 |
Sau sóng thần, nhiều giếng nước ngọt bị nhiễm mặn. |
Một vài hòn đảo trên Ấn Độ Dương có thể sẽ vắng bóng người vĩnh viễn do nước biển tràn qua chúng trong ngày thảm họa 26/12 vừa qua. Các chuyên gia nước cảnh báo về lâu dài, nhiễm mặn chính là sự phá huỷ mạnh nhất của sóng thần đối với đất liền.
Hiện tượng này có thể khiến một vài cộng đồng trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thực phẩm cứu trợ bên ngoài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.
Trên một vùng rộng lớn, nước biển đã tràn vào các giếng đào, thâm nhập vào các khe rỗng của đá và làm ô nhiễm đất. Ngay cả những vùng ở rất xa như Somalia ở Trung Phi, hàng trăm giếng nước của những ngôi làng ven biển giờ đây đã nhiễm mặn, hoặc bị cát chôn vùi.
Hàng chục đảo san hô vòng ở quần đảo Maldives, phía nam Ấn Độ đã chìm nghỉm dưới các con sóng thần, và nước mặn tràn vào tất cả các túi trữ nước ngầm. "Trên 17 hoặc 18 hòn đảo, theo đúng nghĩa đen là không còn nước uống nữa. Tất cả đều trông chờ vào nước do các con tàu chở tới", một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Các cộng đồng sẽ phải chờ nước mưa xuống rửa sạch các túi nước ngầm, và các khối đá trữ nước. Tuy nhiên, WHO cho biết đối với một số vùng, đặc biệt trên các đảo san hô vòng nhỏ, quá trình rửa mặn này sẽ diễn ra rất lâu. Tổ chức khảo sát địa chất Anh cho biết, trong những tình huống tồi tệ nhất, các túi nước ngầm có thể không còn sử dụng được trong nhiều năm.
Patrick Fuller, thuộc Viện quản lý nước quốc tế có trụ sở tại Sri Lanka, cảnh báo rằng "hiện tượng giếng nhiễm mặn chắc chắn sẽ trở thành vấn nạn. Nhiều cộng đồng dọc theo các dải bờ biển ở phía đông và nam sống chủ yếu vào những giếng nước này. Để xử lý được các giếng, cần bơm nước mặn ra và khử trùng bằng clo".
Tuy nhiên, giải pháp này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nếu nước biển trong giếng không nhiễm vào lớp đá ngậm nước, việc bơm bút sẽ thành công. Nhưng nếu nước biển đã ngấm sâu vào các túi nước trong đá, sẽ phải mất vài năm hoặc vài thập kỷ để các cơn mưa rửa sạch đá. Và ở một số nơi, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
T. An (theo NewScientist)
|