Nha Trang, ngày tháng êm đềm
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

0764.lt44.jpg

Views: 3623

0742.lt40.jpg

Views: 3072

set 9.1.jpg

Views: 2935

21lt.0721.lt34.jpg

Views: 3012

0663.lt14.jpg

Views: 2870

0636.lt4.jpg

Views: 3270
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


Nha Trang, ngày tháng êm đềm
09-08-2006

Tôi vốn là cựu học sinh của cả hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học. Đọc đến đây chắc các bạn sẽ nhíu mày kêu lên: “Ái chà chà! Sao lại có chuyện gì kỳ vậy cà? Bộ tên này là bán nam bán nữ hay sao chứ?!!!” Xin các bạn bình tĩnh! Chuyện đâu còn có đó. Đây là chuyện (không đến nỗi) khó tin nhưng có thật. Tôi là đàn ông con trai một trăm phần dầu đấy, nhưng thực tình là đã học cả hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học.

Số là khi tôi đậu vào lớp 6 trường Võ Tánh, trong khi chờ đợi niên học bắt đầu, tôi đã ghi tên học các lớp dạy tư tại trường Nữ Trung Học. Hẳn các bạn còn nhớ là hồi đó có dạo còn hai cơ sở phòng ốc gọi là “trường nữ cũ” và “trường nữ mới”. Trường Nữ cũ nằm ở đầu đường Lê Văn Duyệt, còn trường nữ mới ở đường Đinh Tiên Hoàng. Nhà tôi nằm trong cư xá Lê Văn Duyệt, Khu 3, chỉ cách trường Nữ cũ có một con hẻm nhỏ không tên về phía trái. Lúc ấy chị tôi dang học trường nữ, biết có những lớp dạy kèm của một số giáo sư trong trường nên giới thiệu cho tôi đi học. Từ nhà, tôi chỉ việc đi bộ tà tà sang trường Nữ cũ chưa đầy năm phút là đến lớp. Tôi ghi tên học các lớp Anh văn do cô Cung đảm nhiệm, lớp Lý-hoá do thầy Châu dạy và lớp Toán do vợ của thầy là cô Anh dạy. Tôi học thêm toán, lý-hoá là để cho đủ bộ tam sên mà thôi, chứ thật ra Anh văn mới là môn tôi mê nhất. Thường thường, khi có giờ Anh văn, tôi đến trường rất sớm để được đứng ngoài lớp nhìn vào một lớp Anh văn lớn hơn lớp mình. Cũng như đa số các giáo sư Anh văn thời đó, cô Cung dùng bộ sách English for Today để giảng dạy. Lúc ấy tôi chỉ mới học vỡ lòng What is this? This is a book, cho nên nhìn ké lớp lớn đã học đến bài Đàn kiến và ổ bánh mì, có dùng động từ thời quá khứ hẳn hoi, tôi mê tít! Về nhà, tôi mày mò mở bài đó ra đọc, phát âm sai bét mà vẫn say sưa đọc như. . . thật vậy.

Các lớp dạy kèm của các thầy cô nằm phía sau của trường Nữ cũ, sát bên phòng các thầy cô ở. Trường không lớn lắm, chỉ có một dãy phòng học chạy dài hết chiều ngang của khuôn viên. Lớp Anh văn của tôi đa số dĩ nhiên là gái, chỉ lèo tèo vài thằng con trai lạc lõng là Tuệ (con của cô hiệu trưởng trường Nữ), Đạt (thằng em bạn dì của tôi) và tôi. Tuệ học giỏi nhưng đằm tính, ít nói. Đạt thì loại trung bình khá. Còn tôi học có thể gọi là khá (vì mê Anh văn quá) và có tính xì-tin ưa giơ tay lên nói trong lớp nên nổi hơn một chút. Bên con gái thì có Trang Hà vừa xinh vừa học giỏi, là đối thủ của tôi. Cô Cung rất thích lăng-xê những học trò cưng của cô. Lúc học đến mười hai tháng trong tiếng Anh, cô thường tạo điều kiện cho Trang Hà hay tôi thay phiên nhau đứng lên, dõng dạc và đầy tự hào đọc January, February . . . với một giọng liến láu.

