N.T 27-4-2006
Tường Vân
Tôi đã chọn anh làm bạn đường, nghĩ rằng sẽ dìu nhau đi trọn quãng đời ngắn-ngủi, đầy đau-khổ và bấp-bênh này. Sự đeo-đuổi dai-dẳng của anh, những tháng ngày luôn bên tôi và vì tôi đã khiến tôi thay-đổi cái nhìn về anh, về phái nam mà ngay từ thuở nhỏ, cha tôi đã gây một ấn-tượng sâu-sắc trong lòng tôi, rằng: đàn ông là loại động-vật ít tình nghĩa và luôn ưa-chuộng mới-mẻ! Mẹ tôi không thuộc dạng phụ-nữ ủy-mỵ, mau và nhiều nước mắt, tôi chỉ có thể dùng hình-ảnh một nữ-hiệp trên lưng ngựa, phi vun-vút trên quãng đường đầy gió bụi, thay cho những lời lẽ dông-dài để diễn-tả về cuộc-sống và tánh-khí của mẹ tôi. Suốt thời thơ-ấu, khi cha tôi bỏ mẹ để đi theo người đàn-bà khác, chưa bao giờ tôi bắt gặp dáng ngồi ủ-rũ hay những giọt nước mắt của bà, dù lúc ấy mẹ tôi mới ngoài đôi mươi. Sau này, khi hiểu biết hơn một chút, tôi mới để ý ngón tay đeo nhẫn của mẹ cứng đơ, nghe nói bà đã tự chặt trước mặt cha tôi và thề rằng: mối tình của họ sẽ như ngón tay đứt đoạn đó. Nội tôi đưa mẹ đi bác-sĩ, nên lóng tay đứt đã có thể chấp liền, nhưng cuộc-đời của cha mẹ tôi không bao giờ hàn gắn lại. Mẹ rất ít khi nhắc về cha, trừ khi có chuyện gì liên-quan đến ông, nên tôi không biết tình-cảm giữa họ sâu-sắc cỡ nào. Tôi chỉ nghĩ một cách hết sức đơn-giản rằng: nếu không yêu nhiều, thì sẽ không hận đến độ đó?! Nghe kể lúc gia-đình tôi đang chuẩn-bị từ Quảng dọn về định cư tại Nha Trang, thì cha tôi đã khóc nức-nở như thể đó là một cuộc chia ly vĩnh-viễn vậy, lúc ấy mẹ tôi chưa đầy đôi mươi và chỉ mới cùng cha tôi qua lại thân-mật mà thôi. Nếu gia-đình tôi không dọn đi, thì có lẽ mẹ tôi chưa đến nỗi phải kết hôn sớm đến thế. Cha tôi lo-sợ sẽ có người cướp mất mẹ, nên “mè nheo”, bắt ông bà nội tôi vô Nha Trang, nài-nỉ cưới mẹ tôi cho bằng được, rồi đưa về Quảng. Ba năm sau thì hai chị em tôi lần lượt chào đời trong cái xứ Quảng khô-cằn “chó ăn đá, gà ăn muối” giữa đồng ruộng bao-la – gia-sản của ông bà nội để lại cho cha tôi và sau đó thì mẹ tôi cắt ngón tay tuyệt tình, đưa tôi về Nha Trang, sống cùng ông bà ngoại, trong khi cậu em tôi bị cha tôi giữ lại. Tôi luôn tự hỏi: có phải do mẹ quá bận-rộn trong việc kiếm tiền không những để nuôi tôi, mà còn cưu-mang luôn cả gia-đình ông bà ngoại hay chăng, nên mẹ không còn thì-giờ để rơi nước mắt, khóc cho cuộc tình dang-dở hay nhắc-nhở nhiều đến cậu em tôi. Lâu lâu mới thấy mẹ ra Quảng thăm em tôi. Khi tôi lên mười, có lần mẹ mua vé xe, bảo tôi ra thăm em. Lần đó, tôi thật đau lòng khi thấy em tôi như một cậu bé Thượng-du, đen thủi, đen thui vì suốt ngày phải đi chăn bò ngoài nắng. Tôi bật khóc và dặn cậu sáng hôm sau, cứ giả-bộ đưa bò ra đồng sớm, trước khi tôi khăn gói ra về. Hai chị em tôi bỏ mặc đàn bò, nắm tay nhau chạy thật nhanh, đón xe vô Nha Trang. Mẹ tôi đón nhận mọi việc một cách tự nhiên, sẵn-sàng chờ cha tôi vô để gây sự, rằng: ông không đầy-đủ bổn-phận trong việc nuôi-nấng con-cái. Tôi hồi-hộp chờ ngày cha tôi vô, lo-lắng sợ cậu em tôi bị cha bắt về. Nhưng cha tôi luôn lép vế trong mọi tranh-luận với mẹ, hơn nữa lúc đó ông bắt đầu có con cái riêng, cảnh mẹ ghẻ, con chồng có