SỎI ĐÁ - Phần 1 - Tác giả - Đinh Lâm Thanh
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

0682.lt16.2.jpg

Views: 3083

0656.lt10.jpg

Views: 3029

7lt.0700.lt20.jpg

Views: 2821

a. tns 00151.jpg

Views: 3211

a. dsc_0184.jpg

Views: 2691

17lt.0714.lt30.jpg

Views: 2968
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


SỎI ĐÁ - Phần 1 - Tác giả - Đinh Lâm Thanh
09-05-2007

SỎI ĐÁ Tiệm mở cửa bắt đầu chín giờ nhưng Phước phải có mặt từ sáng sớm để làm vệ sinh, quét dọn nhà hàng, lót bàn, đặt muỗng đũa, châm đầy các chai tiêu muối, nước mắm, xì dầu…tiếp đến, phải vào trong bếp phụ các việc lặt vặt theo lệnh của những người có trách nhiệm nấu ăn. Lúc nào đông khách, Phước được rời bếp ra làm bồi bàn phục vụ ở ngoài. Đây là những điều căn bản của hợp đồng miệng, thỏa thuận giữa chủ và Phước trước khi bắt tay vào việc. Nhà hàng có đến bốn nhân viên phục vụ thực khách nhưng ba người là bà con giòng họ với chủ, đến trể về sớm và không bao giờ nhúng tay vào công việc vệ sinh hay phụ bếp, tất cả đều xô qua đẩy lại cuối cùng rơi vào tay Phước. Phước chấp nhận thua thiệt nhưng phải bám víu lấy công việc, dù cực khổ nhưng để gánh một phần khó khăn cho gia đình vừa mới đặt chân đến Mỹ. Hôm đến xin việc, Phước không giấu hoàn cảnh hiện tại của mình và cho biết anh là một trong bốn người con đã lớn tuổi, độc thân, tốt nghiệp đại học Sàigòn, theo gia đình qua Mỹ theo chương trình HO. Tất cả bốn anh chị em đều không muốn tiếp tục đi học mà chấp nhận làm bất cứ việc gì để giúp đở gia đình. Ông bà chủ thương tình chấp nhận ngay, nhưng vào đây rồi, cái nhãn HO bị đám nhân viên cũ và nhất là con cháu của chủ xem thường, bắt nạt, kiếm cớ đẩy những công việc nặng lên vai Phước. Nhiều lúc bất bình muốn thôi ngang nhưng nghĩ đến cha mẹ, Phước vẫn nhắm mắt bám lấy. Những lúc nản chí, Phước cũng dọ hỏi tìm một vài nơi khác, hy vọng sẽ được đối xử thoải mái hơn, nhưng khi tiếp xúc, nghe gốc người HO mới qua tất cả đều e ngại từ chối khéo. Thực ra gia đình ông Bảo không gặp khó khăn trong vấn đề tài chánh, với số tiền trợ cấp lúc đầu cho những người trong gia đình tính ra cũng tạm đủ sống. Trong lúc đó tất cả đều ở chung một nhà, tổ chức ăn uống cần kiệm theo lối Việt Nam và bốn người con đều đi làm thì có thể nói, số tiền tiết kiệm hàng tháng tính ra còn cao hơn những gia đình định cư đã lâu. Đối với những người cũ, cuộc sống đua đòi và nhất là phải thanh toán hụi chết hàng tháng về khoảng nợ nhà, nợ xe…có bao nhiêu tháng nào chi trọn tháng đó không dư được một đồng. Nhưng ông Bảo có vẻ buồn khi vừa đặt chân đến đất Mỹ. Ông nguyên là một cựu Sĩ quan cấp tá với hàng trăm nhân viên làm việc dưới quyền, ông hy vọng qua Mỹ là cơ hội thoát khỏi chế độ kềm kẹp của Cộng sản, đồng thời sẽ tìm lại được những ân tình thầy trò, bạn bè ngày trước. Nhưng thực tế không đem lại trọn vẹn những điều mơ ước. Thật vậy, ở Việt Nam ông Bảo đã chán ngấy việc tiếp xúc, đụng độ với cán bộ Cộng sản ngay từ trong các trại tù cho đến bọn phường khóm trước ngày bước ngày bước lên máy bay. Qua đây, cũng nghe bạn bè nhắc nhở, phải đề cao cảnh giác với bọn nằm vùng đang len lỏi móc nối, giật giây, phá rối trong cộng đồng người Việt và nhất là trong số cựu tù nhân chính trị. Bệnh trong người trước sau gì cũng lộ ra bên ngoài còn biết cách để tránh, bọn nầy mặc ngay trên người chiếc áo chống Cộng của cựu tù nhân chính trị thì biết đâu để đề phòng cảnh giác ? Đành rằng chỉ một số rất nhỏ, khó nhận dạng để lột mặt nạ và thẳng tay trừng trị cho hả giận. Nhưng nghĩ lại, ba tên nằm vùng chỉ là chuyện nhỏ, thứ chuột ghẻ nầy chẳng làm nên cơm cháo gì. Điều thất vọng đối với ông Bảo là hoàn cảnh, cuộc sống tình cảm và cách đối xử với nhau bên nầy. Giờ giấc làm chủ và quyết định tất cả sự việc. Hẹn với ai cũng phải điện thoại xin trước, ngay với việc đến thăm con cháu. Muốn làm một chuyện gì không thể nói xong là bắt tay vào ngay theo ý mình, mà phải tùy thuộc thời gian cho phép hay không. Ngày mới đến, gặp bạn bè mừng tủi chưa nói hết vài ba câu đã vội vã chia tay, hứa một dịp khác. Hỏi hẹn lúc nào thì ai cũng ngập ngừng trả lời để rồi xem…sẽ điện thoại cho biết sau ! Lúc đầu ông Bảo hơi bực mình về sự lạnh nhạt nầy nhưng sau đó mới biết rằng đời sống Âu-Mỹ phải tính từng giây phút một. Gặp lại đàn em ngày trước hay bạn bè cũ, tay bắt mặt mừng một hai lần rồi dần dần cũng biến mất vì cuộc sống riêng tư. Điều nầy có thể chấp nhận, nhưng còn một vài vấn đề khác vẫn ám ảnh ông mãi... Cùng là tỵ nạn, người đến trước hay kẻ qua sau cũng cùng chung một hoàn cảnh. Ngày đầu đặt chân lên vùng đất tự do ai cũng rách nát như nhau, cũng sắp hàng lãnh tem phiếu hàng tháng và làm bất cứ việc gì để gầy dựng lại cuộc đời. Bây giờ nhà cao cửa rộng với cuộc sống vương giả, những người qua trước đã vội quên quá khứ đau buồn của mình mà còn khinh thường những người qua sau theo diện nhân đạo. Gia đình không bao giờ nghe ông Bảo thổ lộ những đau buồn trong lòng, nhưng thấy ông mất ngủ từ ngày qua đây. Một hôm Phước được một người bạn kể lại rằng, anh ta gặp ông Bảo đang sắp hàng mua thức ăn trong một cửa tiệm. Khi trả tiền, ông Bảo đưa tem phiếu ra thanh toán, người bán hàng lạnh lùng hỏi, ông có tiền mặt không, ở đây không nhận loại tem nầy ! Ông Bảo nhìn cô bán hàng một cách thương hại và nhẹ nhàng trả lời rằng, trước đây cô có dùng tem phiếu để mua thức ăn không ? Nhớ lại xem ! Vừa dứt câu ông Bảo cẩn thận xếp tấm tem phiếu để vào túi và quay nhanh ra khỏi cửa tiệm. Kể từ ngày đó ông Bảo ít liên lạc với bạn bè cũ đã qua trước. Có một lần cả gia đình ngồi uống trà buổi tối, mẹ Phước khuyên ông, đến được xứ tự do dù có đau buồn gì nữa cũng nên bỏ qua, các con đã chịu khó làm việc kiếm tiền giúp gia đình thì nên hưởng phước được ngày nào hay ngày đó, để tâm chuyện đời làm gì cho phí sức. Ông Bảo cảm động trước lời khuyên của vợ nhưng vẫn thổ lộ tâm tình một lần chót với gia đình rằng, nếu ngày trước ông cũng mau chân rút chạy như những đồng đội khác thì giờ nầy đâu có thua gì ai ở đây, con cái đứa nào cũng khoa bảng, trở thành ông nầy bà nọ đâu phải làm bồi, rửa chén cắt cỏ như bây giờ. Ông tiếc rằng giờ phút cuối đã ở lại cầm chân địch để cho đồng đội có rộng thời giờ an toàn lên máy hay xuống tàu thủy… Ông đã nín thở hàng chục năm trong tù để đánh thức lương tâm và lòng nhân đạo của thế giới, để giúp họ hướng tình cảm về những người đã bỏ nước ra đi vì tự do, để mở mắt cho những người ngây thơ trên thế giới biết thế nào là Cộng sản và cũng để lấy lại công đạo cho hàng triệu người đã hy sinh cho mảnh đất thân yêu Việt Nam, cho tự do hạnh phúc của con người mà Cộng sản thường tuyên truyền bóp méo sự thật. Ông Bảo lặp lại với gia đình, ông chỉ buồn cho những người qua sau đã thua thiệt mà còn bị những người may mắn qua trước xem như những kẻ ăn xin. Phước đã có lần nhắc nhở ông Bảo, với tiền lương bốn người con làm việc, biết tiết kiệm, không đua đòi, không phung phí, chỉ trong một thời gian ngắn chắc chắn sẽ ổn định hơn một số gia đình đến định cư tại đây từ trước. Các người con nhất loạt khuyên ông Bảo như