" Rồi chiều ấy, ghé về qua Phước Hải
Nắng vẫn nồng, vẫn bỏng cháy thịt da
Vẫn cơn mưa, vẫn đường cũ nhạt nhoà
Khung cửa nhỏ, người xưa giờ… đã khuất
………"
Vũ Minh Dung
Tin thằng Hai, con ông Bắc Kỳ chết đuối chẳng mấy chốc cả đầu trên xóm dưới làng Long Thọ đều biết. Họ thì thầm bàn tán, xì xào, Người thương cho ông bà Bắc Kỳ có đưá con trai vắn số, kẻ thì ân hận dày vò lương tâm.
Năm đó loạn lạc khi cộng sản xua quân tiến vào miền Nam để giải phóng đất nước, giải phóng cho người dân đang bị kềm kẹp, cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc…họ nói thế, chiêu bài vậy, khi bất chấp hiệp định Paris, kéo xe tăng, thiết giáp ồ ạt đầy man rợ vào đảo lộn cuộc sống đang an vui, thanh bình hạnh phúc của người dân miền Nam. Miền mà khắp nơi trong nước ngày ấy đều ca tụng là "gạo trắng, nước trong", cá lội đầy đồng, người người bằng lòng với cuộc sống thôn dã mộc mạc mà ban ngày thì cấy cày đồng áng, chiều về bên bếp lửa gia đình, tối đến họ rủ nhau ra đình làng coi hát Bội, Cải Lương, Hồ Quảng từ thành phố xuống. Cuộc đời đang êm ả, bỗng dưng ngày 30 tháng Tư 75 đổ sập xuống ruộng vườn, nhà cửa, đất đai quê hương cuả họ, trong đó, dĩ nhiên cái làng Long Thọ, nhỏ bé, hắt hiu gần biên giới Miên Việt cũng phải chiụ chung số phận !!
Giữa lúc mọi người đang ngơ ngác, lo âu sợ hãi thì ông Bắc Kỳ dọn tới. Gia đình ông gồm hai vợ chồng và 7 đứa con trai gái mà người con trai lớn nhất chừng ngoài 20. Hai cha con ông vạm vỡ, cao lớn trông đẹp đẽ tốt tướng hơn cái đám bộ đội đi dép râu, mặt mày xanh rớt, gầy ốm. Cả hai ông bà Bắc Kỳ cùng đám con mà đứa út nhất cũng chỉ đang tuổi lên mười đều rất ít nói, không giao thiệp, qua lại gì với hàng xóm. Năm thì mười hoạ họ mới thấy ông ra sông lấy nước, còn bà vợ chỉ quanh quẩn trong gian nhà mái tranh vách đất mua lại của một ông già vợ mới mất, đơn chiếc, về ở với con cái cho dễ đường chăm sóc sớm hôm.
Ông không thân mật qua lại thì chung quanh hàng xóm cũng chẳng màng, họ chẳng cần hỏỉ thì đúng hơn. Họ cảnh giác với nhau rằng gia đình ông nhất định là phải theo chân bộ đội, đoàn quân xâm lăng vào Nam mà giấu lai lịch để dễ bề theo dõi, làm công an, rình rập, báo cáo họ như chiến thuật gài người vào từng làng, xã địa phương để quản trị. Thứ dân Bắc Kỳ Quốc mà! họ bĩu môi thì thầm với nhau.
Ông Bắc Kỳ cũng chỉ mong được như vậy. Càng không ai qua lại để ý tới ông, tới gia đình mình là ông mừng rồi. Càng ở ẩn càng tốt. Ông căn dặn vợ con là phải giấu tuyệt tông tích, lý lịch mình, cho dù chòm xóm có nghĩ gia đình ông là "Quân xâm Lấn " hay gì gì đi thì cũng được đâu có sao? Vì gia đình ông từ miền Bắc vào đây lập nghiệp kia mà ?? Ông đã chẳng căn dặn mọi người như vậy sao?? Thế rồi, dân quanh vùng, họ tự động đặt tên cho ông là ông Bắc Kỳ và đám con ông: thằng Hai, thằng Ba ……cứ thế mà kêu theo thứ tự trong gia đình..
