Ở Ngọc Hội, có chùa Kim Sơn là cổ kính nhất, có lẽ xây dựng từ 1708. Năm Canh Thân (1740), Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sắc cho đổi tên là Chùa Qui Tôn, lại ban cho biển ngạch. Ngoài ra, chùa An Dưỡng ở Thái Thông do Ngài Thiệt Phú xây dựng có lẻ cũng từ năm 1708.
Một miếu nổi tiếng và cổ xưa nhất Nha Trang còn tới ngày nay là một miếu thờ thần linh xây dựng năm 1795 trên một ngọn đồi ở Sinh Trung. Ngay sau khi lên ngôi năm 1802 vua Gia Long truyền lệnh xây dựng lại quy mô miếu này - Miếu Tinh Trung - để thờ các anh hùng, công thần, tử sỉ có công với Nhà Nguyễn. Địa danh Sinh Trung bắt nguồn từ Tinh Trung. Năm 1852, vua Tự Đức cho trùng tu lại và đặt tên Trung Nghĩa Miếu. Đức Từ Cung Thái Hậu (Mẹ vua Bảo Đại) thường đến cúng lễ hàng năm. Năm 1950, ngài hiến dâng miếu này cho Phật Giáo, và kể từ nay trở thành Chùa Kỳ Viên. Dân Nha Trang còn gọi là Chùa Núi. Vị hoà thượng đầu tiên trụ trì là Hoà Thượng Thích Thiện Minh.
Chùa Hải Đức được Thiền Sư Sư Viễn Giác xây năm 1883, trong thành phố Nha Trang. Đầu tiên chỉ là một ngôi chùa nhỏ, có tên Duyên Sanh Tự. Đến 1891, xây chùa lớn trang nghiêm hơn mang tên Hải Đức Tự. Năm 1943, Đại sư Bích Không dời chùa lên đồi Trại Thuỷ, chùa hoàn tất năm 1945. Cũng trên đồi Trại Thuỷ, còn hai chùa nữa là Chùa Long Sơn và Chùa Bửu Phong (hay Linh Sơn). Nổi tiếng là tượng Phật cao 9 m xây dựng năm 1963, cao 14 m kể cả bệ hoa sen. Leo 152 tam cấp.
Các nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo người Pháp đến Nha Trang từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Năm 1653 cha Dòng Tên là Phêrô Marques và năm 1655 một cha Giám Tỉnh Dòng Tên khác là Phanxicô Rivas đến giảng đạo tại trấn Khánh Hoà. Năm 1664, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (Société des missions étrangères) gởi Cha Chevreul đến truyền đạo ở các tỉnh Miền Trung, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạo. Năm 1672, Cha Lambert de la Motte trên đường đi họp Cộng đồng Ðàng Trong cùng với hai cha Miền Nam tiên khởi là cha Giuse Trang và Luca Bền đến Chợ Mới giảng đạo.Thiên chúa giáo phát triển mạnh ở Khánh Hoà kể từ năm 1793, khi giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine) được chúa Nguyễn Ánh sai đến tăng cường phòng thủ thành Diên Khánh cùng với hoàng tử Cảnh, Phạm Văn Nhân và Tống Phúc Khê. Bá Đa Lộc bấy giờ là đại công thần của chúa Nguyễn Ánh. Nhờ vậy, các làng đạo Thiên chúa giáo thành hình đầu tiên ở Khánh Hoà là xóm đạo Hà Dừa (kế thành Diên Khánh), Bình Cang (giữa Thành và Nha Trang) và Ngọc Hội (Chợ Mới). Từ các địa phận này, Thiên Chúa Giáo được phát triển đến Nha Trang và các địa phương khác ở Khánh Hoà. Vào những năm 1858-1862, phong trào “Sát Tả” chống phá Thiên Chúa Giáo dưới thời Tự Đức, các làng này bị tổn thất khá nhiều nhân mạng, một số dân theo đạo bị đem xử trảm tại Cầu Sông Cạn. Tổng số con chiên của toàn tỉnh Khánh Hoà năm 1887 là 1210 người.
Năm 1929, Nha Trang chưa có nhà thờ, có khoảng 300 con chiên, đa số làm nghề đánh cá, nông dân, một số ít là công chức. Tuy nằm trong thị xã, nhưng Nha Trang lại là họ nhánh thuộc giáo xứ Chợ Mới. Ngày Chúa Nhật, cha sở Chợ Mới lên Nha Trang làm lễ tại một ngôi nhà trên Avenue De La Plage, hiện nay là trụ sở Tòa Giám Mục. Nha Trang lúc bấy giờ trên phương diện kiến thiết cũng chưa có
gì đáng kể ngoài khu chợ với vài dãy phố buôn bán và một số biệt thự của Pháp cất dọc theo bãi biển. Nha Trang vào năm này chưa có Chợ Ðầm và Nhà Thờ Núi. Ngay sau khi được cử làm họ đạo Nha Trang, linh mục Vallet (Louis-Agrève-Célestin, 1869-1945, tạ thế tại bịnh viện Nha trang) chọn một ngọn đồi ở tây nam Nha Trang tức Núi Một để xây cất nhà thờ. Bắt đầu khởi công vào tháng 2 năm 1929, mất gần 3 năm để làm đường lên núi và chuẩn bị xây cất, năm 1932 mới thật sự xây cất, mãi tới Phục Sinh 1933 mới hoàn tất, nhà thờ Núi được Ðức Giám Mục Grangeon (Ðức Cha Mẫu) làm phép. Hơn một năm sau, nhà thờ Núi có thêm hai chuông lớn và đồng hồ còn lại cho đến ngày nay. Về sau Núi Một bị xẻ làm đôi thành con đường Nguyễn Trải.
