Miếng thịt - Phần 1
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

0624.lt2.jpg

Views: 3406

0641.lt6.jpg

Views: 2974

20lt.0720.lt33.jpg

Views: 3145

a. dsc_0096.jpg

Views: 2896

set 9.1.jpg

Views: 2945

a. dsc_0147.jpg

Views: 2785
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


Miếng thịt - Phần 1
20-12-2006

ĐINH LÂM THANH

 

Mỗi lần vợ làm thịt heo, bà thường dùng con dao nhọn, lẹ làng lóc hết toàn bộ mỡ cũng như da, tôi thấy miếng thịt chỉ còn lại một tí nạc nhưng không dám phản đối, chỉ nhẹ nhàng nhắc chừng rằng, lóc hết mỡ và da thì ăn chẳng còn mùi vị gì của miếng thịt. Bà nhìn tôi lắc đầu cằn nhằn, trong người đủ thứ bệnh mà lúc nào cũng đòi mỡ, thích mặn lại còn hảo ngọt nữa. Ăn ba cai thứ nầy vào cho nhiều rồi đổ bệnh nằm đó, ai lo ?

Cứ đem mấy chứng bất trị như mỡ trong máu, huyết áp cao và tiểu đường của tôi ra hăm là bà thắng ngay. Tôi im lặng không còn lý gì để bảo vệ ý kiến của mình. Nhưng khi bà đi vắng một vài bữa, tôi ghé qua khu 13 Paris xách về một ký ba rọi, để nguyên da và mỡ, rửa sơ sài và luộc chín bằng một tí muối, xắt ra từng miếng nhỏ bằng nửa ngón tay cái rồi bày ra bàn. Trịnh trọng ngậm từng miếng một vào miệng, nhai từ từ, không bia không rượu, cốt để nhớ lại mùi vị miếng thịt heo trong tù cải tạo của Cộng sản cách đây đúng ba chục năm. Nhưng đã nhiều lần tôi không thể tìm được hương vị cũ của ngày trước.  Thịt heo Tây bên nầy đã dở, khi làm bếp lại lóc hết các phần phụ thuộc, dù kho nấu cách nào ăn cũng không tìm mùi vị như heo tại quê nhà. Thật vậy, ở bên nầy nuôi heo kỹ nghệ, tắm rửa hằng ngày, chích ngừa từ lúc mở mắt chào đời rồi phải khám nghiệm gắt gao trước khi đưa lên bàn mổ. Heo được nuôi ăn đúng tiêu chuẩn đầy đủ chất bổ nhưng miếng thịt vẫn không ngon bằng heo tại các vùng quê Việt Nam. Ở quê nhà, heo không cần chích ngừa khám nghiệm, thịt thường mổ lậu đôi lúc chẳng cần đóng dấu thú y. Thịt chỉ cần luộc với nước sông nước hồ gì ăn cũng thơm một cách ngon lành. Mỗi lần về quê tôi cứ dặn người nhà mua cho được thịt heo nuôi theo lối cổ điển, nghĩa là nuôi chuồng, nước tiểu phân rác lúc nào cũng ngập lên tới bụng nhưng khi ăn miếng thịt luộc bao giờ cũng thơm ngon quyến rũ…

Đôi lúc những bà con tại Việt Nam ngạc nhiên nhìn tôi ngậm thật lâu miếng thịt trong miệng, vừa nạc vừa xương vừa bầy nhầy mỡ, rồi trịnh trọng nhai từ từ như để thưởng thức món cao lương mỹ vị mà suốt đời chưa bao giờ biết tới. Người anh họ hỏi nguyên nhân, tôi chỉ trả lời vắn tắt rằng, thịt heo ta ngon hơn thịt của Tây rất nhiều. Nhưng phải nói rằng miếng thịt mỡ trong trại tù cải tạo dù đã trên ba mươi năm, tôi vẫn hình dung ra được, vừa béo vừa thơm và ngon một cách lạ lùng không sách vở nào diễn tả nổi.