Năm tôi lấy chồng, thằng Hai mới 14 tuổi, đang học lớp đệ Tứ trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang. Bố nó và ba tôi là hai anh em ruột. trong số 8 người con của ông bà nội. Ngày dọn về Phước Hải, trên một lô đất mấy mẫu, ba tôi chia cho chú thím 1 phần tư cuối lô để cất nhà, còn nhà tôi thì ở đầu lô đất nên hai gia đình qua lại cũng khá gần.
Những năm sau, mỗi lần từ Pleiku về thăm nhà không thấy thằng Hai qua chơi thường xuyên như trước, hỏi ra mới biết nó đã đi Không Quân sau khi xong Toàn Phần. Bố mẹ nó buồn lắm! vì là anh trưởng của một đàn em 6 đứa. Mẹ nó chỉ muốn con vào đại học sau ra đi dạy gần nhà để còn dạy dỗ, chăm lo đàn em thay bố luôn luôn xa nhà đang trong quân ngũ trên Ban Mê Thuột.
Hôm đó, chiều cận tết cuối năm 74, mấy chị em đang ngồi chơi trước hiên nhà, tôi bỗng chợt chú ý đến một anh chàng phi công trong bộ đồ bay xám phóng chiếc Suzuki đen từ đường Trần Nhật Duật rẽ vào Nhị Hà, hai tay khuỳnh ra ôm chiếc ghi đông xe, rụt đấu trong hai cái vai đang so cao, mắt thì không dời nhìn chị em tôi cười cười, đã thế hắn còn lạng tới lạng lui, vòng quanh đến mấy lần. Còn đang ngạc nhiên thì hắn đã lượn vào tới cổng, vừa dựng xe vừa tươi cười:
- Chào chi, anh chị mới về ăn tết ?
Chào ông Trung Uý Phi Công, ôi chao! Ông hào hoa phong nhã quá! Ông lượn tới, bay lui làm tôi hoa cả mắt tưởng ai, té ra……
Té ra thằng Quang?? thằng Quang vừa cười vừa trả lời thay tôi phô hai hàm răng trắng đều như hạt bắp cộng với cái lúm đồng tiền thật sâu trên má rồi thân mật ngồi xuống cạnh tôi, giơ tay bồng thằng cháu út mới được 10 tháng.
Tối nay trong Không Quân có tổ chức Dạ Vũ, em mời chị Hương và chị Liên nghen, thằng Quang quay qua nói với hai cô em gái tôi đang ngồi bên cạnh..
- Thôi mày ơi! Đi với mày thì chỉ có mày lời còn tụi tao lỗ thôi! mấy thằng bạn mày lại tưởng tụi tao là bồ mày vì mày …..cố tình…lập lờ đánh lận con đen, vờ vờ vịt vịt, có chịu giới thiệu trắng đen rõ ràng gì đâu ? Đi riết tụi tao chắc ế chồng quá!! Thôi đừng xúi dại nữa , trận đòn hôm nào đó bộ chưa quên sao?? Hai cô chị tranh nhau nói.
- Đâu có? em có giới thiệu đàng hoàng kia mà, nhớ không? Hôm đó đó ? Thằng Quang láu lỉnh cười nhỏ nhẹ rồi tiếp luôn:
- Thôi mà! Giúp ai cũng thế, giúp em, em cám ơn lại còn được mau lấy chồng Không Quân, nói đến đây nó cười hinh hích nhìn tôi rồi nhẩy phóc lên yên xe, rú ga dzọt mất khi chợt thấy bóng mẹ tôi từ trong nhà bước ra.
