Ngày xưa khi còn bé, Mua bánh LU tặng thầy. Bây giờ được làm thầy, Con thầy tặng gấp đôi ..
Mấy dòng chữ in trên hộp bánh LU cũ kỹ như những dòng lưu bút vô giá. Đó là món quà của một thầy giáo cũ từ phương trời xa xôi gởi về khi tôi làm cô giáo cho con của thầy. Thầy nói rằng chắc là “còn lâu” con thầy mới tặng gấp đôi. Chiếc hộp đỏ, đã phai màu theo năm tháng, là dấu tích của một cột mốc thời gian khi tôi bước chân vào nghề giáo, vào cái thời điểm gian nan nhất của thời “bao cấp”, thời điểm mà xuất hiện những câu nói truyền khẩu khôi hài nhưng thấm thía: -“Đêm ba mươi Thầy Giáo THÁO GIÀY – Sáng mồng một Thầy Cô đi THỒ CÂY”. “ Giáo chức ngày ngày DỨT CHÁO, đêm đêm DÁN ÁO rồi soạn giáo-án”. Hình ảnh một cô giáo, với chiếc áo sơ-mi bạc thết, cái quần thun đen, và tóc thắt “đuôi chệt”, hay kẹp “ba lá” (mode của thời Cách Mạng) dừng xe đạp ở giữa đường để khom người nhặt những mảnh gỗ vụn hay cành cây khô về làm củi nấu cơm, hình ảnh những thầy giáo phải bỏ nghề vì lý do “lý lịch không trong sạch” để còng lưng lấy sức đạp chiếc xích-lô lên dốc… mồ hôi giọt ngắn giọt dài, long đong theo dòng đời. Những buổi học cuối cùng ở trưòng Đại Học DH, chúng tôi vào lớp mang đầy ưu-tư. Thầy S bước vào với nụ cười thân thiện cố hữu. Thầy cẩn thận đóng cánh cửa sổ lại: - Hôm nay trước khi phải tập bài quốc ca mới, thầy muốn chúng ta hãy hát lại những bài hát cũ một lần cuối. Tôi nhìn ra khung cửa, trên cành cây lác đác vài con chim đang tíu-tít. Thầy S nói: - Bỗng dưng thầy nhớ lại một bài kim-văn “Buổi học cuối cùng”, khi Pháp bị Đức chiếm đóng. Trong một buổi học tiếng Pháp cuối cùng để rồi người thầy bị bắt, đứa học trò nhìn ra cửa sổ và tự hỏi: Không biết rồi đây người ta có bắt những con chim kia hót bằng tiếng Đức không?
Thế rồi chúng tôi, bỗng dưng mà đứa nào hát cũng hay, cũng truyền cảm. “Từ khi đau thương lan tràn sông núi, quê cũ đã nghèo lắm rồi, thêm đói thêm sầu mà thôi…” “Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong …” Giọng đứa nào cũng trầm ấm, xa xăm, và những giọt nước mắt lăn dài trên má… Tôi “ra trường” như thế đó, và rồi tôi cũng theo các anh chị “tháo giày”… khi tôi “vinh dự” có tên trong 18 sinh viên ưu-tú được bổ dụng đi vùng Kinh tế mới, dạy chữ quốc ngữ cho dân tộc thiểu số. Tôi cắt khẩu đi về miền Nam. Tình hình yên ổn, tôi trở về đi làm gia-sư. Chiếc xe đạp cọc cạch và cái túi cứu thương theo tôi cùng năm tháng. Dăm ba đứa học trò, toàn là con cháu của “ngụy quân ngụy quyền”, là những chuỗi ngày hạnh phúc nhất của tôi. Những câu chuyện Ma rùng rợn, những Anh Hùng Xạ Điêu , Thần Điêu Đại Hiệp… cùng với nhân vật Tiểu Long Nữ và Dương Qua làm lớp học của tôi thêm phần hứng thú.. Có đứa vừa học vừa nghêu ngao hát: “ Ba em làm ngụy quân, chiều ra đón xe đò về vùng kinh tế mới. Xe đò không có, em đành đi xích-lô, làm em tốn năm đồng. Rồi một sáng tinh mơ, ba em đi nhảy dù, hút thuốc President. Sau ba ngày giải phóng, ba em đi mút mùa, ba em đi mút mùa…”, giọng nó cao vút lên rồi chợt tắt nghẹn. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe giọng hát bên đường “Cây cuốc cong thì mình mong cây cuốc gãy, cây cuốc gãy thì mình khỏi ra đồng, Giải phóng vô đây mình đi kinh tế mới, trồng khoai mì rồi đăng ký đem về ăn, Tổ quốc ơi ăn khoai mì mãi mãi. Tổ quốc ơi ăn cơm độn dài dài…” thật là đau lòng mà tôi phải cố công để ngăn chận dòng tư tưởng non nớt bớt vương vấn nổi đắng cay. Ba mươi hai đồng tiền lương mỗi tháng chỉ đủ để tôi mua thuốc đỏ, bông gòn đi băng bó chích thuốc cho dân nghèo, mà tôi vẫn cứ mãi-mê làm nghề Gõ đầu trẻ, như một sự an bài ràng buộc, như một định nghiệp không thoát ra được. Khi tôi đứng trên bảng lóc cóc viết, bụi phấn chan hòa trên bàn học, bụi phấn bay là đà trên mái tóc, quyện lại trên thành cửa sổ, tung bay theo chiều gió, tụi học trò cứ phải phù miệng ra thổi: “Cô ơi, coi chừng bị ho lao đó”. Ngày xưa chúng tôi cũng đã hít thở bao nhiêu là bụi phấn từ thầy cô của mình, là bấy nhiêu kiến thức và lối tư duy cho cuộc sống mênh mông … Tôi nhớ Soeur Joseph trong Cô-nhi-viện Vinh Sơn, trìu mến xoa vào má một dứa bé Mỹ đen kháu khỉnh chưa đầy 1 tháng tuổi: “Soeur nhặt được nó trong thùng rác ngày hôm qua, con ạ!” Cái tuổi mười hai của tôi lúc ấy thật sự kinh ngạc và thắc mắc về sự ruồng bỏ con cái mà tưởng rằng việc bán con và cho con chỉ có trong sách truyện. Khi tôi hỏi Soeur có biết mẹ nó là ai không, Soeur mỉm cười: “Nó là con của Chúa”. Duyên phận của những đứa trẻ cô nhi là thế. Còn bọn học trò sau này thì xưng là con cháu Bác Hồ. Riêng những đứa học trò thân yêu của tôi …
Lớp học tại nhà của tôi lúc nào cũng vui nhộn với những tiếng cười. Tôi góp nhặt những mẩu chuyện dí-dỏm khôi hài để phá tan cái không khí căng thẳng sau những giờ học thêm ở trường. Những phụ-huynh học sinh thường hỏi tôi làm sao mà có thể “mê hoặc” bọn trẻ đến vậy. Tôi chỉ biết rằng mình làm việc với tất cả tấm lòng và trái tim chân chính. Một học sinh bước vào lớp, bực dọc chỉ con chó con mũm mĩm của tôi đang phe phẩy cái đuôi xòe và đẹp như bông lau: “Con chó chết tiệt, ăn thịt đi cho rồi!” Có đứa nghe tiếng mèo kêu cũng lấy làm khó chịu: “Sao nó kêu au au hoài vậy cô? Nhà em mà nghe tiếng mèo là mẹ em ghét lắm, đánh đuổi nó đi liền”. Tôi kể cho chúng biết rằng con chó của tôi biết tự trải chiếu để ngủ , biết bấm quạt máy, thậm chí còn biết vuốt ve con mèo bằng bàn chân trước. Tôi nói rằng con mèo của tôi biết nói và hiểu được tiếng người, tụi nhỏ ré lên phản đối. Tôi nói: “Một hôm con mèo của cô bị ăn phải chuột độc, nó lăn lộn chờ chết. Cô đem nó đi chích thuốc. Nó oằn oại đau đớn va kêu AU AU, cô hỏi nó: em đau cái gì, nó nói: AU ẦU, cô hỏi đau đầu hả, nó bèn trả lời “Ừ” Tụi nhỏ cười vang dậy. “Sao chó mèo nhà cô khôn vậy?” Tôi đáp: “Ừ bởi vì cô thương yêu và gần gũi với nó”. Từ đó, mỗi lần nghe tiếng mèo kêu, bọn học trò cười khúc khích nhái lại “AU AU”. Tụi nhỏ quen dần với cái không khí thoải mái, tôn trọng sự sống của từng sinh vật. Đứa nào cũng không muốn mình bị bạn bè chế diễu là “ác”, là “Quỷ dữ”. Không còn nữa những lời hằn hộc cho một con vật, không còn nữa tiếng đập muỗi chan chát đầy phẫn nộ … Thời gian lãng đãng trôi … Bây giờ tóc chúng tôi đứa nào cũng nhuốm trắng, có đứa hoa râm muối tiêu, có đứa bạc phơ. Thay nhau mà vùn vụt lên chức Ông Bà Nội Ông Bà Ngoại. Tôi hình dung đến những thầy cô cũ , hiền hòa như những tiên ông đang đánh cờ trên non cao động vắng, hay quắc thước uy nghi như một Lão Thái Quân của Dương Gia Tướng … , để cảm thông vơí nỗi lòng của người lái đò. Thầy cô ơi! “Tóc chúng em bạc nhưng lòng không bạc”. Trường học và đời sống đã có những thay đổi khả quan tươm tất hơn ngày xưa. Tôi thay tấm bảng đen bằng tấm mi-ca để viết bài bằng bút. Bụi phấn không còn bay tơi tả, bụi phấn không còn lấm tấm trên mặt bàn, không còn vương trên đầu các em nhỏ. Nhưng bụi phấn đã gói ghém nên hành trang của tôi, những dấu chân trên cát sẽ còn mãi trong ký ức….
LB (Nha Trang)
|