vậy, không ai nghĩ đến việc tiếp tục học và dứt khoát làm việc để tạo một căn bản vững chắc cho gia đình. Những việc tầm thường như phụ bếp, lặt rau, làm bồi bàn, hoặc trong các lãnh vực khác… các người con cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng họ đều giấu kín gia đình. Điển hình nhất là Phước, anh cố vượt qua, vui vẻ chấp nhận để đem lại nguồn vui cho gia đình và nhất là giúp cho ông Bảo lấy lại thăng bằng tinh thần. *** - Thưa cô dùng gì ạ ? - Phở đặc biệt, tô nhỏ và ly café sữa đá. - Dạ. Phước vừa quay lưng, cô gái gọi giật lại : - À quên, thêm một chén hành trần. - Thưa, lấy nước béo không ? Cô gái hơi xẵng giọng : - Mỡ thì không ! Khác với thường lệ, Phước đưa ra một chén đầy ắp hành lá đập dập trụng trong nồi nước lèo. Phước nhớ lời mẹ thường nói, con gái ăn hành không tốt, người đã hôi nách mà còn phát triển tâm tính hung bạo của một người đàn ông và nhất là vấn đề tình dục thường bị căng thẳng. Đứng sát bên trong, Phước liếc mắt quan sát, hôi nách hay căng thẳng tình dục thì không biết được nhưng phảng phất tính tình của một người đàn ông nhìn qua cũng thấy một phần nào. Từ đó cứ mỗi lần cô gái đến Phước không hỏi mà lúc nào cũng kèm theo tô phở một chén đầy hành dần. Cho đến một hôm cô gái từ chối chén hành, Phước nhanh miệng hỏi : - Thưa cô hôm nay không dùng hành ? - Ô hay, dùng hay không là chuyện của tôi. Khi nào tôi yêu cầu thì anh đem ra ! Bực mình vì giọng nói, nhưng công việc bắt buộc, Phước vẫn cười rất tươi : - Thưa cô vâng, khi nào cô cần xin cứ gọi. Vừa quay lưng trở đi, cô gái gọi giật trở lại : - Này anh, hôm nay trong người tôi không vui, xin bỏ qua. - Thưa cô không có gì, tôi đã quen những chuyện thế nầy từ lâu. Cô gái vừa xé bao giấy đựng đũa vừa cười vừa hỏi : - Anh không nổi nóng lên trước những câu thiếu lịch sự của khách ? - Thưa cô, nghề nghiệp bắt buộc tôi chấp nhận những chuyện như thế nầy. - Tôi xin lỗi anh. Tôi tên Nga, còn anh ? - Thưa cô, người ta gọi tôi là bồi bàn. Nói xong Phước quay qua tiếp chuyện với khách bàn kế cận. Lúc ra quày tính tiền gặp lúc Phước đi ngang qua, Nga níu tay Phước nói nhỏ : - Xin lỗi anh, không biết anh có giận tôi vì câu nói hồi nãy ? - Cô yên tâm, tôi không bao giờ biết giận khách hàng. Nga nhìn Phước mỉm cười : - Tôi mời anh café xem như tạ lỗi, chịu không ? - Cám ơn cô, tôi làm việc suốt ngày ít khi nào rảnh. Xin hẹn một dịp nào đó. Một năm sau, hết trợ cấp đặc biệt của chính phủ dành cho những gia đình định cư theo diện HO, nhưng may mắn bốn người con chịu khó làm việc đều đặn và liên tục, cuộc sống gia đình đã ổn định. Ông Bảo bắt đầu tham gia họp mặt vào các hội đoàn, mẹ Phước tìm lại được những mật thiết với bạn cũ. Đến lúc phải nghĩ đến tình cảm riêng tư của mình, Phước nghỉ một ngày trong tuần để có thời giờ dành cho mối tình vừa chớm nở với Nga. Sau gần hai tháng quen biết và chỉ trao đổi vài câu ngắn gọn trong quán ăn, hai người đã chính thức mở rộng vòng tay ôm lấy nhau. Trong dịp lễ Valentin vừa qua, trên sàn nhảy Nga đã siết chặt vòng tay, ôm lấy vai người tình và thú thật lòng mình với Phước. Đối với Nga, không biết đây là cuộc tình thứ mấy nhưng với Phước, chàng chưa thực lòng yêu ai dù đã hai mươi bốn tuổi. Có lẽ trong thời gian còn ở Việt Nam, Phước quá bận tâm vào việc học, chuyện buồn gia đình trong lúc ông Bảo đang trong vòng tù tội. Qua bên nầy, thực tế cuộc sống buộc Phước dồn hết thời giờ vào công việc để giúp gia đình. Bây giờ cuộc sống tạm ổn thì Nga đến với chàng, chính nàng săn đón và ngã vào tay Phước. Buổi gặp