- Tối nay 8 giờ em đem xe Jeep đến đón hai chị, nhớ mặc áo đẹp nghen, hai bà sửa soạn lâu lắm đó! Chiếc xe như chồm lên rồi phóng đi cùng với tiếng nói nó vọng lại.
Mẹ tôi bước ra tới chỗ mấy chị em ngồi hỏi- Ai như thằng Quang phải không? thế rồi chẳng đợi trả lời, Bà ngồi xuống vừa cười vừa kể. Kể đến đâu bà cười rũ, cười chẩy cả nước mắt, nước mũi vì cái tật mê nhẩy đầm của thằng cháu…. mà bà thường nguýt yêu: - Nó giống mẹ nó như đúc vì con mắt chuyên …. nhìn trộm..
Bà kể: Hôm ấy, thằng Quang rủ đi nhẩy đầm trong Không Quân mà hai chị Hương và Liên không dám vì bác trai cấm. Nó năn nỉ bác gái tức mẹ tôi giả vờ cho phép hai chị tới nhà bạn chơi. Theo điều lệ thì chỉ được phép tới 10 giờ khuya là phải về vì ba tôi ở ngoài Cam Ranh thường về bất thần, có tuần về, tuần không. Không ngờ trời xui đất khiến, tối đó ông lại về trễ sau khi họp rồi đi ăn mới về nhà, chứ về sớm thì hai chị em Hương, Liên đã không dám đi, nào ngờ! Mẹ tôi lắc đầu kể tiếp: Khi về, không thấy hai đứa, ông hỏi, mẹ nói chúng đi tới nhà bạn sắp về. Chờ mãi, đi ra, đi vào tới gần 12 giờ khuya mới nghe tiếng cọc cạch mở khoá cửa, ba đứa lò dò, rón rén bước vào. Ổng để cho tụi nó bước vào xong đâu đó, bắt ngồi vào ghế của bàn ăn rồi xuống nhà dưới đi tìm cái roi mây, kiếm mãi không ra, ổng lấy đại cái chổi lông gà, lên tới nơi thì chỉ có 2 chị em con Hương con Liên còn ngồi đó, Thằng Quang thì biến đâu mất. Thế là ông rảo khắp các phòng đi tìm; không thấy, bèn mở cửa ra ngoài sân thì chiếc xe Jeep vẫn còn đó; ông nhất định là thằng này phải trốn nấp ở đâu đây mà thôi! Bỗng ổng chợt nhìn đến cái tủ sắt cao của Mỹ trong góc phòng…… bước tới, ông mở cánh cửa……thì thằng khỉ đang lom khom núp trong đó. Ông lôi nó ra, phết mấy cái chổi lông gà như muỗi đốt gỗ vào đít nó. Thằng bé sợ quíu người, lúp xúp vừa bước vừa chắp tay …….Ối giời ơi! Mẹ tôi cười: Nó lạy lấy lạy để, lạy ông ấy như tế sao - Cháu lạy bác! Bác tha cho cháu lần này, lần sau cháu không dám nữa!, lỗi tại cháu chứ không phải tại hai chị đâu!……Cứ thế mà nó rối rít lậy, tao buồn cười quá, nhịn cười không nổi, đến cả ổng cũng phải phì cười khi nhìn quần áo nó xốc xếch, lon lá, mũ miếc gì rơi tùm lum! Đã thế lại còn bày đặt đeo cái súng lục lủng lẳng bên hông !! Nói đến đây mẹ tôi lại rũ ra cười ngặt nghẽo làm mấy chị em chúng tôi đều bò lăn bò càng ra cười khi tưởng tượng đến cái hình ảnh của thằng Quang lúc ấy. Mẹ tôi còn thêm vào sau đó:- Ấy đấy! Chứ mà một phép. Ở trong nhà với các em, nó lừ mắt nhìn thôi là mấy đứa chẳng còn dám hó hé, chỉ có tới nhà này, phận làm em thì nó mới cất cái uy của mình vào túi áo mà thôi, về đến nhà là mặt nó lạnh như tiền. Thế cũng tốt! Bố luôn luôn xa nhà, anh cả phải có uy mới dậy được đàn em. Mẹ tôi gật gật cái đầu khen thằng cháu đẹp trai, mê nhẩy đầm, dễ thương nhưng có tật hay......nhìn trộm, rồi nở nụ cười khoan dung.
