Hồi mới qua Mỹ vào tháng 10 năm 1975, gia đình tôi ngụ tại Durham, North Carolina. Durham là một thành phố đặc biệt; thành phố nhỏ và không phồn thịnh nhưng lại có trường đại học Duke to lớn nguy nga với nhiều nhà lầu đồ sộ bằng đá bao quanh một tháp chuông cao ngất, một vườn hoa bao la với cây lá xanh tươi và hoa rực rỡ, và một khu rừng rậm rạp bát ngát trồng đủ loại cây cao chót vót. Chắc có lẽ vì khó tìm việc trong khu đại học hay ngoài thành phố, nên chỉ có bốn gia đình Việt-Nam định cư tại đây; bốn gia đình chúng tôi hay rủ nhau đi xuống thành phố Fayetteville để gặp người Việt-Nam và mua thức ăn.
Fayetteville không xa Durham lắm, là một thành phố đặc biệt -- cái gì cũng đặc biệt đối với tôi lúc này -- vì có khu quân sự Fort Bragg khổng lồ, to gấp mấy lần thành phố, xe nhà binh chạy nối đuôi thành hàng dài, máy bay lên xuống ồn ào. Nhiều lính Mỹ tham chiến tại Việt-Nam đến từ khu quân sự này; họ cưới vợ Việt-Nam và đem vợ con về định cư xung quanh doanh trại. Những chị vợ Việt-Nam này chắc vì nhớ nhà nên hay gặp nhau để ăn uống chuyện trò, nhất là trong dịp Noel hay Tết.
Gia đình chúng tôi ăn Tết tha hương đầu tiên tại Fayetteville. Hầu hết đồ ăn và nước uống cho Lễ Mừng Xuân đều do các chị Việt Nam sống lâu tại thành phố này lo liệu. Đồ ăn ê hề và thơm lừng hương vị Tết: bánh tét, bánh chưng, thịt heo quay, mứt gừng . . Lễ Mừng Xuân được tổ chức trang nghiêm và ấm cúng. Bàn thờ Tổ Quốc đặt giữa một cành hoa mai vàng làm bằng giấy và mấy cây tre tươi, cành nhỏ phủ xuống la đà và rung rinh theo bước chân mấy người đi lại trên sân khấu; lư trầm trên bàn thờ Tổ Quốc tỏa mùi thơm ngát; khói trầm và hương quyện quanh lá cờ vàng ba sọc đỏ, mới toanh rực rỡ.
Lễ chào Quốc Kỳ bắt đầu, mọi người đứng lên để hát Quốc Ca; ông xã tôi khóc; tôi luống cuống tìm giấy kleenex để đưa cho ông xã lau nước mắt, nhưng tôi tìm hoài không ra. Mọi vật chung quanh tôi bỗng nhiên mờ nhạt, chìm khuất trong một màn mưa; tôi nhắm mắt lại cho nước mắt chảy dài xuống má. Hai con gái tôi hoảng hốt, nắm chặt tay tôi và kéo nhè nhẹ. Suốt buổi lễ chào Quốc Kỳ, tôi chỉ ấp úng được hai câu trong bài Quốc ca.
Nước mắt của tôi đã được một chị Việt-Nam ở Fayetteville chú ý. Khi tiệc Tết bắt đầu, chị đến bên tôi hỏi chuyện. Tôi thấy mắt chị ấy còn ướt, chắc chị ấy cũng vừa khóc như tôi. Chị tên Tùy, sinh ra và lớn lên tại Nha Trang, theo chồng qua Mỹ từ năm 1969, có hai con gái nhỏ. Khi tôi cho chị ấy biết tôi ở Nha Trang và học trường Nữ Trung Học và Võ Tánh, chị ấy ôm vai tôi và mắt đỏ hoe. Tôi yên lặng, tôi nghĩ chị ấy chắc có tâm sự buồn hay đương nhớ cha mẹ, anh em và Nha Trang như tôi. Chị Tùy già giặn, ăn nói rất thứ lớp. Chị lớn tuổi hơn tôi, nhưng cứ xưng “em” với tôi, dù tôi đã nói chị ấy đừng xưng hô như vậy. Chị lấy thức ăn cho gia đình tôi nhưng không ăn gì hết, cứ nhìn tôi quan sát, chờ đợi; chốc chốc lại thở dài. Sau bữa ăn, chị ra xe lấy cho tôi một gói rau thơm. Tôi định theo ông xã và hai con vào phía trong xem văn nghệ mừng xuân nhưng rồi ngồi lại nói chuyện với chị suốt buổi chiều; đây là lời tâm sự của chị Tùy.
