Từ con sông Mẹ Thu Bồn, những ánh lửa thiêng được thắp từ quá khứ, băng qua cánh đồng, làng mạc, ra bãi sông. Một đám rước nước mang theo dòng sông người lung linh sắc màu chảy dọc triền sông, vươn mình về Lăng Bà Thu Bồn, mở cuộc đại tế thâm nghiêm, tưởng niệm Bà mẹ xứ sở và cầu cho quốc thái dân an…
Truyền kỳ về Bà mẹ xứ sởKhông một con người nào sống trên đất Duy Tân, Duy Xuyên, hay hẹp hơn là làng Thu Bồn Đông lại không biết truyền kỳ về Bà mẹ xứ sở. Mỗi đứa trẻ khi còn nằm nôi với lời ru của mẹ, trong ngôi làng nép mình bên sông Thu mơ mộng, hiền hòa đã được thổi tình yêu về Mẹ qua những câu chuyện kể của người già. Trong giấc mơ của một đời người hay những cuộc hành hương, sinh tồn, bao giờ họ cũng mang theo truyền kỳ về Mẹ.
Truyền thuyết Bà Thu Bồn thông qua lăng kính của người già hay những câu chuyện kể lưu truyền trong dân gian… dù có nhuốm màu thần bí thì Bà Thu Bồn vẫn là biểu trưng của cái đẹp, được hình thành qua quá trình giao thoa văn hóa Việt – Chăm, biểu tượng của tục thờ Mẫu và tục thờ Bà mẹ xứ sở.
Bà Thu Bồn dù là một cô con gái rượu của Phú hộ, nụ cười nở giữa hai hàm răng ngà ngọc cùng mái tóc dài ngang lưng, một công chúa của vua Mây, tung hoành ngang dọc hoặc là một nữ tướng người Chăm, xông pha giữa trận tiền, da ngựa bọc thây, chết dọc triền sông Thu Bồn… thì cuộc đời Bà cũng như một vệt sao Khuê, sà xuống hồng trần để ra tay tế độ những mảnh đời cơ cực, nghèo khổ.
Là biểu tượng của đạo đức, tình đoàn kết các cư dân và các dân tộc trong vùng, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai địch họa, đói nghèo. Bà đã được các vua Triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là Thượng đẳng Thần - vị thần có quyền năng làm cho quốc thái dân an. Vì thế, để tưởng lòng ngưỡng vọng một con người tài đức song toàn, từ rất xa xưa, dân Thu Bồn đã xây dựng tại Thu Bồn Đông một đình thờ trang nghiêm, hương khói cho Bà và mở hội tế lễ hàng năm vào giữa tiết xuân (12-2 Âm lịch). Đây là một hoạt động văn hóa mang đặc trưng sắc thái văn hóa vùng miền của các dân tộc Kinh, Chăm và các dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia tỉnh Quảng Nam. Vào ngày giỗ Bà, không thể trở về cố xứ thì những cư dân Thu Bồn lại vọng cố hương bằng tâm cảm nhiệt thành.
Lửa thiêng và nguồn sống
Con đường như một dải lụa mềm vắt ngang những cánh đồng trù phú, rụng đầy hoa xoan đưa khách về làng Thu Bồn Đông dự Hội Bà. Không còn là một lễ hội đóng khung trên một cụm dân cư của ngôi làng nhỏ hẹp, chạy dọc bên bờ sông Thu, lễ hội Bà Thu Bồn đã được đón nhận như hơi thở của cuộc sống tâm cảm đang được người đời tìm lại sau những tháng năm luân lạc.
Chưa vào chính hội, đường làng Thu Bồn Đông đã đầy ắp người, trong tiếng kèn saranai, trống ghì nằng, paranưng… của các nghệ sĩ dân gian Chăm đang hòa điệu cùng sông nước, cỏ cây và tạo vật… Du khách đắm mình trong bềnh bồng sương khói chiều quê…
Cả Thu Bồn Đông rạo rực suốt mấy ngày qua, từ sân vận động đến chợ, lăng Bà… lãng đãng ra tận bến sông xưa. Bài chòi hô hát suốt ba ngày, chợ ẩm thực quê, quầy hàng lưu niệm những sản vật của làng mở cửa liên tục vẫn không hề vắng bóng du khách.
Những cô con gái xinh đẹp giỏi giang của quê hương một lần nữa lại có dịp khoe công với mẹ qua những cuộc đua tài làm bánh, têm trầu thầm lặng tại lăng… Nhưng tất cả chỉ là những điểm xuyết cho cuộc khai hội lung linh sắc màu của đêm lửa thiêng và dòng sông người lung linh rước nước…
Trống khai hội tưng bừng, một chú nghé con cùng heo quay được đưa vào lăng Bà, chuẩn bị tế thịt sống dâng lên trong ngày đại tế. Những màn múa cờ, điệu dạ vũ lân sư, tiếng trống tuồng bập bùng trong đêm cùng ánh đuốc thắp từ quá khứ, băng từ sân vận động ra bến sông, cháy lên nỗi niềm hoài vọng cố hương.
Tất cả đều có cảm giác như ở trong mỗi ánh lửa chập chờn trên sông là cả một bài ca, mạch ngầm bi tráng của một thời mở cõi gọi về…Và đêm thức dậy cũng bằng những tiếng trống quê xưa, cả một khúc sông rộng bỗng trở nên chật chội từ bước chân du khách, người làng. Sông quê chợt thành một bến thuyền lộng lẫy.
Đám rước nước với hơn 500 con người trong đủ sắc màu dân tộc, với những kiệu Ngũ hành tiên nương, dân vũ Chăm… như mây bềnh bồng trôi qua bãi bồi phù sa, đắm mình trong những tiếng reo hò của các cuộc đua thuyền - một môn thể thao không thể thiếu trong các lễ hội dân gian Quảng Nam, vượt qua chợ, băng qua những khu vườn hoa trái… về dự đại tế tại Lăng Bà. Bài kinh lễ vang lên như kinh cầu tự - Cầu cho quốc thái dân an, làm ấm lòng con dân địa phương và khơi dậy niềm say mê từ khách.
Vĩ thanh
Không mang dáng dấp của một lễ hội bày ra mang thêm chút “ tình riêng với du lịch”, lễ hội Bà Thu Bồn chỉ thuần túy về tinh thần. Anh Hồ Dậy, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, nói: “Mở hội để tiếp tục kế thừa, phát triển nét độc đáo của văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cư dân trong vùng, tưởng nhớ công đức vị Thánh Mẫu - biểu tượng của đức độ và sự che chở, mang lại bình yên, thịnh vượng cho quê hương, vì thế không mang chút gì thương mại. Tất cả ở tấm chân tình với tiền nhân”.
Cô Phạm Thị Hồng, người được chọn khiêng kiệu cho các ngũ hành tiên nương, nói một cách tự hào: “Được chọn và được góp mình vào lễ hội Bà là một vinh dự, là niềm vui không dễ ai cũng có được”.
Hội đã tàn và xuân cũng sẽ hết. Nhưng dư ba của Hội Thu Bồn vẫn cứ như sương, như khói đọng lại trong tâm cảm của mỗi con người, chảy trong tâm thức của ngàn dân còn nguyên một dòng sông lễ hội…
Nhật Phong (SGGP)