đầu tiên do Nga hẹn, đi uống café với nhau xem như để giải hòa lỗi lầm nhỏ với chàng trong tiệm ăn lần trước. Tiếp đến những lần hẹn hò tại các phòng trà khiêu vũ vào mỗi chiều chủ nhật, cho đến ngày lễ tình nhân Nga đã thú thực lòng mình. Tình yêu đến với Phước không đam mê, không vồn vã như những thanh niên mới yêu lần đầu. Chàng chỉ gật đầu và hôn nhẹ lên mái tóc khi nghe Nga vừa tỏ tình. Nụ hôn hờ hững để chấp nhận miễn cưỡng một thực tại đã đến, một tình yêu không trông chờ không háo hức mà Phước đã phân vân kể từ lúc quen thân với Nga. Nga nhỏ hơn Phước ba tuổi, con thứ nhì của một gia đình có hai chị em, định cư tại Mỹ từ lâu, học hành đã dừng lại ở nửa chừng và sắc đẹp cũng không được xếp vào hạng chim sa cá lặn. Nhưng những điều nầy không quan trọng, Phước rất thực tế, muốn tìm một tình yêu chân thành để đi đến hôn nhân. Người vợ không cần phải đẹp, giàu sang hay đỗ đạt cao. Phước muốn một người con gái bình thường hợp với hoàn cảnh, số phận và gia thế của chàng. Nhìn chung hình dáng bên ngoài, Nga cũng thuộc mẫu người hợp với Phước nhưng một điều làm chàng đắn đo suy tư, đó là quan niệm quá chú trọng cuộc sống vật chất của Nga. Nàng thường tỏ vẻ buồn khi nhắc đến công việc bồi bàn của Phước và ước mong Phước sẽ trở nên một người đàn ông khoa bảng như thiên hạ. Phước đã nhiều lần giải thích, không có nghề nào xấu mà chỉ có con người xấu mà thôi. Trong sinh hoạt hằng ngày mỗi người một việc để phục vụ đời sống con người. Không lý guồng máy xã hội chỉ toàn những ông bà khoa bảng thì lấy ai làm những công việc tầm thường để phục vụ những nhu cầu căn bản của đời sống. Có lần vừa nghe Phước trình bày xong Nga nổi nóng và trả lời thẳng với Phước rằng nàng không muốn người ta kêu nàng bằng bà bồi bàn ! Phước không buồn, nhưng câu nói của Nga đã xác định rõ ràng cái tầm thường trong quan niệm hôn nhân của đa số con gái thời nay, đặt tiền tài danh vọng làm điều kiện tiên quyết trước khi đưa tay đón nhận chiếc nhẫn. Vẫn biết Nga bị thu hút trước vóc dáng đẹp trai, tính tình hiền lành của một thanh niên chưa từng trải. Nhưng những lợi điểm của Phước chưa hẳn là điều kiện để đem lại vinh dự cũng như đáp ứng đòi hỏi của một người con gái đang đặt nặng vấn đề vật chất. Phần bị mặc cảm của một người đến sau thua thiệt, phần bỡ ngỡ trong mối tình đầu, Phước không can đảm dứt khoát để chấm dứt những liên hệ mật thiết với Nga hầu tránh những cơn đam mê càng ngày càng lún sâu vào vũng lầy xác thịt, cũng như hậu quả nếu có, sẽ ràng buộc hai người với nhau sau những lần vụng trộm trong khách sạn. Đang phân vân đắn đo tìm một lối thoát thì Nga đã kịp thời giải tỏa Phước bằng những vòng tay níu chặt, bằng những giọt nước mắt của một người bại trận và yêu cầu Phước ra mắt trình diện với gia đình nàng. Phước ăn mặc đơn giản như những ngày đi làm, bình thản theo Nga đến thăm và dùng cơm gia đình. Cả nhà quan sát kỹ Phước từ lối phục sức, phong cách con người đến những lời đối thoại cần thiết lúc đầu. Ông Thân, bố của Nga cũng thuộc mẫu người xưa, thủ cựu nhưng khá dễ dãi sau những câu đối đáp chân thành mộc mạc của Phước. Người chị và bà Thân lúc đầu niềm nở khi nghe Phước hoạt động trong lãnh vực nhà hàng, nhưng sau đó hai người sa sầm nét mặt ngay lúc Phước đính chính rằng, anh đang làm bồi trong một quán ăn. Suốt bữa cơm hôm đó, câu chuyện chỉ xoay quanh công việc, tương lai của người rể cần phải có để gia đinh có thể nhìn lên, nở mày nở mặt với bạn bè và nhất là xứng đáng với người con gái quý giá của gia đình. Phước không hứa hẹn