***
Nhà em ở cuối xóm Mã Vòng, nghèo khổ lắm. Em có hai anh trai và hai em gái. Hai anh em chẳng làm nên tích sự gì, chỉ học hành qua loa vài năm rồi đi làm lơ xe đò đường Ninh Hòa-Nha Trang. Tiền làm được bao nhiêu hai anh ấy chỉ mua bia cao bia lùn, chẳng còn đồng nào để giúp gia đình. Hai em gái em ốm yếu, nhác học và vì phải giúp mẹ em bán rau ngoài chợ Đầm. Ba em làm phu khuân vác ngoài Cầu Đá. Ba em hay say sưa và chửi mắng mẹ em. Mẹ em chỉ âm thầm chịu đựng nhưng lắm lúc lại trút sự bực tức lên đầu em và hai đứa em gái của em. Gia đình em xào xáo hoài, chẳng có chút gì yên vui hết.
Em học trường Tiểu Học Bồ Đề. Tính tuổi thiệt, em lớn hơn bạn cùng lớp hai ba tuổi nhưng ba em khai trụt lại khi làm khai sanh. Tuy vậy em học không giỏi, em không theo kịp mấy đứa bạn. Em không có thì giờ để học vì ban đêm và sáng sớm em phải giúp mẹ em lựa rau, bó rau, tưới rau để đi bán; ngày nghỉ học em phải ở suốt ngày ngoài chợ giúp mẹ em. Tuy vậy em rất thích học. Học là nguồn vui của em. Em ít khi có thì giờ yên ổn để học; em hay bị ba em đánh đòn một cách vô cớ, chẳng có lý do gì hết; em thường bị mẹ la vì không giúp mẹ nhiều như mẹ muốn, nhưng em phải học. Đã mấy lần mẹ em muốn em nghỉ học như hai anh của em, nhưng em nhịn ăn, nhịn uống, khóc lóc, năn nỉ, nên mẹ em đành để em đi học. Và sau mỗi lần như vậy em lại càng cố gắng học nhiều hơn. Mộng ước của em là học giỏi để được đậu vào đệ-thất trường Võ Tánh. Hai chữ “Võ Tánh” sáng lòa và vang dội trong đầu em từng đêm. Em thức khuya để học; giờ khi mọi người đi ngủ hết là giờ yên ổn nhất cho em học. Vì học khuya nên em ngủ gục trên bàn, có khi cho đến sáng khi mẹ em thức dậy sửa sọan ra chợ.
Em học không giỏi, nhưng chẳng biết nhờ ai giúp đỡ; em chỉ biết thắp hương trên bàn thờ van vái ông bà phù hộ cho em. Nếu em không thi đậu…, em phải nghỉ học, em sẽ như mấy đứa bạn em trong xóm, chẳng làm được việc gì ra hồn hết… Em không dám nghĩ đến cảnh đó, em sợ lắm, em không muốn giống như hai anh của em... Em phải cố thi đậu. Nhưng nếu em thi đậu, chưa chắc em sẽ được đi học, vì biết tìm đâu cho ra tiền để may áo dài, mua guốc, sách vở, bút mực. Dù sao đi nữa, em cũng phải cố thi đậu; em phải cố gắng thật nhiều. Nếu em may mắn thi đậu, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, em sẽ tìm một nhà có lòng tốt nào đó để xin làm người giữ em hay giúp việc, và em sẽ đi học.
Em đi thi đệ thất. Em lo lắng hồi hộp chi lạ. Em đi một mình và đứng lủi thủi sau một gốc cây trong sân trường. Khung cảnh trường Võ Tánh làm em khiếp sợ; em đi ngang trường này nhiều lần nhưng không thấy trường to lớn như hôm đó. Bài thi Việt Văn bình giảng câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim” em làm được vì em thích làm luận và nghe kể chuyện; nhưng bài toán động tử với hai chiếc xe chạy mau rồi chạy chậm, chạy rồi đứng, đứng rồi chạy, làm em tối tăm mù mịt. Em ngồi cắn bút, đau xót trong lòng, nước mắt rớt xuống như mưa, làm ướt cả tờ giấy thi.
