hàng họ Vân Anh bày bán chỉ là cái thùng giấy carton trên để vài thứ lỉnh kỉnh. Tôi nhẩm tính, nếu tất cả hàng hóa Vân Anh bán hết được  ngày hôm nay, cả vốn lẫn lời, số tiền đó gia đình Vân Anh sống tiện tặn chắc cũng được một tuần. Ôi, vì ai mà bạn tôi phải nên nông nỗi này!!
 Có lần, trứơc khi chở hàng về  CamRanh, tôi dạo chợ tìm mua quà về cho các con, tôi gặp Diệu Mỹ. Diệu Mỹ là vợ giáo sư  Duy dạy học tại Võ Tánh. Cô ấy vẫn cười vui như thủa nào. Chưa thấy người đã nghe tiếng cười. Chúng tôi thăm hỏi tin tức các bạn bè và cuộc sống của nhau. Anh Duy vẫn còn được dạy học tại Võ Tánh, gọi là "lưu dung". Diệu Mỹ nói cho tôi nghe vợ chồng Mỹ  "canh tác" trồng mướp làm thức ăn hàng ngày để bớt đi tiền chợ. Ngày nào bữa cơm cũng có mướp. Sáng mướp với cơm, chiều cơm với mướp. Hết mướp xào đến nấu canh. Ngán ơi là ngán! Vậy mà sau câu nói là một tràng cười dòn tan! Nhớ ngày nào Diệu Mỹ và tôi có bầu con so cùng một thời gian. Hai cô nữ sinh cùng lớp, nay thành hai "bà bầu" gặp nhau trong chiếc áo "bầu", nhìn nhau cười xòa. Sau đó Diệu Mỹ sinh con gái đầu lòng là Cỏ May và tôi sanh Hương Giang.

 

                                                           

Trước ngày đi vượt biên, năm 84, tôi ra Nhatrang tìm nhà Đào để thăm Đào lần cuối. Hồi học đệ nhất cấp, Đào và tôi chơi thân nhau. Lên đệ nhị cấp thì mỗi đứa mỗi ban. Đào ban A, tôi ban C. Tôi thương Đào bản tánh thật thà chất phác. Sau khi tốt nghiệp, ra làm công chức, lấy chồng rồi tôi theo chân đức lang quân đi khắp các vùng sông biển. Còn Đào thì vào trường Sư phạm Qui nhơn. Từ đó chúng tôi không có dịp gặp nhau. Tôi tới nhà, thấy cô ấy đang nuôi gà công nghiệp để có thêm lợi tức. Tú, chồng Đào thì bị "đày" ra dạy tại Phú quốc hai năm. Có lẽ anh Tú thuộc thành phần Công giáo và đã di cư vào Nam năm 54. Qua Đào, tôi được biết Trần thị Tấm, Nguyễn Khoa Tỷ Muội vì làm cho sứ quán Hoa kỳ nên đã được chính phủ Mỹ  ưu tiên bốc trước ngày 30/4/75. Kim Mỹ cũng thoát được vì gia đình Kim Mỹ đã "biết" CS nên đã cao bay xa chạy từ  năm 1954. Oanh Thư cũng thoát được cùng với cô em gái do một người Mỹ tốt bụng đưa đi. Kim Cúc ( tiệm bán xe đạp Song Cần) vì là dân Hải quân nên cũng di tản được nhờ tàu Mỹ vớt. Vợ chồng Kim Cúc lạc nhau, nhưng cuối cùng rồi cũng đoàn tụ được trên đất khách quê người. Anh Nguyễn văn Minh, ông xã Kim Cúc, cùng khóa Hải quân với ông xã tôi.