êm-ấm bao giờ đâu?! Hồi đó, tôi luôn thắc-mắc: sao cha có thể bỏ mẹ để theo một người thua-sút mẹ về mọi phương-diện, nhan-sắc cũng như tài trí như vậy?! Mãi sau này, tôi mới hiểu đàn ông luôn muốn mình làm cột trụ gia-đình, không mấy ai thích cảnh “nép bóng tùng thê” bao giờ, mẹ tôi mất cha tôi bởi bà lấn-lướt ông mọi mặt: tháo-vát, khéo xoay-sở…., bên cạnh mẹ, cha tôi như một bóng mờ, bất tài, vô dụng ! À, mà chẳng phải bà ngoại tôi cũng vượt trội, hơn hẳn ông ngoại về mọi thứ ư?? Có lẽ do gia-đình ép gả hay sao ấy, mà bà ngoại tôi nổi tiếng là hoa khôi cả vùng, lại chấp-nhận lấy ông ngoại – một người đàn ông không có gì xuất-sắc ngoài đặc-tính quá ư hiền-lành, đến nỗi bị gán cho hai chữ “cù lần”. Nghe nói ngay cả khi bà đã có một, hai con, vẫn còn nhiều trai làng theo tán-tỉnh, gạ-gẫm. Tiếng đồn dữ lắm, nhưng thực sự bà ngoại tôi có lăng-nhăng với ai đó chăng, điều đó chúng tôi (dì út và tôi) không được biết, chỉ biết hình như hai chữ “cù lần” bắt nguồn từ chỗ ông ngoại tôi không hề lên tiếng ghen tuông hay đánh đấm với bất cứ anh chàng nào đeo-đuổi bà vợ hoa-khôi của ông bao giờ! Trong nhà, ông ngoại tôi như một cái bóng lặng-lẽ, âm-thầm, âm vang giọng nói và mọi sắp xếp đều từ chỗ bà ngoại mà ra cả! Những năm đầu 75 gần như mọi gia-đình đều lên cơn sốt “kiếm sống”, nên mẹ tôi suốt ngày bương-chải ngoài đường và tái hôn lần nữa với người cùng bà hợp-tác làm ăn: đó là dượng Hòa vừa là chủ, vừa là tài-xế của một chiếc xe khách, còn mẹ tôi là người khách thường xuyên ra, vô trên chuyến xe Bắc-Nam ấy: bà đem hàng ra Bắc, rồi mua hàng về lại. Mỗi khi nhìn về quá-khứ, tôi luôn tự hỏi: phải chăng cuộc-sống là một sự vá-víu, tạm-bợ?! Ngày chấp-nhận cùng cha tôi chung sống, chẳng phải mẹ đã tưởng sẽ bên nhau cho đến ngày răng long đầu bạc đó ư?! Nhưng mọi việc đâu phải bao giờ cũng theo ý muốn và sắp-xếp của con người?! Tôi lớn lên trong gia-đình ngoại, có dì út đồng trang lứa nên dì cháu gần như chị em, chúng tôi cùng cắp sách đến trường, cùng chơi đùa và cùng có người đeo-đuổi, tán-tỉnh. Tôi lập gia-đình trước dì út, dù khi ấy tôi chưa nghĩ đến chuyện đi lấy chồng. Ấn-tượng gia-đình trước mắt tôi chỉ là sự hợp, rồi tan, chắp-vá và phiền-phức nhất là trách-nhiệm nặng-nề với con cái mà thôi! Nhưng “tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”, huống chi tôi, chỉ là cô bé con mới chập-chững bước vào lứa tuổi trưởng-thành?! Cả gia-đình đều chấp-nhận “anh chàng đẹp trai, vui tánh”, nhất là rất có lòng đeo-đuổi đó, nên xúm nhau xúi vô, tôi làm sao mà chối từ được chứ?! Vả lại, không lấy chồng, chẳng lẽ “sống với mẹ suốt đời sao?!”. Yêu đương đối với tôi hình như chỉ là những ngày tháng cùng nhau đi ăn uống, đi chơi… mà thôi. Cảm-giác nhớ-nhung
dường như không có thì phải? Hay bởi ngày nào chúng tôi cũng gặp mặt nhau? Cứ mỗi chiều, anh chàng leo mấy chục bực cấp, lên ngọn đồi gia-đình tôi ở, cùng chúng tôi vui-vẻ, quây-quần và tìm mọi cách để tán gẫu với tôi. Những chuyện không đâu vào đâu, nhưng nói hoài, nghe mãi không biết chán và tình-cảm giữa chúng tôi cứ thế mà tăng dần và đám cưới là lẽ tất nhiên của mọi cuộc tình êm-thắm!
