Tôi là dân Nha Trang 100%. Quê nội và ngoại tôi đều ở tại xã Vĩnh Trung. Đi từ Nha Trang lên Thành, đến cây số Bảy, quẹo phải tại Điếm Cháy vào trong là làng Võ Cạnh, quê ngoại tôi; lên đến dưới cầu Ông Bộ, quẹo trái là làng Võ Dõng, quê nội tôi ở đây. Tôi trải qua thời niên thiếu ở quê ngoại nhiều hơn ở quê nội vì từ khi tôi bắt đầu hiểu biết chút ít, ông bà nội tôi đã quá già (ba tôi là con út của ông bà), cả hai lại bị lẫn, nên tôi chỉ dược đưa về thăm ông bà chốc lát rồi quay về Nha Trang chứ không được ở lại lâu. Trong khi đó, tôi có một bà cố là bà dì của mẹ tôi, không con cái, chúng tôi coi bà như Bà Cố ruột, còn khỏe lại yêu mến con nít nên cứ mỗi độ hè về, hai chị em chúng tôi lại được về nhà quê ở với Bà Cố vài tuần để “đổi gió”.
Thật ra tôi được sinh ra tại một ngôi nhà nhỏ cuối một con hẽm cụt đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm Nhâm Thìn, chỉ vài tháng trước cơn lụt lịch sử trên quê tôi, cơn lụt suýt lấy mất mạng tôi nếu không được một người cậu bồng chạy kịp.
Tôi lớn lên tại xóm Lồ Ô này. Từ chợ Đầm, đi theo đường Bến Chợ, dọc con sông, sẽ gặp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại đây có một con hẻm khá rộng dẫn sâu vàỉo nhà tôi ở cuối hẽm. Từ đầu hẽm, người ta đã ngửi thấy nhiều mùi thật đặc trưng của xóm Lồ Ô. Thuở ấy, nhà cửa chưa dày lắm. Ven bờ sông, người ta ngâm thật nhiều thân cây lồ ô, trông giống cây tre nhưng rỗng ruột. Khúc sông này gần cửa biển nên nước lợ, nước chà hai. Lồ ô được ngâm vào nước này sẽ giữ được lâu, không bị mối mọt ăn, dùng xây nhà cửa được bền chắc. Những thân cây lồ ô nổi lềnh bềnh trên mặt nước như những bè tre lớn và chúng cũng bốc lên một mùi thum thủm, nồng nồng khó chịu lắm, người lạ mới đến đây, ai cũng phải chun chun mũi. Đây lại là nơi hấp dẫn nhất của đám con nít trong mấy xóm gần đó. Hình như chiều nào bọn con trai cũng rủ nhau ra chạy nhảy trên những bè lồ ô rồi nhảy ùm xuống sông tắm, không e ngại gì đến cái mùi thum thủm, nồng oi nhất là vào những ngày nắng nóng, từ những cây lồ ô được ngâm nước mặn này. Ngay bến sông này là nhà của bác Mùi, có cô con gái xinh đẹp, chị Quí, với mái tóc thật dài, đen bóng. Tôi thích chị lắm dù chưa lần nào được đến gần vì chị cứ lẩn quẩn trong nhà, ít tiếp xúc với ai, chỉ một đôi lần tôi thấy chị chèo thuyền đi giăng lưới với bác Mùi trai. Cho đến một ngày bến Lồ Ô dậy sóng, chị bỏ nhà theo người yêu, bị bắt về. Mái tóc xưa bị xén cụt đến ót, áo quần bị bà mẹ lôi ra xé hết. Trước cảnh chị quì gối van lạy bố mẹ xin tha lỗi dưới những lằn roi, tôi cũng rấm rứt khóc thương cho chị.