Cô Cung đã vô tình giới thiệu Tuệ và tôi cho bọn con gái trường Nữ bằng một cách chẳng êm đẹp tí nào. Trong giờ Anh văn chính thức của Cô ở trường, mỗi khi có đứa học trò con gái nào của cô học không được …giỏi cho lắm, cô lại ca lên điệp khúc: “Bọn mi học không bằng thằng Trí, thằng Tuệ chút mô cả!” Rồi cô lại chì chiết bọn con gái bằng những lời mắng yêu rất Huế như “Con yêu bánh nậm!” hay “Con quỷ Đồng Tháp Mười!” Tôi mê ăn bánh nậm lắm nên không hiểu tại sao món ăn hấp dẫn này lại được Cô ghép với mấy “con yêu”! Cô là người Huế, chẳng hiểu Cô đã đi Đồng Tháp Mười hay chưa, và nếu có thì đã gặp con quỷ nào ở đó chưa, mà sao Cô nói câu ấy nghe thật dẻo quẹo! Bọn con gái cay lắm, chúng quyết tìm ra tông tích hai đứa con trai đã làm chúng mất mặt. “Thằng Tuệ” thì chúng điều tra ra ngay, vì “nó” chính là con trai của bà hiệu trưởng trường Nữ. Còn “thằng Trí”, cha chả, nó là thằng nào??? Trong đám con gái cũng có nhiều đứa có tài thám tử. Chẳng bao lâu chúng đã khám phá ra thằng Trí không ai khác hơn là cái thằng ngày ngày đi đi, về về ngang qua trường Nữ cũ, sờ sờ ngay trước mũi chúng nó. Dưới mắt bọn con gái tinh nghịch, “thằng này” ốm cà tong cà teo, có cái dáng đi khòm khòm như ông già, lại đeo một cặp kính dày cộm. Một đứa trong bọn liền đặt ngay cho “thằng ấy” một cái tên ngộ nghĩnh: “Thầy đồ”! Thế là sáng sáng, chiều chiều, mỗi khi tôi đi ngang qua cổng trường, đám con gái lại reo hò tở mở “Thầy đồ! Thầy đồ kìa tụi bay!”. Rồi bọn chúng phá lên cười rũ rượi. Báo hại thằng thầy đồ tôi cứ muốn mọc cánh mà bay qua cho khỏi đoạn đường ngay trước trường Nữ cũ. Mỗi lần sắp đi qua đó quả là một cực hình ghê gớm cho tôi.

May thay, khi trường Nữ cũ đóng cửa luôn, bọn con gái bị lùa qua trường mới, thì cũng là lúc mà tôi thoát cái nạn làm thầy đồ. Trường Nữ mới, tức trường Huyền Trân, to hơn trường cũ nhiều. Từ cổng trường vào đến dãy lớp học là một khoảng sân rộng. Tôi có đi qua trước cổng trường thì bọn con gái cũng không tài nào thấy để mà chòng ghẹo được. Danh hiệu “thầy đồ” cũng từ từ bị lãng quên từ dạo ấy.

Thời gian đó cũng là lúc tôi bắt đầu thôi học cô Cung để hoà mình sâu hơn vào thế giới con trai của trường Võ Tánh. Nhờ có vốn liếng Anh văn thụ giáo được từ cô Cung, tôi học môn này rất dễ dàng ở trường Võ Tánh và được các thầy cô ưa thích. Những năm đầu là những năm đáng nhớ nhất đối với tôi. Năm lớp Sáu, tôi học Anh văn với thầy Nhiếp. Thầy là con của thầy hiệu trưởng trường Võ Tánh. Sau này thầy định cư ở Canada. Cách đây vài năm tôi tình cờ gặp thầy trong một đám cưới ở Mỹ. Tôi đến bàn thầy ngồi để chào thầy. Ít lâu sau, tôi được tin thầy mất.

 

Năm lớp Bảy, tôi học Anh văn với thầy Nhung. Thầy rất hiền. Có hôm bọn con trai chúng tôi đâm lười, không muốn vào lớp học. Thầy đã đến lớp rồi mà chúng tôi vẫn đứng nấp sau các thân cây dương to lớn phía sau trường. Hễ thầy bước qua bên này thì chúng tôi lại lục tục chạy về bên kia, chơi trò ú tim. Vậy mà thầy vẫn không rầy. Thầy Nhung đã là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng quốc tế từ thời ấy. Đến bây giờ thầy vẫn còn say mê với hình và bóng. Thầy ở cách Little Saigon không xa lắm. Báo Người Việt thỉnh thoảng vẫn có đăng những bài bút ký của thầy, nói về những chuyến thăm quê hương, và cố nhiên là có kèm theo những hình ảnh của quê hương gấm vóc thật đẹp, thật mặn mà do thầy chụp.

