Như thường lệ sau mấy ngày cày chết bỏ, cả bọn chúng tôi dành một ngày cuối tuần để gặp nhau, nhiều khi chẳng có gì để mà nói. Những buổi sáng cuối tuần như thế ở quán càfé trên đường Bolsa làm cho cuộc đời bớt chán chường. Một ngày tôi ra trễ, cả bọn mấy đứa rục rịch "nhổ neo". Bổng thằng M. lên tiếng trong khi móc bóp bỏ xuống bàn vài đồng tiền "tip":
-A! Tao mới nghe tin Tôn Nữ đã chết vì bị xuất huyết bao tử. Có lẽ do những khó khăn của tháng năm mới "giải phóng". Cái bao tử quý tộc của Tôn Nữ không chịu nổi mấy cái hột "bo-bo" mắc dịch...
Nói xong cả bọn kéo nhau ra về, để lại tôi một mình với ly càfé nóng hổi vừa mới được bưng ra.Tôi châm một điếu thuốc đầu ngày, rít một hơi, nhìn qua mái hiên, đám mây bay lơ lửng, chậm chạp như là vì không khí lạnh quá? Mấy thằng bạn ở miền Đông thường than phiền cái gió lạnh của kì cục của vùng Nam Cali, dù không lạnh bao nhiêu mà cứ làm người ta ngây ngây như bị sốt. Khác xa với cái lạnh của miền Đông Hoa Kỳ, tuy có lạnh, có tuyết nhưng không làm người ta bị choáng váng như cái gió và cái lạnh của miền Tây.
Tôi không ở miền Đông nhiều nên không biết lời bình phẩm và so sánh này có đúng hay không? Nhưng sáng nay thì cơn lạnh khiến tôi ngây ngây sốt có thể cảm nhận được. Không biết vì cơn gió quái ác vừa mới thổi vào hàng hiên quán càfé hay cái tin Tôn Nữ không còn...
Tôi bưng tách càfé uống một ngụm, rít một hơi thuốc...
Tôi thấy mình đang chạy trong đám người biểu tình vào những năm của thập niên 60. Miệng thì hô đã đảo, hoan hô nhưng đôi mắt cứ nhìn chừng về phía cô gái mặc chiếc áo dài trắng có huy hiệu của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Mái tóc thề dài dài quá vai một chút nhưng chưa tới thắt lưng và đặc biệt cái đồng tiền nhỏ xíu trên má với nước da ngâm ngâm đen. Đó là lần đầu tiên tôi thấy Tôn Nữ và lần đầu tiên tôi biết mình phải quan tâm tới "con nhỏ" da đen đen này. Năm đó tôi cũng chỉ mới bước vào tuổi 16-17 và Tôn Nữ chắc cũng chỉ mới ở tuổi 14-15.
Tôi bưng tách càfé uống một ngụm, rít một hơi thuốc...
Tôi thấy mình đứng bên bờ tường Lê Quý Đôn chổ gần nhà ông Cai trường để nhìn qua hàng rào chờ Tôn Nữ ra về. Nàng bước qua mấy đụn cát nhỏ để hòa nhập với đám bạn chạy ùa lên con đường Nguyễn Thiện Thuật về nhà sau mỗi buổi chiều tan học. Tôi thua xa Phạm Thiên Thư vì không dám:
"Anh theo Ngọ về, đường mưa nho nhỏ..."
Tôi thua Phạm Thiên Thư vì không dám chạy theo Tôn Nữ để dúi vào cặp vở nàng một lá thư tình, tôi chỉ có thể đứng bên này bờ rào nhìn Tôn Nữ ríu rít đi về. Nhưng tôi và Phạm Thiên Thư có chung một chút gì "ngơ ngẩn" khi bóng Tôn Nữ khuất sau mái nhà tôn của trại gia binh. Trên con đường Nguyễn Thiện Thuật nhỏ xíu trải nhựa cứ mỗi lần tan trường là trắng xóa áo dài. Ngôi trường Nữ Trung Học bằng tôn nằm song song với Trung học Bán công Lê Quý Đôn của tôi, hai trường chỉ cách nhau một khoảng sân trống không có bờ tường chia chắn gì hết, chỉ có hai hay ba đường dây kẽm gai thưa thớt chia đôi cho có lệ mà thôi. Khoảng sân còn trống trải hơn cả "bờ dậu mồng tơi" của Nguyễn Bính mà chẳng có đứa nào dám vượt qua Tôi bưng tách càfé uống một ngụm, rít một hơi thuốc...