một thay đổi hay một tương lai tốt đẹp nào để có thể xứng đáng với lòng ưu ái của người chị và bà mẹ Nga. Trước khi ra về, bà Thân an ủi Phước bằng cách ban một ân huệ là chấp nhận nói chuyện rõ ràng với mai mối trước khi tiếp đón gia đình Phuớc đến thăm. Bà còn nhấn mạnh, vì mến tính nết của Phước nên bà mới chịu nói chuyện với mai mối và phải qua mai mối, chứ bà không chấp nhận chuyện đi tắt. Nhà trai phải tuân theo thủ tục cưới hỏi của ông bà để lại. Phước đem sự tình kể rõ cho gia đình. Ông Bảo có vẻ bực mình nhưng giữ thái độ dè dặt, im lặng để nghe ý kiến của vợ. Bà Bảo vì thương Phước, bỏ ngoài tai thái độ khinh người của gia đình Nga, miễn làm sao vui lòng con. Bà góp ý với chồng rằng, hỏi vợ là bổn phận phải lo cho con, miễn làm sao chúng nó biết yêu thương sống hạnh phúc với nhau trọn đời, dù họ có khinh khi gia đình mình đi nữa cũng phải bấm bụng. Thời buổi bây giờ đồng tiền và danh giá ngự trị trên tất cả lễ, nghĩa, đạo lý và tình người, mình cũng phải châm chế cho con nó vui lòng. Bà Bảo nhắc đi nhắc lại nhiều lần, miễn là con Nga biết thương yêu, sống trọn vẹn cho thằng Phước thì đôi lúc gia đình cũng phải nhắm mắt làm ngơ. Nhưng ông Bảo vẫn giữ thái độ im lặng một thời gian. Bà vợ nói mãi, cuối cùng ông cũng chấp thuận để bà tìm một người mai mối đến nói chuyện, tìm hiểu những yêu cầu, điều kiện do gia đình nhà gái đưa ra. *** Vừa xong ngụm trà, bà Thân vào đề : - Chị mai, chẳng hay chị chỉ quen biết hay có bà con thân thích xa gần gì với gia đình cậu Phước ? - À, gia đình chúng tôi là bạn ngày trước ở Việt Nam. - Thế gia đình bà cũng qua theo diện HO ? - Đúng vậy, nhưng qua trước gia đình ông bà Bảo mấy năm. Bà Thân dò xét : - Chắc mới qua sau nầy đời sống cũng chật vật khó khăn ? - Dạ phải thưa bà, đi tù trên chục năm, về phải mất thời gian chạy lo thủ tục, qua đến bên nầy cha mẹ thì quá tuổi con cái phải ra đi làm. - Xin lỗi bà, hôm nay bà đến thăm hay có mục đích… Bà mai tiếp lời : - Thực ra tôi đến để xin ý kiến ông bà về việc hai cháu Phước và Nga. - À, chuyện đó con gái tôi đã trình qua và cháu Phước cũng đã đến ra mắt. Ngập ngừng giây lát, bà mai tiếp : - Thưa, ông bà thấy thế nào ạ ? - Trai gái lớn lên đến tuổi nào đó thì việc hôn nhân cũng phải tính. Nhưng việc dựng vợ gả chồng tất nhiên cha mẹ phải nhúng tay vào. Đối với chúng tôi, việc hôn nhân con cái không thể để tự chúng nó tự tung tự tác tấp chỗ nầy cặp chỗ kia được ! - Dạ tôi cũng nghe ông bà Bảo lặp lại ý kiến của ông bà, cũng vì lý do đó, tôi được ông bà Bảo nhờ qua thăm dò ý kiến. - Vợ chồng tôi cũng không khó khăn gì, nhưng đâu phải ra đó, những gì ông bà cha mẹ dạy phải tuân theo, mong bà và gia đình cậu Phước thông cảm. Bà Thân rót thêm nước trà vào tách vừa nhìn khách dò xét vừa đẩy đưa : - Thưa bà, xem như vậy có tiện không ạ ? - Dạ dĩ nhiên là như vậy, nhưng thời buổi bây giờ cũng mong ông bà thông cảm, xí xoá phần nào cho mấy đứa nhỏ kẻo tội nghiệp. - Bà nói tội nghệp rồi miễn cho mấy đứa nhỏ ? Tôi không đồng ý, đi lấy vợ phải làm cái gì cho ra hồn chứ. Cũng phải mai mối, lễ hỏi lễ cưới không rình rang nhưng tối thiểu phải đẹp mặt cho hai họ. - Tôi nói tội nghiệp là nếu ông bà đề nghị gì thì chúng nó cũng phải chạy tiền vay nợ để tổ chức cưới hỏi rình rang nhưng rồi phải cong lưng trả nợ năm nầy qua năm khác… Nhìn thẳng khách, bà Thân sửa lưng bà mai : - Tôi nói tổ chức làm thế nào cho đẹp mặt hai họ chứ đâu yêu cầu rình rang. Tôi biết gia đình cậu Phước nghèo mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, cậu ta thì làm