Nhưng yêu đương và hôn-nhân là hai thái-cực khác-biệt hoàn-toàn. Mọi êm-đềm, vui-vẻ kéo dài đâu chừng mấy tháng. Anh đi làm về sớm, đến cửa tiệm may đón tôi về, hai đứa rủ nhau đi uống nước, ăn hàng… trước khi đối-diện với cái thực-tế là: bà mẹ chồng nào cũng muốn con dâu đảm-đương, gánh-vác chuyện nhà, không nghĩ con dâu cả ngày ngoài đường cũng đã cực-nhọc biết bao trong việc kiếm tiền để cùng con trai bà đắp xây tổ ấm! Nhà chồng đông-đúc dâu, rễ, tránh đâu cho khỏi chuyện đố-kỵ, ganh-ghét, nạnh nhau từng việc làm nho nhỏ?! Tôi chán ghét mấy thứ nhỏ-nhặt đó, càng kình-cãi, so-đo, tôi càng thấy mình xấu-xa, bần-tiện làm sao ấy! Sau những lần đụng-chạm, tôi thấy tâm-tư mình nặng-trĩu, nỗi buồn chán mênh-mang bao-phủ tâm-hồn, nên từ đó, cái gì làm được, thôi thì cứ ráng làm cho êm chuyện! Tuy có hơi mệt xác và thiệt-thòi thực đó, nhưng lại đánh-đổi được sự thoải-mái trong tâm-hồn. Và cũng nhờ đó, tôi đã mua được tình-cảm của hầu hết mọi người trong gia-đình chồng, kể cả mẹ chồng tôi, không còn ánh mắt lạnh-lùng, nghi-ngại dành cho tôi như những ngày đầu nữa. (Phải chăng sự sướng, hay khổ không phải hoàn-toàn do nơi ngoại-cảnh, mà do chính mình tạo ra vậy??) Thời chưa lấy chồng, xa-xăm gì đâu, mới nửa năm trước thôi, nhà vắng-hoe kể từ lúc mẹ mua được căn nhà và dọn ra ở riêng, mẹ lại suốt ngày ngoài đường, ngoài tôi và cậu em, có ai đâu để chuyện trò, nói chi đến la-lối, bực-dọc?! Mà những năm tháng sống chung với ngoại và các dì, cậu, đâu có bao giờ tôi tưởng nổi cảnh sống, nặng-nề, ích-kỷ lại có thể xảy ra giữa những con người cùng chung huyết-thống, chung mái nhà như thế này đâu?! Còn nữa, không bao giờ tôi nghĩ người mà mình gọi bằng “mẹ”, lại có thể bắt-bẻ mình từng chuyện li-ti nhỏ-nhặt,
khắc-khe,lạnh-lùng với mình trong ánh mắt và cả lời nói đến thế! Tôi đã làm gì nên tội, nếu không phải là cái “tội” đã lấy con trai nhà họ chăng?! Mỗi khi anh ấy cười, nói với tôi hay tỏ ra chăm-sóc tôi, thì dường như tôi luôn bắt gặp sự khó-chịu trong ánh mắt của mẹ anh ấy và cả chị anh ta nữa! Trời ơi! Sao con người lại có thể xấu-xa đến vậy?! Mình muốn được thương-yêu, chăm-sóc, nhưng lại chẳng muốn người khác được sự ưu-ái! Có con trai, thì muốn con dâu phải phục-tùng, sống chết vì con trai của mình. Sanh con gái, thì lại mong nó cầm quyền, đè đầu, đè cổ thằng rể! Nghĩa là ngày tháng về nhà chồng đối với tôi hồi ấy là thời-gian đầy ngạc nhiên, bỡ-ngỡ, lẫn đớn-đau, mất-mát! Nhưng bù vào đó, tôi lại có anh, với những tận tình chăm-sóc và vui-vẻ! Phải chăng đúng như lời ca năm nào tôi vẫn thường hát: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn”?! Rồi tôi mang thai đứa con đầu lòng, những thay-đổi trong cơ-thể làm tôi mệt-mỏi, bực-dọc, trong khi đó, chiều chiều anh không còn thường xuyên ghé tiệm chở tôi đi ăn uống như trước. Có tiếng xì-xầm to nhỏ của mọi người trong gia-đình chồng tôi, rằng:“thằng Truyền lại trở chứng “Bia ôm””! Tôi như rụng-rời cả tay chân, đâu đó trong tâm-tư tôi lại vang-vọng câu nói năm nào của ông, bà ngoại, khi mẹ tôi từ nhà chồng đưa tôi về lại nhà: “đúng là đàn ông, thằng nào cũng ưng của lạ!”