Mai Sa Mạc
Hơn 50 năm trôi qua, biết bao cuộc đổi dời nhưng kỷ niệm mãi mãi không phai. Những năm học tiểu học vì nhiều lần chuyển trường nên Mây chỉ nhớ mỗi một bà Hiệu trưởng hiền dịu, có lần bà nói với Mẹ: “Từ đàng xa, ngắm nhìn hai cô bé, thật dễ thương, cô chị luôn dìu dắt cô em”.
1) Nữ Tiểu Học Nha Trang
Mẹ cười rạng rỡ, nghĩ đến hai đứa con gái cưng nhỏ nhắn mà bà đã sinh được sau biết bao lần cầu nguyện. Mây có gương mặt tươi tắn luôn cười với má lúm đồng tiền, Mơ bụ bẩm xinh xắn với đôi mắt to buồn. Hai chị em đang theo học lớp ba và lớp nhất tại trường Nữ Tiểu Học Nha Trang. Vì là năm đầu chưa có bạn nên chị em phải dắt díu và chơi với nhau. Ba của Mây đã được đổi hẳn về miền cát trắng này thật đúng ước vọng của Mẹ.
Từ trường đến nhà không xa, đi bộ độ mười phút với những đôi chân còn bé tí, Ôn Dinh lẽo đẽo theo sau, không mệt mà còn có giờ làm thơ nữa! Hai cô bé đã đem theo gương mặt ngây thơ, tâm hồn trong trắng và sự lễ phép tối đa vào lớp học, vì vậy chẳng mấy chốc cả hai chị em đều có nhiều bạn bè rũ chơi chung và còn được các cô giáo xoa đầu khen ngoan. Nhờ vậy mà Mây yêu các cô giáo từ đó, trong trí óc ngây thơ, cô giáo là bà tiên, có cây đũa thần (thước kẻ) có thể biến tụi nhỏ như Mây biết đọc, biết viết, biết hát, biết nấu ăn, biết chơi thể thao... nữa.
Làm người muốn lớn lên phải biết nhiều thành ra phải dựa vào các Cô, các Thầy. Vì không muốn cô giáo buồn lòng, Mây giữ sách vở rất sạch sẽ, không như nhỏ Phong làm mực nhểu đầy tập, vở của nhỏ Lan thì góc nào cũng cong... Mây nắn nót viết chữ đẹp và ngay hàng thẳng lối để cô giáo mỉm cười khi kiểm soát bài tập của Mây.
2) Tư thục Lê Quý Đôn
Khi Mây vào học đệ thất tại trường Lê Quý Đôn, do thầy Cung Giũ Nguyên làm hiệu trưởng, và học ở đó suốt bốn năm, Mây có nhiều Cô giáo hơn, ngoài các Thầy giáo nữa. Các cô, thầy dễ thương mà đến bây giờ Mây vẫn còn nhớ và quý mến:
• Cô Bạch Vân, cô đẹp lắm, đài các, đoan trang, dạy nữ công, gia chánh. Cô có giọng Huế thật thanh tao. Mấy lần gặp cô trong những cuộc hội ngộ liên trường Võ Tánh & Nữ Trung Học, thấy cô vẫn còn đẹp với làn da trắng nõn nà. Mây xin chụp chung hình và nắm tay cô: ngày xưa em đâu dám nắm tay cô như bây giờ!... Những bài thơ của cô cũng mượt mà, hiền dịu như cô!
• Cô Mỹ Nam, gương mặt thông minh. Mặc dù dạy toán nhưng cô chưa la Mây một lần nào, vì vậy Mây thích cô lắm, hay ngắm dáng cô đi trong tà áo dài vàng nhạt như tiên nữ. Ngày nay cô đang ở cách xa Mây nữa vòng trái đất, chỉ điện đàm với cô cũng đủ sướng rồi, ước gì Mây được bay qua xứ Kangaroo để gặp cô và để nhõng nhẽo với cô.
• Cô Mỹ Lộc dạy môn vạn vật lớp Đệ lục. Cô luôn mặc áo dài lụa màu ngà, cả trường ai cũng biết là cô cưng Mây, đến nỗi, có lần trường làm văn nghệ, dù học lớp khác, cô cũng muốn Mây múa chung với lớp của cô hướng dẫn. Mây khoái lắm vì thấy mình sao oai chi lạ! Cô mô rồi thưa cô?
