Nha Trang ngày xưa - Phần 1
New Page 1

by WOWSlider.com v3.9
New Page 1
New Page 1

  NỖI LÒNG CỦA MỘT CỰU NỮ SINH NHA TRANG
  TIN VUI: Kỷ niệm 60 năm lễ cưới của Thầy Cô BÙI NGOẠN LẠC
»Xem thêm    


 Ảnh đại hội 2011

0649.lt8.jpg

Views: 2950

set 12.1.jpg

Views: 3344

0742.lt40.jpg

Views: 3051

14lt.0710.lt27.jpg

Views: 2730

13lt.0707.lt26.jpg

Views: 2712

15lt.0712.lt28.jpg

Views: 2778
Xem thêm
Cập nhật danh sách VTNTHNT
Viễn Xứ

Xem danh sách
Facebook
 Nhấn nút "like" duới đây để ủng hộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang!

 

Vườn Văn


Nha Trang ngày xưa - Phần 1
20-12-2006

Trần-Đăng Hồng

 

“Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

Đêm đêm tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

(Thơ Tú Xương)

 


Vạn vật đổi thay theo ngày tháng, nhưng lịch sử vẫn khắc ghi lại muôn đời. Địa danh Kauthara (tức Khánh Hoà bây giờ) đã được nhắc đến từ năm 90 trước tây lịch do các nhà hàng hải Ấn Độ giao thương với Trung Hoa qua hải trình từ Bengal, ghé Óc Eo (thủ đô nước Phù Nam, nay là Hà Tiên, Châu Đốc), Kauthara và Sông Hồng để mua tiêu và gia vị khác. Tại các hải cảng ở Kauthara, như Chutt (Chụt) và Kamran (Cam Ranh), thương gia Ấn mua trầm hương, ngà voi, sừng tê giác và đồi mồi để bán vào Trung Quốc. Thị trấn Ya-Tră, người Việt sau này (kể từ 1653) phát âm thành Nha Trang, được lịch sử Chăm nhắc đến vào năm 653 khi nử hoàng Jagadharma mất, dân Chăm lập đền thờ bà trên một ngọn đồi, bên cạnh một con sông, chính là tiền thân tháp Po Nagar – Tháp Bà - ở Cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày nay (1).

Vào thế kỷ thứ 1 sau dương lịch, người bản xứ ở Nha Trang thuộc sắc tộc hải đảo Malayo-Polynesien, thuộc nước Phù Nam, theo văn hoá Ấn Độ, và đến khoảng thế kỳ thứ hai mới thuộc Chiêm Thành, tức Nam Chiêm (Panduranga) có lảnh thổ từ Khánh Hoà đến Bình Thuận.

Kể từ thế kỷ thứ hai, dưới thời Lâm Ấp (Chiêm Thành), hải cảng Chutt và Kamran là nơi thuyền buôn từ Ấn Độ tấp nập đến buôn bán, và truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xả hội, kỷ thuật hàng hải, thương mại, nông nghiệp của Ấn Độ. Đạo Bà La Môn và Phật Giáo (Tiểu Thừa) thịnh hành ở Nam Chiêm. Như vậy, Phật Giáo đã có ở Nha Trang từ thế kỷ thứ 2, và từ Nha Trang Khánh Hoà, văn hoá Ấn Độ được truyền sang Bắc Chiêm, vốn bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa (nhà Hán).

Vào thế kỷ thứ bảy, nhiều thuyền buôn từ Trung Đông như Iraq, Oman, rồi Java và Mả Lai cặp bến Nha Trang và Cam Ranh để buôn bán và truyền đạo Hồi Giáo. Các nhà hàng hải Âu Châu như Hoà Lan, Bồ Đào Nha cặp bến Nha Trang buôn bán vào thế kỷ 15.