Em thi hỏng, thế là hết, em phải bỏ học. Em âm thầm một mình; ba em chẳng biết gì về chuyện học hành của em; mẹ em chẳng hỏi han gì hết, chỉ bảo em ra chợ bán rau. Em thẫn thờ ba bốn ngày và đau cả mấy tuần. Mẹ em lo âu và bây giờ mẹ em mới mơ hồ hiểu được lòng em; nhưng mà muộn quá rồi, giấc mơ Võ Tánh của em đã tan tành. Nhưng dù mẹ em có hiểu sớm hơn, mẹ em cũng không giúp được gì cho em.
Ngày hai buổi em ra chợ lựa rau, bó rau và bán rau. Em làm việc nhiều, mẹ em vui lòng nên em thấy khuây khỏa đi phần nào. Nhưng một chiều, một đám học trò con gái cỡ tuổi em, tay ôm đầy sách vở, thướt tha trong chiếc áo dài trắng, ra chợ mua trái cây. Em chắc họ là học trò Võ Tánh vì họ vào chợ Đầm từ hướng đường Bá Đa Lộc. Họ là mấy nàng tiên trong câu chuyện em nghe bà ngọai kể hồi còn nhỏ. Họ vui tươi, vừa ăn trái cây vừa cười nói hồn nhiên, không chút khổ tâm buồn bực như em. Em ước mơ được hòa nhập với họ; em sẽ chỉ cho họ lựa mấy trái khế ngọt, mấy trái me chua; họ không biết lựa trái nào tươi, trái nào ngon… Chẳng có ai trong họ biết em nhìn lén họ, tuy họ rất gần em. Khi họ đi rồi, em đến hàng bán trái cây, đứng tại chỗ họ đã đứng, mua mấy trái cây họ đã mua, và cố ăn như họ đã ăn, nhưng trái khế chua làm em nghẹn ngào, nước mắt chỉ muốn trào ra. Trời đã xế chiều, em thấy chợ Đầm sao buồn quá. Và từ chiều đó giấc mơ Võ Tánh lại làm em buồn khổ, chán nản.
Em trông ngóng đám học trò trở lại, chiều nào em cũng nhìn ra hướng đường Bá Đa Lộc. Rồi em gặp họ: em đi học với họ, em bước qua cổng trường Võ Tánh, trường rộng thênh thang, cô giáo thầy giáo nghiêm khắc, bạn học của em ai cũng thích em và em học rất giỏi. Em tỉnh giấc, em biết mình vừa nằm mơ. Em đưa tay vuốt mặt, mười ngón tay vẫn còn thơm mùi rau tần-ô em mới lặt và bó chiều hôm trước…
Thời gian qua mau; em bán rau đã được gần năm năm. Mẹ em và em làm việc cực nhọc, suốt ngày đêm nhưng nhà vẫn nghèo khó. Ba em đã bớt say sưa, chửi bới, nhưng người đã yếu hẳn; bệnh cũ tái phát, hai đầu gối đau nhức mỗi khi trở trời, mẹ em đi lại rất khó khăn. Nhà một bà bạn của mẹ em cũng nghèo khó như nhà em nhưng nhờ đứa con gái đi làm sở Mỹ nên khấm khá hơn nhiều. Vài lần, người con gái ấy rủ em đi làm với cô ta nhưng em từ chối. Bấy giờ giấc mơ Võ Tánh không còn nữa, nhưng em không muốn đi làm sở Mỹ; em cố xây dựng một cuộc sống sao cho khác cuộc sống của hai anh em hay của mấy đứa bạn trong xóm. Em sẽ cố giúp gia đình cho đến khi em đi lấy chồng. Khi có gia đình, em sẽ cố lo cho con đi học, và biết đâu con em sẽ học trường Võ Tánh. Nếu vậy thì giấc mơ Võ Tánh của em vẫn còn, con em sẽ mang hy vọng của em và thực hiện giấc mơ đó cho em.