. Ôi! Bất hạnh lại đến với tôi, như đã đến với mẹ ư?! Sao anh ta lại giống hệt cha tôi? Sao tôi lại tin-tưởng và chấp-nhận lấy anh để đến nổi quên đi cái – tạm gọi là “gen” truyền thống: mẹ bị chồng phụ-bạc, thì con gái cũng bị như thế. Dòng họ nhà cô bạn tôi cũng vậy, từ đời ngoại, đến con gái, đến cháu, cứ đến lứa tuổi ba mươi là góa chồng. Sau này, theo lời mẹ chồng khuyên-lơn, mỗi khi tôi giận anh ấy vì chuyện “bia ôm”, tôi mới biết: thì ra cha chồng tôi hồi trai-trẻ cũng đam-mê mấy chuyện mèo chuột lăng-nhăng dữ lắm: “Con giận nó làm gì, hồi ba con còn trẻ cũng tùm-lum, tà-la, nhưng qua thời, ông lại chững-chạc, quay về chung thủy với mẹ cho đến giờ đó thôi!”. Ôi, lại cái “gen” di truyền! Có phải mẹ chồng tôi bao-dung nên mới chấp-nhận chuyện lăng nhăng của chồng? Hay tại bà không muốn mất ông, nên buồn giận đến đâu cũng cố níu kéo ông trở lại với mình và bà đã phải kiên-nhẫn đợi-chờ đến lúc ông qua đi cái tuổi xuân đầy đam-mê và sức sống đó?! Cùng là con người, tại sao những nước Á Đông, đàn-bà luôn phải chịu nhiều thiệt-thòi, mọi phong-tục tập quán đều dành ưu tiên cho nam-phái?? Không lẽ chỉ có nam-phái mới không muốn bị chia-xẻ tình-yêu? Và đàn-bà không biết đau-khổ là sao ư?! Những tư-tưởng ấy cứ lởn-vởn trong tâm-tư tôi, nhưng tôi phải cố đè-nén mọi ghen-tương giận-hờn, chỉ bày-tỏ bằng sự lạnh-lùng đối với anh mỗi khi hai chúng tôi rút về phòng riêng. Sống trong gia-đình chồng, giữa bao cặp mắt thiếu tình-cảm và cảm-thông, tôi không muốn như mấy chị dâu, chị chồng trong nhà, mỗi khi có chuyện kình-cãi với chồng thì khóc-lóc, la-lối um-sùm cả lên! Ừ mà kể ra cũng lạ thật, trước kia tôi đâu có ngờ người lớn nào có khác chi con nít đâu?! Hôm nay cãi-cọ, có khi còn “đấu chưởng” với nhau nữa, thế mà hôm sau “anh anh, em em ngọt xớt”, chở nhau đi ăn uống, đi chơi… như giữa họ chưa từng xảy ra chuyện gì, chưa từng “mày, tao”, thề-thốt sẽ chẳng bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Tôi không thể giận đó, vui đó như họ, có thể do cá-tánh tôi khắc-khe hơn họ chăng?! Mấy đứa nhỏ đánh nhau cũng là một dịp để mấy bà gây chiến-tranh: ai cũng cho con mình là phải, là đúng, con người khác là hung-dữ, ngang-tàng! Trời ơi! Sao con người lại có thể thiếu lý-trí đến thế?! Họ không biết con họ thực sự ra sao ư?! Lẽ ra, chỉ cần nghe chuyện tụi nó choảng nhau, họ có thể đoán biết ngay lỗi, phải từ đâu, để sửa-sai, dạy-dỗ cho con mình chứ?! Có lẽ dân Việt Nam mình thiếu đi sự giáo-dục kỹ-lưỡng của gia-đình, nên cái tính ích-kỷ chỉ biết có mình, chồng mình, con mình… lên đến tột đỉnh, đến độ quên hẳn chung quanh ai cũng có những buồn, vui như mình, thích những cái mình thích, không ưa những điều mình không ưa. Tinh-thần tập-thể của dân Việt Nam mình mới tệ làm sao, những cái gì thuộc về tập-thể, về công-cộng thì ôi thôi, người ta phá-phách, người ta phí-phạm! Vậy mà vẫn có người đề ra cái chánh-sách “muôn sự của chung”, mới thật là hão-huyền làm sao! Người ta còn muốn tạo-dựng một xã-hội thật bình-đẳng, bắt nguồn từ chỗ nhìn đàn chim cùng sà xuống ăn lúa, họ mơ-tưởng đến cảnh mọi người trong xã-hội sẽ cùng “ăn theo nhu-cầu” như