• Thầy Thương dạy toán lớp Đệ tứ. Biết Mây thích môn đại số nên có lần Thầy gọi Mây và một nam sinh, Như Lăng, lên bảng để thi đua giải bài. Mây làm xong trước trong khi Lăng lúng túng làm sai, thế là Thầy Thương bắt Mây phải tát bạn để phạt tội dở thua con gái. Mây sợ hãi, mắc cỡ chẳng biết làm sao, dưới kia tụi con trai hò hét cổ võ một màn "đánh" gay cấn. Thầy Thương thúc giục làm Mây bấn loạn, lê từng bước trên bục đến gần Lăng, để nhẹ bàn tay lên má... rồi rụt về để chạy ù xuống chỗ ngồi! Cả lớp reo hò như vỡ chợ. Mây giận Thầy Thương lắm, vì mình bị chọc là "tát yêu" bạn trai... Thầy Thương mỉm cười bí mật, vậy mà từ đó về sau, tụi con trai trong lớp trở nên giỏi hơn về môn toán của Thầy. Cho đến bây giờ Mây vẫn không biết tin tức của Lăng, ở nơi nào, có thể Lăng là một người rất thành công vì tính điềm đạm, nhưng chắc là còn hận Mây lắm, thực ra Lăng nên tội nghiệp cho Mây là hơn vì bản tính yếu ớt, luôn vâng lời Thầy Cô, nên hể Thầy Cô ra lệnh là phải thi hành, có điều Mây chỉ "phạt" Lăng bằng cái "giơ tay đánh khẽ" thôi mà, hãy tha thứ cho Mây nhé (lời này xin gửi theo gió). Có dạo Thầy đã mượn nhà của Mây để mở lớp luyện thi Tú Tài 1 và 2 môn toán, còn Ba của Mây thì kèm Pháp văn. Mây biết là có vài ông con trai chỉ đến phá chứ không thực sự học, có khi học rồi thì không muốn trả học phí nữa. Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, mình phải chịu thua thôi!
Mây đã về Sài Gòn thăm Thầy Thương hai lần. Thầy tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện, minh mẫn nhờ chịu khó công phu mỗi ngày (ngồi thiền đạo Pháp hoa). Thầy viết thư cho Mây với lời lẽ thật cảm động: "Ta nghĩ đến con như là một đứa con chứ không chỉ là học trò...".
• Thầy Võ Hồng, một nhà văn nổi tiếng. Vì cùng họ với Thầy nên tụi bạn ghẹo Mây là con của Thầy, mà Mây cũng yêu quý Thầy như Cha, chứ không phải tại con trai của Thầy là Võ Diệu Hào đâu. Hào chỉ là bạn của Mây, mặc dù anh chàng cũng nhập bọn làm đuôi theo Mây! Về Nha Trang năm 1997 Mây đến thăm Thầy, được ngồi hầu chuyện với Thầy trên sân thượng, với đầy hoa, thế giới của Thầy lúc nào cũng trầm mặc và thơ mộng như đôi mắt của Thầy có một cái nhìn như đọc được tư tưởng của người khác. Thầy không còn nữa, Thầy đã sum họp với cô sau biết bao nhiêu năm gà trống nuôi con. Những tác phẩm của Thầy được cẩn thận sắp ngay ngắn trong tủ sách của Mây, quý giá vô cùng.
• Thầy Thạch Trung Giả lúc nào cũng mặc quần áo trắng, mang sandale, kính cận dầy cui. Thầy khen Mây bình giảng truyện Kiều rất hay, lời văn già dặn không giống như vóc dáng của một cô bé trong chiếc áo đầm hồng nhạt vừa được Thầy gọi đứng lên để nhận điểm thật cao. Thầy chép miệng bảo: “Phải chi Thầy cho con 20/20, nhưng môn Việt văn cao nhất là 18/20, thôi Thầy cho con 19/20”. Mây sung sướng quá, má ửng hồng trong tia nắng giọi từ cửa sổ lớp học, Thầy Giả buột miệng: “Trông như con búp bê mà viết sâu sắc quá!”. Vì mắc cỡ nên Mây phải nhờ Kim Hà đọc giùm cho cả lớp nghe, bằng giọng Hà nội trong trẻo, rõ ràng bài bình luận của Mây. Đến bây giờ Mây cũng không biết Kim Hà đang ở phương trời nào?
Ngày Thầy Giả lâm bệnh và sống biệt lập trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Nha Trang, Mây có đến thăm nhưng không được gặp Thầy... Thầy không muốn liên hệ với thế gian! Thầy vĩnh viễn rời xa cuộc đời ô nhiễm để lên cõi tiên.