Nhưng rồi ba em ngã bệnh, mẹ em ít khi ra chợ vì đầu gối đau nhức, em một mình xoay xở không nỗi việc buôn bán nên đành đi làm sở Mỹ. Làm sở Mỹ một tháng bằng buôn bán ngoài chợ cả một năm. Mới làm được mấy tháng em đã cứu vãn được tình thế bi đát của gia đình. Ba mẹ em rất hài lòng; hai em gái của em khoái chí vì có bánh kẹo và cô-ca để ăn uống suốt ngày nhưng em phải lo lắng nhiều, tránh né nhiều. Bánh mì, bơ, bánh ngọt … thay đổi hẳn con người em, xóa đi sự nghèo đói, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng nơi em. Thuốc gội đầu, xà phòng thơm, kem thoa mặt… làm tóc em đen mượt, hết cháy nắng, hết khô nứt; da mặt em hết sần sùi, tay em trắng mịn. Em trở thành một cô gái cao lớn, không có vẻ thiếu ăn thiếu mặc như trước. Em đến tiệm may đầu chợ Đầm may mấy chiếc áo dài trắng khá đắt tiền mà em hằng mơ uớc; em lại hàng guốc gần chỗ em bán rau mua mấy đôi guốc cao quai da màu sặc sỡ. Với mấy thứ đó, em giống như một cô học trò thực sự. Nhìn mình trong gương, em thấy vui vui nhưng rồi bâng khuâng, buồn bực. Phải chi em được làm học trò, mỗi ngày cắp sách đi học. Em không phải là một học trò, em đương làm công việc có nhiều cám dỗ, bất trắc mà em phải cố né tránh hàng ngày; nhưng biết em có tránh né được không, và được bao lâu.
Một buổi chiều tình cờ em đi ngang trường Nữ Trung Học, một trường mới mở dành riêng cho học trò con gái. Nếu trường này mở ra lúc em còn đi học, biết đâu em đã thành cô học trò, vì trường rộng hơn, thu nhận nhiều học trò hơn; em nghĩ loanh quanh và thẫn thờ bước đi. Khi em đến gần cổng trường thì trường tan học. Học trò trong trường đổ ra khắp đường Lê văn Duyệt rồi tràn ra phía đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Tri Phương, trông như một đàn bướm trắng nhởn nhơ bay lượn khắp nơi. Em bước theo một đám chừng mười cô đang cười đùa, níu kéo nhau đi về phía Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Một cô nhìn em với cặp mắt tinh nghịch nhưng hiền lành, ngây thơ; chắc với chiếc áo dài trắng và đôi guốc cao, em trông giống một cô học trò lắm. Em đi theo nhịp bước chân của họ, em lắng nghe và hiểu những gì họ cười nói; tự nhiên em cảm thấy gần gũi họ…, em đã được nhập bọn với họ. Đi được một quãng xa, em dừng lại, nhìn họ chìm khuất sau mấy dãy nhà. Em lại xa cách họ… và xa cách hơn bao giờ hết… Từ ngày đi làm sở Mỹ, tiếp xúc với nhiều cô gái từ khắp vùng quanh Nha Trang cùng hoàn cảnh như em, em hiểu ngay rằng giấc mơ Võ Tánh là giấc mơ quá cao xa đối với em, ngoài tầm tay em.
Em quay lại phía trường Nữ Trung Học và đứng nhìn con đường Lê văn Duyệt và sân trường cho đến khi vắng lặng không còn bóng một tà áo trắng nào. Em nghĩ đến cuộc sống bình thường em mong muốn thực hiện. Em phải có con đường riêng của em, con đường đưa đến một cuộc sống khá hơn cuộc sống của ba mẹ và hai anh của em… Em nghĩ tới công việc em đang làm, những việc tối đó em phải làm trong nhà bếp của trại lính Mỹ, và tự nhiên em quyết định sẽ nghỉ làm. Ba mẹ em sẽ chống đối và buồn bực nhưng em đã quyết định cho đời em. Em đã có chút tiền dư, em sẽ bán trái cây hay mở một hàng xén nho nhỏ…
Em không biết em đứng nhìn trường Nữ Trung Học đã bao lâu. Chắc lâu lắm. Nếu bác cai trường không ra đóng cổng trường thì chắc em đã quên mất chuyện đi về. Em đi về, trời đã xế chiều, bóng em đổ dài trên đường Lê văn Duyệt; em thấy nhẹ nhàng vì lòng em đã nhất quyết. Em sẽ xây dựng một đời sống bình thường như em ước mong. Nếu em may mắn có được một gia đình yên ổn, em sẽ cố lo cho con em học hành và biết đâu con em sẽ đem lại cho em những điều em từng ước mơ.