Thằng Quang tuy là em nhưng lớn hơn hai chị Hương và Liên một, hai tuổi, nhỏ hơn 3 người em trai tôi vài tuổi; cao lớn, đẹp trai, mê khiêu vũ không thể tả nổi, nó mê lắm! Mê đến quên ăn, bỏ ngủ, bao nhiêu lương lậu, tiền bạc cũng bỏ vào mấy cái vũ trường rải từ NhaTrang ra Đà Nẵng, Tuy Hoà, Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku. Đi đến đâu bồ bịch đến đó mà chẳng hề nghĩ đến vợ con hay lập gia đình mặc dù tánh tình hiền lành, vui vẻ đôn hậu. - Chỉ có cái tật: Mê nhẩy đầm !! Bà nội tôi rồi cũng phải than về cái đam mê của thằng cháu phong lưu không chịu lấy vợ cho bà có chắt bồng.
Tháng Ba năm 1975, trước khi ra bến đợi dưới chân cầu Hà Ra để theo tầu Đại Dương vào Sài Gòn lánh nạn. Tôi chạy lên rủ thím cùng đi, thím buồn rầu: - Giờ này chú không biết sống hay chết ở Ban Mê Thuột, tin tức mịt mù, thằng Quang vẫn còn ở ngoài Đà Nẵng chưa về, làm sao mà thím đành bỏ đi cho được ? Các cháu đi trước, thím chờ chú và em Quang về rồi sẽ vào sau.
Mấy tuần lễ sau gia đình thím cũng bồng bế nhau vào Sài Gòn ở tạm nhà một gia đình người bạn thân cùng quân ngũ với chú tôi. Chú vẫn…bặt tin, nhưng thằng Quang khi về đến NhaTrang, nó quyết định đem cả gia đình mẹ và các em vào Sài Gòn vì Nha Trang lúc đó hầu như đã tuyệt vọng...
Chiều 29 tháng Tư 75 tôi chạy lên nhà thím đang ở nhờ, báo tin sẽ cùng cả gia đình ra khơi tránh pháo kích và có thể sẽ đi luôn vì cậu em Hải Quân cho biết là tình thế không còn cứu vãn được. Thím buồn rầu: - Chú vẫn chưa về, thằng Quang còn đang trong phi vụ không biết giờ này ở đâu thì làm sao mà đi theo gia đình cháu được? thím nhạt nhoà nước mắt khóc. Trong lo âu sợ hãi, tiếng khóc của thím hoà lẫn với tiếng súng nổ râm ran bên ngoài đường phố.
Bà Hoà một tay vịn thành cầu là một ống Tre đang lung lay chừng như muốn gẫy đổ theo mỗi bước chân mình, một tay túm hai ống quần cho gọn để bước tới. Bà dò dẫm từng bước như đang sắp sửa bước vào hang ….Cọp. Bàn chân vừa chạm trên cái cây gỗ nhỏ bắc ngang sông thì bà lại sợ hãi rút chân về. Cứ thế mà dùng dằng một bước tới, hai bước lui làm cậu Kha em trai bà đã bước trước làm mẫu đang đứng bên kia chiếc cầu Tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi phát toát mồ hôi vì chỉ lo lỡ bà té, hay trượt chân xuống giòng nước đang chảy xiết thì khó ăn khó nói với đám cháu bên Mỹ đã gửi gấm ông cậu lo cho mẹ chúng khi về VN thăm thân nhân lần đầu tiên năm 1990.