Tôi thấy mình trong nhiều năm sau đó mê mẩn với cái đồng tiền chút xíu trên má của Tôn Nữ và tụi bạn chê tôi "cù lần" vì cứ đứng nhìn "cái con nhỏ đen thui" đó hoài. Đã có nhiều lần ban đêm tôi đạp chiếc xe cà tàng một mình chạy qua con đường Biệt Thự, lủi vào bãi cát để ngẩn ngơ nhìn Tôn Nữ ngồi "gạo bài" bên khung cửa tròn tròn, ánh sáng của cái đèn Neon dù chỉ có 30cm cũng dư sức làm nổi bật dáng ngồi của Tôn Nữ trong những đêm ôn thi như thế này.
Sau đó thì tôi cũng đến được nhà Tôn Nữ vì chị của nàng là bạn học ngang lớp với tôi nhưng khác trường. Mỗi khi có dịp đến chơi tôi thường được Tôn Nữ khen là vẽ rất hay (hay chứ không phải đẹp, vì chỉ vài nét là tôi đã có thể phát ra cho Tôn Nữ những hình động vật hay hoa lá trong bài sinh vật) và tôi hứa sẽ vẽ cho Tôn Nữ những tấm bản đồ để kiếm điểm trong giờ Sử-Địa, nhưng chẳng bao giờ tôi có dịp thực hiện những lời hứa này. Vì sau đó tôi lên đường gia nhập vào đội ngũ của giày sô, áo trận hoa dù, Trên đầu chiếc mũ Bêrê màu đỏ chói khiến cho Tôn Nữ nhiều lần nói:
-Gớm! anh chọn chi cái lính thấy phát sợ luôn nì !!!
Tôi cũng nhớ lại có mấy lần bọn chúng tôi đứng trên bờ biển Nha Trang, nhìn Tôn Nữ cùng đám bạn đuổi nhau trên cát. Khi ngang chỗ của tôi, Tôn Nữ tự nhiên dừng lại, nheo mắt nói:
-Đố anh làm răng nhảy từ "đụn" cát ni sang "đụn' cát tê mà không để lại dấu chân!!!
Dĩ nhiên trong bọn, nhất là tôi chẳng ai làm được điều này, Tôn Nữ đố xong không cần ai trả lời, cất tiếng cười như nắc nẻ chạy theo đám bạn xuống chơi bên mép nước.
Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên Tôn Nữ đã cầm lấy tay tôi, đó là trong một lần từ chiến trường về thăm nhà. Khi chia tay đầu ngõ Tôn Nữ bỗng dưng cầm lấy tay tôi và nói nhỏ:
-Nhớ cẩn thận, để còn về thăm và vẽ bản đồ cho "tui" nữa đó..
Đó cũng lần cuối cùng tôi đứng bên cạnh Tôn Nữ và lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng Tôn Nữ đã cầm lấy tay của tôi... không phải tôi cầm tay nàng
Chiến trường sôi động, tôi lang thang hết chiến trường này đến chiến trường khác, hết nhảy vào Hạ Lào thì đi vô ngả ba biên giới. Hết ở biên giới Thái-Lào thì lại về vùng Khe Sanh hay Dakto, Pleime... Rồi....
Tôi bưng tách càfé uống một ngụm, rít một hơi thuốc.
Một ngày tôi được kêu về Sài-Gòn vì một chuyến công tác thành công và cũng vừa lúc tôi nghe tin Tôn Nữ đã có một việc làm khá tốt trong tòa một Đại Sứ. Tôi mon men đến thăm.
Sau khi trình hết giấy tờ cần thiết, người Quân Cảnh giữ lại cái căn cước quân nhân và cho người dẫn tôi vào ngồi chờ trong một căn phòng sang trọng. Không biết thời gian bao lâu, tôi mê mải ngắm những bức tranh treo trên tường, cho đến khi một nhân viên tòa Đại Sứ đến bên cạnh, cúi gập người lễ phép đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ có mấy chữ:
-Bận việc, không gặp được.
Nét chữ quen thuộc của Tôn Nữ làm sao tôi có thể không nhận ra, tôi đọc lại 5 chữ trên tờ giấy nhỏ, không có thêm một chữ nào hàm ý "sẽ gặp lại sau" hay "xin hẹn một lần khác".