• Thầy Thiều, một ông Thầy hiền mà Mây hay vòi vĩnh mỗi lần có giờ địa lý để được lên bảng vẽ bản đồ. Có lần Thầy hỏi Mây: "Bộ con không thuộc bài hả?" Mây lúng túng... thế là Thầy mỉm cười nói: "Con đọc bài trước rồi Thầy cho vẽ". Mây phụng phịu muốn khóc... nhưng nhỏ Liên ngồi bàn đầu mở sách cho Mây nhìn tượng trưng, dù không đọc làu làu nhưng không đến nổi nào, chỉ vấp sơ sơ... hú hồn! Tụi bạn trai lại một phen phân bì: "chắc Thầy muốn Mây làm con dâu đó", thật là bậy hết chỗ nói! Báo hại Mây giận lẫy hoài, làm khó tụi nó mỗi lần cần mượn vở của Mây!
Thi THĐNC tại Ninh Hòa
Cuối năm Đệ tứ vì kỳ thi Trung học đệ nhất cấp ở Nha Trang bãi bỏ, nên Thầy Thương gọi sáu đứa học trò khá nhất để ra Ninh Hòa thi, nếu đủ phương tiện. Mây là con gái duy nhất trong nhóm. Việc thi cử hồi đó không quan trọng bằng được đi xa, cứ như thời xưa học trò lều chõng đi thi và rồi võng em đi trước võng chàng theo sau trong một đêm trăng sáng. Thay vì có tiểu đồng hộ tống, Mây được Ba dắt đi thi, hai cha con đi bằng xe lửa, chỉ ngồi ngắm cảnh vài tiếng là đến nơi. Ở trong nhà của một nhân viên hỏa xa quen với Ba, gần trường Trần Bình Trọng. Nhưng khổ nổi phải ngủ trên giường trải chiếu! Mát thì mát thật nhưng đau lưng, mỗi lần trăn trở, bộ xương của Mây hay càu nhàu. Ba cứ tưởng Mây lo lắng nên ngủ không được! Mây đã được đi chơi Ninh hòa mấy lần với chị Cánh để mua vịt và nem, thích nhất là lang thang trên những bờ đê nối liền hai thửa ruộng, nóng nắng chang chang nên Mây phải mượn một chiếc nón lá hơi rách của người nhà chị Cánh. Những bữa ăn đồng quê sao lạ và ngon miệng quá, đời sống của một góc trời này quá thanh bình. Mây lại ước ao được ở lại đây.
Sau mấy ngày thi cử, lần nào Mây cũng rời phòng thi sớm làm Ba lo cuống cuồng. Mây chỉ mỉm cười với sự khoan khoái vì đã trút dần từng món nợ. Vậy mà Mây đã đậu đầu kỳ thi đó khi mấy ngày sau trở lại xem kết quả! Đúng là "chó ngáp phải ruồi"!
3) Nữ Trung Học Nha Trang
Hết hè năm ấy, Mây được vào trường Nữ Trung học Nha Trang rồi, Mây không vui, không buồn, chỉ lo và nhớ tụi bạn cũ, nhất là Chu Thị Đấu và chị Thiện. Ngày khai trường, phải mặc đồng phục áo dài trắng, Mây lúng túng ghê, không biết làm gì với hai tà áo dư thừa! Lúc sửa soạn đi học, đủ thứ lỉnh kỉnh! Mẹ lại bắt đội nón lá để che nắng và che bớt cái mặt vì là con gái đã lớn không nên đưa mặt ra đường, hai bàn tay cũng phải nép vào tà áo kẻo nắng ăn! Chao ơi, nhiêu khê! Vì là trường nữ nên toàn là con gái, trong sân, một màu trắng tinh, thấp thoáng màu của những tà áo dài từ các cô giáo trên hành lang, như những cánh bướm sặc sỡ. Tụi Mây phải học ở trường cũ, dù lụp xụp nhưng thơ mộng vì có nhiều cây hơn! Trời mưa thì ướt át, có khi phải nhúng giày hay guốc Dakao trong nước bùn, vậy mà thú vị... con gái không sợ mưa tí nào!
Mây được học Anh văn với cô Túy Hoa, Pháp văn với cô Dung, Toán với Thầy Đốc, Lý Hóa với Thầy Hoài, Việt văn với cô Yến, Vạn vật với cô Tuyết.