Sau đó gia đình tôi dọn khỏi xóm nên không còn biết tin tức của chị nữa. Tiếp đến, căn nhà đầu hẻm là nhà của bạn Hồ Mai Hương của tôi mà mãi nhiều năm sau này tôi mới biết. Đầu hẽm bên kia là nhà Bà Cô Ba Mụ Thìn, là “bà mụ” của hầu hết tất cả trẻ con trong xóm và cả mấy xóm kế bên, trừ tôi. Mẹ tôi ốm nghén suốt thời gian mang thai tôi nên đến ngày sinh, sức khỏe kém lắm. Mẹ tôi không yên tâm sinh tôi ở nhà như các anh tôi. Bà đã đẻ tôi tại nhà thương Bà Phước. Đứa bé 1kg6 tôi được các bà Sơ chăm sóc tận tình mới sống sót đến nay. Vào sâu trong hẻm, tôi còn nhớ được nhà ông Ẩn, ông Đùng, ông bà Tài…. Ông Ẩn đi lính, lâu lâu mới về. Con Gái ông tên Long, lớn hơn tôi hai tuổi, hàng ngày vẫn chơi với tôi. Nhà ông Đùng có toàn con trai, thằng Hùng, thằng Chà. Ông bà Tài đã già, bán bánh bèo ngọt rất ngon. Nền nhà của ông bà rất cao, mùa lụt nước không vào nhà được, là nơi cho các bà trong xóm tụ họp, chuyện trò. Muốn vào nhà tôi, phải đi qua cái mái hiên này. Trong xóm có rất nhiều con nít. Nhà bác Bảo có 4 đứa, Bác Thân cũng có nhiều con. Tôi không nhớ hết được tên chúng nó, nhưng chúng tôi chơi chung với nhau khá hoà thuận, trừ bọn con trai. Không biết sao mà thời đó, bọn chúng đặt được nhiều bài vè thế. Ví dụ như muốn chọc tức thằng Hùng, cả bọn hát: Trời mưa, trời gió đùng đùng, Cha con thằng Hùng đi lượm cứt trâu. Hay để chế diễu tôi, một đứa con gái còi cọc, mặt mũi đen đúa toàn lông, chúng hát:
Chà và Ma Ní tí te,
Cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu. Dù còn rất nhỏ, chỉ 4, 5 tuổi, tôi cũng biết tức giận khi bị chế diễu như thế, không chỉ tức vi bị chê xấu xí mà còn vì bị cắp đôi với thằng Chà lúc nào cũng ở trần, ghẻ lở đầy mình. Mỗi lần như thế, tôi chỉ biết chạy nhanh vào nhà mà khóc. Mấy ông anh của tôi đôi khi cũng hùa vào chọc tôi như thế.
Nhà ông Đùng thường có tiếng cãi cọ ồn ào. Một hôm, ông anh tôi, lưng cõng thằng em, đứng trên bậc cấp trước nhà nhìn vào, xui xẻo trúng vào lúc trong nhà có người nhảy xổ ra đuổi nhau, xô vào hai anh em, ngã lăn lóc trên đất. Cả hai đều rất đau, thằng em khóc quá chừng. Anh năn nỉ tôi đừng mách mẹ, tôi cũng không vừa, bắt anh cam kết không theo lũ trẻ chọc tôi nữa.
Trước nhà ông bà Tài là trại làm nước mắm của ông Chủ. Ông Chủ người Tàu, là nhà giàu nhất xóm tôi, thấy hai hàm răng vàng choé của ông thì biết. Nhà ông Chủ cũng có con nít nhưng ít ra ngoài chơi. Chỉ một vài lần chúng tôi được phép vào nhà trại chơi. Ở thét trong xóm, mũi chúng tôi đã quen với mùi nước mắm nên không ngại gì khi len lỏi giữa những thùng nước mắm bằng gỗ, to cao như những thùng dầu nấu người có tội dưới âm phủ. Nhà trại rộng lắm, tối thui, ẩm thấp, tuy hôi hám nhưng không hề gì, càng tốt cho chúng tôi chơi trò trốn tìm. Tôi còn nhớ nhà ông Chủ có Bác Hai gầy cao, chú Ba mập, thấp, cả hai rất hiền. Có cả thằng Mừng trạc tuổi tôi. Sau này mới biết đây là nhà Nội của chị Huỳnh Tự Tân, bạn cuả anh Hóa tôi. Kế đó là khu nhà của những người Bắc di cư, Bác Bảo, Bác Thân có những đứa con gái cỡ tuổi tôi, tóc thật dài và được mẹ gội đầu bằng chanh nên tóc thật mượt, trong khi tôi suốt mùa chỉ tém tóc “bom bê”. Giữa khu này còn có một lô cốt được xây từ đời nảo đời nao. Sống trong lô cốt này là một ông cụ Giáo người đầm đầm, da trắng hồng, tóc bạc phơ. Nghe nói ông không vợ con, ở với người bà con. Hằng ngày ông đi dạy kèm con cái nhà người ta. Trong xóm có con nít, cha mẹ đều gửi cho ông trông nom, dạy dỗ. Tôi chưa tới tuổi đi học nên chỉ thỉnh thoảng mới được phép theo mấy đứa lớn hơn, trèo cầu thang lên lô cốt chơi. Cái lô cốt vuông vứt, nhỏ xíu nhưng đứng trên đó có thể qua những lỗ châu mai nhìn ra sông, thấy phong cảnh đẹp lắm. Chẳng biết ông Cụ Giáo dạy dỗ thế nào nhưng ông có nhiều điều kỳ dị, nếu bây giờ, sẽ bị kết tội CHILD ABUSE hay SEXUAL HARASSMENT. Chuyện rồi cũng đến tai người lớn, tôi không được phép lên lô cốt chơi nữa.
