Trần Văn Tư
Lời giới thiệu
Tình cờ có người bà con cho tôi mượn đọc quyển Lư Giang tiểu sử của dòng họ, trong đó có đề cập về Nha Trang, Khánh Hòa. Tôi lớn lên và dạy học ở Nha Trang rất lâu nhưng chưa được nghe nói đến một vị quan Án Sát không ưa việc hành chính mà lưu tâm đến học đường. trong hơn 6 năm làm quan, ông có công thành lập 24 trường Tây học đầu tiên tại Nha Trang – Khánh Hòa. Có lẽ chính dân Khánh Hòa sau này hiếu học và thành đạt trên đường học vấn là do công lao của ông 10 năm về trước? Quan Án Sát đó là Nguyễn Văn Hai, tác giả bộ Lư Giang Tiểu Sử, viết bằng chữ Nho. Ông sinh năm 1858 tại Thừa Thiên, rất ham học nên thầy tặng biệt hiệu là “Tiểu Cao”. Năm 28 tuổi (1885) ông thi Hội, đậu Phó Bảng, tháng sau thi Đình chưa có kết quả thi thì kinh thành thất thủ. Ông ra làm quan tất cả 28 năm, 4 lần Bố Chánh, 2 lần Án Sát, 2 lần Tuần Vũ. Ông cũng từng sang Paris nghiên cứu chánh trị và phong tục nước Pháp. Người Pháp hỏi ông cái gì tốt, ông đáp trường học là tốt vì nước Pháp thời bấy giờ được thịnh vượng từ tinh thần đến hình thức do một điều là học vấn. tháng 11 năm 1905 ông được bổ Án Sát tỉnh Khánh Hòa.
Sau đây là những điều nhận xét của ông về Nha Trang – Khánh Hòa được trích đăng từ nguyên bản dịch chữ Nho ra chữ Quốc Văn của con ông trong bộ Lữ Giang Tiểu Sử. Đặc biệt, tác giả có kể lại một chuyện rất linh ứng đã xảy ra tại am Đại Điền, tỉnh Khánh Hòa. Đọc giả nào ở Đại Điền và có biết về am này xin bổ túc thêm.
Trần Văn Tư
Ngày tháng 5 về tỉnh, Phiên sứ (Bố Chánh) Mai Khác Đôn thăng Trị Bình Tuần Vũ, ông Phạm Ngọc Quát, Án Sát Phú Yên làm Bố Chánh tỉnh Khánh Hòa cùng ta quyền chưởng Thuận Khánh tổng đốc quan phòng.
Tỉnh Khánh Hòa là tỉnh trọng yếu nhất đời tiên triều Cao hoàng đế lúc quang phục trước lấy Nha Trang làm căn cứ địa, đặc ủy cho Đông cung thái tử trấn ở đó, có giám mục Bá Đa Lộc phò tá. Tỉnh thành xây đất, ấy là kiến trúc đầu tiên lúc quốc sơ. Thiết ra Đốc bộ đường, sau cải lập Thuận Khánh tuần vũ. Sau vụ Ất Dậu cải thiết Tổng Đốc. ông Võ Doãn Tuân đến đó, kế đến là ông Hò Đệ. Sáu năm sau, chức Tổng Đốc khuyết, giao cho Bố Chánh và Án Sát chấp chưởng. Thuộc địa hạt tỉnh ấy nguyên có phủ Ninh Thuận. Sau phủ ấy cải làm đạo, tỉnh chỉ còn 4 phủ huyện: Điên Khánh, Vĩnh Xương, Ninh Hòa và Tân Định. Lúc ấy Bố Chánh Nghệ An là ông Tôn Thất Nhiêm thăng Thuận Khánh tổng đốc. Ông với ta cũng là rể họ Thân, lại cùng đi một sứ bộ, tri giao càng thân. Ta tiếp được giấy liền hồi thư chúc mừng, trong thơ có câu:
Thử thành nhược hữu thơ thiên khoáng
Mãn tải huề lai tác nhụy ma
Trong ý ta muốn nói tỉnh Khánh Hòa rất đẹp, dân ít, việc giản, tục thuần, nên mừng cho ông.