Như vậy, dưới thời Chiêm Thành, Nha Trang vừa là trung tâm tôn giáo (Tháp Bà), vừa là hải cảng phồn thịnh tấp nập thuyền buôn ngoại quốc, và cũng là căn cứ quân sự của Chiêm Thành. Nha Trang có một vị trí chiến lược quan trọng. Năm 774, quân Nam Đảo (Indonesia) đổ bộ vào Nha Trang đốt Tháp Po Nagar và cướp đi nhiều báu vật.  Từ hải cảng Nha Trang và Cam Ranh, vào những năm 803 và 808, Chiêm Thành mang thuyền chiến tấn công vào Châu Hoan và Châu Ái của Đại Việt, rồi đem thuỷ quân trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java, và Patani ở Malaysia, rồi chiếm đất Đồng Nai Thượng của Khmer; năm 808 lại tấn công Châu Hoan, Châu Ái; năm 817, tấn công Kambujas (Kampuchia). Năm 1600, các hải cảng Nha Trang và Cam Ranh được Chiêm Thành trang bị đại pháo tối tân mua của Châu Âu để phòng thủ chống với Việt Nam.

Nha Trang thuộc về Việt Nam từ năm 1653. Chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam Bình Định đến Khánh Hoà, và di dân Việt sống xen kẻ với người Chăm từng cụm như da beo. Xung đột Việt Chăm thường xảy ra ở vùng đất này, phần đông do tranh chấp ruộng đất, phần thua thiệt về người Chăm. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu phải thoả thuận 5 điều khoản để bảo vệ quyền lợi và đối xử công bằng với người Chăm. Vào thế kỷ 18, nhiều nhà truyền giáo Âu Châu tường trình còn thấy nhiều làng người Chăm ở gần Nha Trang. Ngày nay không còn thấy làng người Chăm nào nữa.

Vào thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn, Nha Trang là một hậu cần cung cấp lương thảo với kho luơng thực Phước Sơn và xưởng đóng tàu chiến tại chân núi Trại Thuỷ (còn gọi Khô Sơn) ở Phương Sài ngày nay. Bến sông Phương Sài ngày xưa gọi là “Trường Cá”.

Thành Diên Khánh, vào thời Nguyễn được gọi “Nha Trang Thành” (theo Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn Siêu đời Tự Đức), là nơi tranh chấp đẫm máu nhiều lần giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Diên Khánh lọt vào Tây Sơn năm 1776. Tháng 5 năm Quý Sửu (1793), chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng với Nguyễn Văn Trương và Võ Tánh đem thủy quân vào cửa bể Nha Trang, đánh phủ Diên Khánh. Một trận đánh khốc liệt giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn tại Phương Sài tháng 5 năm 1793: “Thủy binh vào cửa Nha Trang, đánh lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn chận lại tại bến sông Trường Cá. Hai bên kịch chiến. Người chết, thuyền chìm đầy cả khúc sông”. Nguyễn Ánh chiến thắng, tiến lên chiếm Diên Khánh (tháng 5, 1793), sau đó tiến chiếm phủ Bình Khang (Ninh Hoà), Phú Yên, rồi tiến đánh Qui Nhơn. Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, Tây Sơn), sai Ngô Văn Sở đem 17,000 bộ binh và 80 con voi đi đường bộ, và Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc thuyền đi đường bể, cùng tiến vào cứu Qui Nhơn. Nguyễn Vương, liệu thế chống không nổi, rút quân về hậu cứ Diên Khánh, rồi về Gia Định, để Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Diên Khánh. Tháng 11 năm 1793, chúa Nguyễn Ánh sai hoàng tử Cảnh, giám mục Bá Đa Lộc, Phạm Văn Nhân và Tống Phúc Khê đến Diên Khánh tăng cường phòng giữ. Tháng ba năm Giáp Dần (1794) vua Tây Sơn sai Trần Quang Diệu vào vây thành Diên Khánh. Nguyễn Ánh bèn đem đại binh đến đánh giải vây, Trần Quang Diệu rút quân về. Nguyễn Vương thấy thế Tây Sơn còn mạnh và lại đến mùa gió bắc, nên về lại Gia Định, để Võ Tánh giữ thành Diên Khánh. Tháng giêng năm Ất Mão (1795) Trần Quang Diệu lại đem thuỷ quân vào đánh Diên Khánh. Một trận chiến khốc liệt khác cũng xảy ra tại Trường Cá (Phương Sài). Khi thủy binh của Trần Quang Diệu vào Sông Cái thì bị quân Võ Tánh chận đánh tại Trường Cá, hai bên tổn thất nặng nề “xác chết và ván thuyền hư chận đứng cả nước sông”(3). Do bị thiệt hại nặng về nhân mạng, Võ Tánh rút quân chạy vào thành Diên Khánh cố thủ. Trần Quang Diệu vây chặt thành. Hay tin, tháng Hai năm 1795 Nguyễn Phúc Ánh liền đem thủy binh ra cứu nhưng không lên nổi Diên Khánh nên đành phải đóng quân chận nơi cửa sông Nha Trang và các nơi núi non hiểm yếu.  Quang Diệu đánh mãi không được cuối cùng phải lui về Phú Xuân, và Nguyễn Vương cũng rút quân về Gia Định.  Kể từ nay cho đến ngày thống nhất đất nước (1802), Diên Khánh trở thành tiền đồn của chúa Nguyễn, lần lượt do Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Võ Tánh cai quản, và sau này là nơi xuất phát tấn công Tây Sơn ở phía bắc. Khu đất phía ngoài Cửa Nam Thành Diên Khánh có tên Mả Xá, là nơi hàng ngàn chiến sỉ của hai bên được chôn vùi tập thể, một thời có tiếng là ma oan hiện về khuấy phá.