Trở lại chuyện Đào. Đào hiền lành và rất tốt với bạn bè. Ngày cưới tôi, từ trường Sư phạm Qui Nhơn, Đào gởi tặng tôi chỉ một cái bao gối, thay vì một cặp. Chiều dài, dài hơn bao gối bình thường chỉ hơn một gang tay. Cái bao gối màu xanh, viền rua chung quanh, trên có vẽ hai chữ Thể-Lý thật bay bướm rồi thêu thật sắc sảo. Kèm theo bao gối, Đào viết hàng chữ "Nằm chung một cái gối cho tình. Và, để khi giận nhau thì dễ làm lành. Chúc hạnh phúc". Được lời chúc phúc của cô bạn thân, quả thật tôi đã trải qua những năm tháng hạnh phúc khi gối  đầu trên chiếc gối đó, bên anh Thể. Cho đến ngày chúng tôi trốn đi vượt biên, chiếc bao gối đó vẫn còn, nhưng đã quá cũ kỹ, nhiều chỗ đã sờn rách.

Dư thị Ngọc Liên cũng được rời khỏi nước trước khi CS "take over South Việt Nam" nhiều năm về trước. Ngọc Liên và tôi chơi thân nhau, mặc dù chúng tôi chỉ học chung năm cuối cùng của bậc trung học ở Võ Tánh. Sau khi tốt nghiệp Tú tài II, Ngọc Liên làm thông dịch viên cho bà Cindy Taylor, một nữ bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Nhatrang. Tôi nghe nói bà Taylor đã bảo trợ cho Ngọc Liên sang Mỹ du học khi bà mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Việt Nam.

Qua Ngọc Liên, tôi quen biết bà Taylor.
Ngày cưới tôi, bà Taylor cho chúng tôi mượn xe và thân hành làm tài xế đưa cô dâu về nhà chồng trên chiếc xe Mercedes "ruồi đậu trượt chân". Bác sĩ Taylor tế nhị quá khiến chúng tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy bà mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong lúc đi đưa dâu. Chiếc áo dài hàng vải  nylon trắng trên in rải rác những bông hồng màu đỏ thẫm. Lộ trình xe cô dâu đi, trên đường phố khi thấy chỗ nào đông người, bà Taylor nhấn còi "tin tin" rồi quay ra sau cười nói với chúng tôi "Để mọi người chú ý nhìn ngắm cô dâu chú rể". Sau đó bà Taylor còn tặng chúng tôi những tấm hình màu mà bà đã chụp được trong ngày cưới chúng tôi.
Tấm hình bốn đứa chúng tôi chụp chung tại Hòn Chồng Nha Trang ngày Giáng sinh năm 64, nay thì bốn đứa bốn phương trời. Bích Đào đã mất xác trên biển trong chuyến vượt biên. Bích Đào là em gái của giáo sư Nguyễn Kế Thế. Hương Diễm còn ở Việt Nam, Ngọc Liên và tôi cùng ở Mỹ. Nhưng tôi không biết hiện giờ Ngọc Liên ở đâu để liên lạc. Đọc đến đây ai biết địa chỉ  Dư thị Ngọc Liên xin chỉ dùm. Đa tạ.
 