thế! Họ không nghĩ con chim đâu biết cất kho thật đồ-sộ để cất dấu của riêng và chúng cũng không có lòng tham vô đáy như con người, không biết bao nhiêu mới cho là đủ đây! Người ta muốn tạo-dựng một xã-hội thật bình-đẳng, không có kẻ giàu, người nghèo, nhưng bình-đẳng sao được khi cùng hoàn-cảnh, cùng số vốn, người làm ăn luôn thất-bại, anh làm đâu trúng đó, thất-bại hay thành-công đâu phải do bất tài hay có tài và chẳng phải vô duyên, vô cớ, mà ắt có nguyên-nhân sâu-xa nào đó vậy! Phải chăng nguyên-nhân đó là do cái phước của mỗi một người, do những gì người ta đã vun trồng trong quá-khứ xa-xăm? Và xã-hội làm sao không có kẻ trên, người dưới, và nếu ăn trên, ngồi trước, mà không có bổng-lộc ưu-tiên, có mấy ai muốn đứng ra để điều-hành guồng máy xã-hội chăng?!(vậy thì bình-đẳng ở đâu?!)
“Thớt có tanh tao ruồi đáo đến, Gan không mật mỡ, kiến bò chi?!”
Trở lại câu chuyện của tôi. Chính chung-quanh đã tạo trong tôi những dòng tâm-tư không ngừng-nghỉ và khiến tôi có thể ngậm đắng, nuốt cay với những ngang-trái trong đời sống. Trong quá-khứ tôi đã làm gì khiến anh đau-khổ chăng?! Rồi mẹ anh, chị anh nữa…?! Tôi nên sống như thế nào đây?? Tôi trở nên lạnh-lùng, chai đá hơn, thì anh lại dỗ-dành và trở nên “an-phận”, không lén-lút đi “Bia ôm” mỗi chiều nữa, nhưng rồi đâu cũng vào đó, không ai có thể dễ-dàng bỏ một thói-quen, một đam-mê cố hữu! Tôi còn nhớ lần đó, dì Bảy và dì út tôi vẻ mặt khẩn-trương và bực-tức, đến tiệm rủ tôi đi đánh ghen; “Đi, đi với dì, thằng chồng mày và hai ông dượng của mày đang ngồi ở “Bia ôm” đó!” Lâu nay tôi không hề hé môi than-thở những đau-buồn gia-đình chồng đã đem đến cho tôi, cũng như chuyện anh ta thường xuyên đi “Bia ôm”, nên mấy dì tưởng tôi không biết gì. Vì vậy, khi thấy tôi tỉnh-bơ từ-chối: “Mặc kệ ảnh, ảnh muốn làm gì thì làm!”, hai bà dì tôi đều hết sức ngạc nhiên, sau đó họ kéo nhau đi mất. Không nói chắc bạn cũng biết cái cảnh mấy ông ưa “mèo chuột” kia đã tháo chạy cỡ nào để tránh tình-trạng bị níu áo, la-lối trước đám đông! Chiều đó, anh ta đến tiệm đón tôi, hy-vọng sẽ cùng tôi giải-hòa trước khi về nhà, nhưng tôi đã bỏ về nhà mẹ. Hồi giờ, tôi im-lặng chịu-đựng vì không muốn mọi người trong gia-đình biết chuyện này, nhưng bây giờ, hai bà dì đã biết, thì chắc cả nhà đang xầm-xì, bàn-tán, thôi thì sẵn đó, tôi quay về, tìm bình-an trong gia-đình vậy! Đối với hôn-nhân, tôi vốn đã có thành-kiến sâu-đậm, nên phải nói tôi không mấy nặng tình luyến-ái, phải thì ở, không phải thì tội tình gì chứ?! Tôi quan-niệm: Tình-yêu là sự luyến-ái sẵn có từ trong tiền kiếp, kiếp này chỉ là sự nối tiếp mà thôi! Nếu không phải vậy thì sao “một lần gặp-gỡ như quen từ thuở nào”, điều đó đã nói lên rằng: con người phải sống theo định-mệnh sẵn có, mà tôi thì vốn chán ghét bị trói-buộc! Thời còn đi học, đa số bạn-bè đều sợ toán “Quỹ Tích”, riêng tôi rất thích-thú trong việc tìm xem những điểm di-động di-chuyển theo quỹ đạo nào? Tôi không ngờ và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng con người cũng phải “Ta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanh” theo đúng quỹ-đạo đã dành sẵn cho mình!
