|
L Thư Bắc u
|
09-08-2006
|
Thông thường nếu đi học đúng tuổi, học sinh vào lớp đệ thất ở lứa tuổi 11 hay 12. Nếu tôi nhớ không lầm thì trường Trung Học Võ Tánh khởi đầu với hai lớp đệ thất vào niên khóa 1951-1952, chưa có trường riêng, còn nương tựa vào Trường Nam Tiểu Học. Theo đó, những học sinh đầu tiên của Võ Tánh đến nay đã trên 65 và có nguời đã gần thất thập. Võ Tánh mất tên sau ngày 30-4-1975. Lứa học sinh vào lớp đệ thất niên khóa cuối cùng của Võ Tánh 1974-1975 bây giờ cũng đã gần 50. Giá như không có ngày 30 tháng tư đen thì có lẽ tình nghĩa đồng môn và thầy trò sẽ không được diễn ra một cách đậm đà thắm thiết như đã từng diễn ra ở mọi nơi trên đất khách. Hầu hết những hội đoàn, tổ chức hay phong trào mang tính ái hữu bị xói mòn dần bởi thời gian. Cho dù có trơ gan cùng tuế nguyệt như những cây đại thọ của Võ Tánh, thầy nguyên hiệu trưởng Nguyễn Vỹ năm nay 106 tuổi và thầy Cung Giũ Nguyên trên 90 cũng có ngày phải ra đi, và biết bao nhiêu giáo sư, nhân viên cũng như học sinh Võ Tánh - Nữ Trung Học ở trong và ngoài nước đã nằm xuống vì lý do này hay lý do khác. Vậy anh chị em hai trường tổ chức những ngày tao ngộ để thắt chặt thêm tình xưa nghĩa cũ giữa những người cùng hội cùng thuyền là điều nên làm, rất đáng khích lệ và tán dương.
Đi học và đi dạy, tôi có liên quan mật thiết với trường Khải Định Huế, Cường Đễ Qui Nhơn, Nguyễn Huệ Tuy Hòa và Võ Tánh Nha Trang. Hai mươi bốn năm ở nước ngoài, tôi hằng mong tìm về…bằng sự góp mặt trong những đại hội, nhưng ước nguyện khó thành, hoặc vì hoàn cảnh địa lý hay những trở ngại bất ngờ. Năm 2001 vợ chồng tôi, nhân một chuyến sang Mỹ, đã sắp xếp thời giờ cho ăn khớp để dự Đại Hội Phượng Vỹ (nói rõ ra là Đại Hội Khải Định-Đồng Khánh Huế). Thiên nan vạn khổ vì vụ Bin Laden tấn công hai tòa cao ốc ở New York, các chuyến bay bị đình hoãn, chúng tôi cũng đến được Houston, nhưng vì tế nhị Đại Hội bị đình chỉ ! Tuy vậy, chúng tôi vẫn hái được niềm vui qua nhiều buổi họp mặt rải rác với những nhóm cựu học sinh Nguyễn Huệ và Cường Đễ trên các nẻo đường ở đất Mỹ.