 

***

Trong khoảng gần ba tháng tập trung tại Trảng Lớn, mỗi ngày tù được phát hai nắm cơm gạo mốc trộn bo-bo ăn với muối bọt. Dù chưa lao động đúng mức nhưng người nào mắt cũng lờ đờ, tay chân bủn rủn, bụng thóp lại, người xuống cân trầm trọng. Lúc khăn gói lên đường tình nguyện đi học tôi cân bảy chục ký, bây giờ không biết còn lại chính xác bao nhiêu nhưng bộ mặt hốc hác, hai gó má nhô lên như chiếc sọ người, tay chân nhô gân xanh và bộ sườn hiện ra rõ từng chiếc xương, rất tốt cho việc dạy môn cơ thể học cho các em học sinh, vì các chất dinh dưỡng cần thiết cần thiết cho con người đã rủ nhau ra đi. Nhớ lại những bữa ăn thịnh soạn ngày trước, bây giờ chỉ có nắm bo-bo với muối, ngày nầy cũng nhưngày khác. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến cục đường, miếng cá hay tí thịt…tự nhiên nước miếng cứ liên tục chảy ra đầy miệng. Nhiều lúc thấy xấu hổ, không ngờ mình đã thèm ăn đến độ phải nuốt nước bọt liên hồi.Lúc dời xuống Long Khánh, tiểu đoàn tù cải tạo gồm có 4 khối, trên một ngàn người chen chúc nhau trong mấy dãy nhà tôn của tiểu đoàn 18 quân y cũ. Toàn bộ khu trại chỉ có một cái giếng cạn, sâu chừng trên mười thước, mỗi lần kéo lên được chừng vài chục lít nước phèn đỏ như máu trộn lẫn với rác rến, lá cây và xác chuột chết, nhưng tù không được dùng theo lệnh quản giáo, chỉ được phép để nấu cơm và nước uống.

Cũng nhờ vùng Long Khánh đang ở vào mùa mưa, lâu lâu trời ban cho một trận để tù cải tạo có cơ hội tắm và hứng nước uống. Mỗi lần mưa rào trút xuống, tất cả đều nhào ra sân, thân mình trần truồng như nhộng, râu tóc bù xù, mặt ngửa lên trời há miệng hứng nước vừa uống vừa súc miệng. Đánh răng và tắm rất tân tiến theo kiểu bộ đội, một tay đút ngón trỏ vào chà hai hàm răng thế bàn chải, một tay tranh thủ kỳ cọ liên tục từ trước ngực ra sau lưng rồi từ trên xuống dưới vì cơn mưa thường ngừng bất chợt. Cả ngàn con người tồng ngồng chen lấn trên khoảng trống bằng sáu sân đánh bóng chuyền, như một bầy vượn, hò hét vui mừng nhảy múa khi gặp nước sau một thời gian dài chịu đựng hôi hám ngứa ngáy và nóng bức. Doanh trại nằm trong khu vực gần như không có cây cối, Khối tù tôi khoảng chừng hai trăm chen chúc nhau trong hai dãy nhà nằm sát một hàng rào bằng cây dâm bụt. Phía bên tay trái một khu đất trống, sau lưng, một kho đạn thật lớn của một đơn vị trực nào đó thuộc sư đoàn 18 bộ binh để lại. Đứng trong cửa sổ phòng giam có thể nhìn thấy nhiều loại đạn súng cối, M72, các thùng đạn đại liên và lựu đạn còn vất bừa bãi chung quanh ụ đất gồm nhiều cành cây khô và cỏ chết. Hai ngày sau khi chúng tôi đến, một vệ binh có nhiệm vụ gác, túc trực ngày đêm phía sau căn nhà tù, với hai mục đích vừa canh chừng chúng tôi nhảy rào đồng thời bảo vệ an toàn cho kho đạn. Không biết mấy chú ngố nầy đêm làm gì mà ban ngày tôi thấy chúng thường dựa gốc cây mít ngủ, hết ngủ lại ôm điếu thuốc lào kéo liên tục.

 

Tôi cứ phập phồng lo sợ tai nạn thế nào cũng xảy ra vì bọn ngu nầy, mỗi lần kéo xong hơi thuốc chúng vứt bừa bãi đóm xuống chân trong lúc chung quanh  kho đạn một số cành cây gãy nằm ngổn ngang với  lá khô và đám cỏ chết chạy dài từ sau lưng phòng giam chúng tôi đến tận ụ đất kho đạn.