                          ************

Như tôi đã nói trên, sau khi sanh cháu bé, tôi đưa các con vào CamRanh sinh sống. Nam Cường, tiệm sách của tôi và người em gái hùn vốn từ trước 75, nay không những là nơi lui tới của giáo chức học sinh mà còn là nơi gặp gỡ của "ngụy quân ngụy quyền" nữa. Những người cùng cảnh ngộ thường tìm đến nhau để an ủi và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nơi đây tôi đã gặp lại Hoa Trâm, cô bạn học cùng lớp với tôi ở Võ Tánh  ngày nào. Hoa Trâm chưa lập gia đình, vẫn sống độc thân cùng với mẹ già và cô em út là Hoa Bút. Hoa Trâm được "lưu dung", vẫn còn được dạy học. Có lẽ tôi là người bạn duy nhất Hoa Trâm tin tưởng để "trút bầu tâm sự". Có gì buồn nản trong đời sống, Trâm thường ra Nam Cường than thở với tôi. Cùng chung một kẻ thù, tất nhiên người ta xích lại gần nhau hơn. Huống chi Hoa Trâm và tôi đã là bạn của nhau. Phạm thị Thiêm,  cùng học Sư phạm Qui Nhơn với Đào và Hoa Trâm, cũng thường ghé Nam Cường than thở với tôi đôi điều. Sau mấy năm, sống không nổi với mấy chục bạc lương giáo chức mỗi tháng, Thiêm tự ý nghỉ dạy ra buôn bán ở chợ Ba Ngòi. Yến, thỉnh thoảng ghé tiệm tôi mua vài món cần dùng cho con. Nhìn tấm hình chụp chung 4 đứa tôi tại nhà Đào, mặt đứa nào trông cũng "ngáo". Đào và Yến hiện còn ở lại Việt Nam. Hoàng Anh và tôi, thỉnh thoảng gặp nhau trong những buổi họp mặt tại SanJose.
Tô Bội Hường học sau tôi mấy lớp nên cô coi tôi là bậc đàn chị. Sau ngày mất nước mấy tháng, Tô Bội Hường kết hôn với Thọ, cũng là giáo sư dạy cùng trường với cô tại Cam Ranh. Chỉ vài tháng sau Thọ bị CS bắt đi cải tạo chỉ vì một câu nói đùa. Chả làụ Giáng sinh đầu tiên từ ngày CS chiếm miền Nam, trong lúc sinh hoạt với các đoàn viên thanh thiếu niên thánh thể, Thọ đã nói đùa: "Giáng sinh năm sau chắc ông già Noel sẽ mang cho các em mỗi đứa một củ khoai lang để làm quà". Họa từ khẩu xuất, thật đúng với Thọ trong trường hợp này.

 


 Sau đó khoảng một năm thì Thọ được tha về. Để kiếm sống, Thọ  ngồi sửa xe đạp trước cổng bệnh viện Cam Ranh. "Tiệm" sửa xe đạp của Thọ là 4 cây cọc gỗ đóng xuống mãnh đất diện tích bằng 2 chiếc chiếu, trên che tấm bạt. Giữa 2 cây cọc gỗ Thọ cột một cây tre ngang, treo lủng lẳng mấy nãi chuối. Dưới đất, một cái rổ con đựng vài trái cam. Thọ bán những thứ này cho bệnh nhân đang nằm trong biệnh viện, đồng thời Thọ sửa xe đạp cho những người hư xe  dọc đường, cần đến anh.
 Tô Bội Hường vẫn còn nét đẹp của một hoa khôi ngày nào. Tôi phục cô nhất ở đức tính cô biết sống thích nghi với hoàn cảnh. Tôi chẳng bao giờ nghe cô than van sự  khổ nhọc mà cô đang gánh chịu. Trên môi cô lúc nào cũng có nụ cười. Thỉnh thoảng Bội Hường ghé vào tiệm tôi, tay cầm nón quạt lia lịa, tay kia tự nhiên kéo ghế ngồi bên tôi. Chị em chúng tôi nói cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Có lần tôi không ngần ngại hỏi thẳng:

- Này Bội Hường, tôi nghe có thời cô là người yêu của giáo sư Nh. chuyện này có không?

Tô Bội Hường cười, tay quạt nhanh để che dấu cái lúng túng của câu hỏi bất ngờ, khẽ nói:

- Dạ có. Cũng khá thắm thiết!
- Vậy sao chia tay?
- Dạ tại.. ..
Cô bỏ lửng câu trả lời rồi lảng sang đề tài khác.  Tôi coi Bội Hường như em gái nên có lần tôi thân mật hỏi:

- Này Bội Hường, sau khi chia tay, có lần nào cô gặp lại giáo sư Nh.?
- Dạ có. Lần đó em vào Saigòn, tình cờ gặp lại ổng. Hai bên chỉ thăm hỏi vậy thôi. Em đã lập gia đình và có hạnh phúc với Thọ. Còn ổng, thì  em thấy ổng buồn và có vẻ tàn tạ, sau khi ly dị vợ.  