• Có một lần, không biết quỷ ma nào đã xúi Mây dở trò tinh nghịch đóng cửa sắt lên lầu hai vì vậy cả lớp kẹt ngay cầu thang nhằm giờ của cô Tuyết. Đến bây giờ, Mây vẫn không tưởng tượng nỗi là hôm đó Mây đã suýt bị phạt vì tội kỹ luật. Với gương mặt bình thản, Mây đã đứng lên nhận tội, đôi mắt ngơ ngác như con nai lạc trong rừng đang tìm đường ra (tụi bạn kể thế), mặc dù trong lồng ngực của Mây trái tim vừa đập thình thịch... máu chảy chậm làm cho màu da của Mây trở nên trắng bệt, lí nhí: “Thưa cô em nhận tội...”. Nhỏ Nguyên Phương nghĩa khí, vội đứng lên "đỡ đạn" cho Mây, cũng nhận tội! Cô không xử được vì hai đứa học trò của cô chưa bao giờ có hạnh kiểm xấu hoặc ngoại hình bê bối! Tụi Mây rất ngăn nắp thứ tự, sách vở sạch sẽ, luôn vâng lời và hòa thuận với bạn bè! Cô đành lắc đầu, nói lời cảnh cáo và cho hai đứa ngồi xuống, hú hồn! Từ đó, Mây không thích có giờ học bên dãy trường mới tí nào!
• Một hôm Cô Yến gọi Mây đến nhà của Cô ở phía sau trường cũ và hỏi có muốn kết bạn bốn phương hay không? Trò chơi hấp dẫn thật, Mây nhận lời. Thật ra là cô muốn giới thiệu một chị học trường Đồng khánh Huế muốn kết bạn với trường Nữ NT vì chị Ngọc Tuý sắp sửa "di dân", xuôi Nam để tránh phiền toái sau cái vụ scandal Thầy giáo và học trò yêu nhau! Một thời gian sau, Mây gặp chị, kết nghĩa chị em, chị xinh đẹp, hiền thục, chả trách Thầy giáo bị giao động! Rồi Thầy Bách xin cưới chị để xây tổ ấm ở Cam Ranh. Mây cũng đã gặp Thầy và chị ở Sài Gòn. Nghề giáo có cơ hội thuyên chuyển nhiều nơi... thích thật!
Cô Yến hiện đang hưu trí ở Houston. Trí nhớ của cô không còn tốt
nữa có lẽ vì tuổi đời chồng chất. Mây chỉ biết cầu nguyện cho cô có những ngày thật yên bình bên cạnh đám học trò ngoan luôn kề cận với cô.
• Thầy Hoài từ Huế vào nên chưa có xe để đi dạy. Không nhớ cơ duyên nào đã đưa Thầy đến với gia đình Mây. Mẹ nhờ Thầy dạy kèm cho Mây và em Nguyện, thù lao của Thầy là chiếc Honda Dame mới toanh để Thầy đi dạy tiện hơn nhất là những ngày trời mưa, mặc dù nhà trọ của Thầy không xa mấy! Có một lần, Mây bị Thầy la: “Sao lại ngủ gục lúc Thầy giảng bài?” Mây hoảng hốt chống chế: “Tại Thầy nói tiếng Huế làm con buồn ngủ quá hà!...”. Thầy đỏ mặt, mắng: “Cái con ni, cha mạ người Huế mà dám chê tiếng Huế, thiệt hết chỗ nói”. Mây khóc thút thít. Thầy phải rút khăn cho Mây lau nước mắt kẻo "ốt dột" quá mi tề! Lần đó Thầy đang kèm toán lý hoá cho Mây tại nhà. Có khi, Thầy phải chở Mây đến nhà của em họ bà phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ ở gần bến xe đi Tháp Bà để học chung. Mây thương các Thầy lắm, chịu khó dạy nhiều nơi để đồng lương khá hơn. Mây vẫn nghe người lớn bảo nhau, lương dạy học là lương chết đói! Vì vậy, dù rất mê làm cô giáo của các em nhỏ, Mây cũng không vào ngành này vì sợ nghèo! Bây giờ thì tiếc lắm, đã mất cơ hội sống trong một thế giới trí thức, cao thượng và thanh sạch!