Sát lô cốt là nhà chị Ba, con cô Hai tôi.
Chị Ba bán chuối ở chợ Đầm với mẹ. Anh Ba ít ở nhà vì anh có đìa cá ở Ba Ngòi. Đến mùa
thu hoạch cá, anh mang về những con cá măng hay cá ông căn béo ngậy. Thằng Quang, con chị Ba là bạn thân với tôi, những ngày hè nó dẫn tôi lên nhà bà ngoại nó, tức cô Hai tôi, đi câu cá ngoài Bầu Sen, rồi đi hái rau tập tàng về nấu canh, ngon tuyệt vời.
Bên trái nhà tôi là lò nấu muối của bà Xẩm, có khi chúng tôi gọi bà là bà Xẩm Cùi vì tay chân của bà đều bị bó nhỏ xíu, đi lại rất khó khăn. Bà Xẩm và ông Chủ đều là người Tàu, nhưng gia đình bà Xẩm thì nghèo lắm. Đứng bên sân nhà tôi nhìn sang, chỉ thấy bóng những người trong nhà tới lui thật lặng lẽ, thường mặc toàn màu đen. Hằng ngày, có những chuyến ghe chở muối hột cặp sát bờ kè sau nhà. Bà nấu muối hột thành muối bột trắng tinh, còn gọi là muối nấu, và rang muối hột thành muối hầm hay muối rang màu xám xám, hồng hồng. Ăn cóc, ổi, xoài xanh phải dùng muối hầm mới ngon. Nhà bà Xẩm không có con nít nên tôi chưa được qua nhà bà, mỗi khi mua muối, chỉ cần đứng bên rào ới một tiếng là được phục vụ ngay.
Nhà tôi ở cuối xóm, là một căn nhà nhỏ, nửa trên đất liền, nửa trên sông. Sân trước nho nhỏ xinh xinh, có cây lựu trổ hoa đỏ chót. Ở góc sân có cây dừa xiêm nhỏ, nơi hàng cuối tuần, tôi phải vác cái ghế mây nhỏ xíu ngồi chờ Ba tôi liếc dao cạo mặt cho tôi, cái mặt toàn lông, đen như mặt khỉ. Bên hông nhà, cạnh chuồng gà, có cây bông trang cho thật nhiều hoa. Đóa hoa lớn bằng bàn tay xòe rộng màu vàng mơ mà hồi đó tôi rất thích. Mỗi đóa hoa kết hợp nhiều hoa nhỏ, bứt từng cái ra mút mút, vị ngọt ngọt, thú vị lắm. Mê hoa đến nổi có lần tôi đòi anh Hùng, người giúp việc nhà, hái cho tôi một bông. Anh sợ mẹ tôi la nên không chìu, liền bị tôi cắn cho một cái vào tay. Đến giờ này tôi còn nhớ như in trong đầu, cái dấu tròn hằn sâu vết hai hàm răng sữa. Anh đau lắm mà không nói gì hay đánh trả lại cho hả tức. Chắc anh không dám đụng đến cô con gái đầu rất cưng của nhà chủ. Ba chục năm sau, gặp lại anh Hùng có quán sửa xe đạp bên cạnh sân vận động, tôi liền nắm tay anh xem thử có còn thẹo dấu răng của tôi không. Anh không còn nhớ, nhưng kỷ niệm ấy, nổi ân hận ấy ở mãi trong tôi, từ đấy, tôi không còn dám làm đau một ai nữa, ngay cả những lúc vì chọc dai con em, bị nó thụp vào lưng đau diếng mà vẫn cong lưng cắn răng chịu đựng. Sau này lớn lên, khi được người yêu gửi về hạt giống hoa cúc Nhật Bản, tôi