Từ thuở nhỏ, cha đã cho tôi cái ý-niệm “tình-yêu là sự trói-buộc bởi duyên nợ, hết duyên, hết nợ thì không còn thích-thú, đam-mê nhau nữa”, nên lần này trở về nhà, tôi rất muốn kết-thúc cuộc tình. Nhưng có lẽ “duyên nợ chưa sạch”, anh ta, rồi mẹ anh ta, mẹ tôi, dì, cậu… xúm nhau khuyên tôi nên quay về. Tất cả đều cho tôi là con nít, lấy chồng chưa đầy năm, con đầu lòng chưa chào đời đã đòi li-dị! Không ai biết nỗi chán-chường vốn đã đầy ắp trong tâm-tư tôi, bây giờ có cơ-hội thì bùng lên, vậy thôi!
Trước phản-ứng dữ-dội của mọi người trong gia-đình, tôi đành phải trở về với “đường xưa lối cũ”, với quỹ-đạo mà cuộc-đời đã dành sẵn cho tôi. Bận-rộn trong công-việc và sau đó là chăm-sóc đứa con đầu lòng, nên tâm-tư tôi tạm lắng-dịu. Trong khoảng thời-gian ấy, anh đã sống đúng cương-vị một người chồng, người cha yêu vợ, thương con. Có lẽ do quá cảm-kích bởi chân tình của anh, nên tôi lại sinh thêm em bé thứ hai, và “ngựa lại quen đường cũ”. Lần này, rút kinh-nghiệm, tôi không quay về nhà. Tôi phải dứt-khoát trong tư-tưởng, cần gì phải đòi-hỏi ngoại-cảnh kia chứ?! Bấy giờ, tôi chợt hiểu tại sao mẹ tôi đã dám tự chặt đứt ngón tay của mình! Ôi mẹ! Mẹ của con! Phải chăng, sợ lại bị lung-lay bởi tình-cảm nên mẹ mới phải hy-sinh ngón tay để tự mình dứt-khoát khỏi cảnh “con tằm nhả tơ tự nhốt mình vào trong đó?!”. Sao con phải yêu để rồi phải hận chứ?! Con có nên tự trói chặc đời mình vào con người đó chăng? Sao con không thể dứt khoát với tình-cảm, đến nổi phải tìm cách tránh-né anh ta, trốn chạy về với mẹ?! Chưa bao giờ tôi mạnh-mẽ trong ý-nghĩ ly thân như lần này, chẳng phải buồn, hận, mà trong tôi là cả một nỗi chán-chường! Con người: kiếp tằm nhả tơ, bất lực với chính mình, mất tự-chủ hoàn-toàn trong cái gọi là “sống” – bị đưa vào quỹ-đạo của định-mệnh, ngay cả tư-tưởng cũng không có cái gọi là tự-do! Tự do gì đâu, cuộc-sống của mình đã nằm trong quỹ đạo định sẵn nên tư-tưởng bị xoay chiều theo đó để đưa mình vào đúng quỹ đạo – không biết từ đâu và do ai đã quy-định sẵn!