Với gần một ngàn tù cải tạo của bốn khối, mặc dù không ăn uống gì nhiều nhưng vấn đề vệ sinh bắt buộc phải tuân theo thói quen tự nhiên, sắp hàng đi cầu mỗi buổi sáng. Một dãy nhà cầu công cng được lệnh dựng lên cho trại. Kiến trúc rập theo khuôn mẫu hiện đại tiên tiến của miền Bắc: Không mái, không ngăn che hai bên cũng như sau và trước ! Gồm hai chục hố sâu chừng 100 cm, dài 60 cm và rộng 50 cm nằm kế cận cách nhau chừng 40 cm, ở trên bắc ngang hai thanh cây nhỏ, phía sau mỗi hố được khoét rộng thêm, vừa  đủ cho một người hằng ngày có thể chui xuống hốt phân. Mỗi buổi sáng sắp hàng làm phận sự, dù đang trong cảnh tù tội nhưng tất cả không thể nhịn cười khi nhìn cảnh vượn thành phố đi đại tiện tập thể. Bốn chục người làm nhiệm vụ một lượt trên hai chục miệng hố, thân mình trần truồng như nhộng, lông, râu tóc bồm xồm, anh ngồi xuôi anh ngồi ngược như một bầy chim đói đã nhổ sạch hết lông, đậu thành hàng dài trên sợi giây điện. Một anh vừa bước ra có anh khác vào thế chỗ liền Mấy ngày đầu ai cũng ngắt một vài lá dâm bụt để kết thúc mỗi chuyến đi cho đúng phép vệ sinh, do đó hàng rào dâm bụt sau ba ngày khôngcòn một ngọn lá nào. Hết lá,  không còn cách nào khác, hầu hết đi cầu xong tất cả vui vẻ đứng dậy rất tự nhiên chẳng cần thắc mắc gì. Nhưng cũng có một vài anh cẩn thận, lúc nào cũng nhét trong sợi giây thung quần xà lỏn một cây que như chiếc đũa, mục đích để làm phận sự thay giấy đi cầu và sau mỗi lần đại tiện, xong xuôi lại cẩn thận nhét kỹ vào giây thung quần để xử dụng tiếp cho những lần sau. Anh em cải tạo thường ở trần ngày cũng như đêm, trên người chỉ chiếc quần xà lỏn. Bộ áo quần mặc theo lúc ra đi được xếp lại cẩn thận để dành lúc được ra tù trở về thành phố hoặc những lúc cần thiết như đi làm lý lịch, lên hội trường nghe nhồi sọ, bị quản giáo kêu lên làm tự kiểm thì bất đắc dĩ phải khoác chiếc áo lên người. Quần xà lỏn mặc suốt ngày đêm, không có nước giặt và thường xuyên bị ẩm vì mồ hôi muối. Tội nghiệp những miếng vải giảm dần tuổi thọ, mục và rách như trái xơ mướp. Có nhiều anh quần xà lỏn rách hết phần dưới chỉ còn một ít vải chung quanh lưng quần, mặc vào trông như các cô đang mang trên người chiếc mini jupe kỷ lục sexy!  Cũng có anh đành xé chiếc quần dài ra thành miếng nhỏ, quấn ngang phần dưới bụng như chiếc khố của người dân tộc thiểu số. Quản giáo kêu lên buộc làm tự kiểm, kết tội đi học tập cải tạo mà ăn mặc kiểu đóng khố hoặc đưa nguyên của ‘quý ’ ra ngoài theo kiểu dâm ô của bọn Mỹ-Ngụy là cố ý ngoan cố, chống đối cách mạng ! Có anh thành thật trình bày, chỉ đem theo đồ dùng đúng mười ngày theo cách mạng đã dạy, nay quần bị mục nát chẳng còn gì để quấn cho kín ‘phần dưới’, thì cũng bị quản giáo khép vào tội ăn nói ‘linh tinh’ và có ý bôi xấu chế độ.

Xuống đến đây tù được thêm một món ăn mới. ‘Không có gì quý hơn trái su su’ đó là lời quý giá của già Hồ để lại. Khẩu phần hằng ngày của từng người gồm một phần tám trái su su nấu nước muối và gần một chén bo-bo. Ăn uống như vậy, phân sản xuất đâu được bao nhiêu để tưới rau. Báo cáo của đội rau mỗi ngày chỉ thu hoạch chừng non một thùng phân, tù lại bị kiểm điểm sản xuất không đủ tiêu chuẩn cho vườn rau cải thiện của bộ đội và quản giáo! Anh bạn nằm bên tôi, ngày mai đến lượt chui xuống cầu tiêu hốt phân, không biết là mơ hay tỉnh mà cứ than vãn hoài. ‘Không cho ăn mà cứ đòi phân cho nhiều, lấy gì mà ẹ ra đây Hồ ơi. Ngày mai lấy đâu phân cho đủ tiêu chuẩn để nạp cho quan thầy đây, Hồ ơi là Hồ’ !