Đối diện với Tháp Bà bên kia Quốc Lộ 1, trên một ngọn đồi tuyệt đẹp là nhà Tập Dòng Sư Huynh La San, Tu viện Phanxicô, Tiểu Chủng Viện Hoa Mai (thành lập năm 1954), nhà Nữ Tu Kín (khánh thành tháng 9 năm 1961). Cha Maurice Bertin thuộc dòng Phanxicô đến Nha Trang bắt đầu công việc xây dựng Tu Viên PhanXicô cùng với các cha Hugolin Lemestre, André Durand và Léonard Ramon, vào khoảng tháng 6 năm 1938 và gần hai năm sau, tháng 7 năm 1940, tu viện Phanxicô hoàn tất.
Quốc lộ xuyên Việt bắc nam đi qua Nha Trang đã có từ thời Chiêm Thành, nhưng núi rừng ma thiêng nước độc, lắm đèo cao, nhiều sông rộng, đường bộ chỉ dùng khi chinh chiến. Giao thông chính vẫn là đường biển, từ các cảng Chutt, Cửa Bé và Cam Ranh thuyền bè tấp nập ra bắc vào nam. Sau khi thống nhất đất nước (1802), vua Gia Long cho trùng tu lại quốc lộ Bắc Nam (Route Mandarine – Đường Cái Quan hay Quan Lộ) từ năm 1803, và thành lập các bưu trạm liên lạc bằng ngựa. Đường bằng đất, có nơi rải đá, mùa hè thì bụi bậm, mùa mưa thì lầy lội. Đến thời Pháp (sau 1885), để đặt nền cai trị lâu dài và khai thác tài nguyên, chính quyền Pháp
Nha Trang có hai chiếc xe hơi đầu tiên vào năm 1901 là của Bác sĩ Yersin: đó là chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément, và một thuyền máy mua từ Pháp, trong khi công sứ tại Nha Trang chưa có xe. Hai năm sau (1903), ông bán chiếc Serpollet năm mã lực này cho ông công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu mã lực. Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, để tậu chiếc Serpollet mười một mã lực. Năm 1910, ông định mua một chiếc máy bay, nhưng vì cả Việt Nam chưa có phi trường, nên bỏ ý định đó. Air France mở chuyến bay dân sự đầu tiên Sài Gòn-Paris năm 1932, phải mất cả tuần lễ mới tới nơi. Bác sĩ Yersin đáp chuyến bay đầu tiên này để về Pháp.
Đường xe lửa xuyên Việt bắt đầu thiết kế xây dựng ở Việt Nam năm 1904, đoạn Phan Rang - Nha Trang hoàn tất năm 1912 với các ga Suối Dầu, Cây Cầy, Phú Vinh, Nha Trang, Ngọc Hội, v.v.
Công trình phát triển Nha Trang phải nói là nhờ Bác Sĩ Yersin. Bác sĩ Yersin đến Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 1890, đặt chân đến Nha Trang ngày 29 tháng 7 năm 1891, và qua đời ngày 01 thảng 3 năm 1943, chôn trên một ngọn đồi nhỏ trong vườn cao su Suối Dầu.
Viện Pasteur đựợc xây năm 1895 do Bác Sĩ Alexandre Yersin chủ xướng. Với 5000 đồng bạc do toàn quyền Đông Dương Chevassieux trợ cấp, Yersin lập một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ bể Nha Trang, và cất tại Suối Dầu một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ chuột, dùng cho việc thí nghiệm. Năm 1896, ông được chánh phủ biệt phái một viên thú y nhà binh là Pesas đến săn sóc thú vật. Năm 1896, thống chế Lyantey (lúc bấy giờ là thiếu tá) đến thị sát Nha Trang và thăm viếng Viện Pasteur. Cũng năm này, Yersin chọn cái lô-cốt hai tầng bỏ hoang gần xóm Cồn tại cửa Sông Cái để xây nhà ông –Dinh Ông Năm. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, nơi đây vốn là một đồn biên phòng rất lâu đời. Dinh Ông Năm mỗi bề khoảng 7m50, có 3 tầng. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc, có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn. Ông cho làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.