Đến San Jose vào một ngày thứ năm, ngoài thân nhân, chúng tôi còn được hai ”ông cụ” đón ở phi trường. Họ tự giới thiệu là cựu học sinh Nguyễn Huệ. Chẳng biết do đâu mà họ biết giờ giấc tôi đến cũng như thời gian lưu trú ở San Jose. Trong buổi họp mặt với nhóm cựu học sinh Nguyễn Huệ sau đó, một trong hai ông cụ ra phi trường đón chúng tôi, cụ Vương đã được giới thiệu có cháu nội 10 tuổi. Hiện diện trong buổi họp mặt đậm đà tình nghĩa diễn ra gần trọn ngày thứ bảy, một ông rể Nguyễn Huệ đã nói đùa với tôi : giá biết thế này thì trước đây tôi không đi học Quốc Gia Hành Chánh mà học Sư Phạm. Lời nói tuy đùa mà thật. Có lẽ ít buổi họp mặt nào đa dạng về thành phần nhân sự tham dự, cởi mở, bình đẳng và có tính đạo lý Đông phương như những buổi họp mặt của học đường, dù theo từng nhóm hay qua hình thức đại hội. Nói đa dạng về thành phần nhân sự, vì tuy có cái khung của một hai trường, nhưng từ đó đã tỏa ra đủ mọi ngành nghề, quân nhân công chức có, luật sư, kỹ sư, bác sĩ có, chính trị gia, thương gia hay lao động đều có… Mười mấy năm qua, cựu học sinh Cường Để Qui Nhơn thường tổ chức Ngày Hội Ngộ vào hạ tuần tháng 6 hằng năm ở Houston. Được ân cần mời mọc, tôi đã tự hứa với lòng mình là sẽ đến một lần với anh chị em, nhưng vì quá cách trở và gặp những trường hợp bất khả kháng nên đành lỗi hẹn. Tuy vậy, mỗi lần sang Mỹ là mỗi lần được anh chị em Qui Nhơn và Tuy Hòa ”bắt cóc”, chuyện trò thân mật có khi đến suốt sáng thâu đêm. đường xuôi ngươc Sàigon-Huế. Không một nơi nào khác ngoài Nha Trang cho tôi cái cảm tưởng gần như trọn vẹn với tình đồng nghiệp và đồng sự. Tâm tình với Võ Tánh qua những buổi ăn sáng ở nhà hàng có Lê Văn Tự, Trần Đăng Nhơn, Trần Đăng Lộc, Đặng Như Đức, Hồ Văn Châm, Cao Quảng Hà…Muốn mày tao mi tớ giọng Huế cho sướng miệng thì đến quán cà phê vỉa hè ở góc đường Hồng Bàng- Ngô Gia Tự, nói đủ thứ chuyện trên đời với Trần Thanh Lý, Hồ Đăng Châu, Đoàn Công Huy, Lê gia Nhự, Nguyễn Xuân Thiệu, nhà thơ Diệu, nha sĩ Đệ, anh Vinh, anh Cường…Trên mười mấy năm qua, nhóm này không bao giờ bỏ sót một buổi hẹn hò ở quán cà phê từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 mỗi sáng, đôi khi có sự góp mặt của những vị đàn anh Nguyễn Ngân và Nguyễn Văn Chương, nguời nghe nói có một giai thoại lý thú sau ngày "giải phóng”. Thầy Chương phụ trách điều khiển chào cờ ở trường Nữ. Sau khi dõng dạc hô : ”nghiêm, cử quốc ca!”, tự mình bắt giọng : ”Này công dân ơi !”. Cả trường im phăng phắc mới biết mình bị hố, mới tiếp ”Đoàn quân Việt Nam đi..” Tôi đã đặt tên cho nhóm là những ”Ông Già Chờ Chết”. Có lần gởi e-mail cho Trần Thanh Lý, tôi hỏi thăm sức khỏe ”Những Ông Già CC”, bị Trần Thanh Lý mắng là xỏ lá, chất vấn : ”CC, cụ mi muốn nói gì ?” Trần Thanh Lý có lối xem bóng tròn rất đặc biệt, không bỏ qua một trận đấu nào ở châu Âu, có khi phải thức sáng đêm vì giờ giấc khác nhau. Mắt nhắm mắt mở ra quán cà phê nhưng chì uống trà. Có anh em hỏi : đội áo xanh hay đội áo vàng thắng ? Trần thanh Lý ghiền xem bóng tròn, nhưng không cần phân biệt đội nào đấu với đội nào, chỉ phân biệt màu áo.