Bất ý ông được thơ ta cho rằng tình thế Khánh Hòa hiện tại không nên thiết Đốc Vũ, triều đình cũng thấy lợi giảm được một cự phí, bèn đổi ông ra Tổng Đốc tỉnh Thanh Hóa, còn tỉnh Khánh Hòa chỉ thiết 2 ty Bố Chánh, Án Sát phân trị. Từ đó, chức Tổng Đốc Thuận Khánh bãi bỏ.
Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa lúc vô sự, một người cai trị có thừa, nhưng nếu Thái Bình Dương có sóng gió thì sự đồn binh trú hạm đều chú mục tại đó, thiết tưởng bấy giờ phải có một chức đại thiết chế ở đó mới đủ trấn đất ấy. Các nhà chánh trị nên nghĩ đến đều đó.
Dân cư 2 tỉnh Thuận Khánh phần đông làm nghề nông, không chuộng văn học. sở xưng cư trú trong tỉnh phần nhiều là Nghệ Tĩnh ngụ cư. Người làm việc phần nhiều học trò người Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn người bản tỉnh, ngoài những người làm ruộng và chăn nuôi, toàn là những người ăn chơi. Lúc ấy, khuyển thị lập trường được 24 trường, mỗi trường tốn 2-3 ngàn đồng, trong trường, bàn ghế, vật dụng, màn trướng, khí mãnh đều đầy đủ, ai nấy phấn khởi. Tại Bình Thuận có tú tài Nguyễn Hiệp Chi hội hợp các bạn lập liên thành thơ quán, ủy người đến xin ta câu đối:
Dư ngã tẩy trừ ô nảo cựu
Vị quân diễn thuyết vũ đài tân.
Tại Bình Thuận lập thơ xã, tại Khánh Hòa lập học trường. Cho nên một độ nhân sĩ Nghệ Tĩnh, Nam Nghĩa từ Bắc vào Nam rất đông. Phàm người cựu học mà kiêm thông quốc văn, đến đó được một ghế giáo sư không đến nỗi thất nghiệp. Lúc đó trú kinh Khâm sư Khánh Hòa thăm, thấy các trường chỉnh tề rất khen, liên tư về Cơ Mật thông tư cho các tỉnh biết.
Tỉnh Khánh Hòa lập trường như vậy nhưng học trò vào học thì là một thời đại khác. Đáng cười. Nguyên nghĩ trẻ con được 8 tuổi đến số 30 trẻ thì thiết lập 1 trường tổng. Lúc đó đi hiểu thị chỉ đến các nhà phú hào để kê số trẻ có thể đi học, mà con nhà nghèo không kê vào số ấy. Đến ngày mở trường thì phần nhiều con nhà nghèo đến học, con nhà khá thì ít. Trẻ con trước kia phần đông kê khai không vào học. Các giáo sư kê tên bẩm lên. Khi nghiêm sức lại thì một số con nhà giàu thuê con nhà nghèo mạo tên đến học thế. Giá thuê mỗi tháng 3 đồng hoặc 5 đồng. ấy là cũng một câu chuyện buồn cười lúc đầu mới lập trường. Nhưng sau lại, nhà giàu thấy con nhà nghèo đi học chưa được năm ba tháng đã biết đọc sách, đọc bài, viết thơ..v..v.., mới thấy học quốc ngữ có ích, khi đó mới cho con em đi học. Ngày nay, quang cảnh học sinh tấp nập, mới biết công giáo huấn của Việt Vương Câu Tiễn 10 năm là vậy. Cũng là phong khí bắt đầu mở mang vậy.
Năm mươi bốn tuổi (1911) Tân Hợi – Duy Tân thứ 5.
Ngày tháng giêng, con trai thứ hai là Hy Thích bổ sung trợ giáo chữ tây trường tỉnh Khánh Hòa.
|