Vị giáo sư Anh văn mà tôi có nhiều kỷ niệm nhất là cô Mai. Cô từ trường Bùi thị Xuân ở Đà Lạt đổi về Nha Trang dạy học Cô Mai hiền hơn tất cả những thầy, cô giáo hiền. Cô coi bọn học trò lắc xắc chúng tôi như những đứa con ngỗ nghịch, bướng bỉnh ở nhà. Hầu hết thầy cô nào cũng gọi học sinh bằng “em”, nhưng đối với tôi, tiếng “em” mà cô Mai dùng để gọi chúng tôi sao mà êm ái quá, gần gũi quá. Nó êm không kém gì tiếng “con” mà má tôi ở nhà vẫn dùng để gọi tôi. Cô Mai giảng văn phạm tiếng Anh rất rõ ràng, dễ hiểu. Cho đến bây giờ, không ít những vốn liếng văn phạm tiếng Anh của tôi có được đều là nhờ ở cô. Không những cách xưng hô của tôi gợi cho tôi nhớ đến má tôi ở nhà, mà ngay cả cách ăn nói, cái tánh hay lo xa của cô cũng hệt như má tôi, như hầu hết các bà mẹ Việt Nam. Tôi còn nhớ rất rõ, vào khoảng cuối tháng Ba năm 1975, chiến tranh đã tràn vào những thành phố lớn ở miền Nam. Đó đây đã thấy những đồng bào chạy giặc từ các tỉnh miền Trung vào Nha Trang. Cô Mai vào lớp với một vẻ lo âu trông thấy. Cô quên cả giảng bài. Cô quên cả rằng trước mặt cô chỉ là một lũ nhóc lớp Mười, ăn chưa no, lo chưa tới, nên cô mới hỏi cả bọn chúng tôi: “Bây giờ mình phải làm sao hả mấy em?” “Mấy em” cũng chẳng biết trả lời ra sao. Chiến tranh là một khái niệm quá to tát, mà cũng quá mơ hồ, chúng tôi dù mang tiếng là những nam sinh đệ tam cấp, làm sao có đủ sức hiểu nổi trò chơi của người lớn đó. Rồi những người cộng sản vào, chiếm miền Nam, nhưng cái duyên giữa tôi và cô Mai vẫn chưa hết. Sau này tôi học lên Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang, cô Mai lại được mời lên dạy tiếng Anh cho chúng tôi. Cho đến bây giờ tôi và một số bạn bè vẫn còn liên lạc với cô. Mới đây được tin cô bị bệnh ở Nha Trang, chúng tôi có rủ nhau gởi thư về thăm hỏi và phụ giúp cô chút đỉnh. Mong cô mau lành bệnh và đọc được những dòng đơn sơ này của đứa học trò không bao giờ quên cô.

Năm lớp Mười là năm học cuối cùng của tôi dưới mái trường lúc đó còn gọi là Trung Học Võ Tánh. Từ lớp Sáu đến lớp Chín, tôi vẫn hằng mong học cho mau hết bậc trung học đệ nhất cấp để được tha hồ chọn ban theo ý thích. Tôi vốn dốt toán nên chỉ mong sao cho mau đến lúc được thoát nợ. Tuy nhiên, dù dốt toán tôi cũng không thể nào quên được thầy Tánh. Thầy dạy toán hay đến nỗi một đứa dốt nát như tôi cũng trở thành giỏi giang một cách thần diệu. Ai học thầy Tánh rồi cũng biết, thầy nghiêm lắm. Tôi nhớ hình như chưa bao giờ tôi thấy thầy cười trong lớp. Thầy không thích cười, và thầy cũng không thích đùa. Có hôm làm bài về những hình đa giác trong lớp, thầy cho chúng tôi tự do vẽ những hình thù khác nhau, miễn là có nhiều góc cạnh là được. Trong những hình tôi vẽ, tôi thêm vào một hình đa giác hình con cá, và tiện tay “điểm nhãn” để nó có mắt mũi đàng hoàng. Chỉ có vậy thôi mà thầy cũng bắt tôi quỳ vì đã làm hoạ sĩ không đúng chỗ! Không thích cười đùa, thầy cũng chẳng thích thói quay cóp, ăn gian. Vì thế mà mỗi bài thi của thầy có đến bốn, năm đề khác nhau. Có tài thánh cũng không thể nào cọp dê được trong lúc thi, vì cái đứa có cùng đề thi với mình nó ngồi cách mình xa lăng xa lắc. Ấy vậy mà đứa dốt toán như tôi, nhờ tài dạy của thầy, vẫn được điểm cao như thường. Lên lớp Bảy, không còn thầy Tánh nữa, tôi trở lại cái kiếp dốt toán ngàn năm muôn thuở. Rồi từ đó về sau mang trái đắng!