Sông Cái Nha Trang phát xuất từ ba nguồn thuộc dảy Trường Sơn. Sông này tên Chăm là Ya-Tră (người Việt phát âm thành Nha Trang), hai bên bờ toàn lau sậy nên còn gọi “Sông Lau”. Ở thế kỷ 17, sông này chảy ra biển theo ba nhánh, một nhánh có tên là Ngư Trường từ Cầu Dứa chảy ra Cửa Bé Cù Huân, như ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí. Hai nhánh kia chảy ra Cửa Lớn Cù Huân (sau này thành Xương Huân).  Sông Ngư Trường sau này đã bị bồi đấp và biến mất, chỉ còn vài đoạn nhỏ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: "Tấn Cửa Bé Cù Huân ở cách huyện Vĩnh Xương 29 dặm về phía đông nam, cửa lạch rộng 190 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước. Ngoài cửa có hòn Lam Nguyên, hòn Tằm, hòn Ba La, hòn Lớn, hòn Môn, các đảo nầy bao quanh, tàu thuyền tụ tập. Gió bắc thì tàu đổ phía nam núi, gió tây thì đổ phía bắc núi, đều được an ổn. Gần đó có thôn Trường Tây". Vì vậy, trứớc 1940, dân vùng Diên Khánh gọi Nha Trang là “Cửa”, và “Cửa Bé” là địa danh Trường Đông, phía nam Cầu Đá. Sông Cái đến địa phận Nha Trang thì chia hai nhánh, nhánh cầu Hà Ra và nhánh cầu Xóm Bóng bên Tháp Bà. Ngày xưa nhánh sông bên Tháp Bà "nước giữa dòng bên trong bên đục" bên nước trong xanh uống ngọt, bên kia màu đục uống vô mặn chát nước muối.

Về tổ chức hành chánh, từ thời vua Minh Mạng (1820-1837), tỉnh Khánh Hoà có Ty Bố Chánh và Ty Án Sát, đặt dưới quyền của viên quan Tuần Vủ Thuận Khánh (kiêm nhiệm cai quản từ Khánh Hoà đến Bình Thuận). Tuỳ theo tình hình chính trị, chức vị đầu tỉnh khi mang tên Tổng Đốc, khi Tuần Vũ quan phòng, sau này thành Tỉnh Trưởng. Hậu bổ Khánh Hoà năm 1842 là ông Trần Thiện Chánh (mà ca nhạc sỉ Trần Thiện Thanh, Nhật Trường, là hậu duệ).