Một thời gian sau, tù được phép viết thư về xin gia đình tiếp tế và trong đợt tiếp tế đầu tiên, mỗi người được phép nhận hai ký. Ngày phát quà tập thể, bọn quản giáo tập hợp tù ở giữa sân và kêu tên từng người lên nhận về để lại dưới chân mình. Khi đã phát đủ, quản giáo ra lệnh cho mở ra cùng một lượt để chính trị viên, quản giáo và vệ binh canh chừng kiểm soát. Bọn chúng lúc đầu trố mắt ngạc nhiên những món hàng gởi đến nhưng sau đó ra lệnh tù sắp tất cả quà ngay ngắn lại dưới chân mình và đứng nghiêm để nghe lệnh. Chúng quát tháo :

-         Đã vào đây rồi mà các anh vẫn còn giở trò qua mặt cách mạng, tìm cách thông tin liên lạc và móc nối với bọn CIA bên ngoài !

Không ai hiểu chúng muốn nói gì. Tất cả đang ngơ ngác thì tên chính ủy tiến đến lấy một cuốn giấy đi cầu đưa lên cao :

-         Thế nầy là thế nào ? Các anh định dùng loại giấy nầy để thông tin ra ngoài với bọn giặc. Tôi cho các anh biết đừng hòng qua mặt cách mạng. Bọn Mỹ-Ngụy đã dùng các cuộn giấy như thế nầy để gắn trên các máy để đánh điện cho nhau, gia đình các anh gởi vào để các anh tiếp tục viết tin để gởi ra ngoài. Cách mạng đã thông suốt ý đồ, nhìn thấy trong tim trong óc các anh. Đừng tưởng rằng khi cách mạng khám phá hành động gián điệp, các anh chỉ cần nuốt vào bụng hay bỏ giấy vào nước nó bấy ra là có thể qua mặt phi tang cách mạng một cách dễ dàng được đâu !

Tất cả đừng yên  không ai dám cười, chừng phút sau một anh tù trưởng khối gải đầu vòng tay thưa :

-         Dạ thưa anh cán bộ, giấy nầy dùng để …đi cầu ạ !

Tên chính ủy nạt lớn :

-         Đừng lếu láo !

Nói xong hắn hầm hầm quay trở về ban chỉ huy tiểu đoàn.

Gói quà nhỏ đầu tiên, gia đình người nào gởi cũng giống nhau. Theo thứ tự ưu tiên : cuộn giấy đi cầu, đôi dép râu, vài chiếc quần xà lỏn, bịch thuốc lào, ít cục đường, lon muối sả, lon muối đậu phộng, guigoz thịt kho mặn. Gia đình anh nào khá giả còn thêm gói café, hộp sữa đặc. Đêm đó, trong trại lần đầu tiên mới nghe được tiếng cười của mấy anh tù đang uống café, kéo thuốc lào hoặc vừa nuốt xong miếng đường vào miệng.

Sáng hôm sau thức dậy, anh em tù đang đi đại tiện rất đỗi ngạc nhiên và không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi thấy vệ binh đi vòng vòng kiểm soát chung quanh cầu tiêu cộng cng, có vệ binh còn nhặt một vài miếng giấy vệ sinh rải rác bên các miệng hố. Sau đó chừng nửa giờ, kẻng đánh tập họp tù ngoài sân, tên chính ủy hôm qua lại trở xuống, mặt hầm hầm, miệng la lớn :

-         Thật là phí phạm, chế độ tư bản các anh còn bày nhiều trò rởm đời trong việc đi cầu xí. Cách mạng chiến đấu quanh năm suốt tháng trong rừng đâu cần giấy xanh giấy đỏ để đi ỉa mà đánh đâu thắng đó. Các anh có biết ngoài Bắc, trẻ con không có giấy để đi học trong lúc các anh trong Nam lại dùng để chùi đít !

Anh em cải tạo lần nầy không nhịn được, cười ồ lên. Phía sau cùng có anh tù nào đó lên tiếng, tất cả đều nghe rõ :

-         Thế mà hôm qua hôm kia lên lớp cán bộ cứ oang oang cái mồm lên rằng, miền Bắc không thiếu thứ gì. Tủ lạnh thì đi đầy đường không còn lối cho xe hơi, cà rem thì dư thừa phải phơi khô để xuất khẩu !