Năm 1897, Bác sĩ Yersin cho nhập nội giống cao su vào trồng thí nghiệm ở Suối Dầu, và sau đó với sự cộng tác của kỹ sư canh nông Vernet, hơn 100 ha cao su được trồng vào năm 1909. Năm 1915, Bác sĩ Yersin cho trồng thí nghiệm cây kí-ninh ở Hòn Bà để cung cấp thuốc trị sốt rét trong thời đệ nhất thế chiến. Bác sĩ Yersin cũng mở hai trại nuôi bò, một ở đảo Hòn Tre và một ở Suối Dầu. Về sau, bỏ đảo Hòn Tre, và bò ở Hòn Tre trở thành bò rừng.
Hải Học Viện Nha Trang được thành lập tại Cầu Đá năm 1921. Giám đốc đầu tiên là Armand Krempf. Công tác xây cất với đầy đủ trang bị khoa học và khánh thành ngày 01/01/1930. Hải Học Viện Nha Trang đã nổi tiếng quốc tế vì những nghiên cứu hải dương học kể từ năm này. Tháng Hai năm 1933, vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đến thăm viếng. Ngày 01/01/1952, Hải Học Viện được trao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, vị giám đốc người Việt đầu tiên là Ông Ngô Bá Thành. Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ và Giáo sư Nguyễn Hải có một thời làm việc ở đây.
Thầy Nguyễn Hải cũng dạy Võ Tánh khoảng 1956.
Nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại xây cất năm 1923 trên một ngọn đồi ở Cầu Đá.
Grand Hotels trên Avenue de la Plage hoàn thành vào cuối thập niên 1920s.
Có hai rạp hát xi-nê đầu tiên của Nha Trang vào cuối thập niên 1930. Trên đường Độc Lập có rạp Abraham, năm 1953 ông Tôn Thất Đệ mua lại đổi tên thành rạp Tân Tân. Kế gần đó là rạp Tân Tiến, chủ là một người Ấn Độ. Rạp hát bội Thạnh Xương do ông Cò Xương thành lập khoảng 1940s để đáp ứng nhu cầu xem hát bội của dân Nha Trang ngày trước.
Nha Trang nổi tiếng với phong cảnh đẹp tuyệt vời. Con dân gốc Nha Trang, trong nước cũng như ngoài nước, đều hãnh diện về quê hương của mình. Nha Trang còn nổi tiếng quốc tế. Tháng 6 năm 2003, Nha Trang được Câu Lạc Bộ các vịnh đẹp trên thế giới công nhận là một trong số 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Tin vui này đến trễ. Hơn một trăm năm trước (112 năm), vào một buổi sáng đẹp trời ngày 6 tháng 5 năm 1891, một thanh niên Pháp gốc Thuỵ Sĩ, 28 tuổi, làm y sĩ trên một tàu hàng hải đã sửng sờ trước phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng của Vịnh Nha Trang. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những dãy núi chập chùng trên đất liền, với các hòn đảo nhấp nhô trên sóng biển xanh, với bải cát trắng phau thấp thoáng xa xa. Chàng trai vội viết vào nhật ký "Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới đến Nha Trang tàu phải neo cách bờ một dậm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế không lên bờ được. Thật đáng tiếc vì vùng nầy có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục”. Hai tháng rưởi sau, ngày 29/07/1891, khi chuyến tàu trở lại vùng này, chàng xin phép lên bờ với chiếc thuyền độc mộc. Phong cảnh quá hữu tình, với bờ biển, cửa sông, các đảo ngoài khơi màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, với khí hậu ôn hoà, đã chinh
phục chàng trai. Chàng quyết định bỏ làm y sĩ trên tàu, và chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba. Chàng làm việc trên 50 năm tại thành phố biển này, và trước khi từ trần, ngày 01 tháng 3 năm 1943, đã trăn trối với người cọng sự thâm niên, Ông Bùi Quang Chiêu của Viện Pasteur Nha Trang “Hãy giữ tôi ở lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi. Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu”. Đó là Bác sĩ Alexandre Yersin, người đầu tiên đã mô tả vẻ đẹp của Vịnh Nha Trang, và ông đã hiến dâng cả cuộc đời ở quê hương này, nhờ đó thành phố Nha Trang mới có được nổi tiếng ngày hôm nay.
Cám ơn các anh Trần-Đăng Nhơn và Trần-Đăng Lộc bổ túc và cho ý kiến.
Vì thiếu nhiều tài liệu chính xác, một số thời điểm và địa danh có thể sai lầm, mong các bậc uyên bác chỉ giáo.
Tài liệu chính tham khảo
1. Nguyễn Văn Huy (2005). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. www.thongluan.org ngày 27/02/2005.
2. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.
3. Quách Tấn (1969). Xứ Trầm Hương. Sài Gòn: NHB Lá Bối.
4. Gabrielle M. Vassal (1912). Mes trois ans d’Annam. Paris: Hachette.
5. Nguyên Hương. Lịch sử Giáo Phận Nha Trang. http://www.gpnt.net/giaophan/lichsugpthem.htm
6. Trần Gia Phụng (2000). Quảng Nam Trong Lịch Sử, Toronto: Non Nước.
Reading (UK), 01 May 2006
Trần-Đăng Hồng
|