Chị đừng nhìn xuống, cứ ngó thẳng rồi bước tới. Đừng sợ, có em đỡ bên này rồi!
Bác bước tới đi!, con đỡ bác đây nè! Chú phụ xe dịch vụ du lịch khuyến khích vừa đẩy nhẹ bà Hoà vừa nắm chặt thành cầu.
Bên hối, bên đẩy mãi thì cũng chỉ được thêm hai bước nữa là bà Hoà …chịu thua, đòi về, không đi tiếp nữa! Bà thấy nguy hiểm quá! Cả đời bà, từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ, có bao giờ bà đã nhìn và đi dù thử qua chiếc cầu……không phải là cầu bằng đất, bằng sắt hay gỗ mà là một chiếc cầu mỏng manh, lỏng lẻo chỉ được cột với nhau bằng một ống Tre, như muốn bay theo gió như thế này bao giờ?? Bà đang nghĩ đến cách nhờ cậu em vào gọi bố mẹ thằng Quang ra thì tiện hơn, nhưng cậu Kha thì lại muốn bà tận mắt nhìn thấy hoàn cảnh sinh sống của gia đình anh chị Tịnh nên đôi bên cứ kẻ giục đi người đòi về. Cuối cùng, cậu Kha bước trở lại bên này cầu và quyết định…….cõng bà chị …. qua sông trên cây cầu tre mỏng manh sau khi đã dặn bà là nhắm mắt lại, đừng nhìn xuống giòng sông đang mùa nước lớn.
Qua khỏi cây cầu Tre tưởng đã yên, bà thở phào nhẹ nhõm thì đằng trước mặt bà là những cánh đồng ruộng lúa xanh bạt ngàn, mênh mông, chẳng thấy nhà cửa nào đâu cả, dù một mái tranh. Bây giờ bà mới thấy câu Kha nói không sai là chú thím Tịnh đang thực sự ở một chốn quạnh hiu, không một bóng người qua lại, hầu như xa hẳn thế giới loài người nhưng không phải là đang tu tiên mà là đang sống trong bể khổ trầm luân. Lúc đó bà nghĩ là sẽ đi tới được dù xa xôi hẻo lánh thế nào đi chăng nữa nhưng bây giờ…vừa mới qua một chặng cầu Tre xong thì bà không thể lại nói chuyện……không đi. Bà đành bước tới. Đường đi là bờ ruộng được đắp sơ sài bằng bùn đất, chỗ thấp chỗ cao, nhỏ hẹp chỉ đủ cho một người đi theo hàng dọc. Bà xắn quân, cột áo, mồ hôi ra nhễ nhại vừa đi vừa than mỏi mà không có chỗ để nghỉ chân vừa xót thương gia đình người em chồng mình thật khùng điên, hết khôn dồn ra dại, bán đổ bán tháo ngôi nhà như biệt thự ở Phước Hải NhaTrang đi dọn về chỗ đồng không mông quạnh này ở. Bà lầm bầm nói với ông em đang đi trước dẫn đầu: - Thật đúng là số mệnh cậu Kha ạ! Ai thì cũng chạy trốn, cũng bỏ cửa bỏ nhà mà đi nhưng biệt xứ như tôi đã đành, đằng này còn ở trong nước, đã từ Sài Gòn chạy về NhaTrang, về đến nhà rồi mà còn bán cái nhà chạy về đây ở, để mấy đứa nhỏ cũng khổ luôn! Thật "sẩy một li đi cả dặm ".