Nói rồi Bội Hường cười, giọng đượm buồn:
      Anh đi đường anh, tôi đường tôi
      Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!

          Bây giờ kinh tế Việt Nam đang phát triển, tôi nghĩ rằng kinh tế gia đình Tô Bội Hường sẽ khá hơn chứ không thê thảm như đầu thập niên 1980, như tôi đã thấy đã biết.
Về phía cựu nam sinh học ở Võ Tánh ngày xưa tôi chẳng gặp lại ai, trừ một người. Một buổi xế, một người đàn ông bước vào Nam Cường, nhìn tôi, cười hỏi :

- Chào chị! Chị còn nhận ra tôi không?

Tôi nhìn anh ta một lúc, cố vận dụng trí nhớ xem anh ta là ai. Nhưng tôi đành chịu.

- Tôi là Phúc, bạn học cùng lớp Nhất C với chị ở Võ Tánh đây!
- Thật vậy sao? Xin lỗi, tôi vẫn chưa nhận ra anh!
Phúc cười tươi:

- Chị không nhận ra tôi cũng vì tôi thuộc loại "vô danh tiểu tốt" trong lớp. Tôi không như Lê văn Chính (tức nhà thơ Sương Biên Thùy, sau khi sang Mỹ, Chính lấy bút hiệu là Lê Mai Lĩnh). Tôi cũng không "đại náo" như Đỗ Huy Hy và nhiều bạn có danh khác.
Nhận ra bạn học cũ, Phúc và tôi nhắc nhở đến các bạn ngày xưa. Ai đi ai ở, ai còn ai mất, rồi bùi ngùi nhìn nhau. Phúc là sĩ quan VNCH, đi cải tạo mới được thả về, hiện cư trú tại nhà cha mẹ, gần tiệm sách tôi. Từ đó khi nào rỗi rãnh, Phúc hay ra Nam Cường chuyện trò với tôi. Sau đó gia đình Phúc và gia đình tôi có tên trong danh sách CS bắt đi kinh tế mới vì cùng là "ngụy quân". Tôi buôn bán có đồng ra đồng vào nên có tiền hối lộ để được hoãn với lý do các con còn quá nhỏ, chưa lao động được, trong khi ông xã tôi vẫn còn trong trại tù của CS  Phúc thì phải đi vì là thành phần cải tạo mới về. Từ đó chúng tôi không còn gặp nhau nữa, cho đến bây giờ.
Nhân dịp Phúc nhắc đến Đỗ Huy Hy, tôi nhớ đến giai thoại vui về anh bạn cùng lớp "đại náo" có danh trong lớp. Trong một buổi học cuối năm 64, giờ Pháp văn, thầy Nguyễn Vỹ. Thầy vừa bước vào lớp, cả bọn tôi nhao nhao xin thầy cho chơi chứ không học vì gần Tết rồi. Thầy cười, ngần ngừ chưa quyết định. Dư thị Ngọc Liên giơ tay lên xin nói :

-Thưa thầy, con nghe anh Đỗ Huy Hy vừa mới sáng tác một bản nhạc hay lắm. Xin thầy cho phép anh Hy  hát cho cả lớp nghe.
Thầy Vỹ gật đầu ưng thuận. Hy đứng lên bảo:

-Hát thì tôi sẵn sàng. Nhưng khi tôi hát thì các bạn phải gõ tay xuống bàn đánh nhịp theo tôi nhá!

Nói rồi Hy hắng giọng bắt đầu hát:

- Sao thầy ép em hoài..
Em không chịu mà thầy cứ ép em hoài..
Em không chịu, em than mỏi (tay) mà thầy cứ ép em hoài..
Thầy ép em hoài .. Thầy ép em hoài..