Có thuyết cho rằng: “Cái quay búng sẵn trên trời, Lờ-mờ nhân ảnh như người đi đêm” Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, tôi tin và cho rằng: Chiêm bao là thể-hiện của đời sống ý-thức, ban ngày mình nghĩ gì nhiều, thì ban đêm thường mơ thấy chuyện ấy và có những giấc mơ diễn những gì từ quá-khứ xa-xăm, hay tương-lai chưa đến, mình không nhớ và không kiểm-chứng được, nên cứ ngỡ không liên-quan gì đến mình. Và cuộc-đời mình trong hiện-tại, cũng như đời sau của mỗi một đều là sản-phẩm của ý-thức do chính mình tạo ra, là những “giấc chiêm-bao” nối-tiếp nhau mà thôi!
Tôi lại tiếp-tục những tháng ngày sống chỉ biết bổn-phận làm dâu và làm mẹ. “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc-đời, Ái-ân nhạt-nhẽo với chồng tôi” “Ai đó” còn có “ái ân” để “nhạt-nhẽo”, riêng tôi, tôi hoàn-toàn lạnh-lùng, xem như không biết đến sự hiện-diện của anh ta trong căn phòng. Một đêm, trong cơn sân không dằn được, anh ta đạp tôi xuống đất. Tôi không giận, chỉ thêm thấm-thía sự trói-buộc của thứ gọi là tình-yêu! Tôi nhớ những lần đầu giận anh, tôi dọa sẽ theo gương anh, la-cà trong các quán “Café ôm” và “Bia ôm”, anh có vẻ nổi sân thật sự. Tôi nói: “Không muốn người khác làm điều đó với mình, vậy thì đừng đem buồn-phiền đến cho người khác!”. Anh im-lặng và có vẻ muốn thực-sự sửa-đổi, nhưng con người mà… luôn bất lực với chính mình, cá-tánh cũng là thể-hiện của dòng ý-thức có sẵn từ trong quá-khứ. Một lần khác, tôi nói: tôi trả tự-do cho anh, nhưng anh lại đau buồn vì “được trả tự-do”, mới thực là lạ?! Chẳng phải con người luôn đấu-tranh cho tự-do là gì?!
Chiến-tranh lạnh chỉ kéo dài đâu chừng một tháng – lúc ấy đứa con thứ hai của tôi mới hai tháng tuổi, sau đó, anh bị bệnh, ngày càng gầy hẳn đi, biếng ăn uống và thường xuyên nóng sốt. Tôi nghĩ có lẽ chỉ là cảm cúm xoàng chi đó thôi và cái máu “con cưng” trong anh đang trổi dậy, nên anh “mè nheo” để đòi-hỏi sự chăm-sóc của tôi chứ gì?? Tôi nhờ người đến cắt lể, xông và mua thuốc cho anh uống, không ngờ khi cơn nóng lạnh xảy ra thường xuyên hơn, đưa anh đi bệnh-viện, mới biết anh bị ung-thư máu.
Tôi ẵm hai đứa con và cùng gia-đình anh đưa anh vào bệnh-viện Sài-Gòn. Ban ngày tôi trực tại bệnh-viện, chiều tối về ngủ với hai đứa nhỏ.
Những ngày đó, trông anh thật tội nghiệp, anh cứ nắm lấy tay tôi, bảo tôi: “Hứa đi! Hứa đi! Em sẽ không đi lấy chồng, chỉ ở vậy nuôi con thôi, được không? được không?” Trời ạ! Đến giờ phút cuối của cuộc-đời, anh vẫn còn nghĩ đến níu-kéo và ghen-tuông! Anh đã tự nhả tơ “luyến-ái” để nhốt mình vào trong đó! Cá-nhân tôi đã bất lực với chính mình: không thể muốn vui thì vui, muốn đừng buồn, thì không buồn…, như anh đã không sao sống đúng như mong muốn tôi đòi-hỏi nơi anh – dù anh cũng rất muốn, điều đó anh không thấy sao mà còn buộc tôi phải hứa-hẹn?! Tôi không gật đầu với anh, chẳng phải vì tôi có ý nghĩ tái giá, mà tôi chỉ muốn gào lên thật to rằng: Trước kia, do cha tôi và sau này thì do chính anh đã làm tôi chán ngấy chuyện hôn-nhân lắm rồi, nhưng tôi làm sao có thể mở miệng khi anh đang tỏ ra quyến-luyến như thế?! Tôi thật xót-xa cho anh, vì tôi biết “bản án tử hình” của anh đã đến ngày hành-quyết.