Cậu Kha giúp bà Hoà bày mấy hộp kẹo chocolate, bánh Bơ, cùng dĩa trái cây đặt lên bàn thờ . Thắp mấy nén nhang xong, bà khấn lạy vong linh các cụ, Trên bàn thờ mấy khung hình ông bà nội, bên cạnh là tấm hình ông Hoà chồng bà, kế đó là hình thằng Quang mặc bộ đồ bay xám, cũng lại cái miệng cười má lúm đồng tiền mà hai con mắt thì…. đang liếc về một bên như đang…. nhìn trộm . Nhìn nó, nhìn nụ cười, đôi mắt thằng khỉ mà không ngày nào là nó không ghé qua nhà bà đùa giỡn, đàn hát, ăn uống thân mật với các anh chị. Giờ đây!! Bà như nghe thấy tiếng nó vừa ngồi ôm đàn vừa hát hôm nào trước hiên nhà một chiều mưa buồn khi hay tin người yêu bỏ đi lấy chồng :
"…Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi!,
Còn gì đâu nữa, mà khóc với cười,
Mời người lên xe về miền quá khứ,
Mời người đem theo trọn vẹn thương yêu……….
.
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi,
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người........"
" - Cuộc đời cháu còn nhiều nguy hiểm và vô định quá! Đèo bồng vợ con chỉ làm khổ cho nhau mà thôi bác ạ!! "
Không cầm được giòng lệ, bà oà khóc nức nở, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Ông Tịnh hai tay dụi mắt, ngước nhìn lên bàn thờ, mắt ông đụng phải mắt thằng Quang đang liếc nhìn mình, ông cúi đầu hai giòng nước mắt chẩy xuống đôi má hom hem nhăn nheo. Ông buồn bã đứng dậy bước ra sau hè, lặng nhìn con sông nhỏ đang loáng nước trước mặt.
Bà Tịnh vừa chấm nước mắt vừa kể:
Khi anh chị và các cháu đi rồi, được ít lâu mẹ con em dắt nhau về lại NhaTrang. Về đến nhà thì ……..nhà mình đã có người đang ở !! Họ nói bây giờ là nhà của cách mạng. Thấy gia đình con cái tội nghiệp, lếch thếch, họ dồn lại cho mình ở vào 1 phòng, cái phòng ngày trước chú Thư vẫn ở đó ! Sau đó ít lâu em dọn hẳn xuống nhà bếp ở dưới cho riêng rẽ, biệt lập vì ra vào chung đụng khó chịu quá !! Chị nghĩ coi, nhà của mình, họ tự tiện dọn vào ở lại còn ngang nhiên đuổi mình xuống nhà dưới để họ ở trọn căn nhà trên. Nhà thì villa, biệt thự, sàn đá hoa, cửa kính vẽ chạm, phòng nào phòng nấy rộng rãi sạch sẽ, em giữ kỹ thế mà chúng ở đem luôn cả lò, bếp, nồi niêu soong chảo, rồi còn mang cả than củi vào chổng mông thổi cơm, kho cá trong đó vì họ ở tới mấy gia đình. Còn cái nhà của anh chị thì họ trưng dụng thành ty công an, có lần sau này đi xin phép, trình giấy ngồi ngoài phòng đợi mà lúc trước là phòng kháck. Em nghe có tiếng tra tấn, đánh người trong cái phòng thờ các cụ. bà chậm nước mắt: - Giữa lúc đó thì nhà em và cháu Quang về. Em mừng quá! mừng như chết đi sống lại chị ạ! Tưởng như trời đã ngó lại thương đến gia đình mình, từ nay thôi rau cháo có nhau. Bà Tịnh không ngừng lau nước mắt: Nhưng anh Tịnh nhất quyết, một hai là phải dọn đi, dọn đi thật xa, dọn tới một nơi mà không ai biết đến tung tích mình vì sau khi Ban Mê Thuột mất, anh bị bắt