Đại Hội đầu tiên tôi được tham dự ở Mỹ là Đại Hội Võ Tánh-Nữ Trung Học Nha Trang tổ chức vào thượng tuần tháng 10 năm 2005 tại Houston. Âu cũng là có duyên với Võ Tánh và Nữ Trung Học , dù tôi chi đến với Võ Tánh một niên khóa và ở Cường Đễ trước sau bốn năm, Nguyễn Huệ non chín năm. Giữa rừng người Đại Hội, nhìn quanh tôi chỉ nhận ra một ít nguời quen biết : ông nguyên Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Văn Trường và phu nhân, thầy Bùi Ngoạn Lạc và bà nguyên Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học, ông bà Phan Văn Dung Lê Thị Tường Loan, nguyên thanh tra Sở Học Chánh Khánh Hòa, các cựu đồng nghiệp như Tôn Thất Hà-Tường Quy, Thái Bạch Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hồ Thanh Phát, Cao Quảng Hà, Trần Ngọc Hai, Trần Văn Tiến-Hương Liên, Nguyễn Thanh Ty. Còn cựu học sinh, tôi không nhận ra một khuôn mặt quen thuộc nào, trừ một người là cô MC Tấm lại là một cựu học sinh Nguyễn Huệ ! Giũa rừng người tưởng chừng xa lạ, nhưng không xa lạ. Nhiều anh chị em đến tay bắt mặt mừng. Trên nét mặt, trong nụ cười và ánh mắt biểu lộ những tình cảm nồng nhiệt và thân thương rất Võ – Tánh –Nữ - Trung –Học. ”Khi thầy đến Võ Tánh, em còn nhỏ, học ở đệ nhất cấp”, ”Em học lớp đệ nhị niên khóa 72-73” , ” Em học sinh Võ Tánh, nhưng khi thầy đến em đã rời trường ”, ”Em cựu học sinh Võ Tánh, từ trước 75 đã qua trường Nữ”, ”Em học sinh trường Nữ, bạn cùng lớp với Anh Phương, có đến nhà thầy chơi nhưng thường chui xuống nhà dưới đâu dám lò mặt lên nhà trên. Thầy không nhận ra đâu” v .v và v.v. Mỗi người một đôi câu líu lo tự giới thiệu một cách vui vẻ, thân mật. Tôi vừa cảm động vừa hưng phấn. Tôi đã nhận được tặng phẩm và đã thu thập được nhiều hình ảnh về Đại Hội. Tấm hình tôi đắc ý nhất là tấm hình ngồi đúc bánh căn với sự tiếp tay của cô Bạch Vân và một số chị em trường Nữ, trong lúc chị Ngọc Thạch cùng một số chị em khác là khách hàng. Cái cảnh chủ quán vụng về đúc bánh căn cái sống cái khê nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng háu ăn, vui vẻ cởi mở và thân thiết làm sao, khác với khi chúng tôi được giói thiệu trên sân khấu với sự trịnh trọng mang hình thứ lễ nghi. Ai cho rằng gõ đầu trẻ là một nghề bạc bẽo là đã nghĩ sai.
Tôi đến Võ Tánh vào tháng 8 năm 1972, không phải vì bị hấp dẫn bởi sự hiền hòa của xứ Trầm Hương hoặc nét đẹp vừa thanh tú vừa hùng tráng của Miền Quê Hương Cát Trắng. Nói thiệt tình, Nha Trang bấy giờ trong sự suy tính của tôi chỉ là một địa điểm dừng chân. Sau gần 9 năm ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa tưởng cũng nên thay đổi không khí làm việc. Gặp dịp thầy hiệu trưởng Lê Nguyên Diệm đến tuổi hưu trí, Bộ Giáo Dục chấp thuận cho tôi thay thế. Nhất cử lưỡng tiện theo dự tính, ở Nha Trang một thời gian rồi sẽ xin chuyển về Sàigon khi có vài ba đứa con đã vào đại học cho thích hợp với hoàn cảnh kinh tế của một gia đình vợ chồng đều là giáo chức có đông con. Tuy nhiên, sau một thời gian, chúng tôi thật sự bị Nha Trang quyến rũ . Dự tính vào Saigon không thể bỏ qua vì tương lai học hành của con cái. Tám đứa con, chu cấp sao cho nỗi việc ăn học theo cách ”du học”. Nhưng sẽ trở lại Nha Trang dưỡng già sau khi đàn chim con đã đủ lông đủ cánh. Vì vậy mà chúng tôi đã mua một lô đất thuộc khu vực của bác Thái Quang Cư, thân phụ của đồng nghiệp Thái Hồng Ngọc ở Đồng Đế. Thành sự tại thiên ra sao chưa biết, nhưng ít nhất cũng phải có mưu sự tại nhân.