 

Còn bao nhiêu là thầy cô nữa. Thầy Đức, thầy Duy, cô Nam dạy sử địa. Thầy Đức có bài hát “Hoa soan bên thềm cũ” là bài ruột. Cứ có văn nghệ là thầy lại cho hoa soan rụng đầy thềm. Cô Thơm dạy lý hoá, cũng nghiêm không kém thầy Tánh.Thầy Gỉ dạy vẽ, hào hoa phong nhã như môn của thầy vậy. Thầy nói giọng bắc rất bay bướm, ăn mặc thật thanh nhã. Thầy có một triết lý nho nhỏ, nhưng rất thấm thía. Có hôm hai đứa trong lớp cãi nhau, đứa nọ bảo đứa kia là đồ ngu. Đứa bị gọi là ngu tức lắm, lên mách thầy. Bằng một giọng bắc rất đỗi hào hoa và phóng khoáng, thầy bảo: “Em đừng buồn. Đứa nào bảo người khác là ngu, thì chính nó đã ngu rồi!” “Thằng ngu” lên mách thầy nghe vậy, vô cùng hể hả. Hơn ba mươi năm rồi, tôi vẫn còn như nghe thoang thoảng tiếng thầy nói ngày hôm đó.

Trong trường, tôi có đến ba người trong họ làm giáo sư. Người thứ nhất là dì út của tôi. Đó là cô Thăng. Tôi chưa hân hạnh được học “cô”, nhưng đã nghe nhiều đứa “vô phước” đã học cô rồi, kể lại. Dì Thăng của tôi có một ngón trị học trò là véo tai. Cách véo tai của dì, theo như lời miêu tả, vô cùng độc đáo. Trước hết, dì dùng hai ngón tay có móng sắc nhọn của mình, bấm mạnh vào tai đứa học trò xấu số, đoạn dì mới vặn một vòng thật xoắn. Kẻ tội đồ cứ gọi là đau tận mây xanh! Những ngày cuối cùng của miền nam, dì Thăng mang bầu đứa con thứ hai. Tôi còn nhớ có một buổi chiều dì đang đứng trước lớp. Tình cờ tôi đi ngang. Dì Thăng ngoắc tôi lại, thì thầm: “Trí ơi, Ban Mê Thuột mất rồi!” Vẻ lo âu của dì và nét mặt ngơ ngác của tôi chẳng khác gì lúc cô Mai hỏi chúng tôi về tình hình chiến sự vậy. Hiện giờ cô giáo Thăng đang ở Florida. Người thứ hai là cô Gái. Cô là vợ của ông cậu thứ tám của tôi, nên ở nhà tôi gọi cô là “mợ Tám”. Ở trường, tôi gọi mợ là cô. Mợ dạy Việt văn trong lớp Bảy của tôi. Kỷ niệm của tôi với mợ là như thế này. Trong lớp hôm ấy chúng tôi có bài viết chính tả. Cô Gái cho chúng tôi chấm bài lẫn nhau. Lúc nhận lại bài, tôi thấy mình có một vài lỗi bạn tôi không tìm ra. Để chứng minh cho cô Gái thấy là cô có một đứa học trò kiêm luôn là đứa cháu rất ư thật thà, tôi đem bài lên cho cô thấy những lỗi bị chấm sót. Cô Gái khen tôi và …tha luôn những lỗi đó. Tôi hí hửng về chỗ, vừa hãnh diện cho cái đức tính của mình, vừa hân hoan vì khỏi bị trừ điểm. Cô Gái hiện giờ ở tiểu bang North Carolina. Người thứ ba là thầy Lý. Thầy là chồng của một người dì họ của tôi, ở nhà tôi gọi thầy là “dượng Lý”. Thầy Lý cũng thuộc loại nhất nhì trong trường về phương diện . . . dữ dằn. May sao tôi lại thoát nạn vì không phải học lớp thầy! Thầy Lý hiện giờ vẫn còn ở Nha Trang.