Mây về Nha Trang thăm Thầy hai lần. Thầy vẫn còn làm nghề godautre, mở lớp dạy học tại nhà rất náo nhiệt. Thầy đã đánh đàn guitare, hát và làm thơ. Mây lắng nghe, lòng xao xuyến, qua bao năm tháng với nhiều cuộc đổi dời của một đất nước đầy dẫy bon chen, tráo trở vậy mà Thầy vẫn còn giữ chất thơ. Ông xã của Mây cũng khen Thầy, dù dạy môn học khô khan cũng không mất đi nghệ sĩ tính. Lần thứ hai, cách đây mấy năm, gặp Thầy, trông Thầy già đi nhiều tuy nhiên vẫn cười thật tươi khi học trò cũ lặn lội từ nghìn dặm đến thăm. Mây xem hình cô, còn trẻ lắm. Thầy đã tục huyền sau rất nhiều năm "ở góa". Thầy Hoài không thay đổi, vẫn giọng nói trầm trầm và cái nhìn với đôi mắt hấp háy.
Theo học ban B chỉ được hai năm, Mây xin đổi ban A. Bà Hiệu trưởng hỏi: “Tại sao con không thích ban B nữa, bỏ Thầy Lạc và trường Võ Tánh có tiếc không?”. Nên nhớ ban A phải thuộc bài nhiều hơn! Mây can đảm hứa. Lời hứa này không tròn vì Mây đã ngã trên con đường khoa bảng lần thứ hai!
4) Tư thục Nữ Thánh Tâm
Vì không muốn học lại với đàn em, Mây xin học trường Thánh Tâm, giống như vào mini tu viện, ngoài giờ học chính phải học Giáo lý nữa! Ở trường đạo, Mây hòa nhập dễ dàng, lớp học chỉ vỏn vẹn hơn 20 đứa, nên dễ thân nhau. Thầy Cô quen mặt và biết yếu điểm của học trò. Không có đồng phục nhưng phải mặc toàn màu trắng, lớp học biệt lập ở một góc trường với vòm cây che phủ, thật mát lúc khí hậu oi ả!
• Mây được học với Thầy Cang, Thầy Hà, Thầy Diễm, Thầy Tần, Thầy Quý, Soeur Nhâm... Thầy Cang còn rất trẻ, nụ cười luôn gắn trên môi, nước da hồng hào, giọng miền Trung nhỏ nhẹ. Mây chưa thấy Thầy nổi giận lần nào. Thầy cũng dạy Mây học tại nhà vì Thầy Hoài có nhiều lớp quá mà Mây không được đến nhà người khác để học ké! Thầy hồn nhiên lắm, lúc ngồi dạy vì mệt mõi nên Thầy hay quàng tay sau ghế của Mây. Báo hại tụi bạn trai cùng lớp đã nhìn thấy và "hiểu lầm", rủ Thầy tắm biển để nhận nước. Hình như đến bây giờ Thầy cũng chưa hiểu nguyên nhân, chẳng ai dám thú tội! Mây áy náy quá chừng chừng..."Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng"!
Mẹ rất thương và quý Thầy, cứ lo lắng nghĩ rằng Thầy còn trẻ mà đi dạy xa chắc nhớ nhà lắm, vì vậy thỉnh thoảng Mẹ sai Mây đạp xe mời Thầy đến nhà xơi cơm. Trong bữa ăn, Mây đâu có được ngồi ăn ngang hàng với Thầy, phải đứng hầu để bới cơm và sai vặt. Ngày gặp Thầy tại tư gia ở Cali, Thầy đã gọt xoài cho Mây ăn, cười bảo: “Để trả công con hầu cơm Thầy ngày xưa!”... Mây cảm động lắm, ngắm nhìn ông Thầy trẻ măng ngày nào đã luống tuổi làm Mây ứa nước mắt!
• Thầy Diễm dạy triết, môn học đối với Mây thật khô khan, nhưng lối giảng của Thầy rất tuyệt đã làm cho bọn học trò con gái (đã biết mơ mộng) không tài nào buồn ngủ, mở mắt to, lắng nghe từ đầu đến cuối một cách say mê. Phải chi Thầy giảng thơ Tản Đà, Hàn Mặc Tử, TTKH chắc cả lớp càng không muốn tan học!
Cách đây lâu lắm Mây gặp Thầy ở trại tị nạn. Lúc đó cô sắp sanh, hai cậu con trai còn bé. Mây mừng vô cùng, được Thầy nhờ tìm nhà bảo sanh địa phương tương đối khang trang với bác sĩ giỏi. Mây đã hoàn thành sứ mạng, để gia đình Thầy Diễm thêm một cô công chúa xinh đẹp. Mấy ngày thăm nuôi cô Thìn, hạt phấn bảng ngày xưa vương vào mắt Thầy đã được giữ hoài không rời khỏi suốt cuộc đời. Mây hân hoan vô cùng, ít ra mình cũng phải làm cái gì để tỏ lòng biết ơn người đã dạy dỗ mình chứ!