đã phụ tình với hoa trang mà yêu hoa cúc, nhất là cúc vàng. Tôi còn có một kỷ niệm khác về anh Hùng. Anh là người rất thật thà. Anh thường để dành tiền ăn quà mẹ tôi cho trong một cái bùng binh bằng đất nung, gác lên cây kèo nhà bếp. Đến vài ngày trước khi anh về quê thăm nhà, khi đập bùng binh để đếm tiền, bọn nhóc tụi tôi rất háo hức muốn biết anh để dành có được nhiều tiền không. Đến khi chiếc bùng binh vỡ tan, một làn bụi trắng bốc lên, bao nhiêu giấy bạc trong đó mủn rách hết, mối mọt đã ăn gần hết số tiền dành dụm của anh. Anh ngồi thụp xuống đất, không nói năng gì, chỉ thấy nước mắt anh chảy ra. Sau đó Ba tôi đã chở anh ra kho bạc nhà nước để đổi lại cho anh những tờ bạc còn lại.
Thời ấy, trẻ con chúng tôi không có nhiều bài hát. Tôi lại mau thuộc lòng những câu vè, những bài hát trại lời bậy bạ nên cứ bị mẹ tôi mắng miết. Có lần tôi trở về nhà sau buổi lang thang theo các anh hái me non chấm muối ớt, tôi đã hát thật to như thế này: “Phừng phừng dầu lửa, dầu xăng, phựt lên cháy liền. Cháy cho hết cái đời tham tàn. Vui quá vui tưng bừng quá vui. A! nhà Bà Hai đã cháy! Cháy cho hết cái đời tham tàn, vui quá vui tưng bừng quá vui….”
Mẹ tôi sau vài phút ngỡ ngàng, chụp miệng tôi lại, răn đe tôi không được hát như vậy nữa. Tôi nghe mẹ lẩm bẩm “hát hò gì mà bất nhân, đốt nhà người ta mà mừng vui nổi gì…”
Ngoài những câu hát ru theo kiểu dân ca Trung Bộ của mẹ tôi, hát giống bà chòi, âm điệu đơn giản, ít luyến láy, cứ đều đều, chỉ nhắc nhịp lặp lại hai từ cuối câu:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau, chiều chín chiều.; Tôi biết rất ít bài hát cho đến khi Ba tôi quyết định dạy hát cho chúng tôi. Lúc này Ba tôi rất bận, là giáo viên, ngoài hai buổi dạy học ở trường Nam tiểu học, ông còn nhận dạy kèm ở nhà. Vậy mà ông vẫn bỏ công đàn cho tụi tôi học hát. Tiếng đàn Mandoline réo rắt vui tai đã giúp tôi hát được các bài ca thiếu nhi: Đêm Trung thu, Thằng Cuội, Tía em má em,Trường làng tôi, Cô Gái Việt, Cảnh đồng quê ta….. Cứ nghe theo câu ru của mẹ tôi, chiều chiều tôi cũng hay ra sân sau mà nhìn khắp phía, tầm mắt tôi được phóng đi khá xa, không bị vướng bởi nhà cửa như bây giờ. Nhìn lên hướng Bắc, thấy cầu Hà Ra rất rõ, tiếp đến là Cồn Dê rợp xanh bóng dừa. Xa xa là cầu Bóng thật dài. Con sông Cái từ trên “nhà quê” của tôi chảy đến đây tự nhiên chậm lại rồi chia làm hai vì một doi đất trồi lên giữa dòng, sau này thành Cồn Giữa, trước khi chảy ra biển.