Cả bốn khối tù không nín được, tới đâu cũng phải cười để giải tỏa những ấm ức mấy lâu nay. Một quản giáo, tay chụp ngay bá súng lục bên hông, chen vào đám tù tiến xuống phía sau, quá giận, lắp bắp đứt quảng :

-         Thằng…thằng nào phản động, thằng phản động nào vừa mới lên tiếng, ông bắn bỏ mẹ bây giờ !

Tất cả tù đứng yên, tên quản giáo đi vòng vòng nhìn vào mặt và tra khảo từng người một nhưng không tìm ra được thằng vừa phát ngôn bừa bãi.  Kết quả cả tiểu đoàn tù phải học tập tự kiểm liên tục một tuần vì một câu nói cực kỳ phản động !

Trong thời gian bị nhốt ở Long Khánh, vì có sự hiện diện của dân chúng chung quanh khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ, tù may mắn không đi lao động bên ngoài mà chỉ xoay quanh những công tác đắp đường, làm vệ sinh, trồng rau cải trong khu vực. Ngày nào cũng tám tiếng làm việc, không có nước tắm giặt, đa số anh em bắt đầu nổi ghẻ trong người. Không thuốc, thiếu dinh dưỡng và nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân, bệnh ghẻ lan tràn rất nhanh. Quản giáo giải quyết bằng cách cho luân phiên ra ngoài tắm, nhưng mỗi khi ra khỏi hàng rào phải ăn mặc chỉnh tề và tuyệt đối không được nhìn ngang liếc dọc, ra dấu làm hiệu hoặc liên hệ với dân địa phương. Nơi được phép tắm là một con mương nhỏ cũng nằm trong phạm vi thuộc khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ. Chiều ngang

 

khoảng chừng gần ba mét, nước lên chỉ đến quá đầu gối một chút. Tù sắp thành hàng, áo quần đã toàn bộ tuột ra, đếm số từng đợt hai chục người và sẵn sàng đợi lệnh nhảy xuống đồng loạt. Trên hai bờ đất, vài ba quản giáo và hàng chục vệ binh súng cầm tay chĩa vào đám tù. Mỗi toán chỉ được phép tắm trong vòng một hai phút rồi phải bước lên nhường chỗ cho toán khác nhảy xuống. Mỗi lần ra tắm chúng tôi cũng gặp vài ba người đàn bà quanh quẩn chung quanh khu vực đang cúi mình giả vờ làm cỏ, mặc dù chung quanh con mương không có khu ruộng lúa hay một vườn rau cải nào. Anh em tù nhận biết ngay là những người đàn bà kiếm cách xâm nhập vào khu vực để dò la tin tức người thân. Đám vệ binh lớn tiếng đuổi nhiều lần nhưng không kết quả, sau cùng chúng bắn chỉ thiên vài phát súng, mấy người đàn bà mới từ từ nhích ra xa. Chỉ trong một thời ngắn tin tức được đồn ra ngoài, hàng ngày các bà các cô xuất hiện nhiều chung quanh khu vực con mương.

Chính điều nầy anh em tù không được ra ngoài tắm mương mỗi tuần mà chỉ còn cách lạy Trời mưa xuống…

Một buổi trưa sau giờ ăn, kho đạn sau lưng nhà phát nổ, nguyên do vì đám cỏ khô nơi vệ binh ngồi gác bốc cháy rồi lan nhanh từ gốc cây mít vào đến ụ đất. Các loại đạn trong kho phát nổ làm rúng động cả vùng Long Khánh.

Nguy hiểm nhất là các loại đạn súng cối 60, 80, súng chống xe tăng M72, lựu đạn và mìn claymore bị sức ép tung lên cao và bay qua các khu vực tù đang ở, rơi xuống rồi mới phát nổ. Tiểu đoàn tù chúng tôi ở gần kho và lãnh nhiều mảnh đạn bay thẳng từ kho xuyên thủng một số mái tôn rớt xuống ngay chỗ nằm. Nguy hiểm nhất là những trái lựu đạn và súng cối rơi xuống ngay sân là lúc chúng tôi đa số đang ở ngoài.

Vừa nghe tiếng nổ tất cả vội vàng nhảy xuống hố cá nhân và hệ thống giao thông hào đã có sẵn. Hố chỉ chui xuống được một hai người, giao thông hào ai nhảy xuống trước thì nằm dưới, xuống sau nằm chồng trên như lớp cá mòi. Anh em nào nằm trên, không ít thì nhiều cũng bị mảnh đạn hay đá sỏi đâm trúng trên lưng. Kết quả có mấy anh em tù bị chết vì mảnh đạn và hơn mấy chục người bị thương.




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.