Tôi tự hỏi: những con người đang nhởn-nhơ sống trên thế-gian này, có bao giờ họ nghĩ: không sớm thì muộn, ngày phán-quyết của bản án Tử tất phải đến với họ thôi! Người ta có thể cho rằng: đã biết không sao thoát khỏi, vậy thì nghĩ đến mà làm gì, hãy cứ sống, cứ xả-láng ăn chơi, yêu-đương… Nhưng có bao giờ người ta nghĩ rằng phải làm sao sống một ngày, là an-vui một ngày, cái kiếp “tằm nhả tơ” tự nhốt mình vào trong kén của dục-vọng, đam-mê thật khiến cho người ta khốn-khổ làm sao! Anh nằm bệnh-viện đúng một tháng… Đêm đó, bỗng dưng tôi mơ một giấc mơ thật lạ-lùng. Tôi thấy mình thường lui tới mua chim của một anh chàng bẫy chim. Giống như trong cuộc-sống hiện tại, tôi thích-thú đứng nhìn những con chim thoát khỏi cửa lồng, bay cao vút lên không. Trong lúc đang vui thích đó, tôi chợt bắt gặp ánh mắt đắm-đuối của anh chàng bẫy chim đang nhìn mình. Một hôm, anh chàng bẫy chim kia đem biếu cho tôi một cặp két màu-sắc sặc-sỡ, anh ta nói: “Cô mua chim để thả, trong khi tôi lại đi bẫy để bán, thật chẳng ra gì! Tôi biếu cô hai con két xinh-đẹp này, đây là mẻ lưới cuối cùng của tôi, cô hãy giữ lấy để nuôi, giống két này thích được nuôi hơn là tự-do bay nhảy”. Tôi cảm-động nhận hai con két đó đem về, định lén anh, thả cho chim bay đi, nhưng đúng như lời anh chàng bẫy chim đó nói, hai con két cứ bay quanh-quẩn trong vườn, rồi về lại lồng để ăn uống những thứ tôi dành cho chúng. Một hôm, đang cho chim ăn, thì tôi nghe tin anh chàng bẫy chim đó chết. Cảm-giác bâng-khuâng, ngậm-ngùi dâng lên trong hồn tôi. Trong khoảnh-khắc, tôi chợt nhớ ánh mắt say-đắm mà một thoáng tình-cờ tôi đã bắt gặp. Nhưng ơ kìa, ánh mắt kia dường như rất quen-thuộc thì phải?? Đúng rồi, chính là ánh mắt của chồng tôi! Và hai con két sặc-sỡ thường quấn-quít bên lồng và mổ thức ăn trên tay tôi bỗng dưng biến thành hai khuôn mặt thật nhỏ-nhắn, dễ thương đang nhìn tôi bằng cặp mắt thân thương, đen lay-láy. Ủa, mà này, lạ thật, sao lại giống-hệt khuôn mặt của hai đứa con gái tôi?! Tôi bàng-hoàng bừng tỉnh cơn mơ. Lúc ấy, trời chưa kịp sáng, còn mấy tiếng nữa mới đến giờ vào bệnh-viện để thăm anh, tôi có cảm-giác nôn-nao lạ kỳ….một cảm-giác chưa từng có trong suốt một tháng đi đi, về về từ nhà trọ đến bệnh-viện để chăm-sóc cho anh. Quả thực, anh đã chết ngay sáng sớm hôm ấy. Tôi trầm-tĩnh một cách lạ-lùng bên xác anh, nhưng đột nhiên, cái cảm-giác bâng-khuâng, ngậm-ngùi đã đến với tôi trong giấc mơ ban sáng, một lần nữa lại tràn-ngập tâm-hồn tôi – dù tôi biết: chết chưa phải là hoàn-toàn chấm-dứt, bởi sau cái chết, dòng sống vẫn không ngừng tiếp-diễn, có điều mình phải làm sao để đừng là kiếp tằm tơ nữa, đó chính là mối bận tâm của tôi vậy! Từ lúc lấy anh đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy mọi người trong gia-đình chồng quan tâm nhiều đến tôi như hôm đó. Mẹ chồng tôi vừa khóc, vừa bảo tôi: “Khóc đi con, đừng ôm uất-ức trong lòng như thế!”. Chị chồng, chị dâu gì cũng khuyên tôi nên khóc thật to. Nhưng tôi đã không gào khóc. Hình như tôi đã chuẩn-bị tâm-lý để sẵn-sàng đối-phó với cuộc-sống ngắn-ngủi, hợp, tan, tan, hợp này, đón nhận bản án mà mỗi một con người từ lúc sinh ra đã phải mang sẵn bên mình…
N.T 27-4-2006 Tường-Vân
|