bồi lấy gì bảo đảm để vay mượn. Tiền của đâu để làm rình rang ! Nhưng bà cũng phải nghĩ cho con gái gia đình tôi, cũng cành vàng lá ngọc đâu phải của thúi của hôi để cho cưới chạy làng ! Bà mai nhỏ nhẹ : - Dạ thưa bà, tôi không dám có ý nghĩ như vậy, tôi chỉ xin một sự giảm thiểu nếu được, để cho gia đình nhà trai đủ khả năng lo liệu. - Nếu bà đã nói vậy thì vợ chồng tôi sẽ nhân nhượng phần nào nhưng các lễ vật cần thiết cũng như thủ tục bắt buộc phải có. - Dạ xin ông bà vui lòng cho biết. Bà Thân gọi ông chồng ra để những yêu cầu của bà tăng thêm phần giá trị. Vừa ngồi xuống, ông Thân mở lời : - Tất cả đều do vợ tôi định đoạt, nghe sơ qua mong bà chuyển lời đến gia đình nhà trai rồi cho chúng tôi biết kết quả. Phần chúng tôi cũng đã bàn tính với nhau xong xuôi. Tiếp lời chồng, bà Thân nhấn mạnh từng điểm một : - Thì cũng đại khái vài ba trăm xuất, trình cho thân nhân bạn bè của nhà gái. Những phần phụ thuộc lo cho cô dâu, để hai đứa tự nhiên mua sắm lo liệu. Phần chúng tôi chỉ cần một chiếc nhẫn đính hôn để hôm lễ trình ra cho đẹp mặt gia đình nhà trai. - Thưa cho biết chính xác bao nhiêu xuất và mỗi xuất gồm những gì. Riêng về nhẫn đính hôn, xin cho biết rõ loại nào… Bà Thân trả lời không suy nghĩ : - Chắc nghề mai mối, bà đã biết rõ mỗi xuất gồm những thứ gì rồi. Chúng tôi cần năm trăm xuất và nhẫn đính hôn thì cỡ chừng… ba carats tối thiểu. Vừa nghe qua, bà mai đã thấy xây xẩm mặt mày, nhưng vẫn bình tĩnh làm hết nhiệm vụ : - Thế còn tiệc cưới ? - Gia đình chúng tôi bà con bạn bè đông, phải chọn một nhà hàng lớn ở vùng nầy để có thể chứa hết khách mời. Riêng phần nhà gái cũng chừng bốn trăm chỗ. Nghi thức gồm có lễ cáo biệt ông bà tại nhà gái, ký giấy hôn thú tại tòa thị chính và theo tôn giáo thì tại chùa như vậy tránh được những điều thiếu sót đáng tiếc. Nghe bà mai thuật lại chi tiết từ đầu chí cuối, ông Bảo bực mình trả lời ngay với những người đang có mặt : - Về Việt Nam cưới vợ là xong chuyện ! Bà Bảo nhướng mắt nhìn chồng : - Ô hay, lấy vợ cho nó chứ đâu phải cho ông mà hấp tấp vậy ! Ngoài miệng trách chồng nhưng trong thâm tâm bà Bảo cũng bất mãn thái độ quá đáng của một gia đình sống bên nầy lâu năm mà đầu óc còn thành kiến giai cấp, lòe loẹt khoe khoang bên ngoài. Bà mai bình tĩnh hơn : - Hay họ làm khó để từ chối khéo việc cầu hôn của cháu Phước ? - Có thể như vậy. Ông Bảo trả lời câu hỏi xong quay qua nhìn con : - Nghĩ thế nào, chuyện tình cảm do con chọn lựa, nhưng điều kiện nhà gái đưa ra, như con đã thấy, không thích hợp với khả năng gia đình chúng ta. Con cần xét lại lòng mình và quan trọng nhất là tính tình của Nga trước khi cho cha mẹ biết quyết định cuối cùng của con. Như vậy, tất cả mọi người đều bất mãn thái độ của nhà gái nhưng đều đồng ý dành cho Phước quyền quyết định chuyện hệ trọng của đời chàng. Phước thưa với ba mẹ : - Thưa cho con xin một thời gian ngắn để đặt thẳng vấn đề với Nga, dù sao chính nàng cũng là mấu chốt quan trọng trong tình yêu cũng như thách thức của gia đình nàng. Bà Bảo đồng tình : - Làm như vậy đúng, để sau nầy Nga không trách cứ gì con cũng như gia đình không ân hận đã hối thúc con chấp nhận một quyết định ngoài ý muốn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Phước hẹn Nga vào một buổi chiều chủ nhật. Nga đến với vẻ mặt bình thản, dường như đã chuẩn bị một tính toán trong đầu. Vừa gặp Phước, Nga cười một cách tự nhiên : - Sao anh, ông bà cụ có đồng ý với ba mẹ em không ? Phước ngập ngừng : - Đồng ý nhưng rất khó thực hiện ? Nga hỏi ngay : - Vấn đề tài chánh ? - Đúng vậy, như em biết khả năng gia đình anh không thể cáng đáng nổi một đám cưới linh đình như những gia đình giàu có ở đây. Đợi một lúc không thấy phản ứng của Nga trước những thổ lộ chân tình của mình, Phước mập mờ đưa ra đề nghị để dò xét : - Hay mình cứ sống chung với nhau một thời gian, đặt hai gia đình trước một việc đã rồi như một số lớn thanh niên nam nữ hiện nay. Sau đó chuyện gì đến sẽ đến. Nga la hoảng lên : - Đâu được anh, như vậy anh xem gia đình em ra gì nữa ! - Không, anh vẫn trọng gia đình em nhưng hoàn cảnh không cho phép anh thực hiện những yêu cầu, có thể nói, hơi quá đáng với hoàn cảnh của anh. Nga xẵng giọng : - Như vậy anh cho rằng gia đình em đòi hỏi quá đáng ? Con người em không xứng đáng để tổ chức một đám cưới linh đình mà phải cưới hỏi chụp giựt chui rúc như gái lỡ thì hay thứ đứng đường đứng chợ ? Phước không còn cách gì giải thích, hai tay ôm lấy đầu xuống nước phân trần : - Em nghĩ lầm oan ức cho anh. - Không lầm hay oan ức gì hết, nếu gia đình anh không chấp nhận những điều kiện của gia đình em thì... đường ai nấy đi ! Phước giật mình không ngờ Nga đưa ra một đề nghị dễ dàng như vậỵ. Nếu không phải một lời hờn dỗi thường tình giữa hai người yêu nhau thì đúng là bằng chứng Nga không yêu thương Phước thực tình. Nàng đến với chàng có lẽ vì những đòi hỏi của tâm lý hay thể xác đang bộc phát dữ dội ở lứa tuổi của nàng ? Nhưng Phước vẫn thắc mắc, tại sao Nga yêu cầu chàng ra mắt gia đình để đi đến việc hợp thức hóa tình yêu giữa hai người ? Nhưng qua hành động và những lời nói bộc lộ vừa rồi trong lúc tâm thần Nga không ổn định, chứng tỏ việc lựa chọn của nàng vẫn chưa ngã ngũ. Vậy tình yêu hay danh vọng ? Yếu tố nào mà Nga cần phải chọn để có quyết định dứt khoát, tiến đến một cuộc hôn nhân chính thức, hợp thức hóa mối tình nam nữ trong hạnh phúc, hay, sẽ kết thúc một cách đau thương để rồi chia tay mỗi người một ngã ? Thật Phước không thể hiểu đuợc trong đầu Nga đang suy tính gì ? Phước cố gắng tìm hiểu một lần nữa : - Em bình tĩnh cho anh hay, em nói thực tình hay chỉ là những lời hờn dỗi ? Nga vẫn bình thản : - Không, em nói thật. Chia tay, giữa hai người em là kẻ thua lỗ. - Em chấp nhận ? - Chứ làm sao bây giờ ! - Như vậy, cho anh hỏi, em không yêu anh ? Nga thẳng thắn : - Yêu thì có làm vợ thì không ? - Tại sao ? - Em nói anh đừng buồn, em không muốn đời em bị đóng khung trong ba chữ ‘bà bồi bàn’. Phước không buồn vì câu nói tàn nhẫn vừa qua, chàng đưa tay choàng qua vai Nga vỗ nhè nhẹ : - Anh hiểu em và cảm phục em đã nói ra những lời thẳng thắn. Mỗi người đều có một số mạng khác nhau, tất cả đều được an bài. Muốn thay đổi, cần phải có thời gian dài, một môi trường thích hợp và một ý chí sắt đá.. - Sao anh không tìm cách vươn lên ? - Anh sẽ cố gắng vươn lên nhưng hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép. Không thể đến đích bằng con đường tắt một sớm một chiều như trở bàn tay. - Như vậy anh sẽ cố gắng đi học trở lại ? - Anh chưa nghĩ đến điều nầy, vì tất cả hoạt động dù ở ngành nghề nào cũng cần thiết cho sinh hoạt xã hội hằng ngày. Đặt nặng vấn đề khoa bảng, lấy ai làm những công việc bình thường nhưng rất cần thiết cho đời sống ! Nga mãi lắng nghe không có phản ứng trong lúc Phước muốn chấm dứt câu chuyện đau lòng, kéo dài chẳng đi đến đâu, chàng hỏi nhỏ Nga : - Chúng ta xa nhau, em không giận anh ? - Không. - Và cũng không ân hận những gì về tình yêu trong thời gian qua của hai đứa mình ? - Cũng không ! - Như vậy cám ơn em nhiều. Phước cho gia đình biết quyết định của