Received: Wednesday, 29 December, 2010, 5:46 AM
Ngày Hôm Qua, của Diễm.
ht, nguyễn
Ngày hôm qua, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm mà thôi, là chiếc cầu Phủ Cam, là hàng cây lông não với những vòm lá li ti trên cao, là những buổi trưa hè nắng oi ả, là những cơn mưa phùn dưới bầu trời của xứ sở thần kinh.
Ngày hôm qua, Là gặp gỡ, là hò hẹn. Ngày hôm qua, chỉ còn lại là một khoảng không thênh thang… biền biệt. Ngày hôm qua, người ở lại nơi phương Đông, còn kẻ đến trời Tây… không một lời hẹn ước. Trong tâm thức của chàng giờ đây chì còn là ý niệm: “Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.” Và, đó cũng chỉ lại là của ngày hôm qua (!?) ***
Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn, tên của nàng là Diễm - Ngô Thị Bích Diễm
Hôm nay, Diễm đã trở về khi mà 40 năm đã trôi qua. Chân đi hài rồi cũng nhịp bước khoan thai, dịu dàng. Trở về trong cái không gian tĩnh mịch, lặng đọng bởi những âm thanh rất nhẹ nhàng của piano và guitar gợi nhớ, nghe sao rất gần. Gần như là không có một khoảng cách của thời gian nào nữa. Ngày hôm qua mà sao nghe như là mới đâu đây… Nhánh hoa hoàng lan năm xưa, tưởng chừng như vẫn tỏa hương thơm rất thanh khiết cho một mối tình. Không phải như những phụ nữ khác, mặc cho thế gian vinh danh nàng qua Diễm Xưa. Bao năm qua rồi nàng rất kín đáo và im lặng, vậy mà cho đến ngày nay cũng chỉ được giải tỏa người hâm mộ nhạc Trịnh như nhịp bước chân khoan thai, nhẹ nhàng như thế nào, thì suy nghĩ và lời nói của nàng cũng như vậy. Trong cái âm giai rất nhẹ của miền Bắc xa xưa, và nàng nói: “Đây là một kỷ niệm đẹp, hãy để như thế cho nó đẹp. Huế đối với tôi thật bình yên. Trong Huế có một tình yêu. Từ lâu tôi đã giữ im lặng. Quá nhiều kỷ niệm từ thời thơ ấu tại Huế. Dù đi xa đã lâu nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như ngày ban đầu. Trong con người quý nhất là tình cảm. Anh Sơn đã lồng hết những cung bậc đó vào nhạc. Xin cảm ơn anh Sơn, cảm ơn Huế vì sự đón tiếp nồng hậu”. Có phải là trong nàng cái đẹp và cái “đoan” như thế nào thì lời nói của nàng cũng thật là “trang” như thế đó. Rồi lại một chút thôi về ngày hôm qua, về Diễm Xưa… Bắt đầu từ họa sĩ Đinh Cường là mối dây tơ vương cho cuộc tình giữa chàng và nàng ngày đó.
Ngày hôm qua, lại là những ngày của năm 1960, bên kia dòng sông An Cựu nhà nàng và chàng đối diện nhau. Khung cửa nhà chàng với những say đắm, nhìn ngắm qua kẻ lá li ti của hàng cây lông não đan kín vào nhau như thể là đam mê tiếp nối đam mê, để lại cho đời bằng … Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua Trên bước chân em âm thầm lá đổ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa …
Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn Tên của nàng là Diễm – Ngô Thị Bích Diễm. Sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên ở Huế, rồi trưởng thành ở Sài Gòn. Sau đó đi du học nước ngoài, rồi cùng chồng và các con định cư tại Hoa Kỳ. Giờ đây lại là một mệnh phụ. Ngày hôm qua, ngày, của thập niên 60, Diễm Xưa ra đời. Có thể nói rằng đây chính là cột mốc thời gian của kho tàn nhạc Trịnh. Và, cũng bắt đầu từ Diễm Xưa mọi người biết đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù Ước Mi lại là duyên kiếp của Diễm Xưa trước đó hai năm. Diễm Xưa, bản tình ca hay nhất của mọi thời đại cũng có mặt trên xứ sở mệnh danh là vương quốc của loài hoa anh đào. Hơn 40 năm về trước Diễm Xưa hiển nhiên được vinh danh tại nơi này. Khi mà hãng đĩa Marica Music của Nhật Bản đã thu hai đĩa Diễm Xưa và Ca Dao Mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng hai ngôn ngữ Việt Nam và Nhật Bản, cũng tại nơi này trước hàng trăm ngàn khán gỉa Nhật tham dự hội chợ quốc tế Osaca thì Diễm Xưa ta lại đứng ở ngôi vị đầu tiên, ngôi vị cao nhất trong top hit thời bấy giờ. Kế tiếp đó năm 1980 Diễm Xưa lần này được chọn làm nền nhạc cho một bộ phim truyền hình nói về một cuộc hôn nhân dị tộc. Nội dung phim xoáy mạnh vào sự khác biệt văn hóa của một chàng trai người Nhật Bản lấy một cô gái Việt Nam làm vợ. Khi mà khúc nhạc nền Diễm Xưa bằng tiếng Nhật bắt đầu vang lên, thì cũng chính lúc đó phút thinh lặng của giới thưởng ngoạn chùng xuống . Đã ghi nhận sự thành công vượt bậc ngoài sức tưởng tưởng của hãng truyền hình NHK Nhật Bản. Và dĩ nhiên đó cũng là kiêu hãnh của người Việt Nam chúng ta trong Diễm Xưa. Năm 2004 lại một lần nữa Diễm Xưa đi vào ngưỡng cửa giảng đường đại học. Cũng tại Nhật Bản trường Đại học nổi tiếng Kanazama đã đưa Diễm Xưa vào chương trình giảng dạy cho bộ môn Văn Hóa Việt Nam. ***
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn-1939-2001
Con đường tình của họ Trịnh sao mà cô liêu quá! Nhưng, phải chăng là chính trong cái cô liêu này thì lại rung lên những cung bậc miên viễn trong hạnh phúc (!?) Miên viễn đã trở thành thứ định mệnh, gói gém 23 mối tình qua đi trong suốt cuộc đời người nhạc sĩ, mà theo lời kể của nhà văn Bửu Ý đều mang hơi hướm của Diễm, từ hình bóng đến nguồn gốc của xứ Hà thành.Nàng nào cũng gầy như liễu, cũng mong manh như tơ trời, để mãi mãi ngàn năm bỗng bay trong …
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động Làm sao em biết bia đá không đau Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn
ht, nguyễn
|