Quân Pháp đặt chân đến Nha Trang lần đầu là năm 1862.  Vị Án Sát Diên Khánh năm 1867-1870 ở Diên Khánh là Nguyễn Thông. Năm Ất Dậu 1885, chiếu theo hiệp ước Patenôtre, quân Pháp chính thức đến Nha Trang, với viên Công Sứ Pháp đầu tiên là Lenormand, bắt đầu áp đặt chánh sách cai trị Khánh Hoà. Viên Tuần Vủ Việt Nam của triều đình Huế ở Thành Diên Khánh vào khoảng năm 1886 là Ông Trương Gia Hội. Các ông Nguyễn Thông và Trương Gia Hội đều là những vị quan tài giỏi, liêm khiết, có tâm huyết, của triều đình Huế ở Thuận Khánh (Khánh Hoà Bình Thuận), có công phát triển nông nghiệp, lập dinh điền, và là người có công khám phá vùng Di Linh Lâm Đồng mười năm trước khi Bác sỉ Yersin khám phá vùng này và Đà Lạt.

Dưới thời vua  Đồng Khánh, các tỉnh Bình Định, Phú yên, Khánh Hoà và Bình Thuận được gọi là các tỉnh Tả Trực Kỳ, vào năm 1886 cai quản bốn tỉnh này bởi vị Khâm Sai là Phan Liêm, con thứ ba của Phan Thanh Giảng, và Phó Khâm Sai là Phạm Phú Lâm (con quan tả tham tri lại bộ Phạm Phú Thứ trong phái bộ sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ).

Theo hiệp ước Patenôtre (06/06/1884) thì triều đình Huế - chính phủ Nam Triều -   trên danh nghĩa cai quản một lảnh thổ nhỏ hẹp từ Khánh Hoà đến Đèo Ngang, trong thực tế mọi chuyện ở địa phương đều do Pháp định đoạt. Vào năm 1890, Ông Phan Liêm được Pháp và triều đình Huế cho làm Tổng Đốc Thuận Khánh.

Một trong những tổng đốc khét tiếng tàn ác ở vùng Bình Thuận Khánh Hoà cho tới Bình Định, khoảng năm 1887, là Trần Bá Lộc. Ông theo Pháp, giúp Pháp đắc lực trong việc dẹp tan và giết hại không biết bao nhiêu chiến sĩ Văn Thân từ Bình Thuận đến Bình Định theo vua Hàm Nghi và chống Pháp. Chỉ trong một năm (từ tháng 6 năm1886 đến tháng 6 năm 1887) cùng với thiếu-tá De Lorme và viên Công-sứ Aymonier, Trần Bá Lộc dẹp tan được Văn Thân từ Bình Thuận đến Bình Định. Theo “Sài Gòn Năm Xưa” của Vương Hồng Sển thì cả năm trời quân Pháp không dẹp được quân Văn Thân ở  hai tỉnh này (Bình Thuận và Khánh Hoà), khi bắt được địch quân thì người Pháp chỉ nhốt vào khám. Ngược lại, khi làm Tổng Đốc Thuận Khánh, chỉ trong vòng ba tháng thì Trần Bá Lộc dẹp tan Văn Thân: khi bắt được địch quân thì chặt đầu tức khắc, “chém người như chém chuối, chém không chừa một con đỏ”. Còn đối với địch binh không chịu qui hàng, thì ông “sai bắt cha mẹ vợ con người đó đóng gông cầm tù, ra hạn trong bao lâu đó nếu không qui hàng thì cha mẹ và vợ sẽ bêu đầu, trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem”. Vì vậy, Cầu Sông Cạn ở Diên Khánh là nơi bao chiến sĩ anh hùng bị xử trảm. Trong cuộc thám hiểm Đà Lạt năm 1893, Bác Sỉ Yersin bị phục kích bắn bị thương ở rừng núi Phan Rang. Nhóm phục kích là tù chánh trị vượt ngục ở Phan Thiết do một người tên Thục cầm đầu. Một tuần sau, quân Pháp bắt được 40 trong số 56 người vượt ngục, trong số đó có viên chỉ huy Thục, giải về Diên Khánh xử trảm. Trong bức thư gởi mẹ ở Pháp, Bác Sỉ Yersin ca ngợi kẻ tử tù này là “rất can đảm và trầm tĩnh khác thường” trước nhát gươm kết liểu cuộc đời. Trần Bá Lộc xú danh muôn thuở. Trong bài thơ “Viếng mộ Trần Bá Lộc” tại Cái Bè (Mỷ Tho) của nhà giáo Trần Văn Hương (nguyên Thủ Tướng, Tổng Thống VNCH) năm 1919 có hai câu:

 

Mặt bia rờ rỡ lời khen thế,

Nét mực ràng ràng giọt máu dân...”