Tôi xếp tờ giấy làm tư bỏ vào túi áo trận, lễ phép chào cô nhân viên rồi quay gót ra về. Đến bậc thềm tôi móc tờ giấy ra, đọc lại một lần nữa, vẫn không thấy có một lời hứa hẹn nào. Tôi lại xếp tờ giấy làm tư nhưng lần này thay vì bỏ vào túi áo trận tôi đến bên thùng rác sạch bóng của tòa Đại Sứ lẳng lẽ, kín đáo, bỏ lá thư vào đó.
Tôi chậm rãi đi về phía cổng gác nhận lại cái căn cước của mình, như một linh tính kì lạ, tôi bất chợt nhìn lên tầng hai của tòa Đại sứ đồ sộ. Bên khung cửa sổ, cái dáng nho nhỏ của Tôn Nữ đứng đàng sau nhìn xuống khoảng sân nơi có con đường trải sỏi chạy từ phòng khách ra cổng gác. Có lẽ Tôn Nữ cũng đã đứng nơi đó khá lâu vì từ bậc thềm đến cổng gác không gần, nhưng từ cổng gác ra ngoài bờ thành chỉ có mấy bước. Tôi cầm chiếc thẻ từ tay người Quân Cảnh và dứt khoát bước ra bên ngoài. Cánh cổng to lớn của Tòa Đại Sứ không cho phép ai nhìn thấy tòa nhà bên trong. Đó cũng là lần cuối cùng tôi tìm thăm Tôn Nữ và cho đến bây giờ hơn mấy chục năm sau, trên vỉa hè của cái quán càfé xứ người, tôi lại có dịp nghĩ đến tà áo dài trắng trắng, mái tóc thề dài chỉ quá vai và nhất là cái đồng tiền nhỏ xíu trên má với nước da ngâm ngâm đen.
Tôi bưng tách càfé uống một ngụm, rít một hơi thuốc.
Những hình ảnh chạy qua thật nhanh, tôi thấy không gian như đứng lại, lười biếng vì quá lạnh... Nhưng thật ra ly càfé chưa kịp nguội và điếu thuốc đầu ngày chưa cháy hết 2 phần.
Tôi nhìn những vòng tròn nắng lấp lánh bên cạnh chiếc bàn sắt, trời Cali nắng đã lên nhưng vẫn còn rất lạnh, cái lạnh làm người ta thấy như hơi sốt sốt. Tôi thấy trên chân trời, những đám mây tạo thành hình dạng giống như là bờ biển Nhatrang. Nơi đó Tôn Nữ đang chạy từng bước ngắn, tay đưa cao, tay cầm đôi guốc... vừa chạy Tôn Nữ vừa quay đầu lại như đợi chờ và...
Tôi khám phá ra trên suốt bãi cát dài Tôn Nữ chạy qua không để lại một dấu chân nào.
Tôi chợt biết và có thể trả lời sự thách đố ngày xưa. Chẳng những tôi có thể nhảy từ đụn cát này sang đụn cát kia mà thậm chí tôi có thể chạy suốt cái bờ biển dài của Nhatrang mà không để lại đàng sau một dấu chân nào... nếu tôi không còn sống trên cõi đời này...
Dấu chân Tôn Nữ về đâu? tôi thầm trả lời: Gót hài Tôn Nữ, đã về cõi xa...
Tôi đứng lên, búng điếu thuốc ra ngoài bãi cỏ, cầm ly càfé uống ngụm cuối cùng rồi lững thững ra xe.
Thầm nghĩ có nên về thăm Tôn Nữ hay không? và cũng tự trả lời
-Chắc là không, vì năm chữ trong tờ giấy nhỏ đến bây giờ tôi cũng không thấy ẩn chứa một lời hứa hẹn nào
Tôi nổ máy xe, gạt cần số sang chữ "R" từ từ rời khỏi parking và mỉm cười một mình.
-Gót hài Tôn Nữ, đã về cõi xa...
Và...tôi cũng đang ở rất xa cái bờ cát thân thương của bãi biển Nhatrang. Nơi duy nhất mà tôi có thể hình dung ra được bóng dáng của Tôn Nữ đang chạy suốt bãi cát mà không để lại một dấu chân nào...Dĩ nhiên trừ một nơi mà Tôn Nữ đã để lại rất nhiều dấu chân, nhưng nơi đó cũng không ai có thể thấy được...