Thời gian tôi ở Võ Tánh chỉ tròn một năm, từ tháng tám 1972 đến tháng tám 1973, một thời gian ngắn ngủi để có lời ra tiếng vào trong nội bộ nhà trường cũng như trong giới phụ huynh. Có sự thuận lợi lớn cho tôi là đa số đồng nghiệp ngang trang ngang lứa, hoặc quen biết nhau từ trước hay xuất thân cùng trường Sư Phạm. Vì vậy mà dễ chung sức với nhau trong mọi sinh sinh hoạt của trường. Anh chị em chúng tôi rất đắc ý về việc cố vấn cho học sinh tổ chức bầu Ban Đại Diện với một tinh thần hoàn toàn dân chủ. Học sinh các lớp lớn được khuyến khích và hướng dẫn tự lập ra Ùy Ban Bầu Cử với thể lệ bầu cử, đồng thời lập những liên danh ứng cử với ba vai trò : trưởng ban đại diện, phó trưởng ban đại diện và tổng thư ký. Trường không can thiệp vào nhân sự cùa các liên danh. Liên danh đắc cử sẽ tự chọn những ủy viên cần thiết cho nhu cầu hoạt động. Các liên danh tự chọn đại diện cho liên danh và đại diện ở các cấp lớp để vận động. Có những buổi vận động công khai, hào hứng trước khi bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu kín. Ban Đại Diện có bổn phận đề đạt những lên Hội Đồng Giáo Sư những ý kiến nhằm mục đích tạo sự thuận lợi cho việc giáo dục cũng như sinh hoạt học đường. Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng đó là một trong những cuộc bầu cử dân chủ thật sự, dù chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp. Không có ”gà nhà”, không được định hướng trước ”xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì” (*) hay đảng cử dân bầu như ngày nay.
Ai ngang qua cảnh cũ mà không hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xưa, không chạnh lòng trước những đổi thay dâu bể của thời cuộc và hoàn cảnh ? Ngoài vị trí của ngôi trường, Võ Tánh đã hoàn toàn đổi thay từ da thịt đến dòng máu và trí tim của nó cũng như cảnh trí chung quanh. Còn đâu nữa hai hàng cây rợp bóng chạy dài theo đường Bá Đa Lộc đổ ra tới biển với những quán hớt tóc lẹp xẹp dọc theo hai vách tường ? Con đường được xem là đẹp và thơ mộng nhất Nha Trang, con đường chuyển tải những mộng mơ của tuổi học trò bây giờ trần rụi một cách vô duyên, trơ trẽn. Suốt thời gian ở Nha Trang tôi là khách hàng thường xuyên của một thợ hớt tóc đã được chọn trước trên dãy quán xép này. Biết ý thói quen của khách, mỗi lần tôi ngồi xuống ghế là anh thợ đè đầu váy tai trước, hớt tóc sau. Còn gì thú vị cho bằng ngữa người dưới những tàng cây rợp bóng trong cơn gió biển phất phơ dỗ dành giấc ngủ thiu thiu, trong khi người thợ mằn mò làm cho lỗ tai đã ngứa. Điều thích thú cỏn con này hai mươi mấy năm tôi khó tìm thấy ở ngoại quốc.
Tất cả những người thợ hớt tóc trước trường Võ Tánh cũng đã hai lượt tham gia vào việc sinh hoạt học đường. Ông tổng giám thị Nguyễn Văn Dành hiền như bụt nên đôi khi tôi tiếp tay đóng vai cảnh sát nhà trường, một vai trò mà chắc chắn không một học sinh nào có cảm tình, nhất là những cậu đứng hàng thứ ba sau ma và quỷ. Sau hai tuần ra thông cáo yêu cầu học sinh tóc tai gọn gàng, mái tóc sau gáy không được phủ cổ áo, tôi và anh Dành đi từng lớp kiểm soát. Tôi chỉ định, anh Dành ghi tên những anh tóc dài và hẹn ngày hôm sau mang tiền tới trường hớt tóc. Ngày kế tiếp, tám thợ hớt tóc trước trường được tập trung tại nhà chơi. Anh Dành lần lược gọi học sinh được chiếu cố đến nhà chơi hớt tóc, các lớp đệ nhất mở hàng. Có cậu viện lý do quên mang tiền để tránh né, cũng phải hớt, trường ứng trước bằng quỹ hiệu đoàn. Tuy không có một phản ứng nào ngoài mặt, nhưng tôi tin rằng có nhiều anh em không vui với cảm tưởng mình bị xúc phạm. Chẳng biết trong dịp Hội Ngộ Võ Tánh, Nữ Trung Học vừa qua tôi có may mắn gặp lại những nạn nhân của tôi trong vụ tóc dài hay không.