Cô Hoàng Bắc dạy quốc văn cũng là một trong những giáo sư đáng nhớ của tôi. Cô là bạn của dì Thăng tôi. Cô biết tôi là cháu của dì. Có hôm, cô méc dì: “Thăng à, thằng Trí cháu của mi đó, tau kêu nó lên trả bài. Mi biết làm sao không, nó xức dầu thơm thơm lừng lựng!” Cô Bắc giảng bài rất có duyên. Sau này, Việt Cộng vô rồi, cô vẫn tiếp tục dạy. Tôi vẫn tiếp tục học cô. Có điều khác là khi cô giảng truyện Kiều, cô phải giảng theo quan điểm “cách mạng”. Cô bảo Kiều là nạn nhân của chế độ phong kiến, rằng Kiều có tư tưởng của giai cấp vô sản! Bây giờ, cô đang sống ở Falls Church, đã trở thành nhà văn nổi tiếng trong dòng văn học hải ngoại. Bây giờ, cô có thể viết bất cứ điều gì cô thích, gán cho nhân vật của cô bất cứ quan điểm nào cô muốn, mà khỏi phải sợ ai dòm ngó.

Vào lớp Mười, tôi chọn ban C. Giã từ những giờ toán, lý, hoá khô khan và khó nuốt! Bây giờ mỗi tuần tôi chỉ có một giờ toán, một giờ lý và một giờ hoá, gọi là để trang điểm cho cuộc đời . . . đi học! Còn lại là những môn tôi hằng mơ ước được học thật nhiều: Năm giờ văn, năm giờ Anh văn, năm giờ Pháp văn, ôi sao mà thú vị! Vui hơn nữa là trong lớp Mười tôi được gặp lại Thảo là thằng bạn từ thời tiểu học. Hai đứa phải học xa nhau từ lớp Sáu đến lớp Chín. Tuy cùng trường nhưng xa lớp, chúng tôi cũng cách lòng! Gặp lại nhau, chúng tôi tưởng chừng như chưa bao giờ xa nhau cả. Thảo và tôi cùng thích làm thơ, viết văn. Tuy không được khiêm nhường cho lắm, tôi cũng không thể nào phủ nhận rằng Thảo viết văn và làm thơ hay hơn tôi nhiều. Nó viết nhanh, đều, và có giọng văn rất người lớn. Lắm khi hai đứa rủ nhau cùng gởi bài cho tờ Tuổi Ngọc, nhưng chỉ có bài của Thảo là được đăng, còn tôi chỉ nhận được một câu trả lời ngắn ngủi trong mục “Thư bạn đọc” như thế này: “Bài của em đang đọc. Mến”. Đọc gì mà lâu quá, hơn ba mươi năm rồi vẫn chưa thấy bài đó được đăng! Tức quá, tôi lại viết nữa. Quả là “Có công mài viết, có ngày (bài) được đăng”, cuối cùng tôi cũng có một bài đăng trên tờ Tuổi Ngọc. Nội dung cái truyện ngắn ấy cũng chẳng có gì cầu kỳ, chỉ là cảm nghĩ của một cô bé ngồi trên bãi biển lúc hoàng hôn xuống. Trong bài, tôi có mượn tên của một cô bạn hàng xóm là Ngọc Tước để đặt cho một nhân vật tưởng tượng trong truyện. Chỉ vài giờ sau khi báo ra, Ngọc Tước hộc tốc cầm tờ Tuổi Ngọc chạy qua nhà tôi, hỏi bằng một giọng rất Huế: “Trí, răng mi dám lấy tên tau viết trong truyện ri nì?” So với truyện của Thảo thì truyện của tôi còn rất là non nớt, nhưng lại có một độc giả thấy được “văn tài” của tôi.  Người đó là chị của Thảo. Chị đọc xong truyện của tôi và nói với Thảo: “Tao thấy truyện của thằng Trí “thật” hơn truyện của mày, Thảo ạ.” Chẳng là anh chàng Thảo nhà ta lãng mạn ghê lắm, truyện của hắn cứ ở đâu đâu ấy, còn truyện của tôi chỉ cần xảy ra ngay trên bãi biển!