Đó là Thầy Ngô Đức Diễm của thời đất nước thanh bình, của
Nha Trang hiền hòa. Bây giờ thì Thầy là một người mà Mây mến mộ trong con mắt nhìn của đứa học trò trưởng thành. Thầy đã "... đứng lên đi cho tự do tỏa sáng... ngoài những giờ miệt mài... chung tay gìn giữ cội nguồn cho con cháu mai sau...." (trong bài thơ cho Phương Uyên).
• Tụi Mây đã kéo đến Hải học viện NT thăm Thầy Tần và nhờ Thầy "bói quẻ" có thi đậu Tú đôi năm nay không? Thầy nhìn mặt và phán, trúng phong phóc, kết quả kỳ thi thật khả quan, phần lớn nhóm Mây đều vào đại học.
• Mây chỉ có mỗi kỹ niệm nhớ mãi với Soeur Phạm Thị Nhâm, hiệu trưởng Thánh Tâm. Lúc đó là Mẹ bề trên, dạy giáo lý cho lớp của Mây, Mẹ đã phạt cả lớp về tội bỏ lớp chia làm hai để đi xem ciné vì Mẹ đến trễ. Mây đã đi lang thang dọc đường Duy Tân để tìm kế...và dĩ nhiên Mây thoát cái ách bị đuổi học nhờ có ông anh họ làm Trung Tá đến xin!
• Cô Thanh Trí, người đẹp như tranh, dù không học Cô nhưng Mây rất mê Cô, sao mà đẹp và sang rứa! Em Như Nguyện học vẽ với Cô, hình như nó cũng thương cô lắm, nhắc đến cô hoài. Nguyện không còn nữa, Mây đến bên cô và gần gũi cô hơn sau mấy lần gặp Cô trong những cuộc Hội Ngộ trường ở Cali. Cô cũng là bạn học từ Đồng Khánh với chị Nhã Đạm, chị họ của Mây, thành ra, cô và Mây có nhiều chuyện để tâm sự lắm!
• Thầy Quý: Mưa Ngoài Cửa Lớp... Như Giọt Nước Mắt Em.
Trong số các thầy cô, chẳng có ai đã làm Mây nhớ suốt đời bằng Thầy Nguyễn Kim Quý. Thầy dạy môn Pháp văn, sinh ngữ chính, bằng giọng rất Tây nhưng đối xử với học trò như ông Thầy đồ thời xa xưa. Nếu có dịp, đứa nào dốt quá, viết sai lỗi chính tả, văn phạm lộn xà ngầu, chia động từ chậm như rùa là Thầy thẳng tay mắng không thiên vị!
Mây đã bị Thầy phạt đứng trong lớp, cho đến bây giờ Mây không nhớ mình đã phạm tội gì. Mây quên ngon lành, vì đâu có ai dại gì nhớ lầm lỗi của mình, chỉ dành hết thì giờ để ấm ức người ra bản án. Có ai tưởng tượng nổi là lúc đó Mây mắc cỡ đến bực nào, phần vì cao giò nên cái cảnh đứng, trong khi cả lớp ngồi nó kỳ làm sao, đành rơi nước mắt, khóc thút thít để Thầy động lòng trắc ẩn. Ai đời Thầy tỉnh bơ nói: “Vì có người khóc nên trời mưa!”. Cũng may là Mây không khóc rống lên và nằm vạ như lúc còn bé mỗi lần bị các anh đùa dai, chọc ghẹo đến cùng. Thôi hết rồi, hết thèm nhìn lén ông Thầy nhà binh, dáng dấp thư sinh, vừa oai dũng, vừa thơ mộng pha lẫn "kiêu sa", với cặp kính trắng trên gương mặt xương xương làm bầy con gái bên dưới bỗng "hiền như ma soeur"... có lẽ vì sợ bị chiếu tướng gọi lên bảng, làm Thầy không thèm cười, hoặc chỉ cười nửa miệng! Mây "ghét" Thầy Quý từ đó mặc dù trong lòng của Mây, Thầy là một ông Thầy dạy giỏi và có tác phong rất đứng đắn, chỉ dữ dằn!
Cái hạnh phúc của một đứa học trò là sau nhiều năm được gặp lại Thầy cô của mình. Bao nhiêu kỷ niệm thời đi học vây quanh như một bức tranh với nét vẽ thật sống động. Hình ảnh thân thương của Thầy Cô hầu như khó phôi phai dù trí não càng ngày càng chậm chạp, dù thời gian và không gian đã bào mòn tế bào nhớ.