Những ngày mùa nắng, nước sông rút cạn, đất trồi lên mặt sông, người ta rủ nhau đi bắt con dắt, con điệp. Cũng có những chiếc xuồng chở cát. Nhìn những người đàn ông da đen bóng, hụp lặn giữa dòng xúc từng thúng cát đổ vào xuồng không biết chán...
Vào mùa đông nước lớn, gió thổi qua mái bếp bằng tranh nghe như tiếng hú, lúc gần, lúc xa như tiếng phù thủy gọi hồn, tôi sợ lắm. Những buổi xâm xẩm tối, cả đàn rái cá lội đi tìm mồi. Những cái lưng đen bóng mượt, những cái đầu nho nhỏ, mắt láo liên, ria mép ngúc ngắc, lội thật nhanh, thật đẹp. Hễ có tiếng mái chèo khua nước đâu đó, chúng bơi vội vô trốn trong đám dừa nước giữa sông. Đến mùa lụt, con hẽm này bị ngập trước nhất, có khi nước tràn cả qua đường cái Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có năm lụt lớn, con trăn gìà, bụng to hơn cái bình thủy đựng nước sôi, bị trôi từ cánh rừng xa xôi nào đó, đến đây có lẽ bị vướng vào những chân cột nhà sàn, nó bò lên vồ gà trong chuồng, bị chủ nhà chém chết, cả xóm chia nhau mỡ trăn để dành làm thuốc trị phỏng. Ngồi trên giừơng nhìn ra sông, nước sông chảy cuồn cuộn, khác hẳn ngày hè, chẳng thấy nó nhúc nhích, thả chiếc thuyền giấy, nó chỉ lửng lờ trôi lên trôi xuống. Con sông giờ đổi màu vàng đục, cuốn theo bao nhiêu là cây củi, xác súc vật và cả những căn nhà nữa, chúng trôi phăng phăng ra biển, chẳng biết chờ đợi ai, cứ như hối hả đến nơi hẹn cho kịp giờ. Mười mấy năm sau, tôi đã từng khóc ngất khi bị rơi chiếc guốc mới mua xuống sông mà không tài nào vớt lại được dù đã chạy vội xuống cây cầu ván qua Cồn Giữa chỉ để nhìn theo nó mà ngẩn ngơ…
Mùa hè 5 tuổi, tôi đòi đi học. Lúc đó chưa có trường Mẫu Giáo như bây giờ. Ba tôi đành gửi tôi cho thầy dạy tư Xuân Cường, giữa đường từ nhà tôi ra Chợ Đầm. Ngày đầu tiên đi học đã để lại nhiều ấn tượng khiếp đảm trong tôi. Trường chỉ có một lớp, bàn ghế một cỡ, nhận toàn bộ học sinh tiểu học từ lớp năm đến lớp nhất. Tôi được cho ngồi ở bàn đầu. Muốn ngồi được lên ghế, tôi phải úp bụng lên mặt ghế, hai tay vòng ôm ghế, đu người vắt chân qua rồi mới chống tay ngồi dậy được. Tôi ngồi yên trên ghế như vậy chứ không dám chạy nhảy như những đứa khác vì leo lên, trèo xuống quá khó cho tôi. Vậy mà có yên thân được đâu. Một lát sau, hai chị em song sinh Kiều Liên, Kiều Nhị con ông bà Bửu Mười xóm bên, vào ngồi cạnh tôi. Hai đứa này lanh lém lắm. Tụi nó ngồi hai bên tôi, ép dần cho tôi tuột đít rớt xuống đất. Nước mắt chảy ra mà không dám khóc, chỉ cắn răng trèo laị lên ghế. Chọc tôi rớt vài lần rồi cũng chán, với lại ngay lúc đó, ông thầy có việc bậỉn đi vào nhà trong, giao lũ học trò cho thằng con nuôi coi chừng. Ông trời con này, thoạt nhìn, tôi đã thấy khiếp, người mập mạp, lại nhót nhót cái roi cá đuối thật dài, giống như cái roi chận bò của ông Ngoại tôi. Hắn bắt nạt bọn tôi lắm, ra lệnh cho mọi người phải úp mặt xuống bàn, còn đi lên từng bàn, bước qua đầu chúng tôi, quất vào bất cứ ai dám ngẩng đầu lên.
|