 |
Một người chăn cừu đang sử dụng kiểu huýt sáo Silbo. |
Giống như bảy chú lùn trong truyện Nàng Bạch tuyết, những người chăn cừu trên một hòn đảo của quần đảo Canary, Tây Ban Nha cũng huýt sáo khi đang làm việc, và sử dụng âm thanh này để nói chuyện với nhau qua những khoảng cách lớn.
Không ai biết những người chăn cừu trên đảo La Gomera đã sử dụng thứ ngôn ngữ huýt sáo hiếm hoi - được gọi là Silbo Gomero này - từ bao giờ, song các nhà nghiên cứu Mỹ và Tây Ban Nha mới đây cho biết bộ não xử lý chúng giống như với bất kỳ thứ ngôn ngữ nói nào.
"Chúng tôi phát hiện thấy những vùng trên não đáp ứng với tiếng nói cũng loé sáng trước ngôn ngữ Silbo", Manuel Carreiras, thuộc Đại học La Laguna trên đảo Tenerife, cho biết.
Manuel và cộng sự đã sử dụng các bức ảnh chụp cộng hưởng từ để so sánh hoạt động của não trên 5 người nói tiếng Tây Ban Nha và 5 người chăn cừu nói tiếng Tây Ban Nha và Silbo.
Trong thí nghiệm, các tình nguyện viên được nghe các câu bằng hai thứ tiếng, trong khi nhóm nghiên cứu theo dõi phản ứng trên não họ.
Kết quả là, khi những người chăn cừu nghe thấy câu Silbo, các vùng trên não trái bật sáng (trong đó có cả vùng tạo ra và lĩnh hội ngôn ngữ) cùng với một vùng trên não phải được xem là đi kèm với quá trình xử lý ngôn ngữ. Não của những người nói tiếng Tây Ban Nha thì không có phản ứng như vậy, điều này chứng tỏ họ không nhận ra Silbo.
Còn khi chỉ có các câu tiếng Tây Ban Nha phát ra, cả hai nhóm đều cho thấy não hoạt động cùng một kiểu. "Kết quả của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng về tính mềm dẻo, dễ thích nghi của con người đối với các ngôn ngữ dưới các dạng khác nhau", Corina nhận định.
"Những người không huýt sáo Silbo không nhận ra nó như một ngôn ngữ. Họ chẳng định thu nhận điều gì vào đầu, nên rất nhiều vùng trên não cùng loé sáng. Nhưng những người chăn cừu lại phân tích Silbo như một ngôn ngữ, và chỉ kích hoạt những vùng đi kèm với ngôn ngữ mà thôi", ông giải thích.
T. An (theo Reuters)
|