Hò ơ... ơ... Vai mang nóp rách Tay xách cổ quai chèo ... Nhưng vì thương con nhớ vợ Bởi phận nghèo anh phải ra đi.
Đó là những câu hò dân gian Nam Bộ, mô tả cảnh khốn cùng của dân lao động phải đi làm mướn, gánh đất, cắt cỏ, gặt lúa... quanh năm để nuôi sống vợ con. Trong lúc nay đây mai đó, chiếc nóp là vật bất ly thân mang theo bên mình để ngủ bờ ngủ bụi. Có lẽ, đây là sáng kiến vang bóng một thời của người cùng khổ trong khi phải đi lang thang gặp ai mướn gì làm nấy. Tài sản của họ chỉ giản dị có chiếc nóp, cái quần đùi cùng bộ quần áo vá quàng được gói bên trong. Ban ngày dùng nóp mang bên mình, vừa để chứa đựng tài sản, vừa thay cho chiếc chiếu trải nằm lúc mỏi mệt. Ban đêm, nóp còn dùng làm cái mùng để ngăn muỗi vo ve hút máu.
Mùa gió bấc về, thổi lao xao, se se lạnh, chiếc nóp là tổ ấm lý tưởng nhất đời, che chở tấm thân cô quạnh nơi xứ lạ quê người. Thật đa dạng và thủy chung biết mấy khi chiếc nóp còn thay cho "cái áo quan" tiễn đưa kẻ khốn khó về cõi vĩnh hằng.
Nguyên liệu để hình thành chiếc nóp thật đơn giản. Người ta dùng cọng bàng đan thành chiếc đệm, dài 2m, ngang 1 m. Gập đôi may ở hai đầu, thành ra kín được ba cạnh, còn một cạnh chừa trống như ta xếp phong bì chừa miệng để thư vào rồi mới dán kín. Cho nên, có người còn gọi là "chiếc xếp" hay "chiếc nếp" và cuối cùng là chiếc nóp như bây giờ. Ở cửa nóp dọc theo chiều dài thông thường người ta may thêm đường viền khoảng hai tấc gọi là lưỡi gà để khi gập nón lại kín đáo, tựa hồ khép cửa vào ngủ (nhằm tránh muỗi - lọt vào).
Ngủ nóp thật vất vả vô cùng, mùa lạnh thì ấm, mùa nóng thì ngột. Vào nóp chỉ được hơn nửa giờ đồng hồ còn thoải mái, hít thở được không khí trong lành. Sau đó chỉ thở bằng lượng thán khí do chính mình thải ra.
Xuất xứ của chiếc nóp chưa xác định rõ. Nhưng qua kiểm nghiệm, người phát minh sản phẩm độc đáo này là dân lao động vào khoảng cuối thế kỷ 18, thời kỳ hoàn cảnh xã hội Nam Bộ còn đói khổ, kinh tế chưa phát triển.
Nhiều truyền thuyết chung quanh chiếc nóp rất lý thú. Điển hình thời Thiên hộ Võ Duy Dương lập chiến khu kháng Pháp ở căn cứ Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân theo về tụ nghĩa quá đông nên không có khả năng sắm mùng màn như ngày nay. Mỗi người chỉ được phát một chiếc nóp bàng để vừa nằm vừa để đắp. Thấy tiện lợi, bà con đã làm thật nhiều nóp cung cấp cho nghĩa quân ở chiến khu bưng biền, tạo điều kiện ngủ, nghỉ lưu động.
Thời chiến, từ bà má đến người vợ, người chị... nhất là các em gái nhỏ hậu phương..., tất thảy đều hướng về phía trước lo giã bàng, đan đệm, chằm nón, đan nóp cả ngày đêm để gởi ra tiền tuyến tặng chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn. Dân ca Nam Bộ có đề cập đến hình ảnh chiếc nóp thân thương:
Nóp này em gửi tặng anh Xuồng em bơi tận trong kinh Tháp Mười. Gởi ba nó ngủ ấm lòng, Để đi giết giặc lập công thật nhiều.
Năm 1945, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sáng tác ca khúc Nam Bộ kháng chiến cho ta thấy hình tượng chiếc nóp với khúc hát hùng tráng:
Mùa Thu rồi ngày hăm ba Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến Nóp với giáo mang trên vai Nhưng thân trai nào kém oai hùng...
Hoàn cảnh đời sống con người Nam Bộ ngày càng được nâng cao, không ai còn ngủ nóp nữa, nhưng họ vẫn trân trọng tưởng nhớ chiếc nóp với vị trí xứng đáng trong chặng đường lịch sử nhất định. Sau gần hai thập kỷ, chiếc nóp - người bạn đồng hành thủy chung gắn bó với nhân dân Nam Bộ đã lùi dần vào dĩ vãng... Nay chỉ lưu lại trong ký ức như một kỷ niệm, di sản văn hóa và một trong những sáng kiến độc đáo của dân Nam Bộ.
Hình Hữu Ích
|