Cả lớp vừa đánh nhịp vừa lăn ra cười. Thầy Vỹ cũng cười. Tôi  cười đến thắt cả ruột. Tiếng cười át đi tiếng hát. Tôi thúc nhẹ vào cánh tay Ngọc Liên:
  -  Lời bài hát gì kỳ cục vậy! Thầy nào ép? Mà ép cái gì?

Ngọc Liên  vừa cười vừa giải thích:

-  Hy sáng tác bản nhạc này để chọc phá thầy Đỗ Phương Anh, thầy dạy triết của tụi mình đó! Lý nhớ không, mỗi lần thầy Anh vào lớp là cứ mở sách ra đọc bắt bọn mình chép. Chép giờ này sang giờ khác. Mỏi tay quá mà cũng phải chép. Không chép thì không có bài để học, cuối năm rủi thi rớt thì chết cả lũ. Đỗ Huy Hy mỏi tay. Cả lớp mỏi tay. Cả bọn nhao nhao than mỏi tay. Vậy mà thầy Anh vẫn cứ đọc. Thầy nài ép học sinh trong lớp phải chép. Hy tức quá. Để chọc phá thầy Đỗ Phương Anh, Hy sáng tác ra bài hát này, rồi đến giờ triết, môn Luận lý và Đạo đức học của thầy Anh là Hy nghêu ngao hát.
 Ô thì ra vậy!!!  Chính tôi đây cũng chán ngán như cơm khê ăn với  muối hột khi phải chép mỏi tay những gì thầy Đỗ Phương Anh đọc cho chép khi thầy vào lớp. Đỗ Huy Hy đúng là đứng hàng thứ ba sau ma quỉ!
Nhận thấy thầy Nguyễn Vỹ vui, chúng tôi "thừa thắng xông lên", xin thầy đưa chúng tôi xuống Hải Học Viện chơi. Chúng tôi  vừa năn nỉ vừa dùng đòn tâm lý "nỉ non tha thiết" với thầy: "Chỉ vài tháng nữa chúng con đâu còn học ngôi trường này nữa. Thầy trò mình đâu còn gặp nhau nữa". Thầy Vỹ hiền lành và rất thương học trò nên thầy "động lòng trắc ẩn" chiều lũ chúng tôi. Thầy trò chúng tôi chất đầy 2 xe lam (Đệ nhất C năm đó, nhóm Anh văn sinh ngữ chính của chúng tôi chỉ có 16 đứa). Sau khi dạo chơi , chụp hình lưu niệm xong, lũ chúng tôi "được voi đòi tiên" còn đòi  thầy Vỹ cho đi  ăn phở Chụt  nữa! Mọi yêu sách và nghịch phá vẫn là tay "đại náo" Đỗ Huy Hy cầm đầu!
Thầy Nguyễn Vỹ là vị hiệu trưởng kỳ cựu nhất của trường Võ Tánh. Thầy đã từng làm Hiệu trưởng trường Võ Tánh trước ông Lê Tá, trước ông Lê Khắc Nguyện và Lê Nguyên Diệm. Sau khi về hưu, ở nhà thầy cảm thấy buồn nên thầy xin Bộ giáo dục cho thầy về làm giáo sư dạy bán thời gian tại Võ Tánh cho vui. Nhà thầy tọa lạc tại đường Phan Năm nên thầy đến trường Võ Tánh chỉ  2 phút đi bộ! Năm thầy Vỹ dạy chúng tôi, (niên khóa 64-65) thầy đã ngoài lục tuần, nhưng thầy vẫn còn khỏe mạnh tráng kiện lắm. 
Thầy Vỹ là một trong những người có tuổi thọ cao nhất trong những người làm nghề lao tâm vào bậc nhất. Cách đây mấy năm, có lần tôi tình cờ đọc được một bài báo nói về thầy. Con cháu thầy vừa tổ chức tiệc Đại Khánh Thượng Thọ để mừng thầy tròn 1OO tuổi. Gia cảnh con cháu thầy Vỹ thanh bạch và ý thầy cũng muốn đơn giản nên bữa tiệc chúc thọ thân mật ấm &a




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.