 

Mười sáu tuổi. Cái tuổi mà các nhà thơ Việt Nam chúng ta (trong đó có anh Quyên Di) gọi là tuổi trăng tròn, hay người Mỹ gọi là cái tuổi ngọt ngào. Cái tuổi đẹp ơi là đẹp! Hay là bây giờ nhìn lại, tất cả những gì ngày xưa đã được trịnh trọng phủ lên một lớp lụa thời gian óng ả, nên đã đẹp lại càng đẹp hơn? Ở cái tuổi đó, cuộc đời chỉ mới vừa hé mở cho tôi. Chưa kịp biết yêu. Những tình cảm nhẹ nhàng của tuổi mới lớn cũng chưa có thể gọi là tình yêu. Chúng nhẹ nhàng đến nỗi chỉ vừa làm trái tim non nớt của tôi khẽ rung động, nói theo kiểu của Thạch Lam, chỉ như rung động của “một cánh bướm non” vậy. Nhưng có hề gì. Cuộc đời ở tuổi mười sáu như thế nào cũng đẹp. Ban ngày tôi cắp sách đi học, mê say với những môn học lý thú. Về nhà, tôi vui với gia đình êm ấm. Niềm vui chỉ vừa phải, như một chút men rượu thật loãng, chỉ vừa làm tôi choáng váng. Những chiều cuối tuần tan học, tôi chạy vội về, ghé sạp báo mua những tờ báo tuổi ấu thời: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi, Thằng Bờm. Những trang bìa in màu lộng lẫy, những bài văn, bài thơ, những tác giả quen thuộc tới bây giờ tôi còn nhớ tên. Tất cả những hình ảnh, ký ức đó chẳng bao giờ mờ phai trong tôi. Đúng vào lúc cuộc đời chỉ mới bắt đầu đối với tôi, tôi chưa kịp nếm hết cái vị ngọt ngào của nó thì tất cả đã khép lại cùng với cuộc chiến đã tới hồi quyết liệt cuối cùng.

Năm lớp Mười chưa chấm dứt, tôi đã phải cùng gia đình chạy vào Sài Gòn để trốn trận chiến đang kéo gần tới thành phố Nha Trang. Rồi lần lượt từng thành phố miền Nam giãy chết. Rồi Sài Gòn cũng giãy chết. Cả đại gia đình tôi gần năm chục người bồng bế nhau chạy xuống nơi tận cùng đất nước là vùng Rạch Giá để hòng kiếm một lối thoát thân, để rồi cuối cùng tất cả phải ê chề trở lại Sài Gòn. Mọi việc bây giờ xảy ra như trong một giấc mộng, một giấc mộng vô cùng khó hiểu. Cả nhà tôi nương náu ở Sài Gòn thêm một tháng nữa rồi đành trở lại Nha Trang. Tôi về lại Nha Trang để nhìn thấy một thành phố gần như hoang vắng. Việc đầu tiên tôi làm là xách xe đạp chạy đến nhà Thảo để tìm nó. Bà mẹ kế của Thảo nói với tôi: “Mấy chị em nó đi lạc đâu hết rồi con ơi!” Tôi thất thểu quay về, đất như sụt dưới chân.

Tôi trở lại trường Võ Tánh để trình diện, xin ghi tên học trở lại. Ngôi trường bây giờ mang một cái tên của một người hoàn toàn xa lạ: Lý Tự Trọng. Xin mượn lời của nhạc sĩ Nam Lộc để khóc thương cho trường tôi: “Võ Tánh ơi, ta mất người, như người đã mất tên!” Lớp Mười C trước ngày 30 tháng Tư của tôi bây giờ chỉ còn lại lèo tèo có vài thằng con trai chậm chân chạy không kịp như tôi. Thảo đã đi đâu mất rồi. Tôi ngờ rằng nó đã đi lọt được sang Mỹ mà bà mẹ kế của nó không dám nói. Nhà trường không muốn dạy một lớp quá ít như lớp của chúng tôi. Ban giám hiệu quyết định “gởi” chúng tôi qua học ké ở trường Nữ Trung học với bọn con gái. Lúc này, ngôi trường Nữ dễ thương cũng đã mất tên. Thay vào đó, trường bây giờ mang tên của một thành phố lạ lẫm, xa lăng xa lắc tận miền Bắc: Thái Nguyên. Lũ con trai chúng tôi lần đầu tiên lọt vào cái thế giới . . . huyền bí của con gái, hãi ơi là hãi! Vây quanh chúng tôi là một rừng áo trắng cùa đàn con gái vừa xinh xắn, vừa chua ngoa, trong đó có cả những đứa đã đặt cho tôi cái hỗn danh “thầy đồ”. Mỗi buổi sáng đi học, mỗi đứa trong chúng tôi phải đứng lóng ngóng ngoài cửa trường, đợi cho có vài ba đứa con trai nữa mới đủ can đảm cùng nhau bước qua cổng trường. Tuy thế, các cô trong lớp chúng tôi cũng khá dễ thương, đón nhận lũ con trai mồ côi chúng tôi với một vòng tay thân thiện. Bên con gái cố nhiên là đông hơn bên con trai. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ được một vài cái tên trong đó: Nha-Trang (bây giờ ở Pháp), Xuân-Lộc (San Jose), Mai (tôi không nhớ chữ lót) và Kim-Điền (có lẽ hai cô này còn ở Nha Trang???). Bộ ba Trang-Mai-Lộc nhộn nhất lớp. Tôi nhớ hoài Nha-Trang thường gân cổ hát và sửa lời ca của bài “Aline” của Christophe. Thay vì “J’avais dessiné”, cô nàng chuyển sang lời Việt mà vẫn giữ được âm hưởng tiếng Tây, “Ra về đi xi-nê!”