Nhưng số phận em đen bạc… Em chưa kịp nghỉ việc để thực hiện điều em mong ước thì bệnh cũ tái phát, ba em đau nặng hơn mấy lần trước; em phải làm nhiều hơn và xông xáo nhiều hơn để lo chạy chữa thuốc thang. Trong khi em cố loay hoay xoay xở thì em chạm trán với Ron. Từ lâu, em cố né tránh hắn, nhưng bấy giờ em không thể tiếp tục được và hắn là người duy nhất có thể giúp em. Hắn giúp đỡ em tận tình. Hắn chìu chuộng em và có đôi phần kính nể em -- suốt đời em chưa bao giờ ai được chìu chuộng và kính nể. Sau khi ba em lành mạnh, hắn tặng gia đình em một số tiền khá lớn để sửa nhà và làm vốn buôn bán. Em thấy yên tâm; tuổi già của ba mẹ em tạm ổn định, hai em gái của em đã lớn, em đã làm được vài việc mọn giúp gia đình. Phần em, em chẳng còn muốn mơ ước gì nữa, ước mơ nhiều rồi nhưng chẳng được gì hết; em cứ nhắm mắt bước đi, mặc cho số phận đưa đẩy… Và rồi em nhận lời theo hắn về Mỹ.
Em chuẩn bị đi Mỹ, đi thật xa và không biết sẽ trôi nổi về đâu. Em xuống đường Phan Bội Châu mua một cái cặp da học trò để đựng giấy tờ và hình ảnh gia đình. Đáng lẽ em nên mua một cái xách tay nhưng hồi còn đi học, em ước ao có được một cái cặp da như vậy nên bấy giờ em mua cho thỏa ước ao. Về nhà, em mặc chiếc áo dài trắng và xách cái cặp da đi lại trong phòng. Em chưa bao giờ được xách cặp da đi học; múa may với cái cặp da, em giống hệt như một cô học trò. Em nhìn mình trong gương và khóc suốt cả buổi chiều. Chiều tối, mẹ em gọi em ra ăn cơm, hai mẹ con ôm nhau khóc. Mẹ em khóc vì buồn cho con gái phải đi lấy chồng nơi xứ lạ quê người, xa xôi cách trở; em khóc vì thân phận hẩm hiu của em. Phải chi em thực hiện được giấc mơ Võ Tánh thì cuộc đời em đâu đến nỗi bi đát như bây giờ, đâu phải xa làng xóm, xa cha mẹ anh em. Ngày trước, mẹ em không hiểu em và giờ phút em sắp đi xa, mẹ em cũng không hiểu em. Nhưng làm sao mẹ em hiểu được, vì mẹ em có bao giờ thấy được giấc mơ của em, và khi giấc mơ đã tan tành, mẹ em đâu cảm được nỗi đau đớn trong lòng em.
Những ngày đầu tiên trên xứ Mỹ thật buồn. Em oán trách thân phận và tiếc nuối giấc mơ của em, giấc mơ Võ Tánh và giấc mơ bình thường được sống nơi em sinh ra, có hàng xóm, có chùa chiền, có tiếng hát tuồng cải lương từ cái radio của mấy nhà bên cạnh, có lũ trẻ con chạy nhảy ngoài con đường hẻm… Em nhớ gia đình, chợ Đầm, con đường Bá Đa Lộc trước trường Võ Tánh và bờ biển với bãi cát trắng và hàng dừa xanh. Mỗi năm em đi biển bốn năm lần cho đỡ nhớ nhà. Ở xứ này không có gì giống Nha Trang ngoại trừ biển, vì biển có sóng, gió, bãi cát trắng và chim hải âu.