Năm ngoái, khi đọc một lá thư phê bình cực đoan của một cựu nữ sinh còn trẻ về một bài viết của Người Lính Già Oregon (NLGO), Mây khó chịu lắm vì Mây không tìm ra điểm nào vô lý và đáng ghét của tác giả cả, đúng là một người yêu nước, bất khuất, dám nghĩ, dám viết, dám nói! May thay một nhà văn lớn, Phạm Tín An Ninh, mà Mây vô cùng ngưỡng mộ khi đọc truyện của anh, đã lên tiếng bênh vực NLGO, viết tiểu sử của ông trên diễn đàn trường. Nhờ vậy Mây đã tìm ra được ông Thầy cũ, sau mấy chục năm xa cách. Thầy Nguyễn Kim Quý, "ông Thầy hắc ám" của Mây năm cuối của bậc trung học tại Thánh Tâm. Trước khi bị nhập ngũ, Thầy cũng đã là giáo sư của trường Collège Français. Ngày đó Mây đã giận Thầy cành hông... mà chắc gì Thầy thèm nhớ! Khi nhắc lại chuyện cũ Thầy trách Mây đã làm người đọc hiểu lầm là Thầy phạt Mây vô cớ, trong một bài viết của Mây cho đặc san trường năm 2013.
Mùa hè đó năm ngoái Mây đã đi cùng với hai con lặn lội thăm Thầy Quý ở Portland. Cuộc trùng phùng của Thầy trò sau 44 năm vô cùng cảm động. Mây ngắm Thầy, không tìm thấy cái "hắc ám" ngày xưa, mà là hiện thân của một ông Thầy hiền lành, cởi mở với nụ cười thật tươi, giọng nói chân tình, bộc trực, cả cô và hai con của Thầy. Tất cả đem lại cho mẹ con Mây một sự cảm kích và thoải mái vô cùng. Thầy đã cười hỏi: “Học trò cũ đến bắt đền Thầy phải không?”. Mây hãnh diện khoe với các con, Thầy dạy mẹ môn Pháp văn và Thầy đã phạt mẹ đứng khóc thê thảm!
Thời gian trôi qua như bóng câu, nhưng cơn mưa ngoài lớp học ngày ấy không bao giờ bôi xóa trong tâm tư Mây.
Lần đầu tiên trong đời được diện kiến với một người Thầy cũ mà Mây nhớ hoài đã tô điểm hương sắc cho đời sống. Con trai của Mây, chỉ bằng tuổi của Mây ngày đó, khôn hơn Mây nhiều. Ngồi cả đêm hầu chuyện với bác Quý với sự thích thú và khâm phục. Con gái của Mây rất phục mẹ chịu khó giữ liên lạc mật thiết được với nhiều Thầy xưa bạn cũ. Mỗi lần gặp gỡ Thầy Cô hay bạn bè, Mây thường khoe với gia đình. Mây muốn con cái mình, dù khôn lớn ở nước Mỹ, không ít thì nhiều cũng bị tiêm nhiễm sự tự do và bình đẳng. Nhưng có một điều, Mây muốn các con giữ nề nếp cũ, giáo dục trong gia đình là phải kính trọng Thầy Cô vì “không Thầy đố mầy làm nên”. Thầy Cô là người mở mang trí tuệ, Cha Mẹ sinh ra, ban cho sự sống và yêu thương, Thượng đế gìn giữ mình, hướng dẫn mình sống khiêm nhượng, lương thiện, biết tha thứ và chia xẻ.
Trong một lá thư Mây đã hỏi Thầy Quý: “Thầy rất thích hành hạ nữ sinh cho bõ ghét phải không?”. Thầy đã viết trả lời: “Không đúng đâu NM ơi. Tôi không phải là người sadistic, thích hành hạ ai, hay misogynous, ghét đàn bà, đến thế đâu. Nhưng cả đời, tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch: Không được yêu nữ sinh của mình, nữ ca sĩ dưới quyền (khi còn trong nhà binh), và vợ bạn mình. Đặc biệt nữ sinh. Phạt (khi có lỗi thực sự) các nữ sinh, nhất là xinh đẹp, để các cô ghét giận mình, cũng là một phương thức tự chế của chính tôi, không cho phép lòng mình yếu mềm, tơ tưởng đến mà vi phạm thiên chức thầy giáo. Chỉ thế thôi. Nói ra, khó tin, nhưng thực sự là vậy. Những người bạn thân và đồng nghiệp tại Võ Tánh và Nữ Trung Học của tôi đều biết tánh tôi như vậy: Nguyễn Văn Thơ, Ngô Đức Diễm, Hồ Thanh Phác, Phạm Liêu, Đỗ Phương Anh, Nguyễn Văn Hòa, Phan Văn Tần..., em còn nhớ tên ông nào?” .