 

Tôi đã trở lại trường Nữ Trung Học trong một hoàn cảnh và tâm trạng như thế đó: hoang mang, bỡ ngỡ, ngậm ngùi. Không còn nữa, trường Võ Tánh ngày xưa. Không còn nữa, trường Nữ Trung Học thuở nào. Hết năm lớp Mười, tôi trở lại trường Lý Tự Trọng. Bây giờ con gái, con trai học chung, không còn trường nữ, trường nam gì nữa. Một điều gì đó đã mất đi cùng với quá nhiều mất mát của gia đình, của đất nước. Nhiều điều khác cũng đến, nhưng đến như trong một giấc mơ hỗn độn, trong một giấc ngủ mệt nhoài. Trong giấc mơ, thỉnh thoảng tôi lại thấy Thảo. Mỗi lần như vậy, tôi lại mừng rỡ, kể lể với Thảo bao nhiêu điều tôi dành để ngày gặp lại Thảo tôi sẽ kể. Tỉnh giấc, tôi mới biết Thảo vẫn xa ở một cõi nào. Vài năm sau, tình cờ tôi có được dịa chỉ của Thảo ở Mỹ. Tôi viết một lá thư dài cho Thảo, gói ghém bao nhiêu nỗi niềm chất chứa. Lá thư của tôi vượt đại dương, đi nửa vòng địa cầu, rồi trở lại tay tôi. Trên bì thư lạnh lùng một con dấu in hình một bàn tay với dòng chữ “Return to sender”. Tôi mở thư ra, đọc lại những gì mình đã viết cho Thảo, rồi xé bỏ lá thư.

Qua đến Mỹ, mười hai năm sau, lại một lần tình cờ, tôi biết được địa chỉ của Thảo ở Texas. Lần này thì tôi đã liên lạc được với thằng bạn từ thuở còn chung trường tiểu học. Tình bạn vẫn còn đó. Hai đứa vẫn còn liên lạc với nhau đến tận bây giờ. Hơn ba mươi năm qua, có những điều hồ như chưa bao giờ mất, chưa bao giờ thay đổi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những điều đã mất đi vĩnh viễn, chẳng bao giờ còn tìm lại được. Cũng như Nha Trang vẫn còn đó. Sóng biển ngày đêm vẫn rì rào một nhịp điệu thiên thu, bất tuyệt. Trường Võ Tánh ngày xưa vẫn còn đó. Trường Nữ Trung Học ngày xưa vẫn còn đó. Tôi chưa bao giờ trở lại Nha Trang. Đã hai mươi năm rồi, từ khi tôi bỏ Nha Trang mà đi. Tôi chỉ nghe kể về Nha Trang. Tôi chỉ thấy Nha Trang qua hình ảnh. Tôi chưa biết tôi sẽ có cảm giác ra sao nếu một ngày nào đó tôi đặt chân về thành phố của ấu thời. Nhưng có một điều mà bây giờ tôi đã biết, rất rõ. Đó là, dù gì đi nữa, Nha Trang của tôi ngày xưa, Nha Trang của ngày tháng êm đềm thuở đó, với bạn bè, với trường lớp, chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi.

 

                                                                                                                      

 Trần Chấn Trí

 




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.