Địa danh Cầu Sông Cạn cũng là nơi xử trảm nhà ái quốc cách mạng phong trào Duy tân Tiến Sỉ Trần Quí Cáp (1870-1908) ngày 15 tháng 5 năm Mậu Thân (15/6/1908). Ông đang làm giáo thọ ở Ninh Hoà. Quan tỉnh Khánh Hoà lúc bấy giờ là Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm Ngọc Quát cùng với viên khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là Lévecque đã ra lệnh xử chém ông. Theo những hồ sơ lưu trữ tại Centre des archives Outre Mer (CAOM) (Trung tâm Văn Khố hải ngoại) ở Aix-en-Provence (Pháp), một quan chức Pháp tại phủ Ninh Hòa đến tận nhà bắt Trần Quí Cáp ngày 16/4/1908, theo lệnh của khâm sứ Pháp Lévecque tại Huế và của triều đình VN. Sau hai tháng không xét xử, ông bị chém ngang lưng ngày 15/6/1908 tại Cầu Sông Cạn Nha Trang, vì người Pháp sợ Trần Quí Cáp sẽ lãnh đạo dân chúng Khánh Hòa nổi lên gây xáo trộn, sau khi những cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng bùng nổ ở Quảng Nam, rồi lan dần xuống Quảng Ngãi, Bình Định. Về phía VN, người tham dự từ đầu đến cuối trong vụ án này, và cũng là kẻ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nhanh chóng bản án tử hình Trần Quí Cáp là quan bố chánh, phó đầu tỉnh Khánh Hòa, Phạm Ngọc Quát. Ông ta vốn nổi tiếng là một kẻ gian tham, và đã được công sứ Khánh Hòa mô tả là “Il est intelligent, très allant, on peut tirer beaucoup de lui quand il est compromis. Il m’a rendu services ici, ce n’est pas douteux, dans les dernières semaines de son séjour; mais, il a emporté beaucoup d’ argent,...” (thông minh, rất hăng hái, có thể khai thác được rất nhiều khi ông ta có liên lụy. Không có gì nghi ngờ về việc ông ta đã phục vụ cho tôi trong những tuần lễ cuối cùng của ông ta ở đây; nhưng ông ta ẵm theo nhiều tiền bạc) (6). Ngoài ra, một người khác nghi có dính líu trực tiếp trong vụ xử tử Trần Quí Cáp là Án Sát Khánh Hoà Nguyễn Văn Mại, mặc dầu sau này Ông ta chối tội. Tư cách của Án Sát Nguyễn Văn Mại được truyền trụng  khi làm Bố Chánh ở Quảng Nam như sau “Thường ngày sau khi trống đánh ba hồi, quan ngồi chễm chệ giữa công đường, xã dân đến hầu mỗi người bưng một mâm lễ, đặt dưới đất ngoài sân cho quan ngó thấy rồi sắp hàng lạy. Đối với dân thì quan hầm hét: nào giang nọc đánh, nào hăm chặt đầu, gông cổ v.v... Đã thế nhưng điều đáng buồn là khi nghe có Tây nào đến thì ôi thôi! Áo không kịp gài, giày không kịp mang, chỉ biết đứng nghe, tên thông ngôn nói chi thì dạ nấy” (Theo Trần Huỳnh Sách, học trò của Trần Quí Cáp). Xúc động với cái chết của Trần Quí Cáp, cụ Huỳnh Thúc Kháng có bài thơ chử Hán khóc bạn: “…Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng, Nha Trang thu khảo khấp anh hồn…” dịch  Bồng đảo gió thu đưa chờ giấc mộng, Nha Trang cây cỏ khóc hồn thiêng”. Cụ Phan Bội Châu trong "Văn tế Thai Xuyên Trần Quí Cáp” có viết: "Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm, cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách!" Còn cụ Phan Châu Trinh, từ trong nhà tù Côn đảo, cũng có bài thơ khóc Trần Quí Cáp:

“Anh biết cho chăng hỡi Dã Hàng!
Thình lình sóng dậy cửa Nha Trang
Lời nguyền trời đất còn ghi tạc
Giọt máu non sông đã chảy tràn
Tinh vệ nghìn năm hờn khó dứt
Đổ quyên muôn kiếp oán chưa tan”

Viên Công Sứ (tức Tỉnh Trưởng) năm  1930 và 1933, lần lượt là Ông Bréda và Ông Destenay. Viên Tuần Vũ Việt Nam cùng thời là Ung Trinh (hay Trinh Ung). Vị Tỉnh Trưởng người Việt đầu tiên ở Nha Trang là ông Hoàng  Phúc Hải.