Nhưng ân đền oán trả đã phân minh. Đại ngôn một chút vậy thôi chứ giữa thầy trò làm gì có oán. Đầu năm 1973, một trong những sinh hoạt học đường vào dịp Tết Nguyên Đán là trận bóng tròn giao hữu giữa giáo sư và nhân viên một bên, đối thủ là đội bóng học sinh. Trận đấu diễn ra trên sân không có cỏ trong khuôn viên nhà trường. Chẳng cần xét đoán ai cũng có thể biết trước thắng lợi nghiêng về phía nào. Trước một đội bóng mạnh, đá hàng tiền đạo là khỏe nhất. Tôi thủ vai trung phong bất đắc dĩ. Sức đã yếu, khán giả hoàn toàn nghiêng hẳn về phe đối phương, Nguyễn Đức Giang, Hoàng Thuyên, Tôn Thất Hà, Hồ Thanh Phát, Đặng Như Đức… còn nhiều và nhiều nữa bị đám học sinh vờn như mèo vờn chuột, mệt bở hơi tai. Thay ra đổi vào liên tục, không theo một luật lệ nào cả. Chúng tôi còn bị phản phé bởi số khán giả đã thiểu số còn bị mua chuộc ! Khán giả giáo chức tỏ ra hân hoan mỗi lần chúng tôi bò lê bò càng trên sân. Giờ giải lao, Hồ Thanh Phát cảnh báo: tụi nó hăm chơi cụ mi đó. Mà chúng chơi thật, mặc dầu tôi đã theo nguyên tắc tránh voi chẳng xấu mặt nào. Trong một dịp được bóng tôi bị gàn trái phép, phải dìu ra sân. Trọng tài Ngụy Như Bàng có phạt mấy cũng dê kêu. Khán giả của cả hai phe đều được dịp cười thoải mái. Báo hại cái mắt cá chân phải của tôi sưng vù, mang giày không được. Trong mấy ngày Tết, đi đâu cũng có cà-vạt đường hoàn mà phải mang giày sandale có vớ. Chắc có nguời tưởng mình lập dị, Tôi hành anh em Võ Tánh và đã bị hành lại. Huề cả làng rồi đó bà con nghe !
Thời gian làm việc và cư trú tại Nha Trang tuy ngắn ngủi, nhưng đối với tôi là thời gian sôi động nhất trong công ăn việc làm cũng như trong cuộc sống của mình. Tôi ở Khánh Hòa 10 năm, ba năm làm việc với hai nhiệm sở, Võ Tánh và Sở Học Chánh mà sau đổi tên thành Ty Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, sáu năm đi tìm vinh quang trong lao động gần chân núi Hòn Giữ và một năm làm dân hạng hai, dân không có quyền công dân ngay chính trên đất nước mình. Rồi mạo hiểm tìm đường ra đi.