làm tù binh thế rồi trong lúc hỗn loạn của ngày 30 tháng Tư anh trốn được, ẩn núp trong làng Buôn, trốn lánh có đến mấy tháng mời về được đến Nha Trang. Anh nói không có cơ may thoát tù lần thứ hai nữa đâu, và lần sau này tất cả quân dân cán chính sẽ bị tù aỉ giam cầm rất lâu anh nghe được như vậy khi còn bị giam ở BMT. Không những anh mà lại còn thêm cháu Quang nữa! Phần thì mấy người cán bộ ở nhà muốn tống khứ mình đi nên họ nay ép, mai hỏi, mốt đề nghị đưa ít tiền để mình làm giấy bán nhà cho họ một cách danh chính ngôn thuận dù là giá rẻ mạt 1, 2 cây vàng thôi nhưng cũng đành phải cắn răng mà bán để đi vì nếu không nó ngang nhiên lấy luôn mình cũng chẳng làm gì được. Nói đến đây bà Tịnh ngước mắt nhìn bà Hoà hỏi: Chị chắc còn nhớ ông bà Hưng Không Quân hàng xóm người Nam ở sau lưng nhà mình chứ gì ?? - Tôi nhớ rồi, bà Hoà gật đầu Bà Tịnh nói tiếp: Đấy! hai vợ chồng ông bà ta cứ nói: Miền Nam, Cần Thơ, An Giang, Lục Tỉnh gạo trắng nước trong, cá lội đầy đồng, như mình thường nghe, lại thêm người miền Nam hiền hoà, chất phác, thảo lảo tốt bụng nên chúng em quyết định dọn về miền Nam, rồi tới đây ở cũng nhờ mối lái mua lại căn nhà này là do vợ chồng ông bà Hưng giúp chứ không thì đâu có biết đâu mà đi ? Về đến đây, bắt đầu lại từ con số không, giấu biệt tung tích vì sợ bị bắt, cầm tù như mấy người bạn cùng đơn vị anh ấy đi cải tạo đã về đâu ?? có người thì chết luôn trong tù, thành ra ngày ấy cứ mừng là…thôi thì nghèo khổ nhưng vợ chồng con cái vẫn còn có nhau, mặc dù cháu Quang năm lần bẩy lượt không đồng ý với bố nó về cách ở ẩn, ở trốn như thế này. Thế rồi,… mấy năm sau…… một hôm, nghe nói có đoàn văn nghệ các ca sĩ cũ trước 75 về hát nhạc vàng ở đâu trên Huyện. Chiều hôm đó, ăn uống xong, cháu đi thật sớm, mọi khi thì vẫn chèo xuồng ba lá sang sông, tối đó trời trở gió, giông bão rất lớn, đêm hôm chèo lái không quen thế nào mà thuyền lật, cháu bơi dở lắm! thì chị bảo dân Không Quân mà ? Lúc thuyền lật, cháu kêu cầu cứu, la làng, hàng xóm nửa đêm có nghe nhưng tảng lờ khi nghe giọng Bắc Kỳ là họ ghét cay ghét đắng vì tưởng ai đó trong đám người ngoài Bắc sau này kéo vào Trung vào Nam từng đoàn, từng đám chiếm đất, xây nhà bất kể phép pháp, luật lệ rồi ngang tàng, hống hách, thế là thằng bé chết oan chứ nếu biết là thằng Quang nhà này thì đâu đến nỗi !! Nói đến đây, bà kéo chéo áo lau nước mắt ngước nhìn ông Tịnh đang đứng cạnh cậu Kha trước hiên nhà rồi tiếp: Kể từ ngày ấy, ngày cháu Quang mất, nhà em đổi hẳn tính tình, trở nên ít nói và để râu luôn không hề cạo, cho nên hồi nãy chị hỏi tại sao không cắt mà để râu bây giờ dài tới ngực là vậy!!
Bà Hoà chép miệng thở dài: - Tránh được cái cải tạo thì …mất con!! Không bị đi tù thì đã mừng, cho là phước lớn may mắn hơn bao người khác, đâu có ngờ đến nay vì……may mắn thoát tù thì lại ….không đủ tiêu chuẩn ……đi Mỹ !!