Ron biết em nhớ nhà và chiều chuộng em; nhưng sự chiều chuộng đó chỉ kéo dài chừng ba năm; sau đó hắn đổi thay, rất ít khi có mặt ở nhà. Em chia tay hắn và ở với hai con gái trong một căn nhà nho nhỏ. Nhà em có hoa vạn thọ trồng trước cửa để xua đuổi ruồi muỗi; phía sau có mấy chục bụi sả để rắn khỏi bò vào nhà và một vườn rau đủ loại rau thơm, rau quế, rau tía tô. Trong phòng ngủ, em bày ba chiếc áo dài trắng, mấy đôi guốc sơn quai da và một cặp sách đi học. Hai con em hay mang mấy đôi guốc và xách cặp da chạy quanh nhà gây nhiều tiếng lộc cộc vui tai và nhiều bước đi tung tăng ngộ nghĩnh. Đôi lần con gái lớn em muốn mặc thử áo dài nhưng em nói nó cố chờ vài năm nữa. Trong trí chúng, áo dài, guốc và cặp da là những thứ em dùng trong những ngày đi học, trước khi lấy chồng. Em không biết giải thích ra sao, em không muốn nói dối với con, nhưng mà làm sao chúng có thể hiểu được giấc mơ của em và cảm thông được hoàn cảnh, ý nghĩ của em, khi em mua sắm mấy thứ đó.
Em có một mấy quyển album to, một quyển đựng toàn hình trường Nữ Trung Học. Hai con em thường coi quyển album này và rất thích tấm hình trường Nữ Trung Học và cổng trường với ba chữ Nữ Trung Học in lên nền trời xanh biếc. Hai con em biết đọc ba chữ đó, giọng đọc như người trên Thành, và đinh ninh đó là tên trường ngày xưa em đi học. Ngoài bức hình đó, chúng hay chỉ trỏ, bàn tán về mấy bức hình chụp sân trường trước giờ vào lớp, giờ ra chơi và đường Lê văn Duyệt lúc tan trường. Mới đây, đứa con gái lớn hỏi em về mấy bức hình đó và em lúng túng, tìm mãi không ra câu trả lời:
“Mẹ, trong hình này mẹ đứng đâu?”
“Mẹ không có trong hình đó, con ơi.”
“Ai chụp mấy tấm hình này mẹ? Ba phải không?”
“Không phải ba con. Ông bạn của ba con chụp, ông ta là nhà báo. Ông ta chụp nhiều hình lắm.”
“Tại sao ông ấy không chụp hình mẹ?”
“Tại vì ông ấy không biết mẹ, lúc đó mẹ chưa quen ba con…”
Mấy câu trả lời của em không thỏa mãn sự tò mò của hai con em. Theo chúng, trong tấm hình giờ ra chơi, cô học trò cao, ốm, tóc đen ngang vai, trong chiếc áo dài trắng, đứng quay lưng lại ống kính chính là em, vì chiếc áo treo trong phòng y hệt áo của cô ấy mặc và em cũng cao và ốm như cô ấy. Em biết giải thích làm sao đây? Và làm sao chúng có thể hiểu được nỗi lòng em? Trong trí chúng, em là cô học trò trong chiếc áo dài trắng, vui chơi trong sân trường; trong trí em, cô học trò đó chỉ là một giấc mơ đầy nước mắt thuở nào.
***
Sau Tết tha hương đó tôi dọn nhà ba bốn lần nên mất liên lạc với chị Tùy. Chị Tùy không còn ở Fayetteville nữa, vì mỗi khi xuống đó, tôi đều cố tìm chị nhưng không được tin gì hết. Chị đã dọn nhà và chắc dọn đến một vùng biển, vì trong trí chị, chỉ có biển mới giống Nha Trang vì biển có sóng, gió, bãi cát trắng và chim hải âu. Chắc nhà chị cũng có một vườn rau đủ loại rau thơm như loại rau ngoài chợ Đầm ngày nào và chắc bây giờ hai con gái của chị đã nhìn thấy chiếc áo dài, đôi guốc và cái cặp da trong giấc mơ Võ Tánh và khung trời thơ ấu của chị.*