mình cũng như nội dung đã trao đổi với Nga. Ông bà Bảo thở ra nhẹ nhỏm. Cả nhà khuyên Phước nên về Việt Nam cưới vợ để khỏi rắc rối. Phước gật đầu cho qua chuyện. Tuy nhiên trên cương vị người lớn, ông bà Bảo vẫn nhờ bà mai, một lần nữa, chuyển tiếp lời cáo lỗi của gia đình nhà trai. Sau khi điện thoại lấy hẹn, bà mai đến thì ông bà Thân đã chờ sẵn ở phòng khách. Tất cả đều biết trước nội dung cuộc gặp gỡ, nhưng khi đối diện nhau, câu vào đề của bà Thân vẫn vui vẻ : - Chào bà mai, chắc hôm nay đến báo tin vui cho mấy cháu ? Im lặng vài giây, bà mai ngập ngừng : - Dạ hôm nay tôi rất buồn đến để chuyển lời cáo lỗi của gia đình nhà trai. Bây giờ bà Thân đổi ngay thái độ : - Cháu Nga đã cho chúng tôi biết rồi. Thôi thế đỡ mất mặt cho gia đình tôi. Bà mai vẫn nhỏ nhẹ : - Thưa bà, bà nói như vậy hơi quá lời. Ông Thân thấy tình hình không êm đẹp, đứng dậy đi vào phòng trong, bà Thân vẫn còn hậm hực : - Tôi đâu nói gì đụng chạm đến gia đình nhà trai đâu. Quyết định sớm như vậy đỡ kẹt cho chúng tôi. Trong lúc chưa ngã ngũ việc cưới hỏi với cậu Phước thì một số kỹ sư bác sĩ đang sắp hàng nối đuôi để xin bước chân vào nhà nầy. - Xin chúc mừng ông bà. Một lần nữa, xin thay mặt ông bà Bảo thành thực xin lỗi vì không thể đáp ứng yêu cầu của ông bà nên buộc lòng chúng tôi xin rút lại đề nghị đã đưa ra lần truớc. Nếu không còn gì, xin phép ông bà tôi cáo từ. *** Thực ra Phước chưa muốn về Việt Nam, vì tất cả liên hệ thân thích xa gần đều đang định cư ở nước ngoài. Hơn nữa, tiền dành dụm chưa được bao nhiêu trong lúc đời sống đang chập chững lấy lại thăng bằng. Một chuyến cưới vợ xa, nếu không đưa đến nợ nần thì cũng tiêu tan số tiền đã khổ công dành dụm trong suốt thời gian qua. Nhưng gia đình thấy Phước buồn, ông bà Bảo không những khuyến khích về Việt Nam cưới vợ mà còn mở hầu bao cho thêm một số tiền tạm gọi là lớn để phụ vào việc cưới hỏi. Phước ngần ngại nhưng ông bà khuyến khích rằng cứ cầm lấy, xem như một phần nhỏ cha mẹ phải đóng góp trong việc hôn nhân của con cái. Thấy Phước không phản đối, bà Bảo vội vã liên lạc với người em họ, cho biết ý định của Phước trong chuyến về Sàigòn sắp tới. Do đó, ngay khi Phước đặt chân xuống phi trường, gia đình ông Thung đã có sẵn kế hoạch kiếm cho người cháu một cô vợ hiền thục nết na theo ý của bà chị bên Mỹ. Ngay trong buổi cơm chiều, ông bà Thung đã đặt câu hỏi về mẫu người vợ Phước muốn chọn. Vừa nghe Phước đề nghị, một người vợ không cần đẹp, không cần giàu sang và cũng không cần học thức cao rộng làm gì, chỉ cần một người con gái nhu mì biết đãm đang công việc gia đình và thương yêu chồng con. Vừa nghe qua, ông bà Thung cười lớn : - Tưởng gì chứ chuyện bình thường như vậy quá dễ dàng, cháu tha hồ lựa chọn. Phước do dự : - Cháu không có quan niệm phải cân nhắc lựa chọn mà nghĩ rằng nếu mình tốt phước thì duyên số sẽ đến dễ dàng. Ông Thung gật đầu đồng ý quan điểm của Phước nhưng cũng cho hay : - Không đắn đo lựa chọn nhưng cũng phải ra ngoài tiếp xúc tìm hiểu, không lẽ ngồi nhà chờ người ta ra mắt ứng thí ? - Thưa chú cháu không dám có ý như vậy, nếu duyên trời đã định thì dù tránh đường nào cũng không khỏi. Bà Thung tiếp lời : - Nói chơi cho vui vậy chứ chú cũng đã sắp xếp trước cho cháu. - Thưa, thế nào ạ ? - Sau khi được điện thoại mẹ cháu, chú con nói với đồng nghiệp trong sở biết ý định của cháu muốn về cưới một cô gái Việt nam làm vợ, lập tức có hai ba mối đã liên hệ thăm hỏi chi tiết. Chú con đã xem mắt sơ qua vài ba cô…

 




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.