Bây giờ mới thấy ông Thầy cũ của Mây thật dễ thương. Phải chi ngày đó theo Hải Sâm và Thanh Mai đến thăm Thầy tại đơn vị của Thầy ở trại Bình Tân thì tình Thầy trò gắn bó hơn, nhiều kỷ niệm hơn!
Lúc chào tạm biệt Thầy, Mây đã xin Thầy cho Mây được phép hôn lên má Thầy để bôi xóa "hờn giận".
Khi về đến nhà, mới biết mình để quên chiếc áo, nhờ Thầy gửi hộ, vì vậy mà Thầy truy ra tội "quên vở hoặc quên làm bài tập" của Mây năm xưa. Thầy thông minh lắm Thầy ơi! Vì vậy Thầy mới là Thầy em! Cám ơn anh Phạm Tín An Ninh đã là nhịp cầu cho cuộc trùng phùng tuyệt diệu này, đúng là một cơ duyên!
Ngoài gặp lại Thầy cũ, Mây gặp thêm cũng trong con người đó một tâm hồn sáng chói, một ý chí bất khuất từ sau cuộc chiến tàn nhẫn, vô lương. Người đã từng nếm trận đòn thù, diện kiến sự bon chen của loài người duy vật, người đã bước lên chướng ngại vật từ vật chất lẫn tâm linh. Vậy mà trong người vẫn tràn trề yêu thương và chắt chiu những kỹ niệm êm đẹp lẫn chua cay, cạnh kề nỗi đau của kẻ lưu vong và sự hận thù một chế độ phi nhân! "Tôi cố nuốt những giọt lệ làm nghẹn cổ họng, xót thương cho phận vàng phai và đá nát. Cho đất nước bất hạnh. Cho cả chính mình. Hồn bỗng rưng rưng, thầm gọi tên một thời yêu thương và thù hận tưởng đã chết theo cùng với mùa xuân tang tóc và những giấc mơ phai..." (trích bài “Đá Nát Vàng Phai”, Kim Thanh).
Mỗi lần nghĩ đến sự may mắn của mình khi có một người Thầy tài ba, người đã từng qua tận trời Tây để nói về chiến tranh của VN, sự trầm luân của cả một dân tộc. Thầy của Mây oai quá, cứ đọc “Stendhal Và Những Mùa Dưới Hỏa Ngục Cộng Sản”, trong buổi thuyết trình tại Paris về đề tài "VN sau 1975", bằng tiếng Pháp, Thầy nổi danh vì tài giỏi như vậy mà Thầy vẫn bình thản, sống khiêm cung!
Thầy Quý nghiêm khắc, lạnh lùng của ngày xưa chỉ là bề ngoài. Thầy cũng biết yêu, biết nhớ nhung và... đau khổ vì thất tình Thơ Thơ trong tác phẩm Bồng Sơn, Dòng Sông Tương Tư, một truyện ngắn, đẹp và hấp dẫn với đủ hương vị của một đoạn đời một chàng trai mới lớn, nặng nợ kiếm cung trong cuộc chiến tàn khốc và mối tình nhiều trắc trở!
Đọc những tác phẩm của Thầy để biết rõ ông Thầy cũ của mình hơn. "Ba Mươi Năm Ấy Bây Giờ Là Đây" đã gói ghém cuộc đời thăng trầm ông Thầy của Mây, Nguyễn Kim Quý, từ lúc đến Mỹ.
Viết đến ông Thầy đặc biệt nhất đời này, Mây thoải mái vô cùng, đã được bộc lộ tâm tư thực sự của mình, không ấm ức nữa.
Thay cho lời kết
Thầy Cô trên đời này đã bán phổi dạy học, chỉ mong học trò mình thành đạt là mãn nguyện. Riêng Mây công không thành danh không toại, thật uổng phí công trình dạy dỗ của Thầy Cô. Nhưng Mây chỉ giữ được một điều mãi mãi không phai là lòng kính yêu và biết ơn đến những người đã mở mang trí óc cho Mây.
MAI SA MẠC Albuquerque, New Mexico Tháng 5/2015
|