Hai chị em bạn dâu đang nói dở câu chuyện thì cậu Kha bước vào; - Anh Tịnh mới nói là chủ của miếng đất này có căn nhà ngoài mé lộ, cao ráo, rộng rãi muốn bán vì cần tiền xoay sở, em đề nghị chị và các cháu bên đó giúp để đưa gia đình anh chị Tịnh ra ngoài đường sá thì nó cũng dễ thở hơn cho các cháu tiện việc học hành làm ăn, phương tiện đi lại đỡ nguy hiểm….
Bà Hoà như quên khuấy mất caí bờ ruộng đắp bùn lồi lõm trên những cánh đồng lúa cùng cây cầu tre lắc lư như răng bà lão, gẫy đổ hồi nào không hay mà bà đã lo rồi sẽ lại bị cõng qua, bà mau mắn, hối hả giục hai vợ chồng ông Tịnh cùng đi ngay lập tức tới ông chủ đất để xem cái nhà đó ra sao.
Người cần bán, kẻ muốn mua, thêm phần thì giờ hiếm hoi ít ỏi của bà ở Việt Nam nên cả đôi bên làm giấy, ký kết, đóng trước ít tiền cọc ngay chiều hôm đó, trong giao kèo, hợp đồng là đợi ngày ra huyện, xã đóng dấu xin phép, giao tiền đủ là xong.
Trước khi về, bà Hoà để lại ít tiền căn đi dặn lại ông Tịnh là bằng giá nào cũng phải làm ngay cây cầu bắc qua con sông nhỏ không tên mà thằng Quang, thằng cháu có con mắt hay liếc trộm của bà đã chết oan trên đó để các em nó sẽ không phải chèo xuồng để qua sông như anh nó nữa.
Qua được bên này cái cầu Tre, cậu Kha nhìn đồng hồ, chú tài còn tới 20 phút nữa mới đúng hẹn đón. Cậu rủ bà Hoà và chú phụ xe ghé vào quán nhỏ bên đường uống nước tránh nắng để đợi xe.
- Tội nghiệp thằng Hai ngày đó chết oan cũng chỉ vì cái đám Bắc kỳ ở ngoải yô chiếm đất, giành công ăn việc làm, chòm xóm họ ghét lắm !! Đêm đó nghe tiếng kêu cứu nhưng mấy người giả lơ như không nghe vì tưởng …….cái đám Bắc kỳ sau này chớ đâu biết thằng Hai con ông Bắc Kỳ Tịnh đâu !! Thiệt tội nghiệp hết sức !! Từ hồi đó tới giờ ổng để râu luôn, không biết ổng thề nguyện chi đó mà nhứt định không bao giờ cắt nữa !! Bà chủ quán vừa buồn vừa như ân hận, an ủi chị em bà Hoà....
Trên bàn thờ hoa quả, nhang đèn với mâm cơm cúng tổ tiên nội ngoại chiều 30 tết năm nay Bính Tuất 2006 còn có thêm khung hình bà Hoà để bên cạnh ông Hoà, kế bên là hình thằng Quang mẳc bộ đồ bay xám mắt liếc nhìn về phía bà Hoà cười cười như…………đang nhìn trộm. Khấn vái xong, ông bà Tịnh đem nhang đèn ra ngoài sân cúng Trung Thiên, tạ ơn trời đất. bàn cúng quay ra mặt đường vô tình hướng về phía cây cầu Tre….lắt lẻo ngày nào giờ đã được thay thế bằng chiếc cầu gỗ chắc chắn mà xe gắn máy có thể chạy qua một cách thoải mái, người dân xóm Long Thọ nôm na thường goị là Cầu Bà Hoà để nhớ ơn bà đã công đức làm cây cầu này. Họ vẫn mong ngày bà trở về quê hương thăm gia đình người em chồng là ông bà Tịnh để nói lời cám ơn, nhưng, bà Hoà đã…….chẳng bao giờ về nữa để
|