Tôi lang thang từ thủơ tấm bé, nhiều lần trở về quê với cảm tưởng lạc lõng, ngay cả những người bà con gần cũng không nhận ra và xưng hô trật lấc. Vì vậy mà chấp nhận những nơi đã sống và làm việc như quê hương thứ hai của mình, nhất là Nha Trang và Tuy Hòa. Mỗi lần ”áo gấm về quê”, Nha Trang không thể bỏ qua, có khi tôi lui tới đôi ba lần trên
Sau 23 năm rời trường, tôi đã chính thức trở về với cái xác không hồn của Võ Tánh, chính thức vì lẽ được mời. Tôi cùng với một phái đoàn Đan Mạch về Việt Nam nghiên cứu giáo dục, trong đó có Nha Trang do tôi đề xuất. Theo chương trình làm việc được sắp xếp trước cả tháng, có những buổi làm việc với Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh, Sở Giáo Dục và Đào Tạo, Trường Sư Phạm, phái đoàn yêu cầu được thăm viếng một số trường. Địa phương đã thông báo cho phái đoàn những trường sẽ viếng thăm, không có trường Võ Tánh và Nữ Trung Học. Họ biết trước tôi là một thành viên của phái đoàn. Mãi đến buổi chiều trước ngày làm việc, người liên lạc giữa phái đoàn với địa phương cho biết chương trình có thay đổi, ”mời thầy về thăm trường cũ”. Tôi được hướng dẫn đi thăm lớp và được giới thiệu. Các em học sinh nghiêm chỉnh đứng lên vỗ tay chào đón. Tuy với thái độ hồn nhiên và nụ cuời thân thiện, nhưng các em đón tôi như đón một người khách đến thăm trường cùng với môt số người ngoại quốc, chứ không phải một Võ Tánh trở về. Cũng chẳng trách gì các em học sinh được. Lý Tự Trọng đã thay cho Võ Tánh từ khi họ chưa ra đời. Đứng giữa lòng Võ Tánh, tôi thật sự xúc động, xúc động không phải vì được niềm nở đón tiếp mà xúc động với cảm nghĩ miên man mình đã mất đi những gì thiết thân mà không bao giờ có thể tìm lại được. Đứng giữa lòng Võ Tánh với cảm nghĩ bâng khuãng Võ Tánh phủ nhận tôi hay tôi phủ nhận Võ Tánh ! tôi chỉ biết rằng đây không phải là Võ Tánh của tôi. Võ Tánh của tôi thật sự đang ẩn mình sâu thẳm trong những ngóc ngách của lớp học sân trường, phản phất trên đầu cây ngọn cỏ chung quanh trường, bàng bạc qua những chuyện phiếm với những Õng già Chờ Chết và thật sự là ở Đại Hội Hội Ngộ vào tháng 10 năm 2005 vừa qua ở Houston.
Anh chị em cựu học sinh võ Tánh và Nữ Trung Học thân mến !
Hãy nỗ lực tạo điều kiện để gặp gỡ nhau trước khi thời gian không còn cho phép, đối với cả giáo chức và học sinh. Tại quốc gia tôi đang dung thân, tôi biết có ba Võ Tánh, tôi với một đứa con và một người bạn đồng lớp của nó cùng hai Nữ Trung Học, một người ròng Nữ Trung Hoc còn con gái tôi gồm cả Nữ Trung Hoc lẫn Huyền Trân và Thái Nguyên. Cô đơn làm sao ! Lý thú biết bao, nếu một ngày đẹp trời nào đó cả thẩy cô lẫn học sinh chống gậy đến với nhau qua Ngày Hội Ngộ !
Nguyễn Đức Giang
Võ Tánh 1972-1973
Chú thích : (*) Năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế cựu Hoàng Bảo Đại. Đại đa số dân chúng nông thôn lơ mơ về cựu Hoàng và có thể chẳng biết Ngô Đình Diệm là ai mà chọn lựa. Vì vậy mà khắp nước chính quyền phải tổ chức học tập : xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì. Xanh là phiếu có hình cựu Hoàng Bảo Đại, đỏ là phiếu có hình thủ tướng Ngô Đình Diệm.
|
|
NGY THNG CN LẠI (Tac gia: * ĐINH LM THANH *),
[26-08-2012] | Tiếng chim khc bn bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyn (Tacoma) ) ,
[26-08-2012] | "QUT L " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010,
[17-07-2012] | Ty bt TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ,
[12-07-2012] | Ty bt THƯƠNG VỀ BẾN XƯA,
[12-07-2012] | Truyện ngắn TIẾNG HT GIỮA KHUYA,
[12-07-2012] | oOo i Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh ,
[30-06-2011] | Xin gioi thieu truyen ngan: "Chng ti đ hại một người bạn qu" Đ. V. P ,
[29-06-2011] | Bố Ti ( Hướng Dương) ,
[11-12-2010] | 6 Cu chuyện ngắn - "Đọc v Nghĩ",
[15-10-2010] | Cc bi khc » |
|
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.
|
|
|
|
|
New Page 1
Copyright 2006-2014. V Tnh - Nữ Trung
Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved. |
|
|