Tỉnh lỵ Khánh Hoà đặt trong nội thành Diên Khánh – nên được gọi Thành – cho đến 1945. Năm 1901, Ninh Thuận tách khỏi Khánh Hoà, và từ đó đến 1945 tỉnh Khánh Hoà gồm hai phủ và bốn huyện, phủ Diên Khánh có hai huyện là Vỉnh Xương (Nha Trang) và Phước Điền, và phủ Ninh Hoà có hai huyện là Quảng Phước và Tân Định. Vào đầu thế kỷ 20, ngoài  hai địa hạt hành chánh biệt lập là tỉnh Khánh Hoà và thị xã Nha Trang, còn có hai cơ quan hành chánh đặc biệt gọi là Đại Lý (Délégation), như Délégation de Ba Ngòi và Délégation de Suối Dầu do một viên chức người Việt điều khiển gọi là Bang Tá.

 

Về mặt hành chánh, Nha Trang, trước năm 1945, gồm nhiều đơn vị gọi là Phường, đặt theo thứ tự là Phường Đệ Nhất, Phường Đệ Nhị (1er quatier, 2 er quatier). Vùng ngoại ô Nha Trang gồm có Phường Sài (thường gọi Phương Sài), Phường Củi, Trường Đông (Cửa Bé), Trường Tây (Cầu Đá). Nghị định ngày 30/6/1924 của viên Toàn Quyền Đông Dương thiết lập thị trấn Nha Trang với bốn làng là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh và Phương Sài. Nghị định ngày 15/3/1944, thị trấn Nha Trang được nâng thành thị xã với năm phường là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải. Phước Hải trước 1944 gồm có Xóm Giá (chuyên làm giá) và Xóm Dương, nhà cửa thưa thớt, toàn là đồng cát, gò mả và cây ma dương. Năm 1945, tỉnh lỵ được dời từ Diên Khánh tới Nha Trang. Thời Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh Khánh Hoà gồm các quận Vạn Ninh, Ninh Hoà, Vĩnh Xương, Diên Khánh và Cam Lâm, với tỉnh lỵ Nha Trang. Ngày 27 tháng 01 năm 1958, bải bỏ qui chế thị xã, chia Nha Trang thành hai xã, là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây, đều thuộc quận Vĩnh Xương.

 

Theo Gabrielle Vassal (4), một phụ nử Anh có chồng Pháp là bác sỉ thú y làm tại Viện Pasteur, đã sống ba năm ở Nha Trang từ năm 1904, thì Nha Trang là một làng đánh cá nghèo nàn với khoảng 3 ngàn dân, đa số sống nghề đánh cá, nhà tranh, một ít là nhà ngói, có một khách sạn nhỏ của người Tàu, con nít còn ở truồng chơi ngoài đường. Đa số dân chúng bị bịnh mắt bét, mắt hột. Theo Gabrielle Vassal, so với vùng phụ cận Sài Gòn thời đó, thì Nha Trang quá nghèo nàn. Cửa Bé là cảng tàu tây phương cập bến, ở đó người Pháp có xây một hải đăng hướng dẫn tàu bè. Cửa Bé cũng rất nghèo nàn, cứ mỗi 15 ngày có một chuyến tàu bằng hơi nước chạy đường Sài Gòn Hải Phòng ghé cập bến Cửa Bé. Đường từ Cửa Bé đến Nha Trang là đường mòn nhỏ hẹp đầy ổ gà, với bụi cát và bùn lầy, với chiếc xe cọc cạch với con ngựa nhỏ thó. Đoạn quốc lộ qua Nha Trang cũng tương tự như vậy. Cũng khoảng thời điểm này, Nha Trang có khoảng từ 20 đến 30 người Âu Châu, đa số là Pháp, gồm nhân viên hành chánh (đa số là thuế vụ) và quân sự Pháp, kỹ sư Lục Lộ (Công Chánh), Hoả Xa (bắt đầu xây dựng) và các nhà truyền giáo. Đứng đầu là vị Công Sứ (Résident Maire) Pháp. Về mặt kiến thiết, Nha Trang lúc đó (1904) đã có Avenue de la Plage (Đại lộ Duy Tân) chạy dọc biển, dọc đó đã có Viện Pasteur (xây năm 1895), dinh Công Sứ (khu Tỉnh Trưởng), dinh Quan Năm (tức Bác Sỉ Yersin, xây 1895) ở Xóm Cồn, vài nhà người Pháp, một khách sạn (có lẽ khách sạn La Frégate) dành cho người Âu Châu và Bưu Điện. Nhà của người Pháp xây bằng gạch tường quét vôi trắng, mái ngói nâu, nhà có 3 gian, mặt trước là hàng hiên, phía trước là một vườn hoa rộng. Mặt sau là một nhà cách biệt gồm nhà bếp, phòng dành cho gia nhân người Việt khoảng 4-5 người. Chợ Nha trang vừa được xây (chưa phải Chợ Đầm), nền xi măng, mái ngói, còn nhỏ hẹp, chợ nhóm ngày hai buổi, sáng và chiều, trái cây, rau cải, cá mắm bán la liệt chung quanh chợ. Vào mùa khô thì chợ đầy bụi bậm, vào mùa mưa thì ngập nước phải lội có khi tới đầu gối. Chợ Đầm Nha Trang được xây cất lại đầu thập niên 1930s, nền cao trên 1 m để tránh ngập lụt, dài và rộng thoáng hơn trước, dọc theo đường phố và bờ hổ có xây nhiều kiosks. Chợ này bị cháy hoàn toàn năm 1966, và được xây cất lại trên khu đất kế cạnh, vốn là một cái đầm được lấp. Đó là Chợ Đầm ngày nay. Con đường từ Lầu Quan Năm (Yersin) sát bờ sông, chạy dọc bờ tường Khu Công Sứ, có tên “Rue de l’Observatoire”, sau 1950 đổi thành đường “Thiên Văn” rồi “Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

 

Cũng theo bút ký của Gabrielle Vassal, thì năm 1904, Nha Trang có 3 đầm nước, đứng ở Tháp Bà nhìn thấy rỏ 3 đầm này. Hai đầm ở hai bên quốc lộ 1, nhỏ và cạn, sau này dần dần bị lấp, canh tác rau




Các bài mới trong mục này 

NGÀY THÁNG CÒN LẠI (Tac gia: * ĐINH LÂM THANH *), [26-08-2012]
Tiếng chim khóc bên bờ hồ (Tac gia: Duy Xuyên (Tacoma) ) , [26-08-2012]
"QUÉT LÁ " của Giao Su Trần thị LaiHồng - Hoa Bang, XII - 2010, [17-07-2012]
Tùy bút TƯỞNG NHƯ TRỞ VỀ, [12-07-2012]
Tùy bút THƯƠNG VỀ BẾN XƯA, [12-07-2012]
Truyện ngắn TIẾNG HÁT GIỮA KHUYA, [12-07-2012]
oOo Ðôi Mắt Phượng Nguyễn đạt Thịnh , [30-06-2011]
Xin gioi thieu truyen ngan: "Chúng tôi đã hại một người bạn quý" Đ. V. P , [29-06-2011]
Bố Tôi ( Hướng Dương) , [11-12-2010]
6 Câu chuyện ngắn - "Đọc và Nghĩ", [15-10-2010]
Các bài khác »
Disclaimer: The above information are collected from various sources in internet.We will not be liable for indirect, special, or consequential damages (or any loss of revenue, profits, or data) arising in connection with these news. We are not news publisher or editor.

 

 

New Page 1


Copyright © 2006-2014. Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang Viễn Xứ. www.